Ma chay của dân tộc Thái Đen (Ad Khánh)

Hoả táng là tục lệ đã có từ ngàn xưa của người Thái Đen. Họ tin rằng khi thi hài được "tắm rửa" bằng lửa, linh hồn sẽ lên được mường trời, tiếp tục "sống" trong một thế giới khác.
Con người có sinh ra, lớn lên, già và chết (sinh, lão, bệnh, tử) trong đó chết và mai táng là một thủ tục phức tạp và rườm rà nhất trong các phong tục của người Thái...
Ma chay của người Thái rất phức tạp, sau khi một người qua đời thì công tác chuẩn bị là bước đầu tiên, tiếp theo là nghi lễ, cuối cùng là an táng.

1. Công việc chuẩn bị
Người Thái luôn phải có ít nhất một cuộn vải trắng (tòn phải chau), một cuộn thổ cẩm (tòn khít) ở trong nhà. Khi có một người qua đời nếu thiếu những thứ trên thì nghi lễ sẽ không thể tiến hành. 
Một người mất đi là một sự mất mát lớn đối với gia đình và họ hàng, chỉ cần nghe tin người thân mất thì những người thân trong gia đình dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ phải nhanh chóng về nhà. Lúc này người thân sẽ cho người đi mời ông thầy phúng và cũng sẽ báo cho các dâu, rể về nhà và chọn ra 5 đến 9 người là con rể hoặc cháu rể trong họ hàng để tiến hành nghi lễ, rể cả (khười cốc) là quan trọng nhất, là người không bao giờ được rời khỏi nhà, phải túc trực đến khi người mất được an táng xong xuôi, rể cả được chọn nếu là con rể cả của người đã mất là tốt nhất, nếu không có con rể thì có thể chọn cháu rể và phải là người Thái, nếu người dân tộc khác thì phải biết tiếng Thái, điều này rất quan trọng, người làm rể cả không biết tiếng Thái thì nghi lễ sẽ không thể tiến hành hoàn chỉnh. Các rể còn lại được gọi là rể khiêng (khười hàm), những người này phải là con rể, cháu rể trong họ hàng, được chọn để khiêng quan tài.
Cần chuẩn bị sẵn một quan tài (lông), một cây tre càng cao càng tốt để làm cây thăng thiên (cò chau phạ) nếu người mất là nam giới, cây này được mang về và lấy thổ cẩm (khít) để bọc từ ngọn đến gốc và để dư ra giống như bờm ngựa, cây thăng thiên của phụ nữ không làm cao, chỉ làm giống như một chiếc ô nhưng được trang trí sặc sỡ bằng những chiếc cờ nhỏ có đủ màu xanh, đỏ, tím vàng...
Cần chuẩn bị một cái ô mua ngoài chợ về trang trí với viền là thổ cẩm và vải trắng, tiền giấy treo vào mép bằng các sợi chỉ. cần có gỗ, ngói để làm nhà mồ, 1 cái kè bèm (giống như một chiếc hòm đựng đồ được làm bằng tre), một chiếc ghế mây, một đôi gà, một con trâu...
2. Nghi lễ
Khi có người thân mất người thân trong nhà sẽ ra ngoài thét to rằng: "Ôi, trời ơi đất ơi, bản làng ơi người nhà của tôi (nói tên người mất) đã ra đi...."(trước kia thường có súng kíp thì người thân sẽ bắn chỉ thiên ba lần để báo hiệu gia đình có người mất). Khi được tin này già làng (trưởng bản) sẽ đánh trống gọi dân đến phân công nhiệm vụ để đến giúp đỡ gia đình làm ma chay. Mỗi gia đình trong bản sẽ đến góp một bát gạo, hai chai rượu, gia đình nào khá giả hơn có thể góp nhiều hơn hoặc góp tiền. 
Tất cả vải vóc trong gia đình được bỏ hết ra ngoài, mỗi khi có người thân, họ hàng đến thì sẽ cắt làm khăn tang cho từng người. Người nhiều tuổi hơn (anh, chị, chú bác ruột...) sẽ tang bằng thổ cẩm (khít), người ít tuổi hơn (con, em, cháu, chắt, họ hàng xa...) sẽ tang khăn trắng (phải chau), bố mẹ (nếu còn sống) sẽ không mang khăn tang con. Người đã mất được đặt trên 3 chiếc đệm, được phủ bằng 3 chiếc chăn, một lớp vải thổ cẩm, một lớp vải trắng, trên mặt được phủ bằng chiếc khăn trắng khác.
Khi quan tài đã được chuẩn bị xong sẽ được đưa lên nhà và cho người đã mất vào cùng với một chiếc đệm, một chăn và 2 lớp vải đã nói ở trên (tức là chỉ bỏ hai cái đệm bên dưới và hai cái chăn). Người đến viếng sẽ được người thân xướng tên cho người đã khuất biết để người đã khuất phù hộ cho họ.
Đến bữa người rể cả sẽ làm cơm gọi hồn người đã mất đến ăn, thầy phúng ngồi cạnh rể cả đọc bài mời hồn về ăn cơm và rể cả sẽ đọc theo từng câu. Sau khi đã làm đủ 3 bữa cho hồn người đã khuất ăn (3 bữa đúng thời gian: ăn sáng, ăn trưa, ăn tối) hoặc sau khi người đã khuất đã qua 1 đêm trong nhà thì sáng hôm sau sẽ tiến hành mổ trâu làm thịt rồi làm món quen thuộc nhất của người Thái là "lạp trâu" để mời hồn người đã mất ăn bữa cuối cùng trước khi về trời, sau khi ăn xong sẽ là lễ đưa hồn người đã mất về trời (chau côn tài khửn phạ), thầy phúng lại đọc từng câu cho rể cả đọc theo, sau khi đưa hồn đến trời thì thầy cúng lại đọc bài dẫn đường cho rể cả về nhà, phần này chiếm thời gian khá dài khoảng 1- 2 tiếng đồng hồ. Sau đó quan tài sẽ được mang ra giữa nhà để người thân, họ hàng đi vòng quanh 1 vòng, mỗi người thân sẽ mang ra một chiếc áo tất cả gom vào ksà (một loại vợt vớt cá) rồi một người đại diện sẽ đi vòng quanh quan tài làm hành động như vớt hồn (sỏn khuồn) người còn sống lại không cho đi theo người đã khuất. 
3. An táng
Các rể khiêng sẽ cột quan tài vào hai cây tre hoặc gỗ rồi tiến hành khiêng đi chôn cất, người rể cả sẽ đi đầu tiên cầm một bó hương, một chiếc cờ dẫn đường và không được ngoảnh lại đằng sau, các rể khiêng (khười hàm) sẽ khiêng đi theo sau rể cả (khười cốc). đến nơi chôn cất (lúc này đã được chuẩn bị sẵn do dân làng giúp đỡ hoặc tự người nhà đi làm trước) quan tài sẽ được mở xem một lần cuối rồi mới được hạ huyệt, tất cả các đồ dùng, tiền bạc của người đã khuất được người con cả hoặc người thân nhất giao lại bằng miệng. Người đã khuất được chôn và được làm một căn nhà nhỏ đặt lên trên mộ, sau khi xong tất cả quay về nhà tiếp tục làm lễ đưa cây thăng thiên đến mộ dựng lên, kèm theo là bộ sọ trâu cùng đôi gà (một trống một mái), hai cái đệm, hai cái chăn, kè bèm, đồ dùng của người đã mất đựng trong kè bèm, một chiếc ghế mây. Sọ trâu được buộc bên ngoài căn nhà đặt trên mộ, đôi gà được buộc dưới gầm sàn nhà mộ, chăn, đệm, kè bèm, ghế mây... được cho vào nhà. Tất cả các người làm rể (rể cả và rể khiêng) sau khi xong sẽ phải về nhà cúng lại hồn (pèng khuồn), hôm sau mới được quay lại. Thủ tục an táng như vậy là xong.
Trong vòng 3 ngày, cứ đến bữa người thân lại mang cơm nước đến mộ cho người đã khuất, mang theo gạo, thóc cho gà ăn... sau 3 ngày thì bỏ hẳn và cũng không bao giờ quay lại mộ nữa.

Ad Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét