Độc đáo lễ hội Xên bản, Xên mường của người Thái (Nhung Châu)

Người dân rước kiệu trong lễ hội.
Ngày xuân là sự khởi đầu của năm mới, là mùa hoa lá đâm chồi nảy lộc, là mùa xinh đẹp nhất trong năm. Đây cũng là lúc mà nhiều địa phương tổ chức lễ hội vui xuân, lễ cầu bình an, tạ ơn thần linh, lễ cầu mùa màng bội thu. Cũng nằm trong quy luật đó, vào những ngày đầu năm mới, du khách đổ xô về Mai Châu (Hòa Bình) để hòa mình vào lễ hội Xên bản, xên mường của người Thái.

Lễ hội Xên bản, xên Mường của người Thái là lúc họ gửi gắm những ước mơ về cuộc sống bình yên, no ấm đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, là cơ hội cho lứa đôi tìm hiểu, yêu đương. Buổi sáng ngày hội chính, đám rước đem mâm cỗ từ nhà tạo mường ra miếu. Đi đầu đoàn rước là tạo mường và các vị chức sắc khác. Ngay sau đó là trai thanh gái lịch khiêng trống, khiêng giàn cùng sáo cùng kèn. Các già làng mặc áo tơ vàng, quần màu xanh, đầu quấn khăn đỏ, vác cung tên theo hai con trâu mộng (trâu mộng được dùng làm vật tế sinh).  Bộ sừng của hai con trâu được bọc giấy màu, giữa trán và hai bên mông được dán bằng hình hoa cắt từ giấy trắng. Hai con trâu này, một con dùng để cúng thần tổ ở đình gốc và một con dùng để cúng thần hoàng. Sau cùng của đoàn rước là đoàn quân mặc trang phục quần vàng, áo đỏ viền xanh, đội mũ chóp đỏ, chân đi hài quấn xà cạp tận đầu gối, vác súng và gươm giáo… những người này có nhiệm vụ bảo vệ bản mường.

Hoạt động vui chơi được diễn ra trong lễ hội.

Đám rước dừng lại trước án thư đình một vị đẳm góa đầu đội mũ én màu đỏ, khoác chiếc áo thụng xanh tiến từng bước lên án thư. Ông đẳm rung lên một hồi chuông, sau đó hai con trâu mộng được dắt ra để làm thịt.
Buổi đầu của ngày hội chủ yếu xoay quanh việc múa hát, làm lễ, đánh trống chiêng. Đến buổi thứ hai sẽ diễn ra các hoạt động như bắn súng và cung nỏ. Hình thức bắn súng là người ta tung quả bưởi lên mái nhà, khi quả bưởi lăn xuống, các tay súng thiện xạ bắt đầu ngắm và bắn. Người thắng cuộc là người bắn trúng ở cả ba lần và sẽ được giải của “cần han” (tức người tải giỏi”. Tạo mường đứng ra trao thưởng cho người “cần han” một thanh kiếm chuôi ngà voi khảm bác và tuyên bố phong chức “tuần mường” (người đứng đầu an ninh phòng vệ) cùng một số ruộng đất.

Trò chơi Keng Loóng truyền thống của người Thái.

Ngoài ra còn nhiều trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Thái như: Đánh trống chiêng, chơi cù quay, ném còn, tò lẻ, thi hát đối đáp, Keng loóng….  Trong đó Keng loóng được coi là một trong những trò chơi cổ xưa nhất của người Thái gắn liền với quan niệm xưa ếch ăn trăng vào ngày nguyệt thực. Là lối chơi âm nhạc bằng cách dùng chày giã gạo vào chiếc cối hình thuyền nhằm tạo nên những âm thành nhịp nhàng, đặc biệt. Trò chơi Keng loóng đòi hỏi sự khéo léo, uyển chuyển của những người phụ nữ trong việc sử dụng cối và chày. Trò chơi này đã gắn bó lâu đời với những con người dân tộc Thái nên nó đã trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc này.

Nhung Châu Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét