Say sưa trong men rượu cần nồng nàn, êm dịu; thú vị khi
xem điệu múa xòe uyển chuyển, nhẹ nhàng của các cô gái Thái trong trang phục
truyền thống cùng với điệu khèn Bè dìu dặt để nghe một lần vấn vương, lưu luyến
mãi không về.
Đến với bản người Thái ở huyện vùng cao Yên Châu, có ai không một lần say sưa trong men nồng nàn, êm dịu của
rượu cần, thú vị khi xem điệu múa xòe uyển chuyển, nhẹ nhàng của các cô gái
Thái trong trang phục truyền thống cùng với điệu khèn Bè dìu dặt. Tiếng khèn
nghe một lần vấn vương, lưu luyến mãi không về.
Với người Thái, khèn Bè là nhạc cụ kết
tinh của tình yêu. Là khúc dạo đầu cơ bản để các chàng tra Thái tìm được người
yêu mình.
Theo các cụ già trong bản kể lại: Xưa có chàng trai họ Lò nghèo, nhân hậu
và có tài thổi sáo, thậm chí lấy lá cây đưa lên miệng thổi cũng ra một thứ âm
thanh kỳ lạ làm xao xuyến lòng người. Vì tài đó, con gái một Tạo bản giàu có
trong vùng đã yêu chàng tha thiết. Hay tin con gái mình đã bén hơi chàng trai họ
Lò, Tạo bản giận lắm, nhốt con gái trong buồng, đợi ngày lành tháng tốt sẽ gả
cho một người giàu có ở làng bên. Không cưỡng nổi ý muốn của cha mẹ, nàng gửi lại
cho chàng gói sáp ong đá đã in dấu tay của nàng mỗi khi kéo sợi. Nhận kỷ vật cuối
cùng của người yêu, chàng buồn bã bỏ bản ra đi. Lang thang hết ngày này qua
ngày khác, cuối cùng chàng gặp con suối và dừng lại thả tâm hồn theo dòng nước.
Bên dòng suối vắng, chàng nảy ra ý định làm cây sáo thổi để giải buồn. Thấy có
nhiều cây nứa tép bên bờ suối, chàng chọn lấy từng dóng nứa to, nhỏ khác nhau
bó lại và lấy sáp ong người yêu tặng bịt kín các kẽ hở giữa các ống sáo, rồi lấy
dao vạt chéo phần đầu và thổi thử. Lạ thay cây sáo bè có tiếng to, nhỏ, cao, thấp
khác nhau theo các ngón tay bấm của chàng. Chàng mải mê thổi bên dòng nước chảy,
quên ăn quên ngủ. Bẵng đi một thời gian không thấy chàng trai nghèo về bản, bạn
bè liền đi tìm và thấy chàng đã chết khô bên bờ suối, tay vẫn nắm chặt chiếc
khèn. Từ đó, cây khèn của chàng trai nghèo họ Lò được bạn bè bắt chước làm
theo. Khèn bè theo tay các chàng trai đi sương về nắng, còn sáp ong thì bện chặt
lấy khèn, không bao giờ tách rời.
Khèn Bè của dân tộc Thái
Không giống với khèn của các dân tộc khác,
khèn Bè của dân tộc Thái (Yên Châu) được cấu tạo với 14 ống nứa, nhưng phải là
nứa tép bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu và xếp từ thấp đến cao. Khèn được chia làm 2
bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt
kín bằng sáp ong đá. Lớp sáp ong này cần bịt kín để tạo ra âm thanh cho khèn.
Một cây khèn Bè của người Thái gồm có 4 ống
khèn được thuôn thông suốt gắn chặt vào bầu hơi. Độ dài của ống khèn tùy thuộc
vào nghệ nhân làm khèn, nhưng cây khèn kêu được còn phụ thuộc vào những lưỡi
khèn. Lưỡi khèn được làm bằng đồng hoặc bạc trắng, đánh mỏng như tờ giấy để gắn
vào trong các ống khèn. Phía trên bầu hơi có dùi những nốt bấm. Âm thanh của
khèn phụ thuộc vào cách cài những lưỡi khèn và độ chính xác về khoảng cách của
những nốt bấm. Vì thế, những người làm khèn Bè cần thẩm âm chuẩn và có đôi tai
thính. Chiếc khèn bè không chỉ là
nhạc cụ tạo nên âm thanh đặc biệt mà còn là một sản phẩm nghệ thuật cần sự kết
tinh từ tâm hồn - trí tuệ - tình yêu và sự sáng tạo của người chế tác.
Trong hệ thống nhạc cụ của dân tộc Thái,
khèn Bè là một loại nhạc cụ độc đáo, gắn liền với đời sống tinh thần và trong
lao động nghệ thuật của đồng bào dân tộc Thái. Nó không chỉ thể hiện được những
cung bậc cảm xúc trong các bài hát dân ca truyền thống mà còn thể hiện được sự
tinh tế nhạc hiện đại, trong những bài hát dân vũ.
Đã bao đời nay, những chiếc khèn Bè đơn
sơ, mộc mạc đã tạo nên những thanh âm rộn ràng, rạo rực cho những điệu xòe, điệu
khặp trong các dịp lễ hội. Tiếng khèn trầm bổng, sâu lắng, dồn dập làm thổn thức
bao trái tim chàng trai, cô gái Thái. Không chỉ thế, khèn bè còn là một biểu tượng
cho sự gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết của những con người trong bản
Thái. Có thể vì thế, mà người Thái có câu:
"Tiếng khèn làm đẹp bản Mường
Như nắng dệt gấm trên quê hương
Như núi lam xanh sương đêm vừa gội
Như suối hát tình ca
Như tiếng người yêu gọi..."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét