Hai bà Sa Thị Thênh (phải) và bà Sa Thị Lan (trái) nay đã
70 tuổi kể về những câu chuyện xung quanh kho báu của dòng họ Sa năm xưa.
Mường Sang vốn là một xã vùng cao của huyện Mộc Châu, tỉnh
Sơn La với bao điều bí ẩn còn nằm sâu sau những tán rừng già hoang dại. Đặc biệt,
trong đó chứa đựng bao câu chuyện về kho báu của người Thái được cất giấu trong
hang núi từ thời kháng Pháp năm nào.
Những giai thoại về kho báu của dòng họ Sa nơi đây dường
như vẫn còn được các cụ cao niên trong bản kể lại cho hậu thế nghe. Tuy rằng đã
phủ màu thời gian qua bao binh biến của chiến tranh, loạn lạc nhưng hy vọng về
một ngày nào đó, kho báu bí ẩn kia sẽ trở về với chính chủ cũ của nó vẫn là
mong muốn khôn nguôi của bao người.
Họ Sa - dòng họ danh giá xứ Mường Sang
và kho báu bí ẩn
Trời ngả bóng xế chiều cũng là lúc chúng tôi đặt chân đến Bản
Vặt, xã Mường Sang sau hơn 10km đi từ Thị trấn Mộc Châu quanh co qua hàng trăm
khúc cua uốn lượn của QL 43.
Có mặt tại căn nhà sàn của trưởng bản Hà Văn Trọng, anh tiếp
đón chúng tôi một cách niềm nở, chân chất như bao người dân bản khác. Anh cũng
tâm sự: “Trước đây cũng có nhiều đoàn phóng viên, nhà báo về đây hỏi thăm thông
tin về kho báu của các cụ năm xưa lắm, nên thấy khách phương xa tới thì chúng
tôi cũng vui và coi như người nhà vậy”.
Vị trưởng bản trẻ tuổi cho biết, từ đời ông nội mình cũng
đã từng là người nắm khá rõ về sự tích kho báu của dòng họ Sa tại Mường Sang được
cất giấu như thế nào. Nhưng do thời gian trôi qua quá lâu và mải làm ăn mà khi
ông và một số cụ già khác qua đời thì tung tích của kho báu gồm các chum vàng,
hũ bạc của người Thái năm xưa cũng dần phai nhạt.
Theo các cụ cao niên trong bản kể lại, hồi những năm đầu thế
kỷ XX khi mà đất nước vẫn bị Thực dân Pháp đặt dưới ách đô hộ, tại bản Vặt có cụ
Sa Văn Minh làm chức quan lang cai trị cả vùng Mường Sang của Khu tự trị Thái
Mèo rộng lớn. Là người có học vấn uyên bác lại hết mực thương dân, ông được bà
con dân chúng ngưỡng mộ và hết mực kính trọng.
Thấu hiểu nỗi thống khổ mà người dân phải gánh chịu dưới sự
áp bức, chèn ép của giặc Pháp, ông vẫn kiên định lập trường và đứng về phía lợi
ích của nhân dân, bất chấp quân giặc vẫn ngày đêm dụ dỗ, lôi kéo cụ về với
chúng. Khi diễn ra cuộc Cách mạng tháng 8/1945, cụ Sa Văn Minh đã sớm giác ngộ
lý tưởng cách mạng của Đảng và có liên hệ với Bác Hồ để đi theo tiếng gọi của
cách mạng.
Nhưng trước khi chuyển lên chiến khu Việt Bắc cùng với gia
đình vợ con để làm cách mạng, cụ Minh đã tiến hành một cuộc cất giấu khổng lồ
các đồ đạc, của nải quý giá của dòng họ, gia đình quyết không để lọt vào tay giặc
Pháp dù chỉ một cắc bạc trắng.
Là một người con gái của dòng họ Sa năm xưa, bà Sa Thị Lan
(70 tuổi) - mẹ của trưởng bản Hà Văn Trọng cho biết: “Sự tích về cuộc cất giấu
vàng bạc, tiền của năm xưa của cụ Sa Văn Minh là có thật. Nhưng khi đó còn quá
nhỏ nên tôi vẫn không thể biết được sự tình chính xác mà chỉ được nghe các bậc
cao niên trong bản kể lại mà thôi”.
Theo đó, tất cả vàng bạc, tiền của hay các vật dụng quý giá
của dòng họ được đóng vào các chum, vại lớn. Cụ Minh đã huy động một lực lượng
hàng chục trai bản khỏe mạnh vận chuyển ngày đêm lên các ngọn núi cạnh đó cất
giấu. Do số lượng nhiều nên phải mất tới hàng tuần trời mới thực hiện xong cuộc
cất giấu kỳ lạ này(?).
Dấu vết kho báu vẫn ẩn trong rừng sâu?
Sau cuộc di tản kho vàng, bạc trắng và tiền của quý giá của
dòng họ Sa năm nào, dấu tích còn lại của những nơi được cho là địa điểm cất giấu
kho báu hiện vẫn còn nằm ẩn khuất ở góc nào đó trong những cánh rừng già đất Mường
Sang.
Anh Trọng, trưởng bản Vặt cũng chia sẻ: “Mình còn trẻ tuổi
nên chỉ nghe qua về sự tích kho báu đó thôi chứ thực sự chưa thấy tận mắt được
nơi cất giấu kho báu đó. Một số cụ cao niên từng tham gia vào quá trình cất giấu
năm xưa thì phần lớn đã khuất núi nên thông tin càng trở nên mong manh lắm”.
Bởi theo lời kể của các cụ, sau khi miền Bắc được giải
phóng thì tới năm 1958, cụ Sa Văn Minh đã đột ngột qua đời trong một chuyến đi
công tác ở Trung Quốc vì đau tim. Tương truyền, con đường chỉ tới nơi cất giấu
kho báu đã được cụ Minh vẽ thành sơ đồ vào trong một cuốn sổ nhỏ và luôn mang
theo bên mình.
Xung quanh câu chuyện về kho báu bí ẩn này, cũng là biết
bao câu chuyện được người dân nơi đây truyền tai nhau từ đời này qua đời khác.
Một góc bản Vặt với những thửa ruộng bậc thang, lấp ló những
ngôi nhà sàn kiên cố bên dãy núi đá yên ngựa phía sau bản lúc xế chiều.
Qua lời kể của anh Trọng, gia đình ông Lò Văn Hoan vốn
nghèo khó quanh năm, thậm chí phải chạy ăn từng bữa nhưng cũng may mắn phất lên
sau một lần đào được một hũ bạc trắng. Đó là dịp ông thuê thợ đào đá trên dãy
núi Độc Lập sau bản cách đây nhiều năm. Tốp thợ đang đào thì bỗng phát hiện ra
một cái hũ bằng sành. Cũng vừa có mặt lúc đó, vốn được nghe nhiều các giai thoại
về kho báu của dòng họ Sa được chôn giấu trên núi nên ông Hoan đã nhanh chóng
giục tốp thợ tiếp tục làm việc và mình thì nhanh chóng đưa cái hũ sành đó về
nhà.
Nghe lần đầu thì thật khó có thể tin được rằng tại sao ở
nơi rừng sâu núi thẳm này lại chứa nhiều của quý, bạc vàng đến thế. Nhưng nhìn
vào những lớp trầm tích của đá núi và tập quán phát nương làm rẫy của dân bản
cũng đã làm thay đổi địa hình xứ Mường Sang. Kéo theo đó là những câu chuyện về
kho báu dòng họ Sa năm nào cũng dần hòa vào đám mây mù còn đặc quánh trên những
đỉnh núi mờ sương nơi đây.
Và những manh mối đầu tiên được phát hiện
Bà Sa Thị Thênh (69 tuổi) - một nữ cán bộ y tế huyện Mộc
Châu nhiều năm trước cũng xác nhận với phóng viên, sự tồn tại của kho báu khổng
lồ mà dòng họ Sa năm xưa tiến hành cất giấu cũng được bố mẹ bà lúc còn sống có
kể lại cho nghe.
Người phụ nữ Thái này còn cho biết, lúc cụ Sa Văn Minh mất
đột ngột thì dấu vết về nơi chôn giấu kho báu khổng lồ kia cũng rất mập mờ. Qua
tìm hiểu, hiện nay chỉ còn một người con trai của cụ Minh là ông Sa Thư nay đã
ngoài thất.
Vượt qua những con dốc quanh co dựng đứng, chúng tôi tiếp tục
tới tìm gặp ông Sa Thư. Nói là nhà cho sang nhưng thực ra, nơi ở của ông chỉ là
một căn lán tạm mà ông dựng để canh nương rẫy của gia đình. Hiện ông đang ở với
hai người con gái của mình.
Mặc dù bận bịu lo cơm nước nhưng biết có khách phương xa tới
hỏi thăm nên ông vẫn đón tiếp nhiệt tình. Nhìn vào gia cảnh khá khổ cực của ông
thật không thể nhận ra ông là một hậu duệ của dòng họ Sa đầy quyền quý năm nào.
Vẻ mặt trĩu nặng suy tư càng hiện rõ hơn khi được chúng tôi hỏi lại về chuyện
tìm lại kho báu của dòng họ mình.
Là lớp người lớn lên trên chiến khu Việt Bắc sau khi theo
cha mẹ đi hoạt động cách mạng từ lúc còn sơ sinh, nên những ký ức về nơi quê
hương xứ sở Mường Sang trong ông tồn tại cực kỳ ít. Lại cộng thêm việc bố ông
là cụ Minh qua đời đột ngột vì đau tim nên câu chuyện về kho báu năm xưa của
dòng họ Sa càng chìm vào quên lãng.
Tản cư tới tận năm 1992 ông mới trở về Mộc Châu sinh sống
và công tác. Cơ duyên với những manh mối về kho báu kia một lần nữa được xuất
hiện sau khi có một thầy giáo người Kinh giỏi tiếng Hán lên dạy học tại xã Chiềng
Khoa.
Thế rồi trong một lần tới chơi với một ông cụ người Dao ở bản
tên là Bàn Văn Hán, một trong số cộng sự của cụ Sa Văn Minh năm xưa, manh mối mới
dần hé lộ. Vốn quý người lại tôn trọng người có học, ông Hán đã cho thầy giáo
người Kinh này xem một cuốn sổ được ghi bằng chữ Hán.
Ông Hán bộc bạch rằng đây là cuốn sổ mà lúc còn sống cụ Sa
Văn Minh đã gửi gắm cho mình cầm hộ và dặn khi nào có con cháu dòng họ Sa ở Mường
Sang tới nhận thì trao trả lại cho họ. Vốn am hiểu Hán học, thầy giáo nọ hiểu rằng
trong cuốn sổ này có ghi lại sơ đồ cất giấu kho báu năm xưa của cụ Sa Văn Minh.
Và như định mệnh, chính người thầy giáo ấy đã lặn lội tìm tới
tận nhà của hậu duệ của cụ Minh ở Mường Sang và kể lại câu chuyện đó.
Biết được tin này, ông Sa Thư cùng với dòng họ đã bàn kế hoạch
và cử ông Sa Cương - một người em họ mình lên đường tới bản của ông cụ người
Dao, bạn chiến đấu với bố mình trước đây để xin lại cuốn sổ đó. Tiếc thay, đến
nơi thì được tin ông Hán đã khuất núi mà cuốn sổ đó vẫn do con trai ông Hán giữ,
quyết không trả lại cho ông Cương mà cho rằng đó là đồ của người đã chết nên giữ
lại.
Trong khi chờ đợi cuốn sổ ghi chép đó về lại với gia đình họ
Sa, thì xứ Mường Sang vẫn còn đó những điều bí ẩn hòa quyện vào với núi rừng
xanh thẳm cùng với kho báu năm xưa.
Đình Tuệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét