Luật tục trong đời sống các dân tộc thiểu số (Văn Hóa Việt)

Nói đến luật tục tức là nói đến phong tục, tập quán đã hình thành trong nhiều thế hệ. Luật tục vẫn tồn tại và có một vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ở mỗi dân tộc thiểu số khác nhau có luật tục riêng, thể hiện bản sắc, đặc trưng riêng của dân tộc mình.

Trong cộng đồng các dân tộc, luật tục được thành viên trong cộng đồng nghiêm chỉnh tuân theo một cách tự giác. Những người vi phạm luật tục cũng đồng nghĩa với việc xúc phạm đến thần linh, đến đức tin của cả cộng đồng.
Luật tục (người Thái gọi là Hịt khỏng, người ÊĐê gọi là Phạtkđi, người M’nông gọi là Phạtkđuôi, người Mạ gọi là N’Ri, người Gia Rai gọi là Tơlơiphian,…) đều có điểm chung là một mặt nó mang những yếu tố của luật pháp (quy định các hành vi phạm tội, các loại và mức độ tội phạm,…), nhưng mặt khác, luật tục mang tính chất của lệ tục, phong tục (những quy ước, những điều răn dạy, những điều khuyên nhủ mang tính đạo đức, hướng dẫn hành vi cho mỗi cá nhân, tạo dư luận xã hội để điều chỉnh các hành vi của con người. Nội dung Luật tục của các dân tộc bao gồm các quy định về quan hệ cộng đồng, quan hệ của người đứng đầu bản mường với dân, quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng làng bản, giữa cha mẹ với con cái, về sở hữu tài sản, sở hữu đất đai, nương rẫy, nguồn nước, giữ gìn trật tự công cộng, giữ bình yên, hoà thuận trong bản mường…
Luật tục xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội của mỗi dân tộc, phụ thuộc nhiều vào trình độ, ý chí chủ quan của các thành viên sống trong cộng đồng đó, trong đó có người đứng đầu (bản mường, chủ làng, chủ buôn, hội đồng già làng), do đó vừa thể hiện những mặt tích cực những cũng tồn tại những mặt tiêu cực đối với đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào các dân tộc.
Luật tục các dân tộc thiểu số thể hiện tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, cộng đồng dân tộc rất cao. Tuỳ theo từng dân tộc, nội dung của các luật tục thường quy định các vấn đề liên quan đến điều chỉnh các mối quan hệ gia đình như: quan hệ vợ chồng, con cái, cha mẹ, ông bà, anh chị em. Con cái phải thương yêu, kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; anh chị em phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Hầu hết các luật tục đều khuyên dạy vợ chồng phải yêu thương quý trọng lẫn nhau, sống với nhau thuỷ chung "Đã lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến hết đời, đã cầm cần mời rượu thì phải vào cuộc cho đến khi rượn nhạt, đã đánh cồng thì phải đánh cho đến khi người ta giữ tay lại" (Luật tục Êđê). Các quy định của luật tục các dân tộc thiểu số góp phần điều hoà các mối quan hệ xã hội trong bản, mường, buôn, làng, play, quan hệ giữa các dòng họ, giữ gìn trật tự an ninh, phòng chống các tệ nạn xã hội (trộm cắp, nghiện ngập, ngoại tình,…); bênh vực và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người phụ nữ và trẻ em…

Luật tục các dân tộc thiểu số góp phần bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ các nguồn lợi từ thiên nhiên (bảo vệ rừng lâu năm, rừng đầu nguồn, rừng thiêng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn tôm cá, cấm đánh bắt, săn bắn bừa bãi,…). Chẳng hạn như ở vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vì coi rừng là nguồn tài sản vô giá của buôn làng, rừng có quan hệ mật thiết với cộng đồng dân cư, luật tục quy định rõ tầm quan trọng của bảo vệ rừng, tôn trọng các quy tắc của cộng đồng về xác lập chủ quyền đối với rừng và đất rừng của từng gia đình, dòng họ. Luật tục Ê Đê có đoạn "…Cây le đang đâm chồi thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt. Nếu người ta bắt được họ đem cho người tù trưởng nhà giàu thì chân họ tất phải trói lại, tay của họ tất phải xiềng lại. Cả rừng le bị cháy khô, cả rừng lồ ô bị cháy trụi, hang thỏ, hang chồn đều bị thiêu trụi tất cả. Vì vậy có chuyện nghiêm trọng cần phải xét xử họ".
Luật tục người Mường quy định về thu hái măng nói rõ: "Bắt đầu từ khi các loại măng tre, bương, luồng, nứa,… mọc cho đến trước ngày 20 tháng 6 âm lịch hàng năm (mùa măng mọc bắt đầu từ mùa xuân; từ mùa xuân cho đến gần hết tháng 6 âm lịch là thời gian thuận lợi để măng phát triển thành cây; từ tháng 7 âm lịch trở đi, mặc dù măng vẫn mọc nhiều nhưng do thời tiết thường nhiều mưa, dễ phát sinh sâu bệnh; thêm vào đó là các trận bão dễ làm măng bị bẻ gãy, măng khó có thể phát triển thành cây-người viết), bất luận là ai cũng không được bẻ măng trong rừng hay trong các gồ bương tre,… trong vườn do chính tay mình trồng. Ai vi phạm dù là con trẻ hay người lớn (kể cả các gia đình thả rông gia súc vào rừng dẫm đạp làm đổ gãy măng) nếu bị phát hiện thì gia đình đó phải nộp phạt cho mường 1 con lợn cái (lợn nái đã đẻ)". Việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản dưới sông, suối ở vùng người Mường được người dân quy định thành lệ tục. Trên các con sông, suối được chọn ngăn từng khúc, từng khoang, có những khúc sông, suối ngày thường không ai được phép đánh bắt cá đó là những khúc sông suối có các đặc điểm: một nửa nước sâu còn một nửa dòng nước chảy vừa phải, có bãi cát ngầm thoai thoải hay nhiều hang hốc đá ngầm, rất thuận lợi, an toàn cho các loại cá sinh đẻ và trốn tránh kẻ thù, là nơi để cung cấp giống bền vững cho sự tái tạo, phát triển lâu dài của các loài. Việc cấm đánh cá, bảo vệ những khúc sông, suối đó được thần thánh, tâm linh hoá; do đó, ngoài việc sợ bị phạt, dân Mường còn sợ làm kinh động đến các vị thần linh (rồng, thuồng luồng,…) nên trong các gia đình, họ tộc Mường, người già bảo người trẻ, ông bà, cha mẹ dặn dò con cháu, mọi người đều chấp hành rất nghiêm chỉnh. Hay ở vùng đồng bào Chăm, để giữ gìn đập nước và phân phối nước, đồng bào cắt cử cai đập-đó là người trực tiếp thay mặt nhân dân điều hành hệ thống thuỷ lợi theo quy định của luật tục…

Cách xử lý các vi phạm của luật tục thể hiện tính dân chủ cộng đồng và tính quần chúng. Từ việc hình thành và điều chỉnh các quy định cho đến việc thi hành; bao gồm việc bàn luận công khai dân chủ trong cộng đồng về các vụ việc việc cùng thống nhất nhận định, kết luận về mức độ và tính chất của lỗi lầm, sai phạm; đến việc đưa ra các mức xử phạt và cuối cùng là theo dõi giúp đỡ sửa chữa, tránh tái phạm và thi hành các qui định của toàn thể cộng đồng. Các điều phạt mang tính chất giáo dục răn đe, ngăn chặn, đề phòng. Những điều răn dạy mọi người không nên làm những việc xấu, không làm những điều ác, không trộm cắp, không loạn luân, không uống rượu say, không đánh đập vợ con,…; lấy việc khoan dung, hoà giải làm trọng. Luật tục thể hiện tinh thần trách nhiệm chung của cộng đồng đối với lỗi lầm. Thông thường, trong các luật tục, việc xét xử các tội lỗi phải thực hiện qua các bước từ gia đình, dòng họ rồi mới đến buôn, làng, play. Qua cách xử lý như vậy, mọi thành viên từ già tới trẻ được giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần xây dựng, sự hy sinh những tham vọng cá nhân vì lợi ích chung của gia đình, dòng họ, cộng đồng làng bản.

Bên cạnh những yếu tố tích cực mang tính văn hóa, nhân văn như đã đề cập ở trên; luật tục còn bảo lưu nhiều yếu tố lạc hậu, lỗi thời có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, đến tình cảm trong cộng đồng các dân tộc. Chẳng hạn như tục nối dây (chun nuê của người Ê Đê hay mã kơ mai của người Chăm Roi) là một luật tục tồn tại từ rất lâu trong hôn nhân của đồng bào. Luật tục này quy định khi người vợ qua đời, người chồng muốn tái hôn buộc phải lấy một người con gái trong gia đình vợ (có thể là người em gái vợ còn rất nhỏ tuổi hay người chị vợ già hơn rất nhiều, miễn là người đó chưa có chồng). Nếu không còn người nối dây thì người chồng phải về lại nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng. Ngược lại, nếu người chồng chết mà gia đình chồng không muốn mất của cải cũng phải đưa người (anh trai hay em trai chưa có vợ của người chồng đã chết) sang nhà người vợ để thực hiện tục nối dây. Đồng bào quan niệm: "Rầm sàn gãy thì phải thay, giá sàn nát thì phải thế, chết người này thì phải nối bằng người khác" (Luật tục Ê Đê) Việc chấp nhận làm vợ hoặc làm chồng được thực hiện một cách tự nguyện, trên tinh thần do hai bên gia đình bàn bạc thống nhất (trong hoặc sau đám tang), không ép buộc. Nếu không thể nối dây tiếp được thì xem như người còn lại trở thành độc thân, có quyền tiếp tục cuộc hôn nhân khác mà không phải ràng buộc gì với con cái của mình. Những đứa trẻ mồ côi sau khi mẹ chết, không có người nối dây, người cha cũng bỏ về nhà mẹ đẻ và đi lấy vợ khác sẽ không còn nơi nương tựa, bị bỏ rơi hoặc là phải sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của ông bà ngoại tuổi đã cao, sức đã yếu, không còn khả năng lao động. Hay trong luật tục của ngời Gia Rai lại cho phép người đàn bà có chồng chết được quyền lấy cháu ruột của người chồng đó (do quan niệm làm như vậy để tạo nên mối quan hệ bền chặt trong dòng họ). Tuy nhiên, trên thực tế luật tục này đã khiến cho nhiều người phụ nữ rơi vào tình trạng bất hạnh, khổ sở vì sự chênh lệch tuổi tác (vợ già còn chồng lại quá trẻ). Một số quy định trong luật tục của các dân tộc xử phạt người phụ nữ rất nặng (đối với tội ngoại tình, loạn luân hay quan hệ tình dục trước hôn nhân), như dân tộc Xê Đăng có quy định: Nếu người phụ nữ có thai trước khi cưới sẽ bị phạt heo và rượu để cả buôn làng cùng uống,… Nhiều dân tộc quan niệm người phụ nữ thường gắn với những gì không sạch sẽ, vì vậy, luật tục quy định người phụ nữ đến kỳ sinh đẻ phải đẻ ở ngoài rừng (ngoài chòi canh của gia đình), phải một mình tự xoay sở; trong vòng 10-15 ngày người chồng ở cùng người vợ và không được đặt chân lên nhà ai, kể cả nhà mình. Hết thời gian đó, hai vợ chồng nấu nước nóng, bỏ lá thơm, đổ lên một hòn đá to và xông hơi đó rồi mới được về nhà,…Vì vậy, nhiều trường hợp người phụ nữ bị chết do sinh đẻ, tỷ lệ phụ nữ – trẻ em ở những vùng này mắc bệnh cao. Luật tục của ngời K’Ho và người Chu Ru quy định, một phụ nữ có chồng không may bị chết trước thì họ phải đứng ra sắm sửa lễ vật mang đến nhà trai xin được xây mộ cho chồng, xây xong mộ, họ phải làm thịt một con trâu và cơm rượu để mời họ hàng nhà trai ăn uống (tục Pơthi Shakơtinh-hay "trả nợ xương cốt"). Nếu do điều kiện kinh tế khó khăn mà người phụ nữ không hoàn thành được nghĩa vụ của mình thì con gái của người vợ goá bụa ấy phải tiếp tục thay mẹ "pơthi" cho cha và "sakơtinh" cho họ hàng bên nội. Nếu người con gái mồ côi ấy chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ nặng nề này thì lại tiếp tục truyền lại gánh nặng cho con, cháu, chắt gái của mình. Đối với những cô gái còn trẻ, không may chồng chết sớm thì họ cũng phải trả xong "món nợ xương cốt" rồi mới được đi lấy chồng khác. Người K’Ho cho rằng, lễ cưới có thể qua loa, đơn giản và có thể cho "nợ", nhưng "ăn xương" thì phải thật chu toàn đúng như sự quy định của luật tục để linh hồn người chết được bình yên ở thế giới bên kia và không trách cứ hay quấy nhiễu người sống nữa. Trên thực tế, Pơthi Shakơtinh đã trở thành gánh nặng đè lên vai của người quả phụ, thậm chí còn trở thành gánh nặng cho nhiều thế hệ con cháu nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nặng nề này. Đây là một trong số những luật tục mà các quy định của nó không phù hợp, cần phải được loại bỏ ra khỏi đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.


Như vậy, duy trì, phát huy những yếu tố tích cực, loại bỏ những hủ tục của luật tục truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là một công việc có ý nghĩa quan trọng để có thể hình thành, củng cố các làng, bản, buôn, phum sóc văn hoá, cơ sở để thực hiện tốt vấn đề nông dân, nông thôn, nông nghiệp trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét