Văn hoá uống rượu của người thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)

Người Thái Tây Bắc có câu "Pay kin pa, má kin lảu"có nghĩa là: Đi ăn cá, về uống rượu. Nếu cá là món ăn rất được coi trọng, thì rượu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Bởi rượu làm cho núi rừng Tây Bắc thêm ấm áp, làm cho con người gần gũi chan hoà với nhau hơn, góp phần xoá nhoà khoảng cách không gian và thời gian.

Người Thái Tây Bắc có nhiều loại rượu độc đáo như: Lảu xiêu, tức là rượu chưng cất theo lối thông thường; Lảu xam xiêu, tức là rượu chưng cất ba lần; Lảu vạng, tức rượu cái; Lảu xá chút, tức rượu cần. Các loại rượu này đều dùng nguyên liệu bằng các loại củ, hạt có tinh bột đồ thành xôi chín trộn với men tự chế rồi ủ theo một cách thức đặc biệt.
Ngay lá để lót, đậy chum rượu cũng được chọn lựa, tính toán hợp lý. Người Thái thường lấy lá ngoã đầu đập về lót và đậy sọt, chum ủ rượu sẽ thơm ngon hơn. Bởi vậy, người Thái có bài dân ca về rượu cần:
"Rượu này rượu hứng chum hoa
Rượu hương trấu nếp vàng
Rượu thơm lừng lúa mới
Rượu đón mừng cô chú họ ngoại
Trời nắng chói chang như có gió mát thổi
Ngày lành tháng tốt gặp vui
Rượu lâu năm em rót nâng mời
Cho đôi ta nhớ nhau quyến luyến".
Vào mâm cơm, trên đầu mâm bao giờ cũng có hai chén nhỏ gọi là "chén nóng" vừa ngụ ý tưởng nhớ những người quá cố của chủ và khách, vừa để chúc cho cuộc sống thêm vui, tình người chân thành và bền vững. Mỗi người trước khi uống chén đầu đều rót từ chén của mình một ít vào hai "chén nóng" và đổ một ít rượu xuống khe sàn để tỏ lòng kính trọng tổ tiên, trọng khách và cởi mở chan hoà với nhau.
Ngay cách phân vai thứ bậc chủ khách khi ngồi mâm cũng biểu lộ một văn hoá ứng xử tinh tế. Người có vị trí cao trong họ và người cao tuổi bao giờ cũng được xếp ngồi ở phía đầu mâm gần cửa sổ. Song cũng có trường hợp cá biệt, đó là khi em cậu đến chơi thì dù ít tuổi cũng được ngồi trên để tỏ lòng kính trọng bên ngoại. Khi đó, chủ nhà dù không có gà để mổ đãi em cậu cũng phải luộc hai quả trứng, ngụ ý cầu mong cho sự toàn thịnh, sinh sôi, phát triển.
Trong cuộc rượu, bao giờ cũng có khắp mơi lảu, tức là hát mời rượu. Chủ hát mời, khách hát đáp lại, mọi người cùng hò theo vui vẻ.
Chủ, khách vừa uống rượu vừa hát, chén rượu thành chén tình chén nghĩa, nâng con người lên một tầm cao mới.
Trai gái hát mời rượu như lời trao duyên:
"Đây là chén rượu thơm
Tay măng giềng em nấu
Đừng sợ say, đây là chén rượu tình
Mùa xuân em trao gửi."
Văn hoá uống rượu của người Thái Tây Bắc còn thăng hoa trong điệu xoè: Khắm khăn mơi lảu, tức là nâng khăn mời rượu. Các cô gái Thái duyên dáng trong trang phục truyền thống, khăn piêu lấp lánh như núi rừng Tây Bắc đang độ xuân thì uyển chuyển trong điệu dân vũ. Đôi tay đã từng:
"Nướng quả ớt thơm mùi đĩa chéo
Đụng vào khung cửi vải thành hoa
Tung nắm tấm thành ra đàn gà" (dân ca Thái), dịu dàng mời chén rượu thơm. Để rồi có ai cầm lòng được, say cùng đất trời và tình người Tây Bắc.

Trần Vân Hạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét