Đồng bào Chơ Ro
Chiếu hẳn chẳng ai trong chúng ta cũng biết,
bởi nó là vật dụng thân quen và gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của người dân
Việt. Với người Chơ Ro (Đồng Nai) chiếu còn là một vật dụng vô cùng quý báu.
Bởi thế, không giống như những chiếc chiếu
bình thường được dệt bằng khung, chiếc chiếu Lùn của người Chơ Ro được đan hoàn
toàn bằng tay, rất cầu kỳ và cận thận. Nét hoa văn trên chiếu đã phần nào phản
ánh đời sống văn hóa độc đáo của bà con dân tộc.
Nguyên liệu làm nên chiếc chiếu rất đặc biệt được lấy hoàn
toàn từ thân của cây Lùn - một loại cây mọc ở vùng đầm lầy, ven suối. Đây là loại
cây có chiều cao khoảng 1,4m đến 2 mét. Chỉ có phần thân thẳng của cây không bị
sâu bệnh, không có vết thương mới được sử dụng để đan chiếu.
Công đoạn làm chiếu cũng rất cầu kỳ,
đồng bào dân tộc Chơ Ro phải mất rất nhiều công sức mới có thể hoàn thành một sản
phẩm. Họ phải vào rừng sâu để tìm kiếm những cây Lùn có đủ tiêu chuẩn để đem về.
Sau đó họ chẻ thân cây Lùn và lột vỏ đem phơi và vót nan trong vòng 2 -3 ngày để
chống mối mọt, sau đó lại ngâm ngập nước hoặc phơi sương 1 đêm. Khi các nan đã
khô, họ bắt đầu đan, thời gian đan chiếu thường mất 2 đến 3 ngày mới hoàn chỉnh
1 sản phẩm.
Để có được một chiếc chiếu Lùn đẹp,
người đan không chỉ là người có hoa tay mà có cả óc sáng tạo hoa văn thẩm mỹ.
Tùy vào cảm hứng sáng tác của mỗi người mà tạo ra những hình thù hoa văn khác
nhau trên thân chiếu. Nhưng chủ yếu, những đường nét mỹ thuật trên chiếu là
hình thoi, hình chữ N hoặc những hình ảnh về thiên nhiên cuộc sống sinh hoạt
hàng ngày của bà con dân tộc.
Trong quá trình đan, việc tạo đường
tim khi mới bắt đầu vào công đoạn đan đầu tiên là một điểm đòi hỏi sự cẩn thận
và kỹ lưỡng của người đan chiếu Lùn. Nếu không biết tạo đường tim sẽ không thể
tạo được hoa văn và sự cân đối của thành phẩm như mong muốn. Khi đan chiếu, người
ta phải kéo làm sao cho các nan thật khít vào nhau thì chiếu sẽ không có khe hở
và nhìn một cách chắc chắn, sau quá trình sử dụng sẽ không bị xô vẹo, xộc sệch.
Chiều dài và rộng của chiếu phải được căn chỉnh sao cho từ tim chiếu ra các cạnh
của chiếu được đều nhau.
Người dân Chơ Ro rất tự hào về nghề
làm chiếu Lùn truyền thống này. Chiếc chiếu Lùn đã đi sâu vào đời sống văn hóa
truyền thống của dân tộc Chơ Ro. Đặc biệt, nó không thể thiếu được trong các Lễ
cưới, khi cô dâu và chú rể cùng nhau quỳ gối để mời rượu cha mẹ và gia đình
trong suốt buổi lễ. Chính vì thế chiếc chiếu Lùn đã trở thành vật dụng vô giá
trong đời sống của người Chơ Ro (Đồng Nai).
Đặng Ngọc Thanh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét