Bà con dân bản vuột gội nước bên mó nước Nàng Han để cầu
may mắn, bình an.
Trong tâm thức của mỗi người con dân tộc Thái xưa và nay
Nàng Han là niềm tự hào, là hiện thân của khát vọng hòa bình.
Tôn sùng Nàng Han như một vị thần che chở, bảo vệ cho muôn
dân, cho bản mường thì bất kể người Thái, người Mông, người Dao, người Lự, người
Khơ Mú... đều giống nhau. Nhưng đối với người Thái ở Mường So, Phong Thổ, Lai
Châu, thờ cúng Nàng Han là một trong những ngày lễ hội quan trọng của bà con
dân tộc.
Theo truyền thuyết còn lưu truyền trong cộng đồng người
Thái, nàng Han là con gái một gia đình nghèo ở bản Lang (nay là xã Mường So,
Phong Thổ, Lai Châu). Thủa ấy, giặc phương Bắc hung hãn mang quân sang cướp
phá, bắt giết các bản mường. 3 tướng giỏi nhất của các xứ mường mang quân lên
cũng không thể đánh thắng kẻ thù. Chúa đất liền đốt lửa tuyển người tài mang
quân đi giết giặc. Trong khi trai bản thi triển tài năng đều không có ai thực sự
giỏi giang thì nàng Han xuất hiện xin được cầm quân đi đánh giặc.
Nàng Han động viên toàn thể tướng sỹ tập luyện võ thuật,
tích trữ lương thảo, bày binh bố trận rồi cùng nhau kéo quân lên hợp sức với ba
vị tướng. Với tài chỉ huy cùng sức mạnh phi thường của mình, nàng Han tuốt kiếm
thúc ngựa tả xung hữu đột, cùng với nhân dân đánh tan kẻ thù xâm lược. Vì tất cả
dồn cho luyện tập và đánh giặc, nên quân của nàng Han không kịp may cờ. Khi lâm
trận, tướng sỹ đã lấy chiếc chăn thêu mà nàng Han đắp làm cờ, thân tre làm cán.
Đúng ngày 30 Tết, quân xâm lược đã bị đánh bại, nàng Han được
tướng sỹ khiêng kiệu trở về. Khi đi đến mó nước Nậm So bên suối Tùng Lùm, nàng
Han cởi xiêm y, tắm bên mó nước sau đó thăng thiên. Năm ngày sau khi nàng Han
bay lên trời, ba vị tướng chỉ đạo ba cánh quân dưới quyền của nàng Han cũng biến
mất. Nhân dân quanh vùng sau đó lập đền thờ nàng Han cùng với các vị tướng của
bà ở ngay chính mó nước Nậm So...
Lễ hội Nàng Han, từ bao đời, đã trở thành dịp hội hè, tưởng
nhớ công lao của vị nữ tướng, cầu mong mùa màng bội thu, lưu giữ tinh thần thượng
võ, bất khuất của dân tộc Thái. Khi thực dân Pháp chiếm Lai Châu, để an lòng
dân, chúng buộc phải để nhân dân nơi đây tiếp tục tổ chức lễ hội nàng Han. Mó
nước nơi nàng Han tắm lạ kỳ thay quanh năm ngày tháng nước trong văn vắt, không
bao giờ cạn.
Các nghi lễ trong phần tế lễ, như rước nàng Han, ôn lại
công lao của nàng Han, cầu xin nàng phù hộ độ trì cho khắp mường an thái, mưa nắng
thuận hòa, mùa màng bội thu... được các thầy mo thỉnh lên nàng bằng tiếng Thái
hiện đại. Vật phẩm dâng lên nàng Han gồm hoa trái của bản làng, cùng với một
con trâu trắng được ngả thịt.
Phần hội có sự tham gia của đông đảo bà con thôn bản trong
xã Mường So như Tây An, Vằng Pheo, Huổi Én, Nà Củng, Phiêng Đanh... tham gia
các trò chơi dân gian như ném còn, đánh cầu, chơi Má lệ, đi cà kheo, kéo co. Những
trò chơi mang đậm tinh thần thượng võ như đẩy gậy, bắn nỏ. Các tiết mục văn nghệ
đặc trưng của người Thái với những cô gái khăn piêu áo cóm múa xòe, múa quạt
như những khóm hoa bung nở giữa ngày xuân...
Bên cạnh màu sắc ấm nóng từ những bộ trang phục của con gái
Thái, du khách cùng với bà con tham gia lễ hội nàng Han còn được thưởng thức
các món ăn đặc trưng của Mường So như sâu đá, rau gai rừng, cà đắng, măng đắng,
cơm lam...
Truyền thuyết về Nàng Han là bản anh hùng ca lịch sử hào
hùng của dân tộc Thái và một số dân tộc khác ở Tây Bắc. Nó chứng tỏ truyền thống
yêu nước, xả thân vì Tổ quốc, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ như truyền thuyết Thánh
Gióng của người Việt. Đó chính là cội nguồn sức mạnh truyền thống cố kết của
dân tộc Việt Nam ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét