Vai trò của Mờ (người mai mối) trong hôn nhân của người Thái Đen (Hà Thị Hương & Nguyễn Thị Thu Trang)

Những người mai mối bên Nam và Nữ
Mỗi một con người, dù ở bất kỳ dân tộc nào, ngay từ khi sinh ra đã chịu sự chi phối của các phong tục, tập quán trong các giá trị văn hóa cộng đồng. Chúng gắn bó với mỗi người trong suốt hành trình của cuộc đời bằng các quan niệm lễ thức. Nghi lễ hôn nhân là một trong số những nghi lễ, mà ở đó, các đặc trưng phong tục tập quán, tư tưởng nhân sinh quan của từng dân tộc được thể hiện rõ rệt. Nó không chỉ xác nhận sự tồn tại một gia đình mới, một thành viên trong cộng đồng, mà thông qua đó, những tín hiệu, giá trị văn hóa tộc người được trao truyền.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi quan tâm đến một khía cạnh của nghi lễ hôn nhân, đó là vai trò của Mờ (người mai mối) trong hôn nhân của người Thái đen ở Mường Lò (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
Tục ngữ người Thái có câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” để chỉ sự rộng lớn, giàu có, đông đúc cũng như những dấu ấn văn hóa đậm nét của tộc người tại những địa phương này. Quả vậy, theo điều tra dân số năm 1999, người Thái ở tỉnh Yên Bái có khoảng hơn 40.000 người, cư trú tập trung tại vùng thung lũng Mường Lò (huyện Văn Chấn) và một số vùng phụ cận. Mật độ dân số và phương thức cư trú quần tập theo sự cố kết tộc người như vậy đã tạo nên một bản sắc văn hóa vô cùng phong phú.

Người mai mối bên Nam
Đối với người Thái đen ở Mường Lò, những đặc trưng văn hóa trong quan hệ hôn nhân được biểu hiện vô cùng phong phú, đặc biệt là khi chức năng của các thành viên chịu trách nhiệm tác thành một gia đình mới không chỉ dừng lại ở việc tổ chức xong lễ cưới mà nó còn có vai trò xuyên suốt quá trình duy trì, tiếp nối và tổ chức cuộc sống sau hôn nhân. Nhiệm vụ của họ chỉ hoàn thành khi họ xuôi tay về đất. Trong nghi lễ hôn nhân của người Thái đen, ngoài vai trò chính của hai bên gia đình thì Mờ (người mai mối) là một nhân tố không thể thiếu.
Mờ (người mai mối)
Khác với Mo, Một, trong xã hội người Thái, Mờ không phải là một nghề thực sự, do vậy không có cá nhân nào chỉ chuyên làm Mờ. Người Thái đen ở Mường Lò chọn người làm mai mối cho hôn nhân của con, cháu họ theo cách riêng, phụ thuộc rất nhiều vào các quan hệ chồng chéo phức tạp trong xã hội như quan hệ dòng họ, cộng đồng, hay đơn giản chỉ là những cảm tình cá nhân về tư chất của người được chọn. Ngoài thuật ngữ Mờ, để chỉ người mai mối, người Thái đen còn dùng thuật ngữ "Po Sư" để chỉ ông mối và bà mối là "Me Lam", tuy nhiên, Mờ là thuật ngữ phổ biến hơn cả. Người được chọn làm Mờ thường hội tụ những tiêu chí sau:
- Là người trung tuổi, có gia đình mẫu mực, làm ăn kinh tế giỏi.
- Ngoại hình tương đối ưa nhìn, không thiếu khuyết, là người hoạt ngôn, quảng giao.
- Có quan hệ thân thiện với phía gia đình nhà gái.
Nếu như người Thái ở Hòa Bình, Lai Châu thường chọn Mờ là đàn ông thì người Thái đen ở Mường Lò lại thích Mờ là phụ nữ. Đồng bào cho rằng, với tâm tính nhu thuần, ngọt ngào của người phụ nữ công việc hôn lễ sẽ trôi chảy, thuận lợi.
Không chỉ gia đình đằng trai mới nhờ người làm Mờ mà gia đình đằng gái, sau khi nhận được lời ngỏ của Mờ đằng trai, cũng chọn một người đại diện cho gia đình mình tiếp chuyện và cùng định đoạt cuộc hôn nhân của con cháu họ, người này cũng được gọi là Mờ. Thông thường, Mờ đằng gái là người trong họ, có hiểu biết, quan hệ rộng, đặt biệt là với Mờvà gia đình đằng trai. Để cân xứng và thuận tiện giao tiếp, nếu đằng trai cử Mờ là phụ nữ, nhà gái sẽ chọn một người phụ nữ và ngược lại.
Sau khi được chọn và chính thức nhận lời, Mờ thực sự gắn kết và trở thành người có ý nghĩa đặc biệt, xuyên suốt cuộc hôn nhân của đôi trẻ.
Giai đoạn tìm hiểu và dạm hỏi
Việc đầu tiên của Mờ là đánh tiếng với gia đình nhà gái. Chọn một dịp thuận tiện, như đi chợ, hội họp trong làng bản...Mờ chủ động đặt vấn đề với gia đình đằng gái, thường là trực tiếp với cha, mẹ cô gái. Đồng thời Mờ cũng cung cấp thông tin về nhân thân và gia đình chàng trai như dòng họ, tuổi tác, thành phần gia đình... Gia đình nhà gái sau khi nhận được lời ngỏ sẽ bày tỏ ý kiến của mình, nếu con gái họ đã có nơi hỏi, hoặc không đồng ý, họ sẽ tế nhị từ chối. Ngược lại, nếu thấy ưng, hoặc tiên liệu được sự thành công của hôn nhân, thông qua Mờ, họ sẽ cung cấp các thông tin riêng của gia đình, của bản thân cô gái được hỏi.
Cũng vậy, sau khi tiếp xúc với gia đình nhà gái và qua các kênh thông tin riêng của mình, Mờ chủ động báo lại cho gia đình chàng trai những thông tin về cô gái và gia đình cô. Với bất kỳ dân tộc nào, việc dựng vợ gả chồng luôn được coi là trọng đại nên phải lựa chọn kỹ càng "lựa mía bấng mé nái, lựa quai bấng mé tổn lang" (Chọn vợ trông mẹ vợ, chọn trâu trông con đầu đàn). Qua các thông tin của Mờ cũng như qua việc tiếp xúc hằng ngày trong cộng đồng, gia đình đằng trai quyết định chính thức tiếp tục hay dừng lại việc tác thành cho cuộc hôn nhân. Nếu ưng, cùng với Mờ, họ chọn ngày đi dạm. Một công việc không thể thiếu đó là sau khi nhận được thông tin về tuổi tác, dòng họ của gia đình nhà gái, cha mẹ chàng trai chủ động nhờ Mo, hoặc một người có khả năng đoán số, đoán tuổi, vận hạn của đôi trẻ khi chúng nên đôi lứa. Nếu kết quả thuận lợi, việc hôn nhân coi như đã được định đoạt và có thành công bước đầu.
Mở lời (pay ổ/chom pạư)
Được sự mở lời của nhà gái, nhà trai sẽ lựa chọn ngày tốt để đi dạm. Việc đi dạm này được phó thác cho Mờ. Cùng với chú rể, Mờ sang tiếp kiến gia đình nhà gái. Lễ vật đi dạm tương đối đơn giản, gồm hai gói trầu, hai gói cau, hai chai rượu và một cặp gà... Nhà gái, cùng với một vài người có uy tín trong dòng họ, bày mâm tiếp rượu. Sau vài tuần rượu chào hỏi, Mờ sẽ mở lời với gia đình nhà gái bằng một bài “khắp Tay” đại ý: "Chúng tôi được tổ tiên thí cho đứa con trai, ông bà được ban cho đứa con gái, bao nhiêu công lao cha mẹ khó nhọc, nuôi con từ khi bàn chân còn bằng hai ngón tay, thời gian không quản, nay chúng đã lớn, muốn làm bạn trăm năm, xin ông bà tác thành cho chúng, chúng tôi cũng được phận nhờ". Đáp lại những lời đẹp đẽ, mượt mà đó, Mờ đại diện cho gia đình đằng gái, cũng thể hiện một khúc hát khiêm tốn nhưng chứa chan tình cảm: "Chúng tôi có con gái, lớn rồi mà chưa khôn, còn dại dột vụng về, chưa biết làm người, chưa có người đến hỏi, nay ông bà không chê, nhận làm dâu làm con, phúc đức cho gia đình tôi quá...". Sau khi lời đã mở, rượu ngọt thấm mềm môi, lòng người cũng lâng lâng hạnh phúc, họ trao nhau lời hay ý đẹp và thực sự "ôm mộng về nhà lúc xế vầng trăng". Điệu hát "luống ỉn, luống quà", tỏ lòng khăng khít quyến luyến không rời, cứ mãi ngân vang. Khi ra về, Mờ không quên “ngỏ lời” mời gia đình nhà gái sang chơi thăm nhà trai.
Nhận lời mời, gia đình nhà gái cử Mờ và một vài người đại diện cho gia đình, dòng họ mình sang chơi nhà trai. Thông thường, họ không mang theo lễ vật gì. Tới nơi, nhà trai mở tiệc chiêu đãi, họ nói chuyện, chúc tụng, ăn uống vui vẻ. Ngày giờ làm đám ăn hỏi, đám cưới, cũng được nhà trai đưa ra bàn luận và thống nhất với gia đình nhà gái. Xuyên suốt quá trình này là vai trò của Mờ, chính Mờ là người đưa ý kiến bình luận cũng như hoạt náo cuộc chuyện và thúc đẩy giải quyết hầu hết mọi khúc mắc, mâu thuẫn một cách nhanh gọn. Tàn tiệc, nhà trai gửi quà kèm theo, thông thường quà gồm có gà luộc, xôi, rượu và hoa quả. Số lượng tùy thuộc vào khả năng và thịnh tình của hai bên. Nhà gái ra về, mở lễ vật nhà trai gửi tặng mời người trong gia đình, họ hàng tới dự và bàn luận về đám cưới. Nếu không nhất trí việc hôn nhân, nội trong hai ngày gia đình nhà gái phải nhờ Mờ tới đằng trai từ hôn. Nếu không có dấu hiệu trả lời, cuộc hôn nhân coi như đã được sắp xếp.
Lễ ăn hỏi (Pay tham pạư/căm kin nọi)
Đến ngày lành tháng tốt, Mờ dẫn chú rể cùng họ hàng nhà trai sang nhà gái hỏi vợ. Số người đi hỏi chỉ được hợp thành con số chẵn, thường là 4 đến 6 người, không kể những người mang vác lễ vật (số người mang lễ vật cũng phải là số chẵn). Lễ vật mang theo gồm có 1 cặp gà sống, bốn con gà luộc, 50 lít rượu, 50 cân gạo, 6 cặp cá sấy và 12 lá trầu, 12 miếng cau, 12 miếng vỏ được gói trong giấy nhuộm đỏ.
Nhà gái nhận đồ lễ, làm cơm cúng ma "cọ hóng" (buồng thờ "cọ hóng" của người Thái đen thường được bố trí góc phải cuối hồi nhà, tính từ cửa vào, thường gọi là buồng ma xó, thờ tổ tiên). Mo sẽ được mời đến để cúng. Cúng xong, họ dọn mâm, hai Mờ cùng với 4 người đại diện cho hai bên gia đình được mời lên ngồi mâm trên, họ vui vẻ chúc tụng hôn nhân. Đặc biệt, trong nghi lễ này vai trò của Mờ càng được củng cố, chính Mờ là người chủ trì, buổi lễ theo phong tục của địa phương. Bằng những lời hát "khắp bản xao, khắp khiên tỏ" họ trao đổi qua lại, tình thâm khăng khít. Đôi khi những lời hát như vậy được cất lên ngay trong cuộc rượu, khi Mờ cất tiếng hát, hai bên gia đình lắng nghe chăm chú,Mờ chưa dứt lời, họ đã trầm trồ, tỏ ý tâm đắc, vui mừng. Cuộc hát cứ thế kéo dài tưởng chừng như bất tận.
Mờ nhà trai: Thấy ánh lửa sáng ở phía xa, thấy nước nguồn sâu trong xanh mát ngọt, muốn đến tận hưởng nước ngọt lành, trông thấy áo chàm thơm muốn thử mặc, trông thấy má hồng xinh tươi muốn xin làm rể...
Mờ nhà gái: Anh ở đâu đến đất mường này, phận gái nào dám có lời, gia đình anh có lòng, vui mừng lắm nhưng chỉ lo duyên số không hợp...
Cuộc hát được đẩy lên cao trào khi nhà gái hát “chê dâu”: Đi nương thì nói xấu em cô, đi ruộng lại nói xấu bố mẹ chồng, lên dốc thì chửi anh chồng, đi xúc cá chửi chị bên chồng...
Lời hát của nhà gái càng cường điệu tính xấu, nói những lời từ chối, rã đám thì nhà trai càng tỏ ra quyết tâm phải lấy dâu bằng được: Không lấy được dâu này sẽ không chịu thôi, vách đá cao dựng đứng thì lấy búa bổ dọc mở đường đón dâu, suối nước đầy thì rẽ nước lấy lối, đưa dâu này qua. Tiết gà quyện tiết quạ cũng bằng lòng, đầu chân tay bị rơi dưới gầm sàn này thành chín khúc cũng bằng lòng...
Theo tục cũ, đây chính là lần đưa chàng trai sang nhà vợ ở rể, thông thường người Thái đen ở rể 1 - 3 năm, thậm chí có gia đình ở rể đến 10 năm. Nếu ở rể, gia đình chàng trai sẽ xin gia đình nhà gái làm lễ "tẳng cẩu" (búi tóc ngược) cho cô dâu. Đối với người Thái đen, chỉ sau khi làm lễ tẳng cẩu hai vợ chồng mới được chung chăn chiếu. Ngày nay, ở một số gia đình, tục ở rể đã được thay bằng tục "tiền công rể", gia đình chàng trai sẽ nộp một số tiền tương ứng với thời gian ở rể. Vì vậy, lễ tẳng cẩu thường được làm trong lễ đón dâu.
Sau đám hỏi, một số bản ở Mường Lò, nhà trai còn sang thăm nhà gái từ một đến hai lần nữa, nếu đi thăm một lần gọi là "pàn khẩu vay", còn ở những bản đi thăm hai lần gọi là lễ cắm lá trầu nhỏ (khắt mak pú nợ) và lễ cắm lá trầu lớn (khắt mak pú luông). Trong lễ này, hai bên gia đình sẽ so tuổi tác, chọn ngày làm lễ đón dâu và đặc biệt có tục xem chân gà để đoán lành dữ cho đôi trẻ. Ngày nay, những tục lệ này thường được làm gọn lại cùng với lễ ăn hỏi.
Lễ đón dâu (sống pạư/tỏn pạư)
Ngày đón dâu, Mờ cùng chú rể và giai rể (những người bạn của chú rể đảm nhiệm việc gánh đồ lễ) và những người đại diện cho họ nội sang nhà gái đón dâu.
Lễ vật nhà trai đem đến gồm: 1 tạ rượu, 1 tạ thịt lợn, gà 8 con, 12 ống thịt nướng, 9 giỏ cá, 1 giỏ gừng, vừng, cùng trầu cau và nhiều thứ đồ khác như lọn tóc, trâm cài... tất cả đều được bao gói (gói bằng giấy xanh, giấy đỏ, buộc lạt màu...) đủ để nhà gái tổ chức đám cưới. Đại diện nhà gái đứng ra nhận và xem đồ lễ có đủ như lời thách cưới đưa ra hôm ăn hỏi hay chưa? Nếu vì vô tình mà thiếu đồ lễ thì Mờ với vai trò thông hoạt của mình sẽ kiến giải lý do. Nếu hợp lý, nhà gái có thể chấp thuận bằng cách phạt uống rượu. Ngược lại, với trường hợp nhà trai mang đầy đủ lễ vật tới, nhà gái cũng thưởng rượu. Thủ tục này không chỉ mang ý nghĩa vật chất đơn thuần mà nó còn bày tỏ sự tôn trọng giao ước, là cơ sở tạo hạnh phúc cho đôi trẻ. Đây chính là lễ nộp sính khòng (tức lễ giao của) của người Thái đen.
Sau khi đồ lễ được trao Mờ và chú rể thưa chuyện với Mờ nhà gái. Họ cất lên những tiếng hát, những lời đối đáp giới thiệu khiêm tốn về hai gia đình, nhà trai và nhà gái.
Mờ bên nhà trai hát rằng: Chàng trai từ nhỏ đã được gia đình nuôi nấng cẩn thận. Đến khi tìm hiểu, lại được hai bên gia đình nhất trí tán thành. Nếu nhà cửa giàu có thì làm lễ to nhưng do hoàn cảnh gia đình mà chỉ có miếng trầu, cau đem sang bên này...
Nhà gái đáp: Chúng tôi cảm ơn bên ấy đã không chê con gái chúng tôi dại dột. Có lòng thương đem con chúng tôi sang bên ấy nuôi nấng...
Sau lễ nộp sính khòng là đến lễ trải chăn đệm (lễ pu phả). Nghi thức của lễ này thường được hai Mờ và hai người thân đại diện cho hai họ thực hiện. Người ta trải hai đệm của cô dâu và chú rể cạnh nhau. Đệm của chú rể do nhà trai trải, đệm của cô dâu do nhà gái trải. Nếu nhìn từ cửa vào thì đệm của chú rể ở bên trọng, đệm của cô dâu ở bên ngoài. Hai chiếc gối được đặt song song, áo của cô dâu và chú rể được trải ra nhưng ống tay áo chú rể phải đặt vắt chéo sang áo của cô dâu, chăn của cô dâu được đắp lên trên. Rồi đến, chăn của chú rể... Nhiều đồ vật khác sau đó đều được sắp xếp theo thứ tự như vậy... Trong khi trải chăn đệm, người trải nhất thiết không dẫm lên chăn. Xưa, việc trải chăn đệm còn phải tiến hành kín đáo, họ lo sợ nếu để người khác nhìn vào sẽ khiến cho hôn nhân của đôi trẻ không bền.
Những người trải chăn đệm hoàn tất nghi thức của mình bằng việc chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ con đàn cháu đống và nhận lễ cảm ơn của gia đình hai họ.
Một nghi thức rất độc đáo trong đám cưới của người Thái đen được thực hiện tiếp sau đó là lễ "tẳng cẩu" - búi tóc cho cô dâu. Đây là nét văn hóa dân tộc rất độc đáo của người Thái đen. Qua búi tóc người ta có thể biết được cô gái này đã có chồng hay chưa. Khi búi tóc, người Thái luôn có lọn tóc độn. Nó không chỉ có tác dụng để cho búi tóc được dầy, đẹp, mà nó còn mang ý nghĩa tượng trưng của sự quấn quít mãi mãi của đôi vợ chồng. Để có được lọn tóc này, một người trong gia đình nhà trai phải làm nhiệm vụ ngày ngày giữ lại những sợi tóc rụng, gỡ những sợi tóc rối, gom lại và cất giữ cho tới ngày này.
Trước tiên, bên nhà gái cử một người ra chải tóc cho cô dâu. Khi tóc được chải đến lưng chừng, nhà gái sẽ giao số tóc đó cho bên nhà trai chải tiếp. Hành động này có ý nghĩa, từ đây cô gái đã chính thức là con dâu của gia đình. Cùng với lễ thức búi tóc là tiếng hát của Mờ:
Mờ bên nhà trai hát rằng: Được ngày lành tháng tốt, chúng tôi đưa lễ vật sang bên này, chúng tôi xin lấy cái lược chải để "tẳng cẩu". Xin tất cả cái đẹp, cái lành cho con chúng tôi. Chúng tôi phải bán con gà, con lợn để mua được cái trâm cài tóc. Tất cả tài sản dồn lại cho con dâu, mong con dâu sẽ trở thành trụ cột trong gia đình. Mong sao chúng trở thành đôi vịt không bao giờ xa lìa, như đôi gà luôn quấn quít bên nhau...
Mờ bên nhà gái dặn cô dâu: Con ơi! Từ bây giờ con không còn là con gái nữa. Con đã là vợ của người ta rồi. Làm vợ phải biết nghe lời chồng. Nghe lời chồng là nghe lời bố mẹ chồng. Lời bố, mẹ chồng là lời hay, lời tốt. Con đừng nghe ái xui, nếu nghe vịt là mất trứng, nếu nghe gà thì mất con, mất vườn. Có chồng rồi, thấy trai chưa vợ đi qua đừng liếc nhìn...
Ngày cưới chính là ngày thiêng liêng nhất trong đời sống tình cảm của con người. Ở thời điểm quan trọng này, cô dâu chú rể không thể quên công ơn sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ. Để bày tỏ lòng hiếu thảo của mình, người Thái có lễ "phan khẩu khén" - lễ đeo vòng tay cảm ơn bố mẹ cô dâu. Lúc này, Mờ bên nhà trai hát rằng: công lao của bà ngoại là rất lớn. Lúc đẻ ra, chỗ ướt mẹ nằm, khô ráo để cho con. Thịt nạc nhường cho con cái, để con cái trưởng thành. Nếu gia đình không nghèo thì sẽ có vòng bạc, vòng vàng nhưng vì gia đình khó nên chỉ có đôi vòng tay kỉ niệm...
Mờ bên gái tiếp lời: Thời gian mang thai, vất vả, thèm chua, thèm cá... kể cho đến 9 tháng 10 ngày, chồng thương chồng thấy đau ngực bên trái, đau ngực bên phải. Chồng đi lấy thuốc nam về thì mới đẻ được con. Đẻ sấp thì thành con trai, đẻ ngửa ra con gái. Ngày qua, tháng lại lớn lên mới đưa trâu về buộc trong chuồng, tối đến đi chơi, rồi chúng gặp nhau, mới tìm hiểu kỹ lưỡng và cuối cùng kết duyên với nhau...
Cứ như thế, hai gia đình sử dụng hình thức hát ví để tỏ lòng cảm ơn.
Sau lễ "phan khẩu khén", Mờ bên nhà trai mời ông vãi (bố cô dâu), bà vãi (mẹ cô dâu) sang nhà trai mừng dâu rể.
Đến nhà trai, cô dâu còn phải làm lễ cúng vía. Xưa trước khi cô dâu vào nhà chồng phải có một chậu nước làm lễ rửa chân, rửa tay nhưng nay người ta thay bằng cách mời rượu. Mờ đỡ lấy khay rượu, trong khi nhà trai hát rằng: Cảm ơn các ông bà đã không quản đường xa đưa con dâu chúng tôi về nhà. Chén rượu này để bóp đầu gối mỏi, để rửa chân, rửa tay, chúng tôi được bày tỏ tấm lòng...
Tại bàn thờ tổ tiên, thầy Mo đang làm lễ nhập khẩu cho cô dâu (người Thái gọi lễ này là Lễ nộp phạy). Khấn báo cho tổ tiên về sự có mặt của thành viên mới. Từ nay trở đi, cô dâu sẽ là người nhà này.
Sáng hôm sau, người nhà trai đưa cô dâu, chú rể 2 cân thịt, 2 gói xôi, 2 chai rượu sang nhà gái và mời đại diện nhà gái trong đó có mẹ cô dâu và bà Mờ sang nhà trai dự bữa cơm ngái hua (tức bữa cơm nhận lễ).
Khi đoàn nhà gái đến, họ phân chia các tặng phẩm cho họ đằng trai. Lễ này được gọi là Phăn chương khá (lễ chia của). Người được tặng phẩm đều phải uống 1 chén rượu tỏ lòng cảm ơn.
Mờ bên nhà gái thưa rằng: Tất cả, mọi thứ để lo liệu cho con gái chúng tôi sang, đáng lẽ chúng tôi có của, có cải cho con chúng tôi sang bên này làm nhà, làm cửa giúp ông giúp bà. Nhưng nay không giúp được nên chúng tôi có chút tặng phẩm biếu họ nội bên này...
Mờ bên nhà trai đáp lại: Bên ấy, có lòng tốt đem chăn đệm ấm, gối dày sang bên này, chúng tôi rất cảm ơn...
Mờ cũng là người mà nhà trai ủy thác việc theo dõi sức khỏe của cô dâu lúc tổ chức đón dâu. Nếu lúc này, cô dâu đang có mang thì đám cưới phải rước dâu theo đường cầu thang phụ và không được lạy ma nhà. Theo quan niệm của đồng bào, nếu điều này không được tuân thủ triệt để thì một số thành viên trong gia đình nhà chồng có thể sẽ bị chết. Đồng bào tin rằng vai trò của Mờ lúc này không chỉ là điều khiển, tiến hành các nghi lễ mà còn đảm tiến trình hôn nhân không xâm phạm tới các thế lực siêu nhiên.
Lễ lại mặt (tao tin)
Sau ba ngày kể từ ngày đón dâu, chú rể, cô dâu cùng đại diện họ nhà trai phải sang nhà gái lại mặt. Theo phong tục, nhà gái sẽ ăn mừng đám cưới trong ba ngày nên cô dâu không được về. Nếu về sớm, tổ tiên sẽ giận. Khi lại mặt, chú rể mới và cô dâu trẻ có thể đem theo chút quà như: thịt trâu nướng, cơm nếp, rượu...
Trong lễ cưới của người Thái đen, hai Mờ - là người thay mặt hai họ đối đáp với nhau bằng tiếng hát. Những bài hát họ sử dụng không có sẵn mà tùy vào hoàn cảnh và nhân thân của hai bên gia đình mà ứng khẩu thành ý nghĩa. Chẳng hạn nếu như cha hoặc mẹ của cô dâu hay chú rể không may đã khuất, Mờ cũng sẽ có những lời hát nhắc tới sự kiện này để ghi nhận công lao của họ đối với con cái hoặc bổ khuyết cho những thiếu sót trong khi tổ chức các nghi lễ nếu có. Những lời hát ví là những lời giáo dục đạo lý làm người, phận làm con, niềm hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ v.v... Sự nhanh nhẹn, thông minh và tài đối đáp của Mờ phần nào cho thấy những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Thái đen.
Là đầu mối thông tin của hai bên gia đình, Mờ nhiệt thành vun đắp cho hạnh phúc của đôi trẻ. Tuy nhiên, đồng bào quan niệm rằng đây không phải là một nghề mà người ta làm Mờ để tích đức, dành phúc lộc cho con, do vậy không có việc trả công cho Mờ, ngoại trừ việc biếu bà ta một chiếc váy đẹp do chính tay cô dâu dệt để tỏ lòng biết ơn. Đối với Mờ, người ta quan tâm đến việc trả nghĩa.
Thật vậy, sau mỗi cuộc hôn nhân, Mờ và gia đình cô dâu chú rể có quan hệ thân thuộc như người nhà, việc đi lại thăm hỏi diễn ra thường xuyên, đặc biệt là trong thời gian ở rể. Thậm chí, khi có những khúc mắc trong cuộc sống gia đình, người đầu tiên được nhớ đến là Mờ. Chính Mờ bằng uy tín và tình cảm của mình sẽ là đầu mối trung hòa các mâu thuẫn, chỉ bảo cách cư xử, sinh hoạt cho cặp vợ chồng mới. Mỗi năm khi tết đến xuân về, hoặc khi gia đình nhà Mờ có giỗ chạp, cưới xin, ma chay... đôi vợ chồng trẻ (trong thời gian ở rể) phải có nghĩa vụ đến thăm hỏi, giúp đỡ, biếu xén, giữ đạp làm con. Trong trường hợp chàng trai còn đang ở rể, chưa đón dâu về (nghi lễ hôn nhân chưa hoàn tất) mà Mờchẳng may qua đời, đôi vợ chồng trẻ phải để tang 3 tháng, nếu đã đón dâu về nhà chồng phải để tang 1 năm và có nghĩa vụ đóng góp về kinh tế cũng như công sức để tiễn đưa người đã tác thành cho mình về cõi vĩnh hằng(1).
Thông qua việc coi trọng vai trò của Mờ ngay trong đời sống thường ngày chứ không chỉ trong nghi lễ đã cho thấy tầm quan trọng của Mờ trong văn hóa Thái. Đây là một nét phong tục đẹp, có sức sống bền bỉ, nó hướng con người đến các giá trị Chân, Thiện, Mỹ.
Trong quá trình điền dã thu thập, ghi âm, chuyển nghĩa các bài hát trong nghi lễ hôn nhân của người Thái, chúng tôi nhận được sự trợ giúp rất nhiệt thành của bà Hoàng Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Hà Lâm Kỳ, cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Yên Bái và bà Điêu Thị Xeng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Những tư liệu này đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc hoàn thành bài viết. Tuy còn một số hạn chế nhưng hi vọng sẽ được khắc phục trong những nghiên cứu tiếp sau.
H.T.H - N.T.T.T
(Theo: Thông báo văn hoá dân gian 2005, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nông Quốc Chấn (chủ biên), Văn hóa và sự phát triển của các dân tộc ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1996.
2. Đặng Văn Lung, Nguyễn Sông Thao, Hoàng Văn Trụ (chọn), Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1997.
3. Cầm Trọng, Văn hóa Thái ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995.
4. Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Lợi, Yên Bái, 1991.

5. Lê Trung Vũ, Nghi lễ vòng đời, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét