Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (Tặng Đào)

Nhảy sạp của người Thái tại tuần lễ văn hóa các dân tộc huyện Mộc châu

Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán khác nhau đã nên một bức tranh văn hóa các dân tộc đa sắc màu.

Bao đời nay, các dân tộc anh em luôn đoàn kết, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong kiến trúc nhà ở, các dân tộc Thái, Mường có kiểu nhà sàn độc đáo; các dân tộc Mông, Dao ở nhà đất với cách bố trí bên trong ngôi nhà thể hiện rõ quan niệm, tín ngưỡng của dân tộc mình. Ẩm thực mang đặc trưng riêng của từng vùng miền tạo nên những dư vị đặc biệt. Trang phục của mỗi dân tộc là những "công trình nghệ thuật" của người phụ nữ với kỹ thuật thêu thùa, tỷ mỉ, công phu... Bên cạnh đó, còn có hàng trăm lễ hội truyền thống của các dân tộc Sơn La, là nơi hội tụ đầy đủ, chân thực của văn hóa mỗi dân tộc như: Lễ hội Hoa Ban, cầu mưa, Hết Chá, Xên lẩu nó… của dân tộc Thái; lễ hội Nào Sồng của dân tộc Mông; lễ thanh minh, cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội Mợi của dân tộc Mường; lễ hội Mương A Ma của dân tộc Xinh Mun… Ngoài ra, còn có các nghi lễ vòng đời, chu trình canh tác, đón tết… gắn với tín ngưỡng, tâm linh, các làn điệu ca dao dân ca, truyện, thơ, các điệu múa truyền thống tạo nên các mảng văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Những nét văn hóa ấy là tài sản vô giá của cả cộng đồng mang ý nghĩa tinh thần lớn lao của mỗi dân tộc. Từ văn hóa có thể tìm thấy cả dòng chảy lịch sử dân tộc, nguồn tri thức của người dân sở tại phong phú có giá trị nhân văn sâu sắc để lại cho đời sau.



Ngày nay, trước sự du nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, nền văn hóa truyền thống của các dân tộc bị ảnh hưởng không nhỏ. Để gìn giữ nền văn hóa truyền thống của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nhiều hoạt động thiết thực như: khảo sát di tích lịch sử, những nét đẹp trong văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc; tổ chức phục dựng các lễ hội lớn; phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", tuyên truyền, vận động đồng bào gìn giữ văn hóa cội nguồn của dân tộc; thành lập trên 3.000 đội văn nghệ ở các tổ, bản, tiểu khu, cơ quan; tập huấn bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ cơ sở; tổ chức hội thi văn nghệ quần chúng các cấp, ngày hội văn hóa - thể thao, tuần lễ văn hóa... góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống các dân tộc. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn chú trọng vai trò của các nghệ nhân văn hóa dân gian ở các bản làng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tích cực tuyên truyền người dân loại bỏ các hủ tục lạc hậu, đồng thời, sưu tầm, nghiên cứu về các làn điệu dân ca, nhạc cụ, điệu múa cổ truyền làm tài liệu hoặc đĩa VCD phát tại địa phương.


Nhiều hoạt động mang tính chất sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng được khuyến khích phát triển. Điển hình là hoạt động sáng tác về âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh thu hút các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia. Từ đó đã cho ra đời nhiều bài hát mang âm hưởng các làn điệu dân ca, các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh chất lượng, phản ánh chân thực, rõ nét cuộc sống, văn hóa của mỗi dân tộc. Những tên tuổi như: cố nhạc sĩ Cầm Bích, nhạc sĩ Mùi Hái, Mè Hoàng Thanh, Bùi Khắc Bạo… đóng góp không nhỏ trong việc phát triển âm nhạc dân tộc. Đồn thời, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh với nhiều chương trình, tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La được giới chuyên môn đánh giá cao và đạt nhiều thành tích tại các hội diễn cấp Trung ương và quốc tế, mang nét đẹp văn hóa của các dân tộc Sơn La giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương phát triển mạnh, mỗi huyện đều có 2 - 3 đội văn nghệ xung kích, chủ yếu dàn dựng, biểu diễn các điệu múa, làn điệu dân ca của các dân tộc trong vùng, đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn vốn văn nghệ dân gian truyền thống. Nhiều đội văn nghệ quần chúng ở các điểm du lịch cộng đồng là nhân tố tích cực trong quảng bá nét văn hóa của dân tộc bản địa đến du khách. Việc xây dựng các điểm du lịch cộng đồng còn khuyến khích người dân gìn giữ những nếp nhà truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống được phục dựng hằng năm, ẩm thực dân tộc có cơ hội trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được giữ gìn, phát huy theo hướng tích cực, hiệu quả.

Tặng Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét