Tính cấp thiết của Văn hóa vốn gắn liền với toàn bộ cuộc
sống và với sự phát triển của xã hội. Con người ra đời cùng với văn hóa, trưởng
thành nhờ văn hóa, hướng tới tương lai cũng từ văn hóa. Văn hóa của một dân tộc
trước hết thể hiện ở bản sắc của dân tộc ấy. Bản sắc dân tộc thể hiện trong hệ
giá trị của văn hóa dân tộc, nó biểu hiện và định hướng cho sự lựa chọn trong
hành động của con người. Những giá trị văn hóa là thước đo trình độ phát triển
và đặc tính riêng của mỗi dân tộc "Một dân tộc thiếu văn hóa chưa phải là
một dân tộc thật sự hình thành, một nền văn hóa không có bản sắc dân tộc thì nền
văn hóa ấy không có sức sống thật sự của nó".
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, 54 dân tộc là 54
sắc màu văn hóa tạo nên nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, được phân
bố ở các vùng, miền của Tổ quốc. Do đặc điểm về điều kiện địa lý, kinh tế - xã
hội và nhiều nhân tố ảnh hưởng khác nhau, đã hình thành nên các vùng văn hóa
khác nhau, từ đó văn hóa của các dân tộc cũng có những điểm khác biệt và mang
tính đặc thù. Trong các vùng văn hóa ấy, vùng Tây Bắc nước ta gồm 6 tỉnh: Hòa
Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái. Là một vùng rộng lớn, có địa
lý chính trị, kinh tế - văn hóa độc đáo, có vị trí rất quan trọng đối với sự
phát triển của đất nước cả về an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội
bao gồm rất nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi dân tộc với những đặc điểm
riêng, đều sớm hình thành những nét văn hóa riêng có, độc đáo của mình. Dân tộc
Thái là dân tộc có số dân đông thứ hai trong 53 dân tộc thiểu số ở nước ta.
Cũng như mọi dân tộc khác, người Thái ở Tây Bắc đã sớm hình thành một nền văn
hóa mang mầu sắc riêng và hết sức đặc sắc. Nền văn hóa ấy ảnh hưởng sâu xa đến
từng cá nhân trong cộng đồng người Thái, góp phần làm phong phú thêm những giá
trị cho nền văn hóa đa dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Những năm gần đây, tình
hình thế giới có nhiều biến đổi. Xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra như một cơn lốc
cuốn hút tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia
khác không thể đứng ngoài dòng chảy này. Kinh tế thị trường với những ưu điểm
và mặt trái của nó, có ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn hóa truyền thống của các
dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó có văn hóa của dân tộc
Thái ở Tây Bắc. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống của
người Thái, còn có những yếu tố không còn phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Trước sự tác động của cơ chế thị trường, của mở rộng hội nhập quốc tế và giao
lưu văn hóa hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Thái nói
chung, và người Thái ở Tây Bắc nói riêng đang bị mai một, pha trộn, lai căng,
không còn giữ được bản sắc. Vấn đề khác quan trọng hơn cả, đó là chúng ta đang
phấn đấu để có được sự bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, các vùng miền
trên cả nước. Để đạt được điều này phải kết hợp nhiều yếu tố, trong đó văn hóa
chiếm vai trò, vị trí hết sức quan trọng, không thể có bình đẳng dân tộc nếu
như không giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta, bởi
lẽ: "Vấn đề dân tộc là vấn đề văn hóa trong đó có thúc đẩy phát triển kinh
tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo điều kiện để
vùng Tây Bắc phát triển đồng đều và vững chắc, đóng góp vào việc thực hiện mục
tiêu chung của đất nước trong thời kỳ kinh tế thị trường đang đẩy mạnh văn hóa
biến động. Trước tình hình đó thì việc giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn
hóa dân tộc Thái ở Tây Bắc là vấn đề mang tính thời sự, cấp bách trong giai đoạn
hiện nay.
Hiện nay những hoạt động giao lưu văn hóa còn mang nặng
tính hình thức, phong trào, chưa có chính sách ngôn ngữ phù hợp cho việc giữ
gìn tiếng nói và chữ viết cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ trước đến nay,
chúng ta vẫn coi tiếng Việt là quốc ngữ nên chưa thực sự chú trọng phát triển
tiếng nói và chữ viết của đồng bào. Hầu hết các công sở, trường học đều dùng tiếng
Việt để giao tiếp, trong khi không phải tất cả mọi người dân đều biết nói, biết
viết thông thạo tiếng Việt. Trong lĩnh vực giáo dục, do việc giảng dạy bằng tiếng
Việt là chính nên chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc rất thấp. Trong những năm
gần đây, tỉnh Sơn La đã có chủ trương triển khai các đề tài khoa học nghiên cứu
về chữ Thái, biên soạn giáo trình dạy tiếng Thái, song mới chỉ là bước nghiên cứu
và triển khai thử nghiệm, chưa được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Chưa
có những biện pháp hữu hiệu để khai thác, bảo quản, giữ gìn và phát huy vốn nghệ
thuật dân gian, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một và có nguy cơ bị
mất do các già làng khuyết dần. Các hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ thiếu
khoa học trong cách thức tổ chức, dàn dựng tiết mục. Các nhà đạo diễn, dàn dựng
chủ yếu là người Kinh, không có hiểu biết nhiều về phong tục tập quán, văn hóa
truyền thống, thậm chí nhiều người còn không biết một tí tiếng dân tộc nào. Họ
dàn dựng mọi tiết mục theo những mẫu hình mà họ được học ở các trường lớp, mà
thực chất là những mẫu hình du nhập từ văn hóa phương Tây. Kết quả là người ta
dễ dàng nhận thấy những màu sắc văn hóa có cái gì na ná như nhau giữa nền văn
hóa của các tộc người khác nhau. Công tác tuyên truyền giáo dục và vận động
nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước chưa đáp ứng
thực sự cho mục đích văn hóa, phải nó chưa đầy đủ trách nhiệm. Nhiều phong trào
còn chưa sát thực với điều kiện thực tế địa phương cho nên chưa phát huy hiệu
quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét