Màu sắc trong đời sống của dân tộc Thái Đen (Huỳnh Tâm)

Huyện Thuận Châu là nơi dân tộc Thái đen sống quần cư đã lâu đời, cũng là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Thái sâu đậm. Đặc biệt trang phục truyền thống một trong những giá trị văn hóa vật chất quan trọng của người Thái đen. Về bộ nữ phục không chỉ mang nét đẹp, sự duyên dáng mà còn thấm nhuần giá trị văn hóa truyền thống, đạt tới trình độ mỹ thuật và có giá trị nhiều mặt trong cuộc sống.
Từ xa xưa, chiếc xửa cỏm của người phụ nữ Thái đen đã đi vào thơ ca và ăn học luôn được ca ngợi bởi sự đơn giản, duyên dáng, thanh lịch. Tục ngữ Thái có câu:

"Cáy đì pưa khồn
Côn đì pưa chương"
Nghĩa là:
"Gà đẹp nhờ bộ lông
Người đẹp nhờ quần hồng áo hoa".
Đối với người Thái đen, trang phục không chỉ để che thân mà còn chứa đựng yếu tố thẩm mỹ và trang phục là một trong những nét tiêu biểu nhất của sắc thái độc đáo trong văn hoá Thái.

Từ ngàn đời xưa, họ đã chú trọng một phần màu sắc trong đời sống không thể thiếu của các cộng đồng dân tộc Thái Đen. Người cổ đại từ hàng ngàn năm trước đã biết sử dụng nguyên liệu tự nhiên để vẽ lên đá các bức tranh mô tả lại cuộc sống thường nhật và cả mơ ước. Ngoài ra họ còn dùng nguyên liệu tự nhiên để vẽ lên cơ thể, vẽ mặt trong các buổi lễ, nhuộm vải cho quần áo và cao hơn đó là nhuộm màu cho các món ăn làm chúng hấp dẫn hơn, cũng như mang các ý nghĩa biểu tượng cao.

Dân tộc Thái Đen Tây Bắc sử dụng 62 chất liệu cây nhuộm màu vải, tạo màu lên món ăn, nước uống. Nguồn tài nguyên và tri thức của đồng bào thiểu số khá dồi dào. Nếu chúng ta tận dụng và phát triển được nguồn cây nhuộm màu vào sản xuất thì giải quyết được khâu nhập khẩu chất nhuộm, cũng như tận dụng được nguồn tài nguyên nước nhà cung cấp cho người dân.

Tây Bắc có trên 30 dân tộc thiểu số sinh sống và trải trên 5 tỉnh thành theo đơn vị hành chính. Trong đó nhóm người Thái Đen đứng thứ hai sau người Tày về số dân, khi nhắc đến Tây Bắc.

Từ mười thế kỷ trở lại đây, với vai trò phát triển của vùng, văn hóa Thái-kadai nổi lên như một sắc thái đại diện cho văn hóa Tây Bắc. Tuy nhiên hiện nay, những bản sắc và tập tục truyền thống của người Thái ở Sơn La cũng như ở một số địa phương khác đang dần bị xói mòn. Các tri thức truyền thống trong việc sử dụng thực vật là việc làm cần thiết và cần được tiến hành thường xuyên, có thể trong vòng 10 năm nữa nếu không có các chính sách kịp thời và cần thiết thì các tri thức bản địa này sẽ mất đi vĩnh viễn khi thế hệ già lùi bước về bên kia thế giới, để lại thế hệ trẻ trống vắng kinh nghiệm và cuộc sống trong xã hội ngày một đổi thay, việc trồng hỏm, nhuộm chàm của đồng bào Thái vùng Tây Bắc sẽ không còn phổ biến như xưa.

Nói đến trang phục phụ nữ Thái đen thường ngày mặc xửa cỏm là chiếc áo ngắn bó sát người kết hợp với chiếc váy dài chấm gót. Còn nam giới mặc áo chàm toọng tẽ, quần dài, đầu đội mũ hoặc khăn pau. Người Thái đen rất ưa dùng gam màu tối nên hầu hết trang phục của họ thường dùng màu chàm. Chính vì vậy, cả trang phục ngày thường và lễ hội đều được làm bằng vải màu chàm. Nét đẹp văn hoá của áo chàm không chỉ ở bên ngoài, nó ẩn chứa bên trong sự thùy mị và khéo léo của người phụ nữ. Màu chàm là màu nằm giữa màu xanh lam và màu tím. Tên gọi của nó có xuất xứ tự nhiên, người Thái thường lấy lá hay vỏ cây chàm để nhuộm quần áo. Ngoài nhuộm chàm, người Thái cũng rất ưa nhuộm hỏm, màu lá chàm và lá hỏm này rất giống nhau.

Người Thái Đen đi hái chàm với cái giỏ đựng truyền thống

Lá hỏm hay chàm ngâm trong chum 2 đến 3 ngày thì cho vôi trắng vào rồi sục nước cho bọt nổi lên trên. Khi bọt đã nổi lên nhiều thì cho nước vo gạo vào để làm tan bọt rồi đậy nắp chum lại. Khi nước nhuộm đã lắng xuống thì mở chum đổ nước ở phần trên ra chỉ lấy nước đục ở dưới đáy chum. Phần nước này được đổ vào "tung nin" là chum chứa nước cây nát để 2 ngày sau là có thể nhuộm vải được. Khi nhuộm phải nhúng từ từ đầu cuộn vải vào nước hỏm, vắt khô rồi đập để vải đều màu. Khác với các loại vải nhuộm công nghiệp thường dễ bị phai, vải nhuộm chàm càng dùng thì sắc chàm càng đượm.

Trang phục truyền thống của người Thái đen, đặc biệt là bộ nữ phục là sắc thái nổi bật nhất, góp phần quan trọng trong việc tạo nên diện mạo, cá tính riêng của dân tộc. Nếu nhìn thoáng qua, xửa cỏm tưởng chừng như rất đơn giản, nếu quan sát kỹ ta mới thấy sự gia công đúng mực về kỹ thuật và nghệ thuật. Điều đó làm cho xửa cỏm Thái nổi bật bởi sự hài hoà giữa cái che lại và cái phô ra, giữa cái giản dị và sự hài hòa, tinh tế. Không những vậy, nó còn bảo lưu khá nhiều giá trị văn hóa truyền thống thể hiện rõ trong kỹ thuật tạo dáng trang phục, đó là sự kết nối tinh tế giữa xửa cỏm và xỉn bằng xài èo. Xửa cỏm được may bó sát người, gấu áo vừa chấm cạp váy làm tôn thêm những đường nét trên cơ thể của người phụ nữ. Xỉn là chiếc váy dài từ thắt lưng đến chấm gót chân để cùng với xửa cỏm tạo nên đường cong "yều kíu meng pu" thắt đáy lưng ong duyên dáng. Thêm vào đó là chiếc xài èo làm bằng vải tơ tằm nhuộm màu xanh lam hoặc tím sẫm, giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng.

Nhuộm - phơi nhiều lần mới được tấm vải bền. Ảnh: Tân Thu

Để làm chiếc xửa cỏm không khó nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và hoa tay của người làm. Xửa cỏm thường được cắt theo chiều dọc của khổ vải. Phần nách được can thêm một mảnh như cắt theo kiểu xẻ chéo mảnh vải nhỏ 2 hình tam giác gọi là tó bửa. Bởi vậy, tuy áo bó sát người nhưng người mặc vẫn thoải mái khi cử động. Mỗi bên mép nẹp áo được trang trí từ một đến hai hàng chỉ màu hồng xanh hoặc tím đan xen gọi là săm nạp sửa, để làm cho nẹp áo thêm phần sinh động và tôn thêm vẻ đẹp của hàng khuy bướm trắng. Theo tập tục của người Thái đen nẹp áo bao giờ cũng là màu đen. Đây cũng là nét đặc trưng xửa cỏm, tạo nên sắc thái riêng biệt và độc đáo của Thái đen.

Phía trước hai nẹp là 2 hàng khuy bướm được cài đan xen vào nhau tạo thành một đường thẳng trông rất đẹp, nổi bật trên nền chàm. Khuy bướm thường có 13 đôi, có hình con bướm, khau cút, con ve hay hình lá cây... Khuy bướm hay mạk pém thường được người Thái nhắc đến trong câu chuyện tình 2 hàng khuy bướm bạc.

Từ xa xưa, truyện tình kể lại rằng: Có một đôi trai gái tài sắc, xứng đôi phải lứa yêu nhau hết mực. Song do nhà chàng trai nghèo quá không môn đăng hộ đối nên nhà gái nhất quyết không gả con gái. Rồi chàng quyết chí ra đi xa làm ăn, kiếm cho đủ bạc nén để về cưới nàng. Trong lúc ấy, mẹ chàng và người yêu mòn mỏi ngóng trông mà chẳng có tin tức gì. Rồi cả 2 cùng lâm bệnh và qua đời. Khi chàng trai trở về thì dân bản đang tổ chức đám tang cho 2 người. Chàng vô cùng đau xót, 1 bên tay nắm vạt áo mẹ, 1 bên tay nắm vạt áo người yêu khóc than thảm thiết. Đến khi 2 nắp quan tài đóng sập xuống mà chàng vẫn không buông tay nên mỗi bên bị xén 1 vạt áo nhỏ. 2 vạt áo bỗng nhiên biến thành 2 hàng bướm trắng chắp liền nhau tung cánh bay đi. Ghi nhận mối tình thủy chung, trong trắng, dân bản đã chắp 2 cánh bướm lại và đính ép nó lên trước ngực, nơi có trái tim của mình từ thuở xa xưa cho đến ngày nay.

Xửa cỏm được kết hợp với xỉn làm nổi bật lên đường cong tinh tế của người phụ nữ. Xỉn được tạo thành bởi 4 mảnh vải khâu khép kín lại theo chiều dài. Phần được nối vào cạp váy gọi là "hùa xỉn" đầu váy. Đầu váy luôn ở phía trên để phân biệt với chân váy phía dưới. Phía dưới chân váy được phụ nữ Thái viền hoặc đáp thêm miếng vải khác màu vừa cho cứng vừa tạo nên một giá trị thẩm mỹ riêng. Theo cổ truyền người Thái đen thường dùng cạp màu trắng, chân váy màu đỏ phía bên trong. Mỗi bước đi chân váy thấp thoáng màu sắc, lượn sóng kín đáo làm tăng vẻ đẹp rất duyên dáng.

Phụ nữ Thái đen thường mặc xửa cỏm (chiếc áo ngắn bó sát người) kết hợp với chiếc váy dài chấm gót.

Nếu chiếc xửa cỏm của nữ giới đòi hỏi sự khéo léo thì xửa toọng tẽ của nam giới lại đòi hỏi kỹ thuật khá phức tạp. Xửa toọng tẽ thường được những người vợ, người mẹ tự làm cho chồng, cho con mình. Vải chàm được gập 4 để cắt eo sườn rồi khâu sống lưng trước. Phần vải bên trong bả vai gọi là "lốp hứa" là phần làm khó nhất.

Người Thái thường làm xửa toọng tẽ 7 cúc, gọi là cúc đầu ruồi. Bên cúc có đầu gọi là "tồ po", bên có lỗ gọi là "tồ me". Để làm cúc đầu ruồi họ cắt 1 miếng vải dài khoảng 40cm, rộng khoảng 2cm, gập nhỏ, khâu chắc tay rồi quấn chặt lại. Làm cúc đầu ruồi rất khó, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật tốt, bởi nếu làm lỏng tay cúc rất dễ tuột, nếu chặt quá thì sẽ khó cài cúc.

Màu chàm-màu đặc trưng của trang phục bắt nguồn từ cỏ cây trong thiên nhiên. Hai hàng khuy bướm bạc được bắt nguồn từ truyền thuyết xa xưa với ý nghĩa nhân sinh tinh tế. Một bên là hàng khuy bướm đực, một bên là hàng khuy bướm cái được cài đan xen vào nhau mang ý nghĩa về sự trường tồn của giống nòi. Có thể thấy rằng, trang phục của người Thái không chỉ là đơn thuần để che thân, bảo vệ con người trước tác hại của môi trường xung quanh mà nó còn chứa những dung lượng tín hiệu văn hoá Thái. Ẩn sâu bên trong chính là sự gần gũi với thiên nhiên, nó thể hiện sự quan sát tinh tế và quan niệm về cái đẹp của người Thái trong cuộc sống.

Người Thái Đen thường lấy lá hay vỏ cây chàm dùng để nhuộm quần áo. Chàm không biết nhuộm không lên màu.

Phân tích thành phần những loài cây được người Thái Đen sử dụng tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Chúng tôi đã xác định được 30 loài thực vật được đồng bào Thái đen tại Sơn La sử dụng nhuộm màu. Do thời gian có hạn, nên chắc chắn số loài cây nêu ở đây chưa phải là con số cuối cùng. Theo thống kê, 30 loài cây nhuộm được sử dụng thuộc 22 họ thực vật. Về đa dạng bộ phận sử dụng, chủ yếu cành lá là bộ phận được dùng nhiều với 9 loài, ngoài ra còn có các bộ phận khác như vỏ thân 1 loài, rễ, củ 6 loài, vỏ quả 2 loài, vỏ hạt 3 loài, thân 6 loài. Cách sử dụng chủ yếu là chế biến tươi, bằng cách đun sôi nguyên liệu trong nước, sau đó nhúng vật liệu nhuộm vào để tạo màu. Với tạo màu cho nước uống, nguyên liệu được ngâm trong rượu, cách này màu sắc đẹp và dung dịch tương đối bền màu. Chỉ có duy nhất một loài là sử dụng than của vỏ hạt làm bánh chưng đen (Oryza sativa var. glutinosa).


Người Thái được đánh giá cao về sự tinh tế và khéo léo thể hiện trên những họa đồ trang trí cho Piêu, Khít và một số sản phẩm thổ cẩm. Nghề dệt của người Thái khá nổi tiếng ở Tây Bắc,
phụ nữ Thái ai cũng được mẹ dạy từ nhỏ cách trồng bông dệt vải và làm Piêu. Có lẽ vì vậy mà
tri thức và kinh nghiệm trong việc nhuộm vải rất đặc sắc. Chúng tôi ghi nhận tại bản người Thái đen, của huyện Thuận Châu (xã Chiềng Bôm, Chiềng Ly, Chiềng Pấc) biết cách sử dụng từ 3-4 loài thực vật cho màu chàm. Điều này rất đặc biệt trong nghiên cứu tri thức về cây nhuộm ở Việt Nam. Theo các ghi nhận trước đây thì chủ yếu người dân tộc thiểu số tại Việt Nam mới chỉ biết tới hai loài cây nhuộm chàm truyền thống đó là Chàm mèo (Strobilanthes cusia) và Đậu chàm (Indigofera tinctoria), mỗi dân tộc thì chỉ biết dùng một trong hai loài cây cho màu chàm. Sự phối chế và tạo màu chàm với 3-4 loài tạo màu là điều rất có giá trị và chưa có nhóm dân tộc nào ở Việt Nam có đặc điểm này và cần được nghiên cứu làm rõ hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận thêm sự đặc sắc của tri thức nhuộm người Thái trong việc kết hợp giữa nhựa cánh kiến đỏ và các loài cây để tạo màu đỏ cho chỉ thêu khăn Piêu.

So sánh với các nhóm dân tộc khác trong các ghi nhận trước đây chúng tôi đánh giá rằng nhóm Thái đen tại Thuận Châu nắm giữ khá tốt kinh nghiệm và cách sử dụng cây nhuộm, đặc biệt là kinh nghiệm và tri thức trong việc nhuộm vải sợi.


Tình trạng sử dụng cây nhuộm màu trong đời sống cộng đồng người Thái đen tại Sơn La.
Người Thái đen và người Thái nói chung vẫn giữ và duy trì rất tốt các phong tục tập quán của mình như để tẳng cẩu, mặc váy truyền thống, duy trì các món ăn theo phong cách Thái trong cuộc sống thường nhật và cả trong lễ hội.
Về ẩm thực, với người Thái thì các lễ cúng được coi trọng và chuẩn bị rất tỉ mỉ. Ngoài các lễ vật như lợn hay gà thì phần không thể thiếu đó là xôi nếp. Xôi nếp của người Thái thường là xôi ngũ sắc hoặc đơn sắc. Xôi ngũ sắc thì chỉ những ngày rất quan trọng, còn xôi đơn sắc thì họ làm thường xuyên hàng tháng, mỗi khi nhà có khách hay thăm anh em họ hàng, đi viếng mộ.
Nếu ngày vui hay có khách thì họ sẽ nhuộm gạo có màu vàng hay màu tím để đãi khách, anh em, bạn bè để tỏ lòng mến khách của mình. Mùa nào thức nấy, người Thái lựa chọn nguyên liệu tươi ngon cho món xôi màu của mình. Vào mùa xuân thì món xôi vàng được làm từ nguyên liệu là hoa của cây Booc phon, hoa cây Phặng. Vào mùa đông, khi nguyên liệu khan hiếm thì họ dùng nghệ để tạo màu vàng cho xôi.

Về trang phục, phụ nữ Thái vẫn duy trì trang phục truyền thống trong cuộc sống thường nhật. Phụ nữ Thái đen dễ dàng được nhận ra bởi tằng cẩu và Piêu đội trên đầu vào ngày lễ hay đám cưới hỏi. Ngoài ra, Piêu còn theo người Thái đến lúc về thế giới bên kia. Khi chết con cháu sẽ bỏ vào mộ người đàn ông một Piêu và mộ phụ nữ hai Piêu. Có thể thấy, chiếc khăn Piêu là hình ảnh biểu trưng của người Thái đen, đi theo họ trong suốt cuộc đời.

Người Thái khác với người Dao, H'mông là trong trang phục không xuất hiện màu chàm. Vải chàm vẫn được nhuộm, nhưng sau đó sẽ thêm một công đoạn nữa đó là nhuộm đen vải. Quy trình dệt vải và nhuộm của người Thái đen cũng rất cầu kỳ. Bông được trồng trên các nương ngô, sau đó xe thành sợi và dệt thành vải. Vải sau khi dệt xong thì được đun với ngô hoặc gạo trong nhiều giờ. Theo người Thái thì thời gian đun càng lâu, vải càng dai, càng cứng, mặc càng bền. Vải này sau đó mới dùng để nhuộm chàm, sau 10-12 lần nhuộm chàm vải có màu xanh thẫm là đạt. Tiếp đến là công đoạn làm đen vải, củ nâu sẽ được giã ra cho nước vào, ngâm vải trong đó 1-2 ngày, rồi phơi nắng. Vải sẽ có màu đen và cứng, phong tục của người Thái mặc quần áo có màu đen, khác với người Dao, người H'mông là mặc quần áo có màu chàm, xanh, ánh lên sắc đỏ dưới nắng. Ngoài mục đích sử dụng cây nhuộm màu để nhuộm vải và thức ăn trong những dịp đặc biệt thì người Thái còn sử dụng cây nhuộm màu để nhuộm đồ dùng, vật dụng hàng ngày như đũa ăn, giỏ xôi, giỏ đựng. Màu sắc thường dùng để trang trí các vật dụng là màu đen, màu đỏ.

Tuy nhiên hiện nay, chủ yếu người Thái chỉ còn duy trì nhuộm đũa ăn. Các vật dụng khác thường được mua ngoài chợ, rất hiếm trường hợp tự làm và nhuộm nguyên liệu để trang trí. Do tác động cuộc sống hiện đại hóa cho nên nguyên liệu làm quần áo Thái đã có nhiều thay đổi. Họ mua và mặc quần áo truyền thống bán ngoài chợ. Trong các làng bản hiện nay rất khó gặp được cảnh các cô gái Thái đến tuổi cập kê ngồi thêu khăn Piêu, dệt Khít để chuẩn bị sính lễ về nhà chồng, mọi thứ đều được mua bán hoặc đặt người trong bản làm. Trong mỗi bản người Thái đen tại Thuận Châu vẫn còn một vài phụ nữ cao tuổi nhận nhuộm vải, thêu khăn Piêu và quần áo theo yêu cầu cho các gia đình có con gái. Những phụ nữ này thường là người cao tuổi, giỏi trong việc nhuộm và sức khỏe yếu không còn làm nương rẫy, ở nhà làm vườn, nhận nhuộm cho họ hàng, người thân quen trong bản. So với trước đây, phụ nữ cả bản đều biết nhuộm và thường xuyên làm lấy tất cả quần áo, chăn đệm thì ngày nay, trong bản chỉ còn 2-3 người duy trì nhuộm cho gia đình họ hàng. Ai có nhu cầu có thể đặt hàng, nên những người trẻ thường chọn phương thức này để làm quần áo và đồ cưới. Vào lúc này, trong nhà người Thái không còn những chum ngâm vải chàm, người Thái trẻ không còn biết cách làm nữa, thường chỉ nghe bà và mẹ kể lại. Ước tính chỉ sau 10-15 năm nữa, những hoạt động thủ công truyền thống sẽ không còn tồn tại trước sức ép của hiện đại hóa của đô thị hóa.
Ngoài ra, nguyên nhân thứ hai khiến xói mòn tri thức đó là nhiều loài cây đã trở nên khan hiếm và rất khó để kiếm đủ số lượng cho một lần nhuộm như (Fibraurea, Gmelina,...), thường
khi cần đến họ phải đi vào rừng, rẫy xa bản. Vì vậy đồng bào phải dùng nguyên liệu khác thay
thế hoặc mua sản phẩm từ chợ.

Chúng tôi nhận được thành phần loài cây nhuộm màu tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là 30 loài. Trong đó, các cây chủ yếu được sử dụng với mục đích chính: Nhuộm thức ăn, vải sợi. Về tình hình tri thức sử dụng thực vật tại địa phương: Thái đen là một trong những nhóm dân tộc tích lũy nhiều tri thức và kinh nghiệm độc đáo trong việc sử dụng thực vật để nhuộm màu, phối hợp nhiều loài trong quá trình nhuộm vải chàm. Nhìn chung, người Thái đen tại Thuận Châu, Sơn La vẫn duy trì được các phong tục tập quán và bản sắc của dân tộc mình. Song trước tác động của hiện đại hóa làm xói mòn và lãng quên tri thức là điều tất yếu. Bởi vậy, để các tri thức này được duy trì và bảo tồn thì biện pháp duy nhất đó là dùng chính các tri thức đó để tăng thu nhập cho người dân, tạo các sản phẩm địa phương để phục vụ quần chúng Sơn La, Tây Bắc.

Trong những năm gần đây, do sự giao lưu, thông thương hàng hóa giữa các vùng miền tăng lên, vải công nghiệp rẻ, đẹp, đa sắc màu đã dần thay thế vải nhuộm chàm thủ công. Tuy chất liệu có thay đổi nhưng kỹ thuật cắt may trang phục của người Thái đen vẫn mang kiểu dáng và phong cách truyền thống. Đó là độ dài áo chỉ chấm thắt lưng, 2 hàng khuy bướm trước ngực và cái dáng thắt đáy lưng ong của người phụ nữ trải qua năm tháng vẫn không thay đổi. Trang phục của người Thái đen tuy không phong phú về chủng loại nhưng khá đa dạng về hình thức thể hiện.

Ngày nay, không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Thái đen mặc xửa cỏm cổ cao, hay người Thái trắng cổ chữ V, còn váy đôi khi xẻ tà theo người Kinh, tay áo ngắn, lửng hay vai bồng... Điều đó thể hiện sự chồng chập theo thời trang, tiếp biến trong phong cách trang phục của người Thái đen. Đây cũng là tất yếu khách quan không thể tránh khỏi trong tiến trình giao lưu hội nhập của xã hội. Mặc dù có biến đổi nhưng trang phục của người Thái đen vẫn giữ được cái cốt cách, cái nền tảng ban đầu của truyền thống văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là quy luật kết hợp giữa truyền thống-hiện tại và đổi mới của văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa trang phục nói riêng. Trang phục và những giá trị thẩm mỹ của nó đã và đang góp phần đáng kể làm rạng rỡ thêm sắc thái văn hóa của dân tộc Thái đen tại Thuận Châu.
Huỳnh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét