Trước đây, khi có dịp nhắc đến tác phẩm Ẳm Ệt Luông của người Thái, chúng tôi vẫn “còn phải
dừng lại để tiếp tục chờ bổ sung tư liệu mới xác định được”(1). Quả thực, vấn đề
có nhiều phức tạp nhưng nếu cứ “gác lại” mãi, e rằng có những thu nhận mới dần
bị lãng quên. Vả lại, trong quá trình diễn xướng (tức là phương thức biểu diễn
nghệ thật), trong nội dung phản ánh, Ẳm
Ệt Luông đã bộc lộ một số
quan hệ của nó với sử thi thần thoại Mường. Đẻ
đất đẻ nước và Ẳm Ệt Luông đều khác với Đăm Săn, Xing Nhã…
sử thi anh hùng Tây Nguyên, nhưng giữa chúng lại có nhiều nét bản chất thuộc
tính riêng biệt.
Nhưng chắc chắn sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước và Ẳm Ệt Luông xuất hiện cách xa nhau trong tiến
trình văn học dân gian.
Cái riêng biệt trong ngôn ngữ biểu đạt hình ảnh tượng trưng
với sự phản ánh dung lượng hiện thức là những cứ liệu khiến ta xác định được Đẻ đất đẻ nước là sử thi thần thoại. Ẳm Ệt Luông trên những chặng đường hình thành truyện
thơ khi tiếp xúc với sử thi thần thoại Mường đã tiếp nhận những nét lớn thuộc về
bản chất văn hóa dân gian Mường.
Ẳm Ệt Luông chỉ giống Đẻ
đất đẻ nước ở một số mô típ thần thoại được nhắc lại trong văn bản. Tìm hiểu
phương pháp sáng tác theo hướng phát triển của thơ ca dân gian, đồng thời bước
đầu so sánh thì rõ ràng là hai tác phẩm này không hề có biểu hiện giống nhau về
tư cách sáng tạo nghệ thuật. Sử thi thần thoại bao gồm nhiều nội dung bề bộn,
ngổn ngang các sự kiện của cuộc sống tinh thần, được sáng tạo bởi một hình thức
mới trên cơ sở liên kết chặt chẽ các mẫu truyện thần thoại suy nguyên với nhau;
tự tạo cho mình tầm vóc lịch sử của tác phẩm Đẻ
đất đẻ nước “chỉ được biểu
diễn” trọn vẹn trong nghi lễ tang ma với những quy trình khép kín, lần theo
quan niệm về “ba tầng bốn thế giới”. Nếu quan sát kỹ ta vẫn thấy đây đó trong
biện pháp tu từ, trong địa danh, nhân danh… có dấu vết của các thời kỳ văn học
cổ cận, xen kẽ tinh xảo trong kết cấu câu thơ. Song, Đẻ đất đẻ nước trong cái nhìn folkore với cảm quan chủ
đạo là thế giới các vị thần sáng tạo vũ trụ, sáng tạo vạn vật muôn loài với tầm
cỡ hàng vạn câu thơ truyền miệng, mà mới đây vẫn sưu tầm được với diện mạo
tương đối hoàn chỉnh. Ẳm Ệt
Luông thì khác hẳn, nội
dung của nó không đáp ứng được những yêu cầu của sử thi dân gian do thành tựu
lý luận đã tổng kết. Đặt tác phẩm trong đời sống dân gian thì thấy quá trình diễn
xướng không có một biểu hiện nào có quy định “nhất thành bất biến”.
Trong khi đó ở nhiều điểm sưu tầm được, Ẳm Ệt Luông đã được ghi chép bằng tiếng Thái. Dĩ
nhiên là có tình trạng dị biệt. Trong các dịp có xuất hiện nghi lễ như tang ma,
cưới hỏi, hội hè… Ẳm Ệt Luôngkhông
được coi là nội dung sinh hoạt bắt buộc. Loáng thoáng có tài liệu nói đến việc
sử dụng thì Ẳm Ệt Luông cũng chỉ được coi như Tây pú xước, Quắm tố mương… tiện thì trích đọc một vài đoạn
và nhiều khi không cần nhắc đến.
Rất có thể, Ẳm
Ệt Luông do một số
tri thức dân tộc Thái viết thác bản theo tích truyện dân gian của cư dân Việt
Mường rồi truyền lại trong đời sống cộng đồng, đó là “tập trường ca tập hợp được
những đoạn huyền thoại điển hình trong một vùng mà văn hóa Thái, Mường đan xen
chồng chéo”(2). Rồi những bản truyện chữ Thái ít ỏi ấy thất lạc, dân chúng lưu
truyền, tam sao thất bản. Như vậy, Ẳm
Ệt Luông có văn bản sớm nhất
cũng phải sau hế kỷ XV. Tác phẩm này có giá trị sử dụng như Việt diên u linh, Lĩnh Nam chích
quái… của người Việt.
Điểm khác là tác phẩm văn học Thái được phổ biến bằng hình thức thơ ca dân tộc.
Riêng truyện then Luông đỡ đầu cho các chúa đất là tư duy
Thái, khi xã hội đã có phân chia giai cấp sâu sắc. Loại mô típ này không có
trong Đẻ đất đẻ nước. Sự tích anh em Ẳm Ý đi chặt cây si là
sự đổi tên Mường Khao che Nghè Trống và đổi chỗ gốc si về Mường Thanh ở Điện
Biên. Còn hiện tượng kỳ vĩ của thần thoại vẫn y hệt như nhau. Có điều Đẻ đất đẻ nước khắc họa những nét đẹp hoành tráng,
dài hơi hơn nhiều mà vẫn chưa dung nạp nội dung phân định quyền hạn đẳng cấp.
Chi tiết khai sinh vũ trụ trong sử thi thần thọai Mường với mô típ rất đơn giản:
Bên trái ra gió ầm ầm
Bên phải ra gió cuồn cuộn
Cuốn đất đã thành đất
Cuốn nước đã thành nước
Trời ra trước là khât.
Đi theo mạch sáng tạo mới, có chiều hướng vươn tới suy tưởng
của truyện thơ Thái:
Nàng mây mới sinh ra
Mảnh đất bằng lá đa
Mảnh trời bằng vảy ốc.
Hai đoạn dẫn cách miêu tả khác nhau về mô típ, về phong
cách ngôn từ. Câu thơ, khổ thơ Thái rõ ràng đã mang dấu ấn lịch đại của một
giai đoạn lịch sử kinh tế xã hội phát triển ở thời kỳ sau tư duy sử thi dân
gian. Hình ảnh tượng trưng đã nhân hóa vũ trụ vật hóa thiên nhiên; nhưng chưa
vượt qua được tính ước lệ tượng trưng.
Dấu ấn của mầm mống tôn giáo nguyên thủy Mường, còn in đậm ở
nhân vật Dạ Dần - bà mẹ vũ trụ - hay di ảnh của thời kỳ mẫu hệ:
Đất với trời khi xưa gần nhau
Dạ Dần giã gạo vướng cối
Giơ chày vướng trời
…
Đây rút gươm chém đất thành lối
Núi dài mất lòng chạy ra lăn
Núi ngắn mất lòng chạy ra xa.
Đến lúc cốt truyện được các tri thức dân tộc Thái thu nhận
mô tip Mường, đã được cải biến trong sáng tạo nghệ thuật, nhân vật khác đi nhiều:
Có cây Then cho lá
Có người Then cho đầu biết nghĩ
Có cây Then cho có lá
Có người Then cho có đầu
biết nghĩ
Họ đi chặt cây về làm
chày
Giã đất cho đất thấp xuống
Chọc trời cho trời cao
lên.
Thực tế nội dung ta dễ
dàng nhận thấy tư duy thần thoại suy nguyên trong sử thi thần thoại Mường khác
hẳn cách trần thuật trong trường ca Thái. Khái niệm Then (=Trời) của ngôn từ
Tây - Thái cổ và “phi Then” (phi = hồn ma) còn cai quản cả “phi hướn” là tổ
tiên chết đi. Cả hai dạng “phi” này đều tồn tại vĩnh cửu, nên người được “Then
cho có đầu biết nghĩ” là chủ Mường Thái nghĩa câu chuyện đã Thái hóa mô típ thần
thoại Mường theo lãnh địa phong kiến đương thời…
Nhìn vào cấu tạo toàn bộ
tác phẩm Ẳm Ệt Luông ta thấy ngay tính bài bản vốn có của dạng
văn học viết, mà ngay cả văn học viết trong đời sống văn hóa dân gian Thái cũng
đồng thời là văn bản văn học dân gian. Mở đầu là phần Sinh ra cái lớn, tiếp
theo mới đến Sinh ra cái nhỏ và cuối cùng là phần Mở họng trời viết về những mơ
ước chinh phục thiên nhiên, về những công việc trồng cây lúa với những đúc rút
công việc thực tiễn. Ở hai phần sau các mô típ thần thoại chỉ còn được tác giả
sử dụng rất hạn chế, rồi mất hút; nhường chỗ cho khung cảnh làm ăn, và gây dựng
bằng kinh nghiệm cổ truyền. Với mô típ Mường Then và Mường Người có mối quan hệ
cụ thể là đường nối liền hai thế giới bởi:
Rễ cây đa làm tắc họng Bộ(3)
Rễ cây si quấn tắc họng
trời không kêu.
Tìm trong thần thoại
Đông Nam Á, hiện mới thấy mô típ này ở dạng cổ hơn cả là việc “chặt quách dây
khưa khẩu khạt” của truyện Lào.
Nhìn Ẳm Ệt Luông giữa các mối quan hệ với sử thi thần
thoại Đẻ đất đẻ nước của Mường, với truyện thần thoại
Lào, từ nội dung phản ánh đã nói lên vấn đề tiếp xúc, tiến tới dung nạp vào
nhau. Một lớp văn hóa truyền thống tinh hoa nhất, có ý nghĩa nhiều mặt với nếp
sống văn hóa Việt Mường được “lưu trữ” trong sử thi Mường, một mô típ lạ nhất của
thần thoại Lào đã “lặng lẽ” nằm gọn trong truyện thơ Ẳm Ệt Luông của người Thái. Đây không phải
thuần túy chỉ việc sao chép nguyên xi, cũng không phải là sự vay mượn thô thiển
mà mấu chốt là sự ảnh hưởng tích cực, mang ý thức đề cao cộng đồng dân tộc lớn.
Những thành tựu văn hóa truyền thống Thái cổ tiếp tục phát triển theo cách tư
duy của dân tộc Thái. Còn việc tiếp nhận hài hòa rồi nâng cao, coi giá trị tinh
thần của các dân tộc khác sống xen kẽ lân cận, cũng như của mình, để tạo ra những
giá trị mới là một cách ứng xử thông minh tuyệt hảo của hầu hết các cư dân Đông
Nam Á nói chung. Hiện tượng những mô tip truyện dân gian Mường đi vào văn học
dân gian các tộc người sống xen kẽ nói chung, và tộc người Thái nói riêng đã trở
thành phổ biến. Vấn đề ở chỗ sự ảnh hưởng nhiều hay ít đến chừng nào thì hoàn
toàn phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và mô thức bảo lưu. Xét được mức độ ảnh
hưởng giữa hai nền văn hóa đó tức là đã tìm hiểu được những chặng đường phát
triển hết sức quan trọng, trong đời sống văn hóa các tộc người. Nếu không biết
chắc việc người Thái lan tỏa dần dần địa bàn cư trú ở Việt Nam là Thái Lan vào
khoảng sau thế kỷ X trở đi; không nắm được một số mô típ truyện thần thoại của
người Thái, vốn có từ thời nguyên thủy ở nơi khác, thì không có căn cứ tìm ra lớp
thần thoại Việt Mường trong Ẳm
Ệt Luông. Mặt khác, thi pháp
nghệ thuật thơ ca với chức năng thẩm mỹ đa nghĩa của mỗi loại hình văn học dân
gian, ở từng tộc người đều biểu hiện những cơ sở xã hội khác nhau; chức năng
sinh hoạt của các tác phẩm khác nhau. Vì vậy, quá trình diễn xướng gằn liền với
nghi thức tôn giáo của Đẻ đất
đẻ nước là tất cả những gì
còn phục chế được tính nguyên hợp của văn hóa dân gian Mường, trái lại Ẳm Ệt Luông là tác phảm văn học tiếp nhận và sáng
tạo theo mô hình Thái không còn tính nguyên hợp nữa.
Đối với giai đoạn lịch sử
văn học cổ cận của các dân tộc cùng chung một khu vực cư trú, Ẳm Ệt Luôngđược viết bằng tiếng
Thái có sáng tạo trên cơ sở sáng tác dân gian, đã khẳng định vị trí của thể loại
truyện thơ, đương thời khẳng định trình độ văn hóa xã hội với nhiều nét đa dạng
tinh tế thổi lên là biện pháp tu từ, chắt lọc từ ngôn ngữ dân gian của chính
mình và của người Mường, người Tày và người Lào. Phải chăng, Ẳm Ệt Luông cũng là thể nghiệm bước đầu, để
dọn đường cho hàng loạt các truyện thơ Thái ra đời như Xống chụ xôn xao, Khun Lú Náng Ủa
Khăm Phanh… lần lượt
xuất hiện từ thế kỷ XV đến thể kỷ XVIII.
Ở các tác phẩm sau Ẳm Ệt Luông là câu truyện về việc hình thành vũ trụ
muôn loài; nhưng không phải là văn bản sưu tầm của một áng sử thi dân gian. Tác
phẩm có vị trí mới, đã được tái tạo bởi tầm nhìn của các tri thức bình dân. Đây
là một lối hình thành tác phẩm khá phổ biến trong văn học cổ cận ở các nước
Đông Nam Á.
Thái Lan có Sukuntala, Ramekian, Campuchia có Trai phun, Riêm kê, Lào có các truyện thơ biến dạng từJataka… đó là những ảnh hưởng Ấn Độ
nguyên vẹn mà tươi mới; chứa chan tình cảm sâu năng, hài hòa tính dân tộc Lào,
Thái, Khơ Me.
Đặt vấn đề Ẳm Ệt Luông là truyện thơ xuất hiện lần đầu trong
lịch sử văn học cổ cận của người Thái, liệu có gì mâu thuẫn với quan niệm xưa
nay rằng đây là tác phẩm văn học dân gian không? Trên thực tế thì không có gì
là đối lập. Văn hóa dân gian hằng xuyên là “nguồn vú sữa” cho văn học viết - ít
nhất là khá đậm nét suốt gần 10 thế kỷ - trưởng thành. Hiển nhiên là những
thành tựu mới của văn học viết ở buổi “hóa thân” ấy; văn chương tích lọc dưới
hình thức thơ ca đa phần là “bình mới rượu cũ” nên hai dòng văn học nhiều khi vẫn
hòa quyện với nhau mà tuôn chảy. Tích truyện là thần thoại, là cổ tích, xuyên
suốt bản trường ca là nghệ thuật vận dụng tinh xảo lối gieo vần của tục ngữ,
dân ca bản xứ. Đáp ứng một chức năng sinh hoạt, Ẳm Ệt Luông được đọc lại, trích đoạn trong sinh hoạt
tập thể, tác phẩm trở về với đời sống dân gian như bất cứ đơn vị tác phẩm
Folklore nào; nó chỉ khác sự tôn trọng nguyên cảo. Đây cũng là điều kiện bắt buộc
khiến cho quá trình diễn xướng không phát triển đa dạng được không ai tự ý bắt
bẻ, thêm bớt câu thơ. Thiên về lý luận, tức là Ẳm Ệt Luông không còn có bản chất của tính nguyên
hợp nữa.
Tóm lại, Ẳm
Ệt Luông là tác phẩm văn học
cổ của người Thái có ảnh hưởng chiều sâu nội dung áng sử thi thần thoại Mường
và thần thoại Lào; nó khẳng định một cấp độ tư duy mới trong sáng tác văn học.
Giống như Đẻ đất đẻ nước là lặp lại các mô típ thần thoại nhưng
khác là đã mở rộng nội dung sinh hoạt, làm ăn của xã hội phong kiến lãnh địa.
Khác với sử thi anh hùng Tây Nguyên là không xây dựng biểu tượng người anh hùng
văn hóa loại như Đăm Săn với chiến tranh bộ lạc, nhưng lại khác biệt bởi sự ổn
định văn bản. Lấy mô típ của truyện dân gian để sáng tạo ra những tác phẩm mới
hoặc tiếp nhận đến nhuần nhị khúc xạ dịu mát của các kiểu văn hóa lân cận trên
cơ sở phát huy truyền thống dân tộc là một đặc trưng nổi bật không chỉ ở văn học
Thái. Hai dòng văn học dân gian và bác học ở thời cổ cận các nước Đông Nam Á, đều
có sự chuyển đổi, dung nạp tương tự.
Hiện nay, văn học viết thời cổ cận của các nước khác trong
khu vực Đông Nam Á và của các dân tộc thiểu số Việt Nam, ít ỏi đến mức không rõ
diện mạo. Tìm lại cho được các tác phẩm, tác giả của giai đạn này, đang là nhiệm
vụ bức xúc. Thế mà khi ta đang có chút “gọi là” thì lại chưa được nghiên cứu
đúng mức. Thiên vị một xu hướng nào sẽ dễ dàng bỏ qua hiện thực khách quan dẫn
đến nhìn nhận sai lệch những thành tựu văn học. Câu Kiều của Nguyễn Du đã tỏ nỗi
niềm:
Người yêu, ta xấu với người
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.
(1) Trương Sỹ Hùng - Sử
thi thần thoại Mường - Nxb.
Văn hóa dân tộc - H, 1992.
(2) Đặng Nghiêm Vạn - Tìm
hiểu văn hóa truyền thống của người Thái Mai Châu - UBND huyện Mai Châu. 1988.
(1) Các đoạn trích đều lấy từ Ẳm Ệt Luông - Khà Văn Tiến dịch - Ty V. H.
T. T Hòa Bình - 1972.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét