Xên Bản xên Mường của
dân tộc Thái
Mùa xuân - mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của
vạn vật, cỏ cây hoa lá đâm chồi, nảy lộc... Giữa tiết trời ấm áp ấy, lòng người
phơi phới rủ nhau trẩy hội, cùng nhau hành hương về cội nguồn, vui chơi và cầu
mong cho mùa màng ngày một tốt tươi, nhà nhà - người người đều hạnh phúc, sum vầy...
Trong truyền thống văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái vùng
Tây Bắc với hơn một triệu người, sinh sống tập trung tại nhiều tỉnh như:
Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... việc cúng giỗ, lễ hội đã trở thành những phong tục,
tập quán là những nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Cùng với bao lễ hội khác như: Lễ
hội Cầu mùa; lễ hội Hạn Khuống; lễ hội Xíp xí; lễ hội Hoa ban; lễ hội xang
khan; lễ hội xòe chiêng; lễ hội Kin Pang Then... Lễ hội “Xên bản xên mường” (cúng bản
cúng mường) hay còn gọi là “cắm bản, cắm mướng” đã trở thành một hình thức sinh
hoạt văn hóa, tín ngưỡng rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân
nơi đây.
Hàng năm khi những cánh én chao liệng, báo hiệu một mùa
xuân mới đang về trên những cành đào, cành ban đang khoe sắc thắm cũng là lúc
các bản làng người Thái náo nức, nhộn nhịp không khí của ngày hội Xên bản xên
mường. Đây là hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái cũng là dịp để đồng bào cầu
xin trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt như mong ước; Gửi
gắm những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản mường:
Then trên trời phù hộ
Phù hộ dân trong bản trong mường
Phù hộ cả lũ trẻ đang lớn
Phù hộ cả người nhỏ
mới sinh
Lá trên cây đừng rơi
Lá tre xanh đừng rụng
Cho tốt đẹp cả bản
An khang cả mường
Làm nương thành nương lúa bông dầy
Làm ruộng thành ruộng tốt bông to
...Thuận lợi khi làm đòng
Gặp may khi lúa trổ
Mưa phùn khi ra bông
Lúa mảy hạt gặp nắng...
Gánh về đổ bồ to đầy ắp
Gánh về đổ bồ mường bồ bản đầy ngọn...
Lễ hội Xên Mường của người Thái
Với đầy đủ các nghi thức trang trọng, cần thiết trong phần
lễ như: Lễ lẩu lắt lẩu khánh (cuộc rượu lấy khí thế tinh thần); Lễ tế xên mường
(lễ chính thức tại Đông xên); Lễ đánh trống khai hội; Lễ tế nhá (tan cuộc); Lễ
cọp xửa (nộp áo và tụ hồn cho dân mường); Liên hoan hưởng lộc. Đặc biệt những lời
xướng lễ, lời hát, lời khấn mời thần linh... của các ông mo diễn ra trong các
ngày lễ Xên bản xên mường sẽ cho chúng ta thấy được những khía cạnh vô cùng
phong phú, đa dạng và sinh động của truyền thống văn hóa dân tộc Thái ở Sơn La
nói riêng và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói
chung. Đồng thời góp phần làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết thêm về truyền
thống lịch sử - văn hóa của vùng đất mà cha ông đã khai phá và xây dựng, từ đó
thêm tự hào, gắn bó với quê hương, bản mường...
Sau phần lễ là phần hội, bao gồm nhiều trò chơi dân gian
như: Ném còn, tó mak lẹ, tó xáng (đánh quay), chọi gà... và các điệu múa truyền
thống như: Múa tăng bẳng, tăng bu, múa sạp, múa vòng theo nhịp trống, trai gái
hát đối đáp giao duyên với nhau, người già hát hò chúc tụng nhau những lời tốt
lành nhất... Trong những ngày lễ hội đồng bào có phong tục kiêng không được giã
gạo, làm nhà, xẻ gỗ, vào rừng lấy củi, săn bắt, hái lượm...
Trong bầu không khí sôi động, náo nức của ngày hội đầu
xuân, mời bạn hãy đến với những Lời
ca trong lễ xên bản xên mường của người Thái do
tác giả Lương Thị Đại và Lò Xuân Hinh sưu tầm, biên dịch - Nhà xuất bản Văn hóa
Dân tộc phát hành để cùng thả hồn tận hưởng vẻ đẹp thanh khiết, tinh khôi của
những cánh rừng ban trắng một màu nguyên sơ, hòa mình vào những trò chơi tập thể
của dân bản như: Ném còn, thổi khèn, sáo, thi chim hót, thi trâu béo... và rồi
để ngất ngây trong hương rượu cần, trong những câu ca cùng lời hát, tiếng đàn
giao duyên đối đáp tâm tình của bao đôi nam thanh nữ tú, đắm chìm trong vòng
xòe miên man mãi một niềm vui bất tận...
Thúy Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét