Đặc điểm sinh sống của người dân tộc thiếu số H'rê (Hoàng Thị Khuyên)

Người dân tộc thiểu số Hrê còn có tên gọi khác là Chăm Rê, Chom Krẹ, Lùy. Sử dụng ngôn ngữ Hrê thuộc nhóm Môn-Khmer. Người Hrê sống chủ yếu ở miền tây tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định.

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc thiếu số Hrê ở Việt Nam có khoảng 127.420 người, cư trú tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Người Hrê cư trú chủ yếu tập trung tại các tỉnh Quảng Ngãi 115.268 người, chiếm tỷ lệ 90,5 % tổng số người Hrê tại Việt Nam, tỉnh Bình Định có 9.201 người, tỉnh Kon Tum có 1.547 người, Tỉnh Đăk Lăk có 341 người, tỉnh Gia Lai có 128 người.

Đặc điểm về kinh tế và tổ chức cộng đồng
Người Hrê làm lúa nước từ lâu đời, kỹ thuật canh tác lúa nước của người Hrê tương tự như vùng đồng bằng Nam Trung bộ. Người Hrê chăn nuôi trước hết nhằm phục vụ các lễ cúng bái, riêng trâu còn được dùng để kéo cày, bừa. Nghề đan lát, dệt khá phát triển, nhưng nghề dệt đã bị mai một qua mấy chục năm gần đây.

Trong làng người Hrê, "già làng" có uy tín cao và đóng vai trò quan trọng. Dưới thời phong kiến người Hrê nhất loạt đặt họ Đinh, gần đây một số người lấy họ Nguyễn, Hà, Phạm... Hình thức gia đình nhỏ rất phổ biến ở dân tộc Hrê.

Đặc điểm về văn hóa, nhà cửa và trang phục
Người Hrê cũng có lễ đâm trâu như phong tục chung của các dân tộc thiểu số sinh sống ở dãy Trường Sơn và Tây Nguyên. Người Hrê thích sáng tác thơ ca, ham mê ca hát và chơi các loại nhạc cụ. Ka-choi và Ka-lêu là làn điệu dân ca quen thuộc của người Hrê. Truyện cổ đề cập đến tình yêu chung thủy, cuộc đọ tài trí giữa thiện và ác, giàu và nghèo, rất hấp dẫn các thế hệ từ bao đời nay. Nhạc cụ của người Hrê gồm nhiều loại như đàn Brook, Ching Ka-la, sáo ling la, ống tiêu ta-lía, đàn ống bút của nữ giới, khèn ra-vai, ràng ngói, pơ-pen, trống... Những nhạc cụ được người Hrê quý nhất là chiêng, cồng, thường dùng bộ 3 chiếc, hoặc 5 chiếc, với các nhịp điệu tấu khác nhau.


Người Hrê dệt vải theo cách thức cổ truyền Inđonêdiêng: Bộ dụng cụ gồm những que, thanh, ống rời nhau đềulàm bằng gỗ, tre. Chỉ khi giăng thảm sợi để dệt,chúng mới liên kết với nhau thành một hệ thống. Hoa văn được dệt cùng với vải

Người dân tộc thiểu số Hrê xưa ở nhà sàn dài. Nay hầu như nhà dài không còn nữa. Nóc nhà có hai mái chính lợp cỏ tranh, hai mái phụ ở hai đầu hồi thụt sâu vào trong hai mái chính. Mái này có lớp ngoài còn thêm một lớp nạp giống như ở vách nhà. Chỏm đầu đốc có "bộ sừng" trang trí với các kiểu khác nhau. Vách, lớp trong bằng cỏ tranh, bên ngoài có một lớp nẹp rất chắc chắn. Hai gian đầu hồi để trống. Bộ khung nhà kết cấu đơn giản giống như nhà của nhiều cư dân khác ở Tây Nguyên. Trong nhà, trừ hai gian đầu hồi, không có vách ngăn. Nhà ở của người Hrê còn có đặc điểm ít thấy ở nhà các dân tộc khác như thường nhà ở có cửa mặt trước hoặc hai đầu hồi. Mặt trước nhà nhìn xuống phía đất thấp, lưng nhà dựa vào thế đất cao. Người nằm trong nhà đầu quay về phía đất cao. Nhưng với người Hrê thì hoàn toàn ngược lại. Gian hồi bên phải nhìn vào mặt nhà dành cho sinh hoạt của người nam và khách. Gian hồi bên trái dành cho sinh hoạt của người nữ. Giáp vách gian hồi bên phải đặt bếp chính. Gian chính giữa đặt bếp phụ. Gian giáp vách với gian hồi bên trái đặt cối giã gạo.

Nhà ở của người Hrê thường dựng sóng nhau trên triền đất chân gò, núi cạnh cánh đồng. Trong làng, quanh nhà trường trồng cau, chuối mít, xoài... Mỗi làng ở thành một khu vực mật tập, hoặc gồm vài chòm xóm gần nhau.

Trang phục của người dân tộc thiếu số Hrê có hình thức giống với người dân tộc Kinh. Mặc dù có cá tính tộc người song không rõ nét. Trước kia đàn ông Hrê đóng khố, mặc áo cánh ngắn đến thắt lưng hoặc ở trần, quấn khăn; đàn bà mặc váy hai tầng, áo 5 thân, trùm khăn. Nam, nữ đều búi tóc cài trâm hoặc lông chim. Ngày nay, người dân tộc Hrê mặc quần áo như người dân tộc Kinh, riêng cách quấn khăn, trùm khăn vẫn như xưa. Phần lớn nữ giới vẫn mặc váy nhưng may bằng vải dệt công nghiệp. Người Hrê thích đeo trang sức bằng đồng, bạc, hạt cườm; nam nữ đều đeo vòng cổ, vòng tay, người nữ có thêm vòng chân và hoa tai. Tục cà răng đã dần dần được người dân tộc Hrê xóa bỏ.
Hoàng Thị Khuyên (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét