Tục ngữ dân tộc Thái (Admin: Góc)


Trong quá trình lao động sản xuất và giao tiếp ứng xử, dân tộc Thái qua nhiều thế hệ đã tích lũy kinh nghiệm, tạo nên một nguồn tri thức phong phú, đó là những câu tục ngữ. Bài viết sau đây nêu một số chủ đề nổi bật trong kho tàng tục ngữ Thái, nhằm góp phần bảo tồn một lĩnh vực quan trọng trong nguồn tri thức bản địa của dân tộc Thái.


1. Tục ngữ về nông nghiệp
Người Thái đúc rút được nhiều câu tục ngữ để khuyến nông. Người Thái đã có nhiều thực tiễn trên lĩnh vực làm lúa nước, coi trọng những khâu liên hoàn trong việc cấy trồng như nước, giống, phân. Họ khuyến khích phát triển ruộng nước, hạn chế phát nương làm rẫy, điều đó thể hiện ở các câu tục ngữ sau:
"Háy têm ta báu pán nà hới nọi"
(Nương bao la không bằng ruộng nhà một thửa)
"Pí đáy sớ đáy khoai
Pí xia sớ tái giác"
(Làm nương rẫy năm được thì được trâu
Năm mất thì chết đói)
Làm nương rẫy phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nếu năm nào mưa gió thuận hòa thì năm đó được mùa, còn nếu năm nào thời tiết khắc nghiệt thì mất mùa cuộc sống bấp bênh. Mặt khác làm nương rẫy là phá rừng, huỷ hoại môi sinh, môi trường ảnh hưởng đến đời sống con người, chỉ làm ruộng nước mới chủ động, con người có thể áp dụng kỹ thuật, đưa năng suất sản lượng lên cao. Do vậy, trong nhận thức, người Thái cho rằng dù nương rẫy rộng bao nhiêu cũng không chắc ăn bằng một thửa ruộng con.
Ý thức làm ruộng còn được thể hiện thông qua việc lập mường, bản. Mường, bản của người Thái nói chung bao giờ cũng theo nguồn nước, nơi nào có sông suối thì nơi đó có người Thái thành lập bản mường. Hướng nhà của người Thái thường dựa lưng vào núi, mặt trước nhà quay ra hướng sông suối hoặc cánh đồng để tận hưởng nguồn nước:
"Kháu dú nà, pa dú nặm
Chăm chắng đáy kín, non nghin tai giác"
(Lúa dưới ruộng, cá dưới nước
Khéo làm có ăn, siêng nằm chết đói)
Do gắn bó lâu đời với nghề lúa nước nên trong kho tàng tri thức dân gian Thái còn bảo lưu được nhiều kinh nghiệm liên quan đến nghề gieo trồng lúa nước. Quá trình khai khẩn đất đai làm ruộng nước đã giúp người Thái rút ra nhiều kinh nghiệm, chọn những nơi đất màu mỡ để sản xuất và sáng tạo ra ruộng bậc thang. Từ lao động sáng tạo, người Thái tạo ra sự liên kết sức mạnh cộng đồng, sức mạnh ấy có cội nguồn từ nhu cầu tạo ra nhiều lúa gạo để nuôi sống con người.

2. Tục ngữ về khuyến lâm
Người Thái Thanh Hóa nói:
"Tái pá phăng, nhằng pa liệng"
(Sống rừng nuôi, chết rừng chôn)
Việc bảo vệ rừng, trồng rừng, nuôi dưỡng rừng đã từ lâu là trách nhiệm của cộng đồng, trở thành luật lệ của bản mường được người Thái lưu truyền qua các thế hệ:
"Dom pá bạy lùn lăng chắng má
Bạy hớ nặm chú bó láy lông
Phớ chứ đáy khoàm nặn mằn chắng pên cun"
(Giữ rừng cho muôn đời phát triển
Để cho muôn mó nước tuôn trào
Ai nhớ được câu ấy thì thành người)
Quan niệm của người Thái là rừng phải có cây cổ thụ che chắn cho các cây con và muôn loại sinh vật phát triển, cũng ví như trong bản trong mường có người già làm trụ cột, hướng dẫn con cháu xây dựng bản mường phát triển. Nhờ rừng có nhiều cây cổ thụ mà giữ được mùn, đất cằn tái sinh, mùn rác không trôi xuống lấp ruộng, nghẽn suối, nước mưa ngấm vào lòng đất ngăn những cơn lũ ống, lũ quét. Cách ứng xử với rừng như vậy là rất khoa học và nhân văn trong cái nhìn sinh thái học:
"Pa đông xông cột
Mạy mí khôn
Cun mí nuốt"
(Rừng bạt ngàn
Cây có lông (cây cổ thụ gốc mọc rêu)
Người có râu)

3. Tục ngữ về khuyến học
Người Thái rất coi trọng việc học hành, tôn trọng thày giáo, cô giáo, người đã dạy cho mình vào đời, đồng thời cũng khuyên mọi người phát huy tính tự lực, tự cường không trông chờ ỷ lại, thể hiện qua câu tục ngữ:
"Pó mé tạy, báu qua xày xon
Xày xón báu pớn chớ bòn há ngắm"
(Bố mẹ dạy không bằng thầy giáo dạy
Thày giáo dạy không bằng mình tự suy).
Người Thái xác định việc học hành là việc lâu dài, học suốt đời, còn sống còn phải học:
"Hóc lặc hóc cún tai
Hóc lài hóc tặm thấu"
(Học khôn học đến khi chết
Học khéo học đến già)
Một mình nghĩ không tròn, một thân lo không được, vàng mười xếp chật kho, chẳng biết liệu lo cũng bằng vàng rỉ. Học thày học bạn vô vạn phong lưu. Làm người mà được khôn ngoan, cũng nhờ học tập mọi đàng mới hay, nghề gì ta có trong tay mai sau rồi cũng có ngày có ích.

4. Tục ngữ khuyến cần
Tục ngữ Thái ca ngợi, khích lệ người siêng năng chăm làm và làm ăn có tính toán biết gắn cuộc sống của người lao động đối với vai trò, vị trí của mình trong xã hội, được xã hội quý mến, trân trọng. Ngay từ ngày mới trưởng thành con trai Thái phải học những việc cần thiết của người đàn ông như đan lát, tập chặt dao, rìu, tập cầm cày bừa..., con gái Thái phải học dệt thổ cẩm, thêu thùa, may vá, các công việc nội trợ:
"Ba háp lua
Hua pế đớp
Xong hặc hẹ ki níp pó tong
Xong mớ híu mác phặc"
(Vai gánh củi
Đầu gùi bế
Hai nách kẹp bó dong
Hai tay ôm bó rau quả)
"Khoóng só báu pò mự
Khoong sự báu pò mùa
Ệt đáy, đáy kin, non nghin tai giác"
(Của xin không đủ ngày,
Của mua không đủ năm,
Chăm làm có ăn, siêng nằm chết đói)
"Giác mì kin nhà nắng
Giác ệt hắng nhà non"
(Muốn có ăn đừng siêng ngồi
Muốn giàu đừng siêng nằm)
"Ngân khăm khoong phi phạ
Kháu nặm khoong phi then
Khoé khén ệt sớ đáy"
(Vàng bạc là của trời
Gạo nước là của then,
Khỏe tay làm sẽ được)
Những câu tục ngữ trên xây dựng đức tính yêu chuộng người ham làm, quý người xốc vác, ghét người nhác việc. Lười biếng chẳng ai thiết, siêng việc ai cũng mời chào

5. Về giáo dục cách sống, cách ứng xử
Tục ngữ Thái còn dạy đạo làm người, giáo dục mọi người đoàn kết sống vì cộng đồng, ăn ở phải có trước có sau, sống có phường có bạn, sống ngay thẳng thật thà, tôn trọng người già, quý trọng trẻ em:
"Cần nứng ngắm báu no
Cần nứng lo báu khóp"
(Một người nghĩ không nổi
Một người lội không khắp)
Người Thái quan niệm, sống lẻ loi không bạn bè dù có tài giỏi đến mấy cũng không thể xây dựng nên làng, nên bản. Muốn xây dựng nên làng nên bản cần phải đoàn kết tập hợp nhiều người có già, có trẻ:
"Lai móc pin phấn
Lai cần pin bán"
(Nhiều mây trời mới đổ mưa
Nhiều người mới nên làng nên bản)
"Ệt phục nom phạ đáy dú đi
Ệt phục nom phi đáy dú tháu"
(Làm phúc với trời thì được hưởng lộc đến già
Làm phúc với ma thì được thọ thêm tuổi)
Trong giao tiếp hàng ngày, cộng đồng người Thái cũng chú ý và giáo dục cho mọi người cái nên làm, cái không nên làm:
"Úp phái ngắm
Hắm phái dành"
(Nói phải suy, Đi phải nhìn)
"Giác kin bán sớ púc cuối
Giác thức xội sớ lặc khoài
Giác tái xớ ín mưa pí noọng"
(Muốn ăn ngọt thì trồng chuối
Muốn có tội thì trộm trâu
Muốn mất đầu thì yêu vợ người ta)
Phép lịch sự với khách đến nhà:
"Khéch táu hươn tí má
Cú mà hươn linh nọ"
(Khách đến nhà đừng đánh chó, Có bạn đến chớ đánh con)
"Mặc nòn nhà đăng lua đóc
Pác phóc nhà dú khớ tàng" (Hay ngủ đừng đốt củi mục, Hay nói tục chớ ở gần đường).
Về tính cộng đồng, quan niệm của người Thái cho rằng vỗ tay cần nhiều ngón, bàn kỹ cần đông người, nhiều cây làm nhà mới đẹp, nhiều cột chống vững sàn, nhiều anh em nhà mới vui vẻ, sống có bạn có phường mới hay, biết lo thì được vợ. Chớ eo xèo cơm đãi khách, chỗ dơ dếch chớ qua lại, chớ lê la nói mách, chớ nói dối ăn gian, không đi tắt về ngang, làm người phải trông rộng nghe xa, biết luật, biết lý mới là người tinh, rõ đường phải trái phân minh, sống có nghĩa có tình mới nên.
Kho tàng tục ngữ của người Thái là một trong những phương tiện để giáo dục con người trong gia đình và xã hội. Từ những câu tục ngữ cùng chủ đề, người Thái đã xâu chuỗi thành những bài ca có vần điệu, nhằm răn dạy con người cách sống. Những bài này được người Thái chép tay và lưu truyền phổ biến qua nhiều thế hệ trong cộng đồng bản mường, được truyền gọi là những bài răn dạy như Dặn con trước lúc nhắm mắt đi xa (Xắng lúc páy tài khoam mó phí)
"Luc óc chặm khinh pó ơi
Táng nghin tộc nhăng mi chớ khấn
Pó khoắm lụm bàu mi mớ khưn ma
Bậu khoam chá khoam chiên hớ luc
Chắng xứp bạy mưa ná ệt cân
Dú luân lằng tánh hươn đà xáng
Húa chớ quáng măn chắng ệt pín..."
(Con quý, con yêu ơi
Mặt trời lặn đến khi lại mọc
Bố ra đi không trở lại bao giờ
Phải nói lời chia tay vĩnh biệt
Dặn dò con điều ăn ở làm người
Con ở lại muốn nhà cao cửa rộng
Phải có tấm lòng thương mến bao dung...)

Tục ngữ dân tộc Thái là một kho trí tuệ, một kho cái khôn cái khéo của người Thái, đồng thời nó cũng chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, dân tộc học mang đậm bản sắc dân tộc từ cách nghĩ, cách nói. Tục ngữ dân tộc Thái đã tồn tại và phát triển cùng với những người sáng tạo ra nó hàng bao đời nay. Đó là một nguồn tri thức bản địa trong văn hóa phi vật thể của dân tộc Thái, góp phần làm nên sự phong phú trong văn hóa dân tộc Thái Việt Nam.
Admin: Góc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét