Bánh đót biếu mẹ chồng của người Triêng (Lý Quảng Ninh)

Với tộc người Triêng (một nhóm thuộc dân tộc Giẻ Triêng), bên cạnh kho tàng văn học dân gian phong phú, đồng bào còn lưu giữ được phong tục cưới hỏi mang nét riêng biệt. Và tục làm bánh đót biếu mẹ chồng của con dâu Triêng là nét đẹp trong hôn nhân cũng không là một ngoại lệ.
Để hiểu rõ hơn về phong tục này, mới đây có dịp về huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam) công tác, chúng tôi đã tìm gặp một số người già dân tộc Triêng ở thôn Ðắk Ốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang, nơi còn lưu giữ được khá nguyên vẹn phong tục cưới hỏi của dân tộc Triêng.

Thể hiện tấm lòng của người con dâu đối với mẹ chồng
Theo tục lệ của tộc người Triêng, sau lễ cưới họ chưa vội có con mà lo làm việc để phụ giúp hai bên gia đình. Trong thời gian 1 - 2 năm người con gái Triêng có thể về ngủ ở nhà mẹ đẻ hoặc nhà chồng. Thời gian ngủ ở nhà chồng từ tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch) cô con dâu thường lên rẫy phụ giúp gia đình nhà chồng làm cỏ, gieo trồng, vào rừng bẻ măng, xuống suối bắt cá... Thời gian ở nhà mẹ đẻ khoảng từ tháng 9 năm trước đến đến tháng 2 (âm lịch) năm sau.

Sau khi thu hoạch xong lúa mùa vào khoảng tháng 10 âm lịch. Ðây chính là thời gian mà mỗi năm, vào dịp làng ăn mừng lúa mới và tết Cha-kcha cổ truyền của người Triêng, cô dâu mới cưới tự tay mình giã gạo lúa mới (thứ gạo rẫy màu đỏ khi ăn có vị ngọt đậm, béo) và vào rừng hái lá đót về gói bánh.

Tuỳ vào khả năng kinh tế và sự hiếu thảo của con dâu và cũng tuỳ thuộc vào số thành viên anh em nhà chồng mà số bánh đem biếu có thể nhiều ít khác nhau. Nhìn chung, họ thường giã rất nhiều gạo, nhà ít cũng phải giã 1 gùi bánh (chừng 20 - 25 kg), nhà nhiều phải giã tới 2 - 3 gùi bánh. Khi việc gói bánh đã xong, người mẹ xếp từng cặp bánh đót vào gùi để con gái và anh chị chuẩn bị cùng đưa sang biếu thông gia. Thường họ biếu bố mẹ chồng chừng 50 - 100 cặp bánh đót; anh em trai của chồng mỗi người chừng 20 - 30 cặp; chị em gái chồng và cô, cậu, chú, bác của chồng mỗi người chừng 10 - 20 cặp bánh. Chính vì vậy, với những gia đình khá giả và có anh em đông thì gia đình nhà cô dâu phải giã, gói tới vài trăm cặp bánh.
Gắn kết tình thông gia: Ngoài bánh đót, nhà gái còn phải mang thêm 1 gùi gạo chừng 40kg đến biếu gia đình nhà chồng. Khi cô dâu và gia đình nhà gái đến thường được phía nhà chồng đón tiếp thịnh soạn, được mời cơm, rượu, thịt và khi ra về thường được phía nhà chồng biếu lại các loại thịt khô, như: Chim, nai, chuột, sóc, thịt heo, gà… và đôi khi có quần áo cho bố mẹ và các em nhỏ của cô dâu. Tục giã gạo làm bánh và biếu bánh đót cho nhà chồng của các cô dâu mới cưới người Triêng đã làm cho hai gia đình thông gia thêm gắn bó, tình cảm thêm thân mật, gần gũi. Việc giã gạo làm bánh cho nhà chồng của cô dâu mới cưới thường kéo dài từ 2 đến 3 năm.
Lý Quảng Ninh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét