Phong tục đón giao thừa của người Thái Tây Bắc (Hoa Thược Dược)

Mùa xuân đang đến, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang trong không khí tưng bừng, rộn ràng đón Tết Nguyên Đán, một lễ hội cổ truyền mà mỗi đất nước, mỗi dân tộc lại có những nét độc đáo riêng đầy cuốn hút. Việt Nam là một quốc gia có sự tụ hợp của nhiều nét văn hóa đến từ hơn năm mươi dân tộc anh em sống trên khắp mọi miền đất nước, Tết Nguyên Đán ở Việt Nam cũng rất đa dạng, mỗi vùng miền lại có những phong tục đón Tết riêng.

Đối với người dân tộc Thái sống ở khu vực phía Tây Bắc của tổ quốc, Tết Nguyên Đán là một trong những lễ hội quan trọng và lớn nhất của người của bản mường, dân tộc. Trước Tết một tháng nhà nhà người người đã rộn nhịp tưng bừng chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Không khí Tết cũng tràn ngập trên khắp các bản làng, núi đồi khi những cành hoa mơ, hoa mận nở trắng xóa, khi những tiếng chày giã bánh, giã gạo vang lên từ những nếp nhà sàn ven núi. Đến ngày 30 Tết nếu bước vào các bản Thái sẽ thấy một bầu không khí khác hẳn, đường xá quang đãng, sạch sẽ. Mùi rượu cần, hoa đào, trầm hương và các thứ bánh truyền thống bay lên từ các nếp nhà cùng những làn khói tím làm cho mùa xuân thêm ấm áp.
Thời khắc giao thừa là thời điểm thiêng liêng và được mong đợi nhất được người Thái gọi là "nặm mấy", khác với nhiều dân tộc khác người Thái có nhiều phong tục lạ và độc đáo khi đón giao thừa.
Trước khi chuẩn bị sang năm mới, vài giờ hoặc vài phút những người già sẽ thức dậy mang hết những đồ trang sức hoặc đồng tiền cũ bằng vàng, bạc đem ra rửa. Đây là một tục lệ rất quan trọng, không phải người Thái nào cũng có thể làm. Thường chỉ có những người già trong gia đình và con cháu cũng rất hiếm khi được cho phép thức dậy cùng ông bà, cha mẹ vào thời khắc quan trọng đó trước giao thừa để chứng kiến lễ rửa vàng, bạc này. Sau khi rửa xong, người ta đem lau khô rồi lại cất vào chỗ cũ và cầu mong một năm mới bình an, sung túc hơn nữa.
Gần đến giao thừa những người đàn ông sẽ mang súng ống (chỉ là súng kíp, không dùng đạn) mang ra ngoài bìa rừng đúng vào thời điểm giao thừa sẽ bắn lên trời ba phát súng. Họ làm như vậy là để xua tan đi những điều không may của năm cũ, cầu mong núi rừng, đất trời sẽ ban phát cho họ một năm mới sung túc, nhiều của cải và mùa màng được bội thu. Sau khi những tiếng nổ của súng, những người ở trong nhà như được báo hiệu năm mới đã đến, họ bắt đầu nhắm mắt và cầu nguyện cho chính mình và người thân những điều tốt đẹp nhất.
Người Thái tin vào sức mạnh của nước có thể gột rửa tất cả và mang đến cho họ những niềm vui, niềm hạnh phúc với muôn vàn điều tươi mới nhất. Đặc biệt là nước trong ngày mùng một đầu năm mới, họ tin vào thời diểm đất trời chuyển giao này nước cũng đã được thay nguồn là nước mới. Từ "nặm mấy" trong tiếng Thái là giao thừa nhưng thực chất dịch theo nghĩa đen nó có nghĩa là "nước mới". Giao thừa của người Thái cũng gắn liền với nước như vậy. Mọi người cố gắng dậy thật sớm, mang theo những ống tre, ống nứa để đựng nước ra suối. Tất cả nước của năm cũ được đổ dồn vào những chum vại khác, những ống tre nứa còn lại trong nhà thì dùng để đựng nước mới. Tầm 5, 6 giờ sáng mùng một Tết, khi trời còn tờ mờ sương ta đã nghe thấy tiếng long tong va đập của ống tre nứa ngoài đường, người Thái đi lấy nước đầu năm như đi mở hội.
Ra đến bờ suối việc đầu tiên mà các cô gái và những người phụ nữ Thái làm là họ vẩy một ít nước suối lên rửa mặt và bắt đầu thầm nhẩm trong lòng nhưng lời cầu chúc như sau:
"Suối nạ nặm mấy
Hảu hăn mặn dưn
Hẩy nạ ku hung pan lao
Kinh khao pan mỏ
Ó nọ bản hung ko luông con"
Dịch tạm sang tiếng Việt có nghĩa là:
"Rửa mặt đầu năm
Cầu mong mọi điều tốt lành
Cho mặt mình được sáng ngời như sao
Da trắng tựa mây
Ra ngoài bản rạng ngời như quả còn…".
Đó là những lời cầu mong tốt lành mà mỗi người Thái tự cầu cho mình vào mỗi sáng đầu năm mới. Sau đó họ gánh nước mới về cho cả nhà cùng rửa mặt, rửa chân và nấu nướng cho năm mới, họ tin những giọt nước mới đó sẽ mang đến cho họ những điều mới mẻ nhất trong năm tới.
Sau giao thừa và mùng một Tết, người Thái mới bắt đầu nổi trống chiêng lên lần nữa, những vòng xòe, điệu múa sạp nối tiếp nhau trong men rượu cần và tiếng khèn sáo vang dội, họ lại tưng bừng chào mừng một mùa mới trên bản Thái và trên khắp đất nước Việt Nam.

Hoa Thược Dược

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét