Uống rượu cần là dịp để trai, gái tỏ tình…
Huyện An Lão hiện có hơn 30 ngàn người,
với 3 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Hrê và Ba Na, trong đó người Hrê chiếm
hơn 1/3 dân số toàn huyện. Trước đây tộc người Hrê có nhiều tên gọi khác nhau
như Chăm Rế, Thạch Bích… nhưng sau này chính thức được gọi là Hrê. Dân tộc Hrê
thường sinh sống theo các plây (làng). Mỗi plây thường có từ 15 - 25 nóc nhà dựng
theo ven các sông, suối hoặc trên khu đất đồi thấp gần nguồn nước. Một nét đẹp
trong nếp sống của người Hrê là có sự bình đẳng giữa vợ và chồng. Hầu hết người
Hrê sinh ra đều lấy họ Đinh phỏng theo họ người Kinh…
Trong các lễ hội văn hoá - thể thao, cúng trâu, cúng được
mùa là dịp để trai gái trong và ngoài làng cùng uống rượu, cùng múa hát và mạnh
dạn tỏ tình với nhau. Đến khi những chóe rượu cần đã nhạt, thức ăn trong cái bụng,
cái đáp đã cạn thì họ chia tay và hẹn gặp nhau ở làng bên vào một dịp khác. Một
khi trai gái đã ưng cái bụng, đôi mắt cùng liếc, đôi lòng cùng ưa thì về thưa với
cha mẹ đến hỏi hoặc nhờ người làm mai mối. Khi cha mẹ hai bên đồng ý thì hẹn
ngày tổ chức đám cưới, tiệc cưới được tổ chức một ngày ở nhà trai và một ngày ở
nhà gái. Không nhất thiết phải đón dâu hay ở rể, bên nào muốn lấy người về thì
phải đem quần áo, kiềng bạc đưa cho nhà kia gọi là đồ dẫn cưới. Ngày cưới hàng
xóm mang rượu đến chúc mừng và họ ăn uống với nhau suốt 2, 3 ngày liền.
Trong lễ cưới truyền thống của người Hrê có một sắc thái
riêng trong từng tuần tự nghi lễ, mang ý nghĩa giáo dục thiêng liêng ràng buộc
sống thuỷ chung. Lễ cưới thường được tổ chức lúc nửa đêm trở về sáng. Người Hrê
cho rằng đây là giờ phút giao hòa của trời đất, các thần linh mới ứng nghiệm nhất
để chứng kiến nghi lễ và lòng thành của đôi vợ chồng trẻ và ban cho họ hạnh
phúc và no ấm. Ngày cưới họ hàng hai bên đều ăn mặc đẹp với những chiếc ly tu
(váy) có viền hoa văn, áo mới màu xanh hoặc nâu, tay và cổ đeo nhiều trang sức
bằng cườm sặc sỡ màu sắc và vòng bạc thật óng ánh, chỉ riêng cô dâu và phụ dâu
lại ăn mặc rất giản dị, đầu trùm che kín mặt để không ai nhận ra, đánh lừa được
“ma quỷ”, có như thế cô dâu mới đến được nhà trai một cách an toàn. Khi đoàn
đưa dâu đến cầu thang nhà sàn thì tiếng cồng chiêng của nhà trai nổi lên rộn rã
để đón dâu và mừng nhà họ gái nhập môn, lúc này cô dâu phải huơ chân lên khóm lửa
đã đốt sẵn ở cầu thang để làm lễ nhập hồn. Kế tiếp là phần nghi lễ xói chóe rượu
cần. Bốn người được uống rượu cúng là ông mai, già làng, đại diện nhà họ gái và
thầy cúng. Giây phút linh thiêng nhất, quan trọng nhất, ý nghĩa nhất của lễ cưới
là đôi vợ chồng trẻ thực hiện nghi lễ nhận vợ, nhận chồng.Trong sự chứng kiến của
già làng, thầy cúng cùng gia đình hai bên, chú rể trân trọng đeo vào cổ cô dâu
một sợi chỉ đỏ và cô dâu cũng làm tương tự. Sau đó hai sợi chỉ được lấy ra và cột
chặt vào nhau, cất ở nơi kín đáo nhất trong nhà, nó sẽ là vật quý được đôi vợ
chồng trẻ giữ gìn như một báu vật. Mỗi sợi chỉ tượng trưng cho cuộc đời mỗi người
và từ đây họ mãi mãi suốt đời gắn bó với nhau. Cùng với lễ trao sợi chỉ đỏ là
nghi lễ trao nắm cơm cũng không kém phần quan trọng. Ngay sau đó vợ chồng trẻ
trao cho nhau mỗi người một nắm cơm và ăn hết nắm cơm đó thể hiện tình cảm vợ
chồng trao gửi cho nhau, phải quan tâm đến nhau suốt đời như cơm ăn hàng ngày vậy.
Khi một trong hai người chết trước, người còn sống vẫn phải giữ kỷ vật là nắm
cơm và sợi chỉ đỏ cho đến khi mình chết thì được đem chôn chung. Việc làm này
còn thể hiện tấm lòng chung thuỷ son sắc trong hôn nhân của người Hrê, một khi
đã cưới nhau thì mãi mãi không được làm vợ, làm chồng của ai khác vì họ đã là hồn
của nhau. Kết thúc các nghi lễ, già làng thường có câu chúc phúc cô dâu chú rể:
“Từ nay về sau hai người sống làm người của nhau, chết làm con ma của nhau,
sinh con trai, con gái khỏe mạnh để làng có thêm người đánh cái chiêng vui, múa
hát giỏi, làm ra nhiều hạt lúa, khoai lang…”
Phong tục hôn nhân của người Hrê cũng có những cấm
kỵ khắc khe như người đồng tông không được lấy nhau, trai gái không được quan hệ
bất chính trong làng, ai vi phạm sẽ bị dân làng phạt vạ rất nặng. Vi phạm lỗi
nhẹ thì phạt rượu, gà, lợn, trâu, nặng thì tịch thu tài sản chia đều cho hai họ,
hoặc trục xuất ra khỏi làng…
Ngày nay, hôn nhân của người Hrê An Lão đã bớt đi những
ràng buộc mang tính hủ tục, nếu người vợ hoặc người chồng chẳng may bị qua đời
thì sau một năm người kia có thể kết hôn với người khác. Đám cưới của người Hrê
cũng được tổ chức theo nếp sống mới văn minh hiện đại như người miền
xuôi.
Từ Duy Tốn (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét