Thiếu nữ Thái duyên dáng với chiếc khăn Piêu |
Mỗi
dân tộc trên thế giới đều mang sắc thái văn hóa độc đáo của mình qua trang phục.
Cùng với ngôn ngữ, trang phục là dấu hiệu thông tin quan trọng thứ hai để chúng
ta dễ nhận biết tộc người này và tộc người
khác mỗi khi dịp tiếp xúc.
Người Thái cư trú ở nhiều nơi trên đất nước ta nhưng tập trung đông nhất là ở các tỉnh Tây Bắc; Sơn La, Lai Châu và miền Tây Nghệ An.... Ngoài sức hấp dẫn của trang phục, khăn Piêu của phụ nữ Thái mang một nét riêng thật hấp dẫn, độc
đáo: "Em xe sợi thành vóc hoa dâu. Em dệt cửi thành gấm vân chéo.
Em dệt tơ
thành đóa hoa vàng. Người các bản các phường muốn khóc. Đều ước ao được em thêu
khăn" (Dân
ca Thái).
Nếu chỉ trừ một bộ phận phụ nữ tộc Thái trắng đội
nón tát thì đa số phụ nữ Thái Mường Thanh (Lai Châu), Mường La (Sơn La), Mường
Lò (Lào Cai), đều đội khăn vải. Khăn vải dùng để đội trên đầu người Thái gọi là
Piêu. Piêu có nhiều loại khác nhau, có loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc
sỡ, có loại chỉ là một tấm vải bông nhuộm chàm, tùy từng vùng, từng địa phương
mà Piêu có những sắc thái riêng của nó. Piêu có tác dụng che đầu khi nắng gió,
làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh... Piêu còn là vật trang sức quan trọng của
các cô gái Thái trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ
hội...
Đồng bào Thái làm Piêu từ loại vải bông tự dệt. Trước
khi thêu, miếng vải được chọn làm khăn đội đều phải nhuộm chàm. Chàm là màu nền
để trên đó người phụ nữ Thái thêu lên các họa tiết, hoa văn bằng các loại chỉ
màu (xanh, đỏ, tím, vàng, da cam....) ở hai đầu khăn. Để có một chiếc Piêu hoàn
chỉnh, người phụ nữ Thái phải mất thời gian từ hai đến bốn tuần.
Piêu Thái không phải trang trí ở toàn bộ diện tích
của nó mà được tập trung đồ án trang trí ở hai đầu. Trước khi thêu các đồ án
trang trí ở hai đầu khăn, phụ nữ Thái ghép mảnh vải đỏ làm viền. Các viền đỏ bọc
cho sợi ở các đầu khăn khỏi bị xổ ra, vừa như là giới hạn diện tích trang trí ở
đầu khăn.
Đường viền vải đỏ
bọc ở ba mép đầu khăn rộng trên dưới 1 cm. Phụ nữ Thái dùng lối
khâu luồn rất khéo léo để hạn chế tới mức tối đa đường
chỉ lộ ra ngoài để cho đường viền màu đỏ
và nền chàm của khăn liền làm một. Trước khi thêu, chị em làm những chiếc cút để đính vào
Piêu, có thể làm nhiều cút Piêu một lúc rồi dùng dần. Cút Piêu được làm từ một
mảnh vải đỏ rộng khoảng 1 cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại. Cuộn vải
tròn được khâu vắt thành một hình tròn rồi quấn dây vải lại theo hình trôn ốc,
sau đó được quấn thêm các loại chỉ màu thành các múi trong hình tròn. Đối với
các cút Piêu đòi hỏi phải tỷ mỷ, cầu kỳ, chỉ có những người thành thạo mới biết
làm. Các cút sau khi làm xong được ghép lại rất khéo léo vào đầu Piêu. Các loại
chỉ màu được sử dụng như vậy vừa mang chức năng kỹ thuật, vừa mang giá trị thẩm
mỹ. Nhìn vào chiếc cút được dính vào đầu Piêu, ta rất khó đoán nhận ra được mạch
chỉ khâu ghép các đường trang trí với nhau.
Các loại đường khâu đều do phụ nữ Thái tự sáng tạo, có nhiều kiểu: móc xích, chân rết, xương cá...
Các loại đường khâu đều do phụ nữ Thái tự sáng tạo, có nhiều kiểu: móc xích, chân rết, xương cá...
Các cút Piêu trước hết được đặt trên ba đoạn thẳng
của mỗi đầu khăn. Còn chính bốn góc của khăn, chị em dùng dây làm cút còn dư tết
thành hình bông hoa cách điệu. Cút Piêu thường được sắp xếp thành từng chùm lẻ
(3, 5, 7 cái) trên các vị trí cách đều nhau ở hai đầu khăn, bởi vậy cút ở trên
Piêu bao giờ cũng là cút chùm. Cũng như nhiều vật dụng khác (cúc áo, chắn song
cửa sổ, bậc thang nhà sàn...), cút Piêu được thiết kế theo quan niệm số lẻ.
Bình thường phụ nữ Thái thường đội Piêu có cút chùm ba, nhưng khi tặng Piêu cho
người bậc trên, người mình quý trọng, kính yêu thì tặng loại Piêu có cút chùm
năm trở lên....
Người phụ nữ Thái và chiếc khăn Piêu.
Sau
khi bọc viền và ghép cút Piêu xong, phụ nữ Thái bắt đầu công việc thêu Piêu.
Khi thêu những đồ án hoa văn đa dạng lên hai đầu khăn, họ nhìn theo mẫu, song
không rập khuôn một cách máy móc. Trong quá trình thêu, họ có thể sáng tạo theo
ý muốn chủ quan của mình. Nét đặc biệt là phụ nữ Thái không thêu Piêu ở mặt phải (như lối thêu thông thường) mà lại thêu từ mặt
trái, các hoa văn với đồ án và màu sắc phức tạp lại hiện lên ở mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian tài tình. Piêu được tạo theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu vào vải, nhưng cái khó là phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ vào
mặt trái và hoa
văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Hoa văn Piêu không đơn giản,
điểm xuyết mà là một hệ thống đồ án có bố cục nội dung phức tạp, đòi hỏi người
phụ nữ Thái phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật, phải thuộc đồ án hoa văn với hai
mặt phải, trái của nó.
Con gái Thái từ 6,7 tuổi phải làm quen với bông, sợi,
dệt vải; mười hai, mười ba tuổi bắt đầu làm quen với công việc thêu thùa. Thành
viên nữ của cộng đồng Thái phải biết nhìn vào mẫu Piêu, biết nhận ra bố cục của
đồ án hoa văn... Học thêu Piêu với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức
và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời. Lúc đầu
các cô gái chỉ thêu được những đường thẳng hoặc những mô-típ hoa văn đơn giản,
dần dần tiến tới biết xử lý đồ án, bố cục, biết xử lý màu sắc ở nhiều mô-típ
hoa văn trong những bố cục phức tạp. Việc học dệt vải và học thêu khăn Piêu là
bài học phổ thông, tất yếu của mọi thành viên nữ trong nếp sống của cộng đồng
dân tộc Thái, bởi vậy Piêu còn là một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá một phụ nữ.
Qua chiếc Piêu có thể biết được chủ nhân của nó là người tài hoa, siêng năng,
chịu khó hay là người lời nhác, vụng dại. Khăn Piêu của phụ nữ Thái không chỉ
mang giá trị thẩm mỹ mà còn mang tính xã hội, cùng với váy, áo, nón đội, thắt
lưng, Piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang
phục truyền thống của dân tộc Thái
Trần Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét