Thực trạng nguồn nhân lực Tây Bắc và những vấn đề phát triển (Nguyễn Thị Hoàng Lý)

Tây Bắc là vùng có địa hình hiểm trở, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc phong phú; trình độ phát triển kinh tế chưa cao, đời sống nhân dân còn khó khăn; mức sống các tỉnh Tây Bắc vẫn còn khoảng cách lớn với mức trung bình cả nước (chỉ bằng 40%-60% trung bình của người dân cả nước- năm 2012).
Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, riêng Sơn La, Lào Cai (2013) cao gấp ba lần so với mức trung bình cả nước, Điện Biên là 38,6% (2013) gấp bốn lần mức 9,8% của cả nước. Mặc dù đã giảm 6,2% sau 2 năm (2011-2013), Lai Châu vẫn là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong cả nước.

1. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Tây Bắc bằng các chính sách, chương trình, hành động cụ thể: Chương trình 135 hướng tới các xã đặc biệt khó khăn; Chương trình 134 thực hiện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo 4 danh mục: đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt; Chương trình 167 đã hỗ trợ người dân về nhà ở, Chương trình 30a,...
Tại Điện Biên, có 99,29% trong tổng số 13.337 hộ dân thuộc diện hưởng lợi từ Chương trình 167 đã sửa chữa, xây mới nhà ở; chỉ còn một tỷ lệ nhỏ các hộ ở huyện Mường Nhé và Mường Chà là đang trong quá trình thực hiện. Hoà Bình và Sơn La cũng được nhận những lợi ích từ Chương trình 167 và đạt những thay đổi đáng kể.
Kết quả của các chương trình xóa đói giảm nghèo được thực hiện tại Tây Bắc là to lớn, song, các chương trình vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ, đó là sự yếu kém về đội ngũ nhân sự, trình độ và năng lực của một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế, yếu kém; công tác phát triển đảng khó khăn; tỷ lệ thôn, bản trắng chi bộ còn cao. Cụ thể, toàn vùng còn 1.848 thôn bản chưa có chi bộ, phải sinh hoạt ghép; 86 thôn bản chưa có đảng viên. Việc bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số còn bộc lộ những tồn tại hạn chế, nhất là cơ cấu cán bộ theo thành phần dân tộc(1).
Giáo dục là một trong những chính sách đầu tư phát triển quan trọng. Trong những năm qua, số lượng trường học và giáo viên tại các địa bàn vùng cao thuộc Tây Bắc đều tăng. Học sinh tiểu học tăng rõ rệt, học sinh đến trường đều đặn hơn; hướng đến mục tiêu phổ cập giáo dục toàn vùng và tiến đến là phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Dạy nghề và các chính sách liên quan trực tiếp đến đào tạo nhân lực địa phương cũng được quan tâm, chú ý. Nguồn nhân lực đã qua đào tạo của Tây Bắc cũng tăng dần qua các năm. Hoà Bình và Điện Biên có tỷ lệ nhân lực trên 15 tuổi đã qua đào tạo vượt mức trung bình cả nước. Tại Lai Châu, năm 2014 số lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm tăng: đào tạo nghề cho 5.077 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn lên 38%; giải quyết việc làm cho 6.600 lao động, trong đó xuất khẩu 100 lao động(2). Năm 2014, Yên Bái tạo việc làm mới cho 18.174 lao động (xuất khẩu lao động đạt 742 người). Mạng lưới đào tạo nghề tiếp tục được quan tâm đầu tư; thực hiện hỗ trợ đào tạo, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; tăng cường phối hợp giữa công tác đào tạo nghề gắn với yêu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2014 đạt 42,8%. Tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,3%, vượt mục tiêu đề ra(3).

2. Thực trạng nguồn nhân lực
Về quy mô
Tây Bắc là vùng có quy mô nhân lực nhỏ, dân số chủ yếu tập trung tại vùng nông thôn. Tính đến 1-4-2013, dân số vùng là 11.483.603 người, trong đó dân số nông thôn chiếm đến 82,9%. Dân cư thưa thớt, mật độ thấp hơn so với các khu vực (121 người/km2).
Cơ cấu dân số trẻ, số người thuộc nhóm dưới 15 tuổi là 3.082.271 (26,84%). Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động năm 2013 chiếm có 62,2% dân số (nam 15-60 tuổi, nữ 15-55 tuổi).
Những năm gần đây, quy mô nhân lực vùng Tây Bắc có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tỷ trọng trong cơ cấu lực lượng lao động cả nước. Năm 2013, 6 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu có 2.749,1 nghìn lao động, chiếm 5,16% lao động cả nước. Mặc dù tỷ trọng lao động của vùng so với cả nước là nhỏ, song đã có sự gia tăng qua các năm từ 2005 đến nay. Đáng lưu ý là, tỷ trọng này cao hơn mức trung bình cả nước.

Về chất lượng
Chất lượng nhân lực là một sự tổng hoà của nhiều chỉ số thành phần, có thể đại diện bằng các chỉ tiêu như: tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở, đại học, cao đẳng, trường nghề trên quy mô dân số... Trong những năm gần đây, đối với vùng Tây Bắc, các chỉ tiêu này có những thay đổi tích cực ban đầu, song, vẫn bộc lộ rõ những khoảng cách lớn so với các vùng khác trong toàn quốc.
Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo của vùng Tây Bắc thấp hơn so với mức trung bình cả nước và không đồng đều giữa các tỉnh. Ngoài Điện Biên và Hoà Bình có sự gia tăng đáng kể lực lượng lao động đã qua đào tạo, các tỉnh còn lại  gồm Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp hơn rõ rệt.
Nguồn nhân lực mỏng và ít được đào tạo. Năm 2013, mỗi tỉnh có khoảng 300- 700 nghìn lao động trên địa bàn. Với diện tích lớn và giàu tiềm năng kinh tế, nguồn nhân lực như vậy chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Trình độ lao động chưa cao: năm 2013, tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của Sơn La là 12%, Lào Cai là 16,2%, Yên Bái là 13,7%, Lai Châu là 11,8% (cả nước là 17,9%). Hoà Bình có tín hiệu tốt hơn là 17,9% và Điện Biên là 18,9%. Tỷ lệ này thể hiện phần nào chất lượng nhân lực vùng Tây Bắc, có ảnh hưởng quan trọng đến các chính sách, mục tiêu phát triển của vùng. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ của các tỉnh vùng Tây Bắc thấp nhất trong toàn quốc. Nếu như, tỷ lệ dân số biết chữ của cả nước là 94,8%, thì tỷ lệ này ở vùng Tây Bắc chưa đạt được mức 90%.
Hoà Bình có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết lớn hơn mức trung bình cả nước, các tỉnh còn lại tỷ lệ này đều thấp. Trong đó, Lai Châu có tỷ lệ người biết chữ thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Bên cạnh đó, những khó khăn về phong tục, cách thức làm ăn truyền thống, ngôn ngữ, tập quán văn hoá đa dạng,... là rào cản không nhỏ với sự phát triển nhân lực Tây Bắc.
Thực tế giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực tại các tỉnh thuộc địa bàn Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn; trình độ lao động lại có sự chênh lệch giữa các tỉnh và biến động khó kiểm soát.
Ở bậc học phổ thông, nhìn chung, số lượng học sinh theo học của vùng Tây Bắc có gia tăng qua các năm, song, hầu hết tập trung tại bậc tiểu học, số học sinh theo học trung học cơ sở và trung học phổ thông ít. Học sinh tiểu học chiếm hơn 50% trong số lượng học sinh của vùng. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của các tỉnh Tây Bắc thuộc nhóm thấp nhất trong cả nước và có xu hướng giảm.
Ở các cấp học cao hơn như đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề, số lượng sinh viên theo học tại vùng Tây Bắc là rất ít và hầu hết theo học tại các trường công lập. Đây là thực trạng chung của các vùng khó khăn và có sự cách trở về địa lý như Tây Bắc.

3. Những vấn đề đặt ra
Về cơ bản, nguồn nhân lực Tây Bắc đã có nhiều cải thiện trong những năm vừa qua. Điều đó chứng minh cho sự đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước vào phát triển kinh tế của một vùng mang nhiều ý nghĩa trên các lĩnh vực như Tây Bắc. Song, với các đặc trưng riêng biệt, công tác phát triển nhân lực vùng Tây Bắc vẫn gặp không ít khó khăn.
Các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục của vùng còn thấp so với yêu cầu phát triển ngày càng gia tăng của đất nước. Không những vậy, một số tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, sự cải thiện các chỉ tiêu về đào tạo rất chậm chạp, thậm chí có xu hướng tăng giảm không ổn định. Những hạn chế này bắt nguồn từ xuất phát điểm của vùng Tây Bắc thấp hơn so với các địa phương khác. Khi mức sống người dân còn thấp, họ sẽ không có nhiều mong muốn cho con em đến trường. Những bất cập mang tính đặc trưng như: ngôn ngữ, chương trình giáo dục, đào tạo đang tác động không nhỏ đến kết quả học tập và nâng cao chất lượng tay nghề lao động.
Cơ cấu lao động trẻ, song nguồn lực địa phương cũng chưa được tận dụng hiệu quả, cơ cấu lao động chưa chuyển dịch phù hợp với cơ cấu ngành. Đa số lao động làm việc ở nông thôn, số lượng lao động theo học ở các cấp cao hơn còn hạn chế. Ở một khía cạnh nào đó, lao động nam được ưu tiên hơn lao động nữ trong công tác giáo dục, dạy nghề. Cơ cấu lao động chưa phát triển hợp lý để theo kịp sự chuyển dịch của cơ cấu ngành. Khi cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, đa số lao động thuộc vùng nông thôn và chưa qua đào tạo sẽ gặp nhiều trở ngại để bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế.
Khó khăn nội tại từ các chính sách lao động và việc làm cũng cần được xem xét. Một số chính sách ban hành nhưng nguồn lực thực hiện chính sách còn thiếu. Trong khi đó, một số chính sách khác lại có quá nhiều đầu mối quản lý, trùng lắp, gây lãng phí. Chẳng hạn như Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong đó có việc xây dựng mới các trung tâm dạy nghề. Thực tế tại hầu hết các địa phương, ít nhiều đã có các trung tâm dạy nghề thuộc sự đầu tư của một chính sách khác (giảm nghèo, giáo dục...).
Các vấn đề cơ bản đặt ra với sự phát triển nhân lực Tây Bắc dự báo những rào cản lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bên cạnh những thành quả tích cực mà các chính sách về lao động và việc làm mang lại, nhiều chính sách vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, hoặc chưa chú ý đến tính đặc trưng của địa phương và sự khác nhau giữa các vùng miền. Do đó, kết quả nâng cao chất lượng lao động, trước hết là thông qua đào tạo của vùng Tây Bắc vẫn còn thấp hơn nhiều so với nhiều vùng trong cả nước. Bằng chứng là nhiều tỉnh Tây Bắc xếp vị trí cuối cùng trong chỉ tiêu về chất lượng lao động so với các tỉnh khác trong cả nước. Các chính sách vẫn có sự trùng lặp nhất định dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư.
Do đó, nhận thức, rà soát và đánh giá sự phù hợp của các chính sách phát triển nhân lực các địa phương thuộc vùng Tây Bắc và tình hình thực tế của nguồn nhân lực là việc làm cần thiết. Từ đó, hướng đến các giải pháp phát triển kinh tế toàn vùng, tương xứng với những tiềm năng ẩn chứa.

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2015
(1) Ban Chấp hành Trung ương: Báo cáo Tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014,2014.
(2) Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu: Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2014, kế hoạch năm 2015, ngày 24-11-2014.
(3) Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015,ngày 17-12- 2014.

TS Nguyễn Thị Hoàng Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét