Tập quán bảo vệ môi trường của dân tộc Thái (Huỳnh Tâm)

Dân tộc Thái còn có nhiều tên gọi khác như: Tay Thanh, Man Thanh, Tay Mười, Tày Mường, Hàng Tổng, Tay Dọ, Thổ; dân số khoảng 1.040.549 người; tiếng nói của họ thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái (ngữ hệ Thái-KaĐai).
Người Thái có cuội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa, tổ tiên xa xưa của người Thái có mặt ở Việt Nam từ rất sớm.

Hoạt động ở sản xuất của người Thái chủ yếu là nghề trồng lúa nước trong hệ thống thủy lợi thích hợp, điều đó đã được đúc kết như một thành ngữ "mương, phai, lán, lịn" (khơi mương, đắp đập, dẫn nước qua vật chướng ngại, đặt máng) trên các cánh đồng thung lũng. Họ làm ruộng cấy một vụ lúa nếp, nay chuyển sang 2 vụ lúa tẻ. Họ còn làm nương để trồng thêm lúa, ngô, hoa màu, cây thực phẩm và đặc biệt bông, cây thuốc nhuộm, dâu tằm dệt vải.
Dân tộc Thái hiện nay sống tập trung ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình và Nghệ An.
Tập quán của người Thái quy định: đối với rừng phòng hộ ở đầu nguồn nước thì tuyệt đối cấm khai thác; rừng dành cho việc khai thác tre, gỗ để dựng nhà, phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống thì tuyệt đối không được chặt đốt làm nương. Ở mỗi mường đều có "minh bản nen mương" (hồn thiêng bản mường), có núi rừng "rợp bóng bản mường". Đầu mường có "rừng hồ chiềng" gọi là "Cửa Xen", cạnh mường có khu rừng mang tên "Chiềng Kẻo" là khu rừng kiêng cấm, không được chặt phá… Nhiều bản còn có những khu rừng tre, rừng vầu cấm chặt phá gọi là "pá nó hảm" (rừng măng cấm). Sau những trận mưa đầu mùa, măng mọc rộ, người ta mới tổ chức cho cả bản vào rừng hái măng. Sau đó lại "đóng cửa" đợi đến đợt măng sau hoặc mùa màng sau. Các bản xưa còn có những cánh rừng nguyên sinh dành cho dân bản săn thú, không ai được đẵn cây đốt cỏ. Những khu rừng "đon khuông" được coi là rừng của thần linh trú ngụ, tuyệt đối không được phá, nếu ai xâm phạm thì sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lừơng. Ngày xưa những khu rừng cấm này không ái dám xâm phạm, dù chỉ là hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim thú… Thậm chí ai đi qua cũng phải cúi lậy, kể cả phìa tạo cũng phải xuống ngựa, chị em phải cởi khăn piêu xuống lặng lẽ bước qua, thú bị thương trong những cuộc săn bắn nếu chạy vào đây không ai được đuổi theo và sẽ được rừng che chở bảo vệ. Người Thái có câu: "Tai pá phăng, nhăng pá liệng" có nghĩa là: Sống rừng nuôi, chết rừng chôn.
"Hiêm pá vạy lun lăng chắng mả
Vạy haử nặm chu bỏ lay lơng
Phaư chứ đảy khót nặn măn chẳng pên côn"
Có nghĩa là:
"Giữ rừng cho muôn đời phát triển
Để cho muôn mỏ nước tuôn trào
Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người."

Người Thái nói về rừng, rừng thiêng và trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi người một cách cụ thể, ai cũng hiểu được: 
"Pá đông xông cột
Mạy pên khôn
Côn pên nuốt
Pá cắm đông kheo
Mạy hua ta
Nga hua bó
Pá tắm đin piêng
Pá heo đông căm
Pá cấm đông xên…".

Có nghĩa là:
Cây có lông (có nghĩa là cây cổ thụ),
như người già có râu,
rừng xanh bát ngát,
là rừng đầu nguồn,
rừng đầu mỏ nước,
rừng ngút ngàn tít tắp,
rừng cúng tế,
rừng kiêng,
rừng linh thiêng…


Bảo vệ rừng để cho hôm nay, cho ngày mai và cho muôn đời thế hệ mai sau. Rừng trong tâm thức của người Thái như trái tim của cộng đồng, thể hiện những quy ước, tập quán và những giá trị văn hóa truyền thống được tôn thờ, được sùng kính như với ông bà tổ tiên. Vài năm một lần bản mường tổ chức cúng rừng - "xên đông". Lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng, thầy cúng đại diện cho cộng đồng cầu khấn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hoà, mùa vụ tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc… chính vì thế, rừng được bảo vệ từ trong ý thức của mỗi người, nhân văn và cao đẹp biết bao. Tập quán bảo vệ môi trường của người Thái chủ yếu quan tâm đến việc bảo vệ rừng.

1 nhận xét: