Tù và của người Jrai (Lê Quang Lâm)


Tù và đã xuất hiện từ rất lâu với loài người và gần như cộng đồng tộc người nào cũng có tù và. Mỗi thời đại mỗi bộ tộc có nhñg chiếc tù và với hình dáng riêng, trang trí đặc thù theo văn hóa của họ và tù và được dùng vào nhiều sinh hoạt từ những thủ lãnh các đội chiến binh, những pháp sư và ngay cả những người chăn nuôi súc vật cũng dùng tù và. Cộng đồng người Jrai cũng có tù và với một cấu trúc hoàn toàn khác biệt với các cộng đồng khác. Đây là điều lý tú để tìm hiểu.

Tiếng Jrai gọi tù và là djiap. Djiap là loại tù và làm bằng ngà voi, tù và làm bằng sừng các loại thú người Jrai gọi là tơkê djiap (tơkê=sừng). Nhiều loại sừng được cạo chuốt tạo thành tù và từ sừng con sơn dương đến trâu rừng, bò rừng, trâu nhà…
Tiếng Jrai gọi hành động thổi tù và là ajup djiap (Jacques Dournes, embauche dictionnaire Jrai-1954), ajup là hít hơi vào. Đây là điều khá lý thú vì khi nghe nói đến tù và chúng ta chỉ nghe động từ « thổi tù và » nhưng với người Jrai lại là « hít tù và ». Tại sao có sự khác biệt này ?
Tù và Jrai đa số làm bằng sừng, kích thước và hình dáng không có quy tắc chung. Chọn được một chiếc sừng người Jrai cạo chuốt cho sạch phần vỏ sừng để không bị nứt vảy sau này. Giữa thân sừng họ khoét một lỗ nhỏ rộng hơn đuôi chiếc đủa tre dùng ăn cơm một tý, đa số là hình tròn nhưng cũng có những lỗ hình bầu dục và vuông. Chuôi tù và được gọt khắc nhiều kiểu khác nhau để cột dây và trang trí.



Sau công đoạn đầu như vừa kể, người chế tác lấy cật tre già vót mỏng chiều cao khoảng một phân rưỡi, chiều dài khoảng mười phân. Kích thước này không có quy tắc nhất định. Với chiều dài của thanh tre vót mỏng, người chế tác bẻ gập lại rất nhẹ nhàn để không bị gãy tạo thành một khối hình chữ nhật không có đáy và nắp. Tiếp theo người chế tác vót một miếng tre nhỏ làm nắp, trên miếng tre này anh ta dùng dao bén, nhọn cứa đứt ba đường để tạo thành lưỡi gà cho chiếc tù và. Phần nắp được gắn vào hình khối bằng sáp tổ ong và phần khối cũng được nối kết với thân tù và bằng sáp tổ ong. Trước khi gắn phần nắp vào hộp khối người chế tác để giữa lòng bàn tay và hít thử để nhận biết độ rung của lưỡi gà như thế nào, có thể tạo ra âm thanh tốt hay không. Người Jrai gọi lưỡi gà là jơlah djiap.
Hai công đoạn trên đã làm xong, người chế tác bắt đầu thử và nếu chưa hài lòng anh ta tiếp tục khoét cắt thêm bớt trên phần nắp. Thường phải làm ba bốn lần mới có một khối hộp cùng lưỡi gà tốt. Phần thân sừng là nơi cộng hưởng âm thanh, sừng loe to tạo ra âm thanh trầm và mạnh, sừng loe nhỏ thường tạo ra âm thanh bổng cao và bén.
Tù và của người Jrai có công năng diễn tả tình cảm của người « thổi » bằng cách dùng bàn tay khi che, khi mở, che ba ngón, che bốn ngón để tạo nên âm thanh láy. Tù và không có điệu nhạc riêng, khi thổi tùy theo nghi thức, không gian sự hưng phấn và tình cảm của người thổi chuyển tải qua cách láy.
Tù và Jrai không phải là một loại kèn, một dụng cụ để chơi và thổi bất cứ lúc nào, theo những người già kể lại một làng chỉ có một hoặc hai chiếc và luôn được cất giữ ở nhà rông của làng. Tù và được dùng đến khi dời làng. Trong nghi thức này một số thanh niên cầm giáo mác đi trước, người chuyên trách cúng tế ở nhà rông pô wai yang sẽ trân trọng bưng giỏ đựng linh vật của làng đi kế tiếp, sau đó là người thổi tù và, tiếp theo là những người có uy tín trong làng và sau cùng là dân làng. Tiếng tù và chỉ dứt khi linh vật được đặt vào nhà rông tạm nơi khu đất sẽ làm làng mới, chờ ngày làm nhà rông chính thức của làng.

Tù và còn được dùng trong những nghi thức mừng chiến thắng sau một trận đánh khi bắt được tù binh của những làng khác, trong dịp này tiếng tù và hòa nhịp với tiếng chiêng bom bat ? và tiếng hú thét của những chiến binh chạy nhảy múa hét chung quanh những tù binh đang bị trói nằm ở giữa sân nhà rông. Chiêng Bom Bat chỉ có duy nhất một chiếc và thường chỉ dùng trong nghi thức lễ nói trên. Âm thanh chiêng này rền vang đầy uy hiếp và đe dọa cũng như bày tỏ sự hăng say của các chiến binh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét