Ai về xứ Hoa Ban (Huỳnh Tâm)


Eng khởi hành từ quê nội bản Na Va  Viêng Lán huyện Yên Châu, về quê ngoại xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La, phải đi qua những triền núi cao nghiêng người, bốn bề trời dựng mây xanh, phía dưới cánh đồng lúa nước muôn dặm bát ngát, nhiều đường cong nhân tạo thu mình vào thiên nhiên hiệp hòa trời đất. Cảnh tháng ba đã đẹp càng thêm đẹp nhờ mùa hoa Ban nở rộ một màu trắng, nó có cái tên Ban mỹ miều và ngộ nghĩnh. Dân tộc Kinh gọi cây Móng Bò,
đơn giản vì lá của loài hoa này mang hình dáng chiếc móng bò. Nhụy bông trắng lá xanh hợp hương vị ngọt ngào và ít đắng, hoa Ban quyến rũ nhiều loài côn trùng, nhất là các loài hút mật như ong, bướm. Tên gọi hoa Ban theo tiếng của dân tộc Thái, có nghĩa hoa ngọt ngào.


Hoa Ban có cái tên vô cùng lãng mạn, bởi loài hoa tượng trưng cho núi rừng Tây Bắc. Tháng 03 hằng năm là mùa hoa Ban nở phủ trắng làm đẹp núi rừng, len lỏi trong những ngóc ngách từng khe núi toàn một màu trắng xóa, xa xa tưởng chừng núi truyết. Màu trắng của hoa Ban thường được những văn sĩ ví von một sắc màu tinh khôi trong sáng tạo cho một vẻ đẹp trong trẻo của những thiếu nữ miền sơn cước. Lữ khách có dịp đi qua quốc lộ 06 Tây Bắc sẽ chiêm ngưỡng hoa Ban trên những con đường quanh co uốn lượn theo vách núi với một hậu cảnh bản làng, chạy dài dưới thung lũng ngập tràn sắc hoa Ban trắng tuyết.


Sự tích hoa Ban trắng.
Núi rừng Tây Bắc sở hữu người con gái tên Ban xinh đẹp nết na với giọng hát làm say đắm lòng người. Trái tim nàng sớm đã dành trọn cho chàng Khum dù rằng có rất nhiều trai làng theo đuổi. Vì chê Khum nghèo, cha Ban đã ép gả cô cho con trai của một trọc phú quanh vùng, vừa gù vừa lười biếng và xấu tính. Nàng trốn chạy khỏi nhà, tìm đếm với người yêu để kêu cứu nhưng lúc này Khum lại đi xa. Không quản xa xôi cách trở, nàng Ban đội chiếc khăn Piêu của mình vào chân cầu thang để làm dấu rồi vượt đèo vượt suối đi tìm Khum. Nàng đi mãi đi mãi cho đến khi kiệt sức và gục chết tại một con suối. Cứ mỗi độ xuân sang, nơi này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt. Nhân gian liền gọi tên hoa Ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho hoa tình yêu chung thủy. Về phần chàng Khum, về đến nhà, nhìn thấy chiếc khăn Piêu, hiểu ra sự tình chàng vội vã đi tìm Ban để rồi cũng chết vì kiệt sức. Khum hóa thành con chim, sống cuộc đời lẻ loi, bay khắp núi rừng với hy vọng tìm ra người yêu. Cứ đến mùa xuân, khi hoa Ban nở, chim lại cất tiếng gọi Bạn dâng trọn tình yêu da diết.


Mỗi khi hoa Ban nở trắng núi rừng Tây Bắc, trai-gái trong bản rủ nhau họp mặt ca hát nhảy múa, mừng mùa hoa Ban và tỏ bày tình yêu đôi lứa cùng hy vọng sẽ có được một tình yêu thủy chung son sắc như Ban và Khum. Thanh niên của bản Na Va  Viêng Lán huyện Yên Châu, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, trong đó có Bố-Mẹ họ gặp nhau vào dịp Hội Xên bản, (còn gọi là hội hoa Ban) để cầu phúc và gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống tương lai bình yên, no ấm.


Đời thường của hoa Ban.
Cây Ban mạnh mẽ trong sức sống, chịu đựng hạn hán, hầu hết Ban xuất hiện tự do trong những núi rừng hoang vu, ít cây cổ thụ. Đặc biệt những cánh rừng già nguyên sinh, ẩm ướt, hầu hết không có cây Ban. Nói về Tây Bắc người đời liền suy nghĩ đến hoa Ban trên quốc lộ 6, đoạn kéo dài từ Mộc Châu, Lai Châu, Sơn La lên đến Điện Biên…đều có hoa Ban. Nơi hoa Ban tập trung nhiều nhất vẫn là Điện Biên và Sơn La. Loài hoa Ban được xem như biểu tượng của Tây Bắc nhưng ngày nay càng lúc đang thưa thớt dần dần sắc hoa, nay chỉ còn một vài vùng có thể thưởng thức được trên mật độ hoa Ban dày đặc như Na Va & Chiềng Pấc. Bởi người dân đốt rừng làm rẫy, thu hoạch hoa Ban không tổ chức để làm thuốc hay đặc sản dần dà giết chết các cánh rừng hoa Ban. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc trước kia, thường lấy Hoa, Ngọn, lá non của hoa Ban làm thực phẩm, được xem như món canh Hoa Ban, Xôi Hoa Ban…Khi xưa bà con chỉ lấy đủ dùng cho gia đình, trong bản làng, chứ không thu hoạch đại trà, kinh doanh như ngày nay.

Huỳnh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét