Miếu Nàng Han (Văn hóa Việt)

Thiếu nữ Thái rạng rỡ trong những bộ váy cóm duyên dáng uốn mình chơi trò ném còn, đánh cầu, kéo co. Các chàng trai tràn đầy sức sống trong các trò chơi đi cà kheo, đẩy gậy, đánh cầu lông gà, bắt cá suối. Khách tham gia đến cuối ngày được mời thưởng thức những đặc sản của người Thái mang đậm phong vị Tây Bắc 


Đó là những hình ảnh, hoạt động diễn ra trong ngày Lễ hội Nàng Han ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Lễ hội Nàng Han tôn vinh nữ anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào Thái trắng, được tổ chức vừa để tri ân Nàng Han, vừa mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt cho khắp bản làng.
Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, Nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, nhớ công ơn của Nàng, bà con lập đền thờ và tổ chức Lễ hội ngay ở mó nước Nàng tắm.
Nàng Han trong tâm linh 16 xứ Thái, xứ Mường ở Tây Bắc giống như Bà Trưng, Bà Triệu đối với người Kinh.

Kể từ năm 2008, ngành Văn hóa tỉnh Lai Châu có chủ trương khôi phục Lễ hội Nàng Han sau 60 năm bị lãng quên. Cứ vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại bản Tây An, xã Mường So, bà con dân tộc người Thái, người Mường lại nô nức tổ chức Lễ hội. Vào ngày này, bà con dâng hương, hoa, nông sản, thực phẩm do chính bản làng làm ra. Bên cạnh đó, còn rất nhiều hoạt động văn nghệ đặc sắc như những điệu múa đậm bản sắc của đồng bào Thái hòa với tiếng đàn Tính tẩu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét