Nhóm ngôn ngữ Tày-Thái có 8 tộc người: Tày, Thái, Nùng, Lào, Lự, Bố
Y, Sán Chay, Giáy. Đồng bào cư trú tập trung ở các tỉnh như: Lạng Sơn, Cao Bằng,
Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên
Bái, Thanh Hóa, Nghệ An…
Cây đàn tính là nhạc cụ truyền thống được các
dân tộc Thái, Tày, Nùng sử dụng trong nghi lễ hát then.
- Tổ hợp 1: Cấu trúc làng bản
của cư dân Tày-Thái.
Làng bản của các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày-Thái thường dựng ở
thung lũng lòng chảo hay bên sườn đồi. Mỗi bản có từ 20-25 nóc nhà, những
bản lớn có tới vài chục nóc. Nhà được dựng theo thế đất, dưới chân đồi, tựa
lưng vào núí, mặt trước hướng ra đồng ruộng, sông suối, tiện cho việc sản xuất
và đi lại. Mỗi bản có ranh giới cụ thể, có nguồn nước, ruộng đất, bãi tha ma
riêng. Trong bản của người Tày, Nùng, Sán Chay thường có khuôn viên, vườn tược
bao quanh các nhà. Bản của người Thái vùng Tây Bắc được dựng theo kiểu mật tập.
- Tổ hợp 2: Góc nhà dân tộc Thái (Nhóm Thái đen)
Các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái đều ở nhà sàn, nhưng ở mỗi
tộc người lại có những đặc điểm riêng về kiểu dáng, kiến trúc và mặt bằng sinh
hoạt trong ngôi nhà.
Trong không gian trưng bày, một góc nhà sàn của người Thái (nhóm
Thái Đen), huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Nhà người Thái Đen có kết cấu dạng mai rùa, kiểu kiến trúc truyền
thống này gắn với một truyền thuyết. Xưa kia người Thái không biết làm nhà để ở,
một đêm họ mơ thấy một con rùa về báo mộng và bảo rằng "Nhìn vào hình dáng
tôi mà làm, bốn chân là bốn trụ cột chính đỡ nhà, vẩy rùa là ngói lợp". Từ
đó ngôi nhà sàn của người Thái Đen có hình dáng như chiếc mai rùa.
Nhà người Thái Đen làm bằng tre, nứa, gỗ, gianh, có hai mái chính
chạy dọc và hai mái phụ chạy ngang, đầu hồi ngôi nhà trang trí hình khau cút.
Cửa sổ được trang trí hình vành trăng, liên quan đến lịch sử di cư
của người Thái. Tiếp theo là kiểu trang trí mẹ con - Cha con theo cặp đối xứng,
thể hiện ước mong có một gia đình đoàn tụ, hạnh phúc. Những chấn song hình răng
bừa là những tín hiệu biểu hiện cho sự sung túc, hạnh phúc của chủ nhân
ngôi nhà.
Ngôi nhà sàn Thái bao giờ cũng có hai cầu thang, phía trước là cầu
thang dành riêng cho con trai và khách là nam giới, gọi là (táng quản). Cầu
thang phía sau dành riêng cho nữ giới, gọi là (táng chan).
Mặt bằng sinh hoạt trong nhà được bố trí chặt chẽ. Con trai lớn
trước khi lấy vợ, ngủ ở vách phía sau Táng quản, được coi là nơi cư ngụ của thần,
dành cho việc thờ cúng. Tiếp đến là chỗ ngủ của bố mẹ và con gái lớn. Vợ chồng
trẻ bao giờ cũng nằm ở cuối dãy.
Nhà có hai bếp lửa, một đặt ở đầu táng quản dành để đun nước, sưởi
ấm và tiếp khách nam. Một bếp đặt ở táng chan dùng tiếp khách nữ, nấu ăn và nấu
cám lợn.
Trong mỗi góc buồng ngủ của người Thái được chủ nhà trang trí đẹp
và ngăn nắp, với các sản phẩm dệt thổ cẩm như: chăn, gối, đệm, màn che. Thông
qua góc buồng ngủ của người Thái phần nào thể hiện sự phát triển nghề trồng
bông dệt vải của người Thái. Trước đây, phụ nữ Thái phải biết trồng bông dệt vải
mới có quyền lấy chồng và nuôi con. Vì vậy, từ khi 12-13 tuổi các cô gái phải tập
làm quen với công việc thêu thùa, dệt vải, đến khi trưởng thành có thể dệt mọi
sản phẩm cần thiết phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Theo phong tục
người Thái khi đi lấy chồng, con gái vẫn phải mặc trang phục truyền thống và
mang theo về nhà chồng rất nhiều của hồi môn, chủ yếu là sản phẩm dệt: Gối,
chăn, đệm...
Người phụ nữ Thái luôn gọn gàng và chăm chút chỗ ăn, chỗ ngủ cho từng
thành viên trong gia đình. Khi có khách đến chơi nhà ngủ qua đêm, bên bếp lửa hồng,
người đàn ông ngồi tiếp khách, người phụ nữ đã chuẩn bị chọn bộ chăn, gối đẹp
nhất, ủ ấm trước rồi mới mời khách nằm nghỉ. Lâu dần, tập tục này đã trở thành
nét đẹp văn hoá truyền thống đậm nét nhân văn.
- Tổ hợp 3: Góc bếp sinh hoạt dân tộc Tày.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày bao giờ cũng có 2 bếp
lửa, một bếp ở gian ngoài để sưởi ấm, đun nước, tiếp khách và một bếp ở gian
trong để nấu ăn.
Bếp nấu ăn đặt gần chỗ để nước, tiện cho việc nấu nướng. Khung bếp
làm bằng gỗ sồi, kén hay táu mật. Trên mỗi bếp có thể bắc 2 kiềng, để vừa
nấu ăn và nấu cám lợn. Khi trong nhà có việc hiếu, hỷ hay có khách, một kiềng nấu
nướng thức ăn, một kiềng xôi cơm.
Bếp lửa rất quan trọng với người Tày. Vì vậy, khi làm xong nhà đồng
bào rất coi trọng việc vào nhà mới. Sau những nghi lễ cúng thần linh, tổ tiên,
chủ nhà nhất thiết phải mang một số vật tượng trưng: lọ dấm, hũ mẻ, bình vôi...
dọn về nhà mới.
Người Tày còn có tục giữ lửa bằng 2 cây củi to, dài ủ suốt ngày
đêm tại bếp. Mỗi khi nấu chỉ cần một que đóm mỏng, một chiếc ống thổi, lửa sẽ
bùng lên. Đêm 30 tết, người ta thay 2 thanh củi dài giữ lửa làm sao cho hết
tháng giêng vẫn chưa cháy hết. Khi đặt cây củi ủ lửa vào bếp, chủ nhà còn buộc
vào cây dài nhất một chiếc bánh nẳng và thắp một nén hương để gửi gắm ước muốn
về sự no đủ, may mắn, đồng thời biết ơn ngọn lửa suốt năm, suốt đời chung thuỷ
với con người để mời bếp lửa vui tết với cả nhà.
Sau những giờ lao động mệt nhọc, các thành viên trong gia đình ngồi
quây quần bên bếp lửa, trò chuyện, bàn bạc công việc gia đình, chị em ngồi bên
bếp lửa tranh thủ quay sa kéo sợi dệt vải.
Hình ảnh cô gái Tày duyên dáng đang quay sa kéo sợi bên bếp lửa hồng
là công việc thường xuyên vào các buổi tối. Vào dịp lễ tết, khách đến chơi nhà
còn được thưởng thức món cơm lam thơm, dẻo, thắm đượm tình người.
- Tổ hợp 4: Nghề thủ công truyền thống nhóm Tày - Thái.
Do nền kinh tế mang tính chất tự cung, tự cấp đã tạo điều kiện cho
các nghề phụ gia đình phát triển. Đồng bào đã tự tay làm ra mọi sản phẩm cần
thiết để phục vụ cuộc sống trong gia đình từ việc trồng bông, kéo sợi, dệt vải,
đan lát, rèn đúc, nghề gốm đến nghề mộc
- Nghề rèn Nùng An:
Nghề rèn truyền thống của đồng bào Nùng có kỹ thuật khá cao. Sản
phẩm rèn đúc không chỉ được đồng bào Nùng chuyên dùng, mà hầu hết các dân tộc
lân cận đều ưa chuộng. Nghề rèn đúc phát triển nhất là ở nhóm Nùng An ở
Phúc Xen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Với bàn tay khéo léo của những người
thợ rèn cùng với những công cụ giản đơn như bễ, đe, kìm kẹp và búa rèn...
đồng bào Nùng đã tạo ra các loại sản phẩm cần thiết phục vụ cho đời sống của
mình. Sản phẩm rèn của người Nùng An gồm đồ gia dụng và công cụ sản xuất với
hơn 20 chủng loại khác nhau, nhưng phổ biến và thông dụng hơn cả vẫn là các loại
công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của đồng bào trong vùng như: Dao, cuốc,
liềm, nhíp, hái, xẻng...
- Nghề gốm của người Thái
Trước đây, nghề gốm truyền thống của đồng bào Thái ở nhiều nơi
như: Thuận Châu, Chiềng Cơi, Hua La và Mai Sơn (Sơn La). Hiện nay, ở những nơi
này nghề gốm đã mai một, chỉ có người Thái ở Mường Chanh, huyện Mai Sơn còn duy
trì nghề gốm.
Nguyên liệu làm gốm ở Mường Chanh chủ yếu là đất sét màu trắng nhạt,
xanh đen, vàng, rất mịn và dẻo nên không qua công đoạn sử lý hoặc pha trộn thêm
cao lanh. Công cụ tạo hình gốm của người Thái là bàn xoay bằng thớt gỗ tròn, đường
kính 39 đến 40 cm, cao 19 đến 20 cm, úp trên một trụ gỗ chôn chặt xuống nền đất.
Nung gốm là khâu then chốt nhất trong quá trình sản xuất gốm của
người Thái ở Mường Chanh, nó quyết định chất lượng sản phẩm. Mỗi gia đình ở Mường
Chanh đều tự làm lấy lò nung gốm. Người ta chọn chỗ đất cứng hay những chỗ đất
phong hóa để đào lò, tiết kiệm củi đốt, sản phẩm chín tốt hơn và vào mùa mưa
không bị sập.
Sau đó, họ dùng cuốc, xẻng khoét vào sườn đồi theo kiểu lò hầm,
hình dáng mu rùa (cao ở giữa và thấp dần ra xung quanh). Đáy lò dốc nghiêng, thấp
dần từ ống khói ra phía cửa lò.
Sản phẩm nghề gốm của người Thái Mường Chanh khá phong phú, gồm
hơn 10 loại với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau, chủ yếu là gốm gia dụng
như: chum, bình có quai, nồi nấu cách thủy, chày cối dùng để nghiền gia vị, mõ
để đeo trâu, bò... Bên cạnh gốm gia dụng, các lò gốm ở Mường Chanh cũng sản xuất
một số gốm mỹ nghệ, các con giống như: Trâu, bò, ngựa, lợn, gà, vịt, cua, cá...
Người Thái Mường Chanh còn sản xuất một số đồ gốm có giá trị như: Chum to, lọ cổ
nhỏ được dùng làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng.
Gốm của người Thái Mường Chanh thuộc loại gốm trơn, không tráng
men, ít tinh xảo và thậm chí có phần hơi thô, nhưng vẻ đẹp của nó lại toát lên
chính nhờ sự thô ráp, mộc mạc đó. Gốm Mường Chanh có nhiều ưu điểm: Nhẹ hơn,
khó vỡ hơn và cũng ít bị rò rỉ hơn so với các nơi khác. Ở Mường Chanh, tất cả các thành viên trong gia đình từ già đến trẻ
đều có thể tham gia làm gốm. Đàn bà con gái và trẻ em có thể tham gia khai thác
nguyên liệu, gia công nguyên liệu, quay bàn xoay... Còn đàn ông phụ trách các
khâu quan trọng như: tạo hình sản phẩm, xếp gốm vào lò, nung.
- Nghề dệt:
Vốn là cư dân nông nghiệp lâu đời, các tộc người nhóm ngôn ngữ
Tày- Thái đều trải qua một thời kỳ dài trong nền kinh tế tự túc, tự cấp.
Ngoài trồng trọt và chăn nuôi, các nghề phụ gia đình như mộc, rèn, đan
lát cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu ăn, mặc ở và đồ dùng cần thiết cho gia
đình. Trong đó, dệt vải truyền thống được coi là thế mạnh của cư dân vùng thung
lũng. Mọi nhà đều tự trồng bông kéo sợi dệt vải. Nhà nào cũng có công cụ dệt vải:
Cán bông, sa kéo sợi, khung cửi. Nhiều gia đình còn có tới hai ba bộ khung dệt
vải. Để có một tấm vải, chị em phải thực hiện rất nhiều công đoạn như trồng
bông, cán bông, bật bông, quấn cúi bông, se sợi, hồ sợi, nhuộm sợi, dàn sợi,
lên go, mắc cửi và dệt vải.
Việc dệt vải được chị em làm trong những lúc nông nhàn, nên để dệt
được một tấm vải phải mất hàng tháng, còn vải thổ cẩm phải mất 5 đến 6
tháng. Họ không chỉ dệt vải để phục vụ bản thân, gia đình mà còn đem trao đổi với
bên ngoài.
- Tổ hợp số 4: Canh tác nông nghiệp
Cư trú ở vùng thung lũng, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nơi có
nhiều cánh đồng màu mỡ, đồng bào nhóm ngôn ngữ Tày - Thái đã sớm phát triển
nông nghiệp ruộng nước kết hợp với nương rẫy. Kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác
đạt đến trình độ khá cao. Đồng bào tuân thủ chặt chẽ nông lịch để gieo trồng, sử
dụng cày bừa trong khâu làm đất. Đồng bào đã sáng tạo và hoàn thiện các công
trình thuỷ lợi phù hợp với địa thế của ruộng. Họ có nhiều kinh nghiệm trong việc
be bờ, đào mương, đắp phai, bắc ống dẫn nước về ruộng, đặc biệt là việc sử dụng
chiếc cọn nước để “dẫn thuỷ nhập điền”.
Cọn nước được làm bằng những cây vầu nhỏ, gỗ, lợi dụng sức nước
ngăn dòng, tạo áp lực, tác động cho guồng quay. Khi cọn quay, các ống tre gắn
xunh quanh vành cọn sẽ múc nước từ dưới suối lên đổ vào hệ thống mương máng dẫn
nước về ruộng.
Trên nương rẫy, cư dân Tày, Thái phổ biến canh tác theo phương thức
phát, đốt, trồng trỉa. Mùa thu hoạch, họ dùng nhíp hái từng bông lúa, bó thành
cum, mang về, để lên gác bếp. Khi ăn, họ mang cum lúa xuống vò tách hạt và giã
thành gạo.
Công cụ thu hoạch lúa gồm có liềm, hái, nhíp, các dân tộc
Tày, Nùng, Thái, Lào còn sử dụng loóng để đập lúa ngay tại ruộng. Loóng có hình
dáng giống như chiếc thuyền độc mộc, nhưng ngắn hơn. Khi đập lúa, người ta đập
trên hai đầu của loóng, có phên che hai bên chắn thóc không bắn ra ngoài.
Loóng đập lúa là một công cụ lao động sản xuất mà cư dân miền núi,
phản ánh trình độ canh tác và sự ứng xử phù hợp với điều kiện môi trường.
Ngoài lúa, họ còn trồng ngô, rau, đậu, bầu bí và các loại
hoa màu để cải thiện đời sống.
- Khai thác nguồn lợi tự nhiên.
Cư trú gần các con sông, khe suối, cư dân Tày - Thái còn phát triển
đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn thường ngày. Các loại dụng cụ đánh bắt truyền
thống chủ yếu là đơm, đó, rọ nhử…Ngày nay, đồng bào còn dùng chài lưới để đánh
bắt cá.
- Phương tiện vận chuyển:
Xuất phát từ điều kiện cư trú vùng thung lũng, nơi có những khe suối,
những dòng sông và hồ lớn. Cư dân Tày - Thái đã tạo cho mình những phương tiện
vận chuyển phù hợp với từng địa thế khác nhau. Với những con đường mòn men theo
các sườn dốc, đồng bào dùng dậu gánh để tránh va quệt. Dậu gánh có nhiều loại với
nhiều chức năng khác nhau dùng trong lao động sản xuất. Loại dùng vận chuyển
nông sản như rau, củ, quả thường đan lóng thưa với hoa văn mắt cáo. Loại
dùng vận chuyển các loại hạt thường được đan các nan đan khít nhau. Ngoài ra dậu
còn là của hồi môn cho cô dâu về nhà chồng bao giờ cũng có nắp, được đan cải
hoa văn đẹp. Những vùng gần sông nước, lợi dụng
dòng chảy, cư dân nơi đây dùng thuyền độc mộc đi lại và vận chuyển hàng hoá.
- Tổ hợp 5: Lễ hội Lồng tồng.
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái
lại tưng bừng mở hội đón xuân để tạ ơn thần đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc
sống tốt lành, đồng thời cầu xin thần năm mới cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống
bình an, con người khoẻ mạnh. Cầu mùa, cầu an, cầu phúc, cầu sự bình yên...
Một trong những lễ hội lớn mang bản sắc tộc người, đó là lễ hội Lồng
tồng.
Lồng tồng, theo tiếng Tày - Nùng là hội xuống đồng, được tổ chức
vào dịp đầu xuân năm mới khoảng mùng 3 tết thời gian bắt đầu của một mùa
sản xuất mới.
Địa điểm tổ chức hội thường diễn ra trên một thửa ruộng rộng
Tổng (gọi là nà Lồng - ruộng xuống đồng) của một làng có dân số đông tập trung.
Hay trước đền, miếu của làng có đền thờ thần nông, có miếu thờ thổ công.
Lễ hội gồm hai phần: Phần lễ và phần hội.
Phần Lễ: là nghi thức đầu tiên, thiêng liêng và quan trọng nhất.
Các gia đình chuẩn bị một mâm cỗ gồm có: gà trống thiến, thịt lợn quay, rượu,
xôi, bánh bỏng, cúng tạ ơn thần nông và cầu mùa tại ruộng hay trước miếu. Sau
đó, họ đón một lão nông làm ăn giỏi trong vùng hạ một đường cày tượng trưng.
Phần hội: Là phần chính của lễ hội lồng tồng để du khách thập
phương đến xem và tham dự các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống: như múa
lân, kéo co, đấu võ, tung còn, hát Sli, hát Lượn.....và điển hình là trò chơi
tung còn, một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội. Đây là trò chơi dân
gian mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, thể hiện rõ quan niệm âm dương của
cư dân Nam á.
Bãi chơi còn là một khu đất bằng phẳng, người ta trồng ở giữa ruộng
một cây còn cao từ 15 - 20m, trên ngọn uốn thành vòng tròn có đường kính
50-60cm tượng trưng cho bầu trời còn gọi là phỏng còn. Có nơi vòng tròn được
dán kín bằng một tờ giấy hồng tượng trưng cho sự trong trắng của người thiếu nữ
đến tuổi trưởng thành.
Quả còn hình vuông tượng trưng cho mặt đất được khâu ghép bằng nhiều
mảmh vải khác màu, tượng trưng cho ngũ phương, bên trong nhồi hạt thóc, hoặc hạt
bông, tượng trưng cho sự sống, quả còn có tua dài bằng vải ngũ ngũ sắc.
Có hai hình thức tung còn:
Cách thứ nhất: Tung còn mang tính lễ nghi, lối tung còn này đòi hỏi
người chơi phải có sức khoẻ, có kỹ thuật và chỉ cần tung thủng vòng tâm là được.
Đồng bào quan niệm, nếu không có ai tung thủng hồng tâm của phỏng còn thì năm
đó âm dương không hoà hợp, không có mưa thuận gió hoà, năm đó sẽ mất mùa đói
kém. Bởi vậy trong ngày hội ai tung thủng hồng tâm đầu tiên được coi là ngôi
sao sáng trong năm, mọi người thán phục và được lĩnh phần thưởng của làng.
Cách thứ hai: Tung còn giao duyên, những người chơi đứng thành hai
bên giữa các làng với nhau, một bên nam, một bên nữ. Đích của quả còn lúc này
không nhất thiết phải trúng phỏng còn, mà họ tung cho nhau bắt còn. Nếu bên nào
để còn rơi xuống đầt nhiều lần là thua cuộc. Nếu ai tung còn được bạn tình bắt
được sẽ hứa hẹn về tình yêu đôi lứa tốt đẹp. Qua buổi tung còn nhiều đôi trai
gái đã kết bạn và đi tới hôn nhân. Vì vậy, các nhà dân tộc học nói hội tung còn
là "ngày giải toả tâm linh và cân bằng sinh thái".
Kết thúc cuộc chơi, người chủ trì lễ hội cũng là người khép hội cầu
mùa bằng việc dùng dao rạch quả còn và ban phát những hạt giống cho mọi người.
Đồng bào quan niệm, những hạt giống này là hạt giống thiêng sẽ đâm
chồi nẩy lộc nhanh chóng. Vì nó được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ
(âm-dương). Mọi người ai cũng vui vẻ đón nhận, với niềm hy vọng vụ mùa tới sẽ bội
thu.
- Điệu múa xoè các tộc người Thái, Lào, Lự.
Xoè là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian vốn có từ rất lâu
đời của tộc người Thái, Lào, Lự, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó
là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào. Xoè quan trọng đối với các tộc
người Thái, Lào, Lự cũng giống như làn điệu then, câu hát lượn của người Tày -
Nùng.
Vào dịp lễ tết, hội hè, mừng nhà mới...không thể thiếu những điệu
múa xoè của cộng đồng như: Xoè quạt, xoè khăn, xoè nón, xoè bướm, xoè đèn...
Phụ nữ Thái múa xoè bao giờ cũng gọn gàng, duyên dáng trong bộ váy
đen, thắt lưng xanh, áo cóm cùng đôi hàng cúc bướm, chiếc khăn piêu sặc sỡ và
các loại trang sức như; vòng tay, xà tích... Nghệ
thuật múa xoè dân gian mang đậm nét văn hoá tộc người, đã đi vào kho tàng văn
nghệ dân gian Việt Nam và đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng đời sống văn
hoá của dân tộc.
- Tổ hợp 6: Tôn giáo tín ngưỡng của các tộc người nhóm ngôn ngữ
Tày-Thái.
Hầu hết các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái đều không theo một
tôn giáo chính thống, mà chịu ảnh hưởng của tam giáo (Đạo giáo, Phật giáo, Nho
giáo).
Là cư dân nông nghiệp, sống phụ thuộc vào thiên nhiên nên đồng bào
tin vào thuyết vạn vật hữu linh, mọi vật đều có linh hồn. Trong các làng bản của
đồng bào có một tầng lớp người gọi chung là: "Thầy" (Mo, Then, Tào, Pụt).
Họ cho rằng, các thầy này được thần linh, thượng đế ban cho họ để thực hiện nhiệm
vụ truyền chỉ và giúp dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cuộc đời bằng
các nghi lễ cúng bái.
Các tộc người Tày, Nùng, Sán Chay cho rằng: Cả 4 chức sắc tâm linh
Tào, Mo, Then, Pựt đều là con cháu của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Trong đó, thày Tào
là anh cả, Mo - thứ hai, Pựt - thứ ba và Then là em út. Ngọc Hoàng Thượng Đế
giao cho các con đi cứu nhân độ thế, trị bệnh cứu người.
Trong phần tín ngưỡng tôn giáo các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày -
Thái, có giới thiệu một nghi thức lễ "lẩu then" của người Tày, Nùng ở
Lạng Sơn.
Lẩu then hay còn gọi là "Lẩu pựt", được tổ chức vào
tháng Hai, tháng Ba âm lịch. Lẩu then còn là một nghi lễ mang tính tôn giáo được
tổ chức với ý nghĩa nhà then mang lễ vật đi tiến cống Ngọc Hoàng theo thông lệ
hàng năm, khi gia đình nhà ai có người ốm đau hoặc cầu yên giải hạn phải mời bà
then về nhà làm lễ chữa bệnh, cầu yên, giải hạn.
Các bà then thường là nữ. Họ là nghệ nhân vừa đàn, vừa hát. Trang
phục làm then, gồm có: áo, mũ làm then, đi giầy vải đỏ hoặc xanh. Bộ đồ làm
then gồm: Dấu ấn, chuông đồng, nhạc sóc, quạt giấy, túi vóc, khăn đệm nhạc sóc
và không thể thiếu một cây đàn tính và nhiều nghi trượng như cây bông, cầu âm
dương, cây chuối, nhà hoa, nhà long đình, nhà hạn... để tạo ra không gian của một
thế giới theo trí tưởng tượng của con người.
Lẩu then là nghi lễ trang trọng nhất trong sinh hoạt văn hoá then,
là ngày hội của các bà then, mấy năm mới tổ chức một lần.
- Dụng cụ hành lễ của thầy cúng:
Trong tổ hợp tín ngưỡng dân gian, còn giới thiệu một bộ sưu tập đạo
cụ của thầy cúng dân tộc Nùng Phàn slình.
Khi hành lễ, ngoài mũ, áo, thầy cúng còn sử dụng các đạo cụ mà họ
cho rằng ở đó có dấu ấn và sự chi phối của thần linh như: Dấu ấn Tam bảo do Ngọc
Hoàng ban cho thầy cúng để đóng dấu các tờ sớ gửi lên thiên đình trong các nghi
lễ cúng đám ma, đám chay. Ngọc Hoàng nhìn thấy dấu mới ghi nhận và phù hộ cho
con cháu được mạnh khoẻ, mùa màng bội thu. Tuy nhiên, chỉ có các thầy cúng cao
tay mới được cấp dấu và được phép đóng dấu vào các tờ sớ.
Chó gỗ, được coi là chó trời có nhiệm vụ bảo vệ thầy cúng khi thầy
tiến hành mọi nghi lễ trong đám ma, giữ cho ma quỷ không đến quấy phá.
Chuông gõ, dùng để thỉnh Ngọc Hoàng, thần linh về khi cúng, dành
cho các thầy cúng cao tay, có chức sắc trong cộng đồng.
Kiếm, dùng chém ma quỷ khi chúng đến quấy phá việc cúng lễ.
Não bạt, dùng để báo cho mọi người biết có đám ma,đồng thời gọi
các vong nhân, hồn ma về dự hội làm cho người chết được vui vẻ.
Chuông lắc, dùng để tạo âm thanh cho vong linh người quá cố được
vui khi gặp tổ tiên, đồng thời động viên gia đình, con cháu được yên lành
Lệnh bài, dùng để xin lệnh trời thực hiện đám cúng, đồng thời thỉnh
bái, báo cho thánh biết dưới trần gian có việc cúng lễ.
Thẻ âm dương, là tín vật để nhận biết sự chứng giám của thần linh.
Thông thường khi cầu xin Ngọc Hoàng và thần linh một việc gì đó, nếu xin cả hai
đều ngửa (dương) có nghĩa là thần linh cười hay mắng. Nếu cả hai úp (âm) hay một
mặt dương, một mặt âm là được.
Kèn: dùng để thổi trong đám ma, báo hiệu cho dân làng biết nhà có
người chết, đồng thời cũng là vật khóc người quá cố thay cho con cháu trong gia
đình.
- Tranh thờ thập điện Diêm vương của người Tày, Nùng.
"Thập Điện Diêm Vương" là bộ tranh thờ được dùng trong
các nghi lễ tang ma của thày Tào các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay. Mỗi khi gia
đình có người chết, ngoài việc lập bàn thờ của thầy cúng, treo tranh Tam Thanh,
nhất thiết phải có tranh thờ "Thập điện Diêm Vương" và "Phá ngục"
để thày Tào thực hiện nghi lễ cúng dẫn độ linh hồn người chết vượt qua 10 cửa
điện về với tổ tiên.
Bộ tranh "Thập Điện Diêm Vương" gồm mười bức, miêu tả 10
vị vương cai quản âm phủ. Mỗi vị đứng đầu một điện để xét xử công tội những người
mới chết. Người ta tin rằng sau khi chết, linh hồn bị quỷ vô thường đón linh hồn
người chết dẫn tới trước điện diêm vương thứ nhất thuộc quyền của Tần Quảng
Vương. Tại đây, có sổ sách ghi đủ về tuổi thọ, xem từ trần có đúng kỳ hạn hay
không. Sau đó sẽ tra đến sổ sách ghi rõ điều phúc đã làm, điều ác đã gây
ra lúc sống ở trên đời, để định công và tội. Tại đây có gương nghiệt kính đài:
cân phúc, cân tội, ai có phúc thì được hưởng, có tội sẽ bị trừng phạt qua 8 cửa
ngục, bắt đầu từ cửa nhị điện Sở Giang Vương đến tam điện Tống Đế Vương, tứ điện
Ngũ Quan Vương, Ngũ Điện Diêm La Vương, Lục Điện Biện Thành Vương, Thất điện
Thái Sơn Vương, Bát Điện Bình Đẳng Vương, Cửu Điện Đô Thị Vương, để đầu thai kiếp
khác tại cửa ngục thứ mười của Chuyển Luân Vương.
Như vậy nội dung các bức tranh đã phản ánh rất rõ quan điểm khuyến
thiện, trừng ác theo giáo lý nhà Phật, có tác dụng giáo dục, đạo đức, nhân
cách, hướng tới cái thiện của nhân gian.
- Âm nhạc dân gian nhóm Tày-Thái.
Nhạc cụ của các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái độc đáo
và đặc sắc. Tiêu biểu nhất phải kể đến cây đàn tính của người Tày, trống Tang
sành của người Sán Chay, Khèn bè của các tộc người Thái, Lào, Lự. Ngoài ra, còn
có nhị, thanh la, não bạt, chuông, trống dùng trong các nghi lễ cúng và tang ma
tộc người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét