Dân tộc Thái có trên 1 triệu người sinh sống tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa và sinh sống rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên do di cư. Dân tộc Thái còn có những tên gọi khác là Táy và có các nhóm Táy Đăm, Táy Khao, Táy Mười, Táy Thanh, Hàng Tổng, Pu Thay, Thổ Đà Bắc. Tiếng Thái thuộc hệ ngôn ngữ Tày-
Thái.
Lịch sử và Văn hoá đặc trưng của người Thái
Trải qua các cuộc thiên di trong lịch sử,
dân tộc Thái có mặt ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước, họ có nhiều kinh nghiệm
đắp phai, đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng nên trong dân gian
thường truyền câu ca "Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước". Canh tác
lúa nước là hoạt động sản xuất chính của người Thái, lúa gạo là nguồn lương thực
chính, đặc biệt là lúa nếp. Tuy nhiên người Thái cũng làm nương để trồng lúa,
ngô, lạc, vừng… và nhiều thứ cây trồng khác. Trong từng gia đình còn chăn nuôi
gia súc, gia cầm, đan lát, trồng bông, nuôi tằm để dệt vải, một số nơi còn làm
đồ gốm… Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm với những nét hoa văn
độc đáo sắc màu rực rỡ, bền đẹp.
Trong trang phục truyền thống, nam giới mặc
quần áo thổ cẩm màu chàm xanh hoặc chàm đen, nhưng vài chục năm gần đây nam giới
đã chuyển sang mặc âu phục là chủ yếu. Phụ nữ Thái hiện nay vẫn gắn bó với
trang phục truyền thống: áo cỏn màu trắng, xanh hoặc đen bó sát thân với hàng
khuy bạc trắng, váy dài đen quấn suông hoặc được thêu viền hoa văn ở gấu. Cùng
với váy, áo phụ nữ Thái Đen còn có chiếc khăn Piêu thêu hoa văn bằng nhiều loại
chỉ màu rất sặc sỡ và đẹp. Đồ trang sức của phụ nữ chủ yếu là vòng bạc, xuyến bạc
đeo ở cổ và tay; hoa tai bằng bạc hoặc vàng.
Bản mường Thái thường định cư gần nguồn nước,
mỗi bản có từ vài chục đến hơn trăm nóc nhà kề bên nhau, người Thái ở nhà sàn,
kết cấu bằng gỗ, với những hàng cột gỗ vuông hoặc tròn được kê đá, sàn cao, lợp
lá cọ hoặc ngói. Mỗi nhà tuỳ theo gia cảnh mà dựng 3 gian hoặc 5 gian. Người
Thái Đen làm nhà thường tạo mái hình mai rùa, trang trí trên hai đầu nóc nhà bằng
khau cút theo phong tục xưa truyền lại. Trong hôn nhân gia đình, hiện vẫn còn
duy trì tục ở rể, vài năm sau, khi đôi vợ chồng có con mới về nhà chồng sinh sống
rồi sau đó tách hộ ra ở riêng.
Về thế giới tâm linh, người Thái có quan
niệm đa thần và giữ tục cúng tổ tiên. Do đời sống gắn liền với sản xuất nông
nghiệp nên có tục lấy nước đêm Giao Thừa, lễ hội đón tiếng sấm năm mới và một số
lễ hội cầu mùa khác. Đối với người chết, họ quan niệm là tiếp tục "sống"
ở thế giới bên kia vì vậy đám ma là lễ tiễn người chết về với "mường trời".
Người Thái có nhiều họ, mỗi họ có những qui định kiêng kỵ khác nhau, chẳng hạn:
họ Lò kiêng không ăn thịt chim Táng Lò, họ Quàng kiêng con hổ…
Về văn học nghệ thuật, do người Thái có chữ
viết riêng nên kho tàng văn học dân gian như truyền thuyết, ca dao, truyện thơ,
văn học, dân ca… và một số luật lệ còn được lưu giữ và truyền lại khá nguyên vẹn
qua các bản ghi chép trên giấy bản hoặc trên lá cây. Một số tác phẩm truyện thơ
nổi tiếng như "Xống chụ xon xao", "Khun Lú, Nàng ửa"… Đồng
bào Thái rất thích ca hát, đặc biệt là khắp. Khắp là lối ngâm thơ hoặc hát theo
lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xoè, múa sạp, múa quạt rất
độc đáo đã được trình diễn trên sân khấu trong và ngoài nước, hấp dẫn đông đảo
khán giả. Vào dịp lễ hội, hạn khuống và ném còn là hai trò chơi mang nét đặc
trưng văn hoá nổi tiếng của người Thái.… cùng văn hoá ẩm thực độc đáo
Một trong những đặc trưng nổi bật của dân
tộc Thái là văn hóa ẩm thực. Dân tộc Thái ưa cái hương vị đậm đà, giàu chất
dinh dưỡng của món nướng. Món thịt trâu hoặc bò, cá, gà nướng được người Thái tẩm,
ướp gia vị rất cầu kỳ. Gia vị để ướp là tiêu rừng hay còn gọi là "mắc khén",
ớt, tỏi, gừng, muối... Trước khi đem ướp với thịt, các gia vị cũng được nướng
lên cho chín, tỏa mùi thơm. Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi
món đều có hương vị đặc trưng. Các loại thịt gia súc, gia cầm, hay thuỷ sản đều
có thể nướng. Thịt thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên
than hồng; hoặc thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói lá chuối, lá dong, kẹp
lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng; khi chín, thịt rất thơm, ăn không
ngán. Món cá nướng hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt. Món “pỉnh tộp”
cũng là cá nướng, nhưng thường dùng cá to như chép, trôi, trắm... mổ lưng, để
ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ; tẩm ớt tươi nướng, nghiền nát, mắc khén, để
cá ngấm gia vị, cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn,
dùng để uống rượu rất độc đáo. Sản phẩm cá được người Thái chế biến ra nhiều
món ăn khác nhau, đặc trưng và ngon: cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá
mọ; món "pa giảng" là cá hun khói.
Do đặc thù vùng cao, người Thái thường để
dành cá sấy trong bếp. Khi có khách, nhà xa chợ, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá
ra nướng lại cho thơm, rót rượu mời khách nhâm nhi. Và ở bếp, người nhà tiếp tục
chế biến món ăn, tiếp từng món lên đãi khách. Đây là cách giữ chân khách, thể
hiện sự hiếu khách của đồng bào vùng cao.
Bên cạnh các món nướng, người Thái còn có
tài chế biến gia vị để ăn với các món luộc, món hấp, hương vị thơm ngon với những
thực đơn khác gà nuôi thả trên đồi, luộc lên chấm với gia vị chéo rất ngon,
không ngấy, uống với rượu Mông pê hoặc lẩu sơ rất thú vị. Từ thịt, cá, người
vùng cao còn có các món lạp, luộc, canh chua... với vị ngon đặc trưng.
Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc
Thái. Người Thái có phương pháp đồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất kỹ thuật. Xôi
chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ
cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu. Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường
được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách. Mùa nào thức nấy, người Thái đãi
khách bằng sản vật: măng đắng, măng ngọt, rau cải ngồng, rau dớn... chấm với
gia vị chéo, đậm đà vị cay của ớt, riềng, mặn của muối rang, hương thơm của rau
tuyệt vời.
Người Thái Đen vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống
đặc sắc. Người Thái sống quây quần theo từng bản làng, mỗi bản có khoảng 30-80
nóc nhà kề nhau. Họ sống chủ yếu bằng trồng lúa nước, lúa nương và chăn nuôi lợn,
gà, trâu, bò... hoặc đi làm thêm, đi kiếm củi. Ở đây hầu như mọi nhà đều tự nấu
rượu ngô, rượu sắn để phục vụ gia đình mình và bán kiếm thêm thu nhập.
Phụ nữ Thái Đen có bộ trang phục rất duyên dáng, áo cóm bó sát người, váy đen dài chấm gót, đầu đội khăn piêu. Người con gái Thái khi về nhà chồng phải chuẩn bị đủ 20 chiếc khăn piêu và chăn bông để biếu gia đình và họ hàng nhà chồng. Phụ nữ có chồng phải vấn tóc cao trên đỉnh đầu gọi là tằng cẩu. Điều này vừa để phân biệt được người con gái đã có chồng hay chưa, vừa thể hiện sự thủy chung của người phụ nữ đó với chồng.
Người Thái Đen thường làm nhà sàn gỗ 5 hoặc 3 gian tùy theo điều kiện của từng gia đình. Các gian giữa được dùng làm phòng ngủ, cách nhau bởi các tấm rido căng dây lên các cột nhà. Hai gian bên ngoài cùng đầu đốc nhà thì dùng làm bếp đun nấu, bên còn lại dùng để đặt bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên.
''Pa-tong'' là một trong những nghi lễ thờ cúng để tưởng nhớ
đến ông bà, tổ tiên. Theo lịch của người Thái cứ 10 ngày họ lại làm cơm cúng một
lần và chỉ những dòng họ lớn, danh giá mới được làm pa-tông. Ngày mất của bậc bề
trên nhất trong họ sẽ được chọn để làm ngày giỗ chung cho cả dòng họ. Bà con
thường đồ xôi, nướng cá, nướng thịt hoặc mổ gà và thêm đĩa rau hay đĩa măng để
đặt lên bàn thờ. Trong những ngày này mọi người phải giữ yên lặng, không được
làm ầm ĩ, không được bật loa đài to. Phận dâu hoặc con gái đã đi lấy chồng thì
không được làm cơm cúng, kiêng đi lại gần chỗ thờ cúng.
Đối với những gia đình duy tâm hoặc có người hay ốm đau thì họ thường làm thêm một ban thờ nhỏ ngoài nhà để thờ cúng ma đói ma khát, ma lang thang. Vào những ngày mùng một, ngày rằm, hay khi trong nhà có người ốm đau họ thường thắp hương, bày hoa quả, bánh kẹo để cúng các ma với hi vọng những hồn ma sẽ không quấy rầy gia đình, phù hộ cho gia đình được mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi.
Ngày tết ở vùng núi cao Tây Bắc ở Sơn La có rất nhiều hoạt động đặc sắc. Trong những ngày này họ thường đi đến nhà nhau ngồi tụ tập uống rượu, hát đối đáp, múa xòe đến thâu đêm suốt sáng. Những chàng trai, cô gái Thái thì chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất để đi chơi ném còn, chơi đu quay, múa sạp...Nói về thủ tục cưới hỏi của người Thái đen bạn sẽ thấy vô cùng thú vị. Lần đầu tiên là lễ "Chóm mia" (chạm ngõ). Lần thứ hai là lễ "Khắt cằm kin khươi" (ăn hỏi). Lần thứ ba là lễ "Tỏn mia" (đón vợ). Nếu thuận cả thì hai bên sẽ làm đám cưới ba ngày liền, cùng nhau uống rượu xoè, "khắp" tưng bừng. Đặc biệt, trong suốt lễ cưới của người Thái đen (ở Yên Châu tỉnh Sơn La), chỉ đàn bà mới được làm lễ, các ông đều làm bếp hoặc giúp các việc phụ.
Ngày cưới, nhà trai dậy sớm mổ bò mổ trâu, chuẩn bị các lễ
vật đem sang nhà gái gồm: lợn hơi, gạo nếp, rượu, gà, 4 kẹp "pa hắp"
cá suối sấy khô bỏ trong giỏ nan đan hình mắt cáo, 4 ống "Bẳng nhứa"
(ống thịt) chọn thịt nạc ướp cùng muối, nhồi vào ống tre để khao "lúng ta"
(cậu bên ngoại), gói "xí hó, khát pú" (4 gói trầu rừng) ăn cùng với rễ
cây "co hát", lá trầu lấy ở rừng về gọi là "co tói".
Loại trầu này không ăn với vôi, bà con kiêng ăn vôi, sợ con
cháu nóng bỏng. Các lễ vật còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của nhà trai và các
thành phần "lúng ta" của nhà gái.
Lễ trải chăn đệm:
Đến giờ tốt, bốn bà đã được chọn là những phụ nữ đảm đang,
khỏe mạnh và hạnh phúc trong cuộc sống, tiến hành thủ tục trải chăn đệm cho cô
dâu chú rể, nơi gian buồng cô dâu, theo thứ tự: trải chiếu cô dâu trước đến chiếu
chú rể trải lên trên; đệm cô dâu đến đệm chú rể; ga đệm cô dâu đến ga đệm chú rể;
hai gối cô dâu chú rể đặt sát vào nhau...
Bốn bà vừa làm thủ tục trải đệm, vừa có lời cầu may hạnh phúc cho
cô dâu chú rể: "Trải đệm cho dầy. Trải chăn cho rộng. Trải đệm rộng lấy
con gái con trai nhé!" Cuối cùng bốn bà mắc màn cưới rồi buông xuống trùm
kín cả chăn đệm.
Lễ Tằng cẩu (Búi tóc ngược)
Sáng hôm làm lễ Tằng cẩu, nhà trai cử một đoàn sang nhà gái gồm những
thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khỏe mạnh, tháo vát, am hiểu sâu sắc phong tục,
tập quán và thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới. Phía nhà gái cũng
có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân
của cô dâu.
Mâm lễ đặt phía gian phòng cô dâu gồm: Đồ sính lễ búi tóc bố
mẹ chồng đưa sang (Hai búi tóc độn, một cái châm cài tóc bằng bạc, tám sải vải
trắng tự dệt, tám sải vải thổ cẩm, một sải thắt lưng tơ tằm, tiền nhiều ít tuỳ
khả năng); Tặng phẩm bố mẹ vợ mừng lễ búi tóc cho con gái (Bốn sải vải trắng tự
dệt, bốn sải vải thổ cẩm, một sải thắt lưng tơ tầm, tiền nhiều hay ít tuỳ khả
năng, một cái lược, một bát nước lã... để chải tóc cô dâu).
Mâm lễ búi tóc chuẩn bị xong, cô gái sắp thành cô dâu, mặc
váy áo, bà mẹ cô gái dắt tay cô gái đến ngồi bệt xuống chiếu trước mâm lễ búi
tóc.
Bà mẹ thả duỗi tóc con gái xuống cho bên nhà trai tiến hành
thủ tục búi tóc ngược. Người được chọn để Tằng cẩu đứng ở phía sau lưng cô dâu,
nhẹ nhàng chải tóc rồi dùng hai tay vuốt ngược tóc từ phía sau gáy lên kèm theo
lọn tóc độn và búi cuốn chặt lại từ trái sang phải hoặc ngược lại.
Trong lúc búi tóc cho cô gái, đại diện hai nhà cùng uống rượu
và hát đối đáp "khắp toóc". Nội dung của các bài hát nói lên hoàn cảnh
của mỗi nhà và những lời dặn dò đôi trai gái.
Trong lễ Tằng cẩu, người được chọn búi tóc cho cô dâu hát
những lời dặn dò và chúc mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể: "Mái tóc dài, chải
cho mượt. Búi ngược lên thành "Tằng cẩu". Từ nay về sau, người đã có
chồng. Nước không đổi dòng. Lòng không đổi hướng, con ơi".
Sau lễ Tằng cẩu, cô gái phải luôn búi tóc vừa để làm đẹp vừa
như là một dấu hiệu thông báo cho các chàng trai khác biết họ đã có chồng.
Xong lễ, bà mối thay mặt nhà trai có lời cảm ơn nhà gái đã
có sự quan tâm, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện cho nhà trai tiến hành làm lễ
cho hai con đạt kết quả tốt đẹp, thành vợ, thành chồng; Nói xong họ đẩy đôi vợ
chồng mới vào trong màn cưới, một lúc sau mới được ra khỏi màn và đi tiếp khách
bình thường.
Sau vài ngày, nhà trai sẽ tổ chức một buổi cơm thân mật mời
nhà gái và chính thức rước con dâu về nhà. Trong buổi lễ này, cô dâu sẽ tặng
gia đình nhà trai mỗi người một món quà gồm một chiếc khăn piêu, một chiếc túi
Thái… do chính tay cô dâu làm từ trước đó.
Ma chay của người Thái đen
Nghi lễ ma chay và các tập tục liên quan đến ma chay của
người Thái đen ở Tuần Giáo-Điện Biên là một trong những nét văn hoá của dân tộc
phản ánh quan niệm về tôn giáo tín ngưỡng, tập quán địa phương và mối quan hệ
giữa con người với con người. Một đám ma thông thường diễn ra theo các trình tự
sau:
Khi trong nhà có người tắt thở, người nhà phải tắm rửa bằng nước
thơm và thay quần áo cho người chết. Nước thơm dùng để tắm cho người chết thường
được đun lên và cho một ít hoa thơm có trong gia đình như: hoa bưởi, hoa ban…
Người Thái cho rằng dùng nước có ướp các loại hoa trên sẽ có mùi thơm dịu và có
tác dụng khử các mùi hôi tanh. Người ta gội đầu, chải, búi tóc và thay quần áo
cho người quá cố. Đối với nhà nghèo, đồ thay cũng chỉ là những bộ quần áo hàng
ngày, còn đối với gia đình giàu có thì đồ thay được chuẩn bị từ trước. Thông
thường, người ta sẽ mặc theo thứ tự áo trắng ở trong, áo đen ở ngoài. Tiếp đó
người ta đặt người quá cố xuống đệm và lấy vải trắng cuốn quanh người, vải đỏ
phủ lên trên. Lấy một ít đồng bạc trắng cho vào tay người chết, làm như vậy khi
lên trời họ sẽ có chút tiền để tiêu.
Sau đó người nhà sẽ mổ một con vịt, chặt đầu, hai cánh và hai chân buộc lại rồi để cạnh người chết, nếu để lâu họ thường treo gác bếp. Với quan niệm khi người chết lên trời sẽ phải đi qua sông và tiếng kêu của con vịt sẽ giúp đưa đường cho người chết qua sông để mau lên trời về với tổ tiên.
Sau đó người nhà sẽ mổ một con vịt, chặt đầu, hai cánh và hai chân buộc lại rồi để cạnh người chết, nếu để lâu họ thường treo gác bếp. Với quan niệm khi người chết lên trời sẽ phải đi qua sông và tiếng kêu của con vịt sẽ giúp đưa đường cho người chết qua sông để mau lên trời về với tổ tiên.
Sau khi làm xong các thủ tục trên, người nhà sẽ gọi người chết một
lần nữa xem còn sống không. Nếu không thưa thì họ ra sân trước nhà kêu thật to:
"Trời ơi! Bố (mẹ) tôi chết rồi", khi đó những người trong gia đình mới
được khóc.
Trong đám ma, người Thái đen quan niệm: họ hàng gần xa với tang chủ
chia làm hai loại. Một loại được mang khăn tang (bả hua đón) và một loại không
mang khăn tang (bả hua đăm) Trong số "bả hua đón", người ta cử ra 3
người làm "po pả" (chủ đám tang). Hiện nay, chủ đám tang thường là
Trưởng bản. "Po pả" sẽ phân công công việc cho mọi người. Một số đi bắt
rể gốc (khươi cốc), rể thứ về chịu tang. (Khươi cốc: thông thường trước khi qua
đời, người ta sẽ chọn cho mình trong số các con rể một người làm nhiệm vụ đưa
đường. Nếu không kịp chọn thì sẽ cử ra một trong số các con rể mà người quá cố
yêu quý nhất).
Trong đám ma của người Thái đen thì Khươi cốc có nhiệm vụ rất quan
trọng như làm cơm phục vụ những người đến viếng, đọc số "pắp sống" (sổ
đưa ma), bàn giao tài sản cho người chết…
Trong đời sống hàng ngày, người quá cố ngủ ở đâu thì khi chết, thi
thể họ sẽ được đặt ở chỗ đó. Người ta khâm liệm cho người chết dưới xà ngang giữa
hai cột cái trong nhà, đó là cột "khau hẹ" và "khau chảu xửa".
Theo quan niệm của người Thái đen, ma nhà trú ngụ trên xà ngang đó, khâm liệm ở
đây để ma nhà biết mà đi. Trước khi đặt người chết vào quan tài, mỗi con dâu phải
có một đôi khăn mặt (một chiếc màu trắng, một chiếc màu đỏ) để phủ mặt người chết.
Tiếp theo, con cháu lấy chuôi dao gõ mạnh vào cột "chảu xửa". Dưới gầm
sàn nơi liệm người chết, người ta cũng dùng đinh đóng xuống. Trên mái nhà đối
diện với nơi đặt người chết, người ta thường dỡ một viên ngói hoặc lấy ngọn
giáo chọc thủng. Làm như vậy, người Thái đen cho rằng họ đã mở cửa đất, cửa trời
cho người chết về với tổ tiên.
Trong đêm thứ nhất của ngày khâm liệm, mỗi gia đình trong bản đều
cử người túc trực ở nhà người chết. Trong đêm này, người ta thường tổ chức thi
đánh cờ, đọc truyện cổ tích, truyện dựng bản mường và bài "sống sán"
(bài dẫn đường cho người chết lên trời) làm cho không khí bớt phần lạnh lẽo.
Theo người Thái đen, người chết để trong nhà bao lâu sẽ do "lung
tà" (người đứng đầu bên ngoại) quyết định. Thông thường họ sẽ tránh chôn
người chết vào các ngày: ngày mất của những người trong gia đình và ngày "mừ
tấu" (đây là ngày không có gì, nếu chôn người chết vào ngày này thì con
cháu ở lại sẽ không làm ăn được). Tuy nhiên hiện nay, để thực hiện theo nếp sống
văn hoá, người Thái sẽ không để người chết trong nhà quá lâu.
Theo phong tục, thường trước khi qua đời, người chết đã dặn nên
chôn cất ở đâu trong bãi tha ma của bản. Nếu chưa kịp dặn thì con cái hoặc
Khươi cốc sẽ chọn. Khi chọn được chỗ ưng ý, Khươi cốc sẽ dọn sạch một khoảng nhỏ
bằng chiếc chiếu và làm nghi lễ xin phép thổ địa bằng cách lấy một con gà luộc,
một nắm xôi và một chút tro bếp mang theo từ nhà đặt giữa khoảng đất lót lá
cây, rồi lấy thanh kiếm cắm trước những lễ vật trên sao cho phía lưỡi kiếm quay
về phía mình và khấn những lời xin phép thổ địa trao đất cho người chết. Tiếp
theo, Khươi cốc tung hai thanh tre vào lưỡi kiếm. Nếu hai thanh tre rơi xuống một
thanh xấp, một thanh ngửa thì việc chọn nơi chôn cất đã xong. Ngược lại phải đi
tìm nơi khác.
Trước khi đưa người chết đi chôn, người ta làm nghi lễ từ biệt con
cháu, đó là khiêng quan tài đi một vòng quanh nhà, dâng lên hạ xuống ba lần
chào con cháu mong ở lại mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Đi đầu là Khươi cốc tay cầm
bó đuốc, đeo dao, lưng đeo cờ v.v… Bó đuốc phải được châm lửa từ bếp, trên đường
đi nếu bị tắt phải chạy về nhà châm tiếp không được xin người khác. Nếu người
khác cho lửa thì hồn của người đó sẽ đi theo người chết. Còn nếu lửa bị tắt phải
quay về nhà lấy thì mọi thứ người đó mang theo phải để lại rừng vì sợ ma người
chết về theo.
Khi đi đến chỗ chôn, người ta đặt quan tài cạnh miệng huyệt và làm
một mâm cơm mời người chết ăn bữa cuối cùng. Mâm cơm thường có xôi, gà và rượu.
Trước khi hạ huyệt Khươi cốc cầm đuốc và dao hua trong huyệt để xua đuổi hồn của
người khác không cho đi theo người chết.
Sau khi chôn xong sẽ làm nhà mồ. Nhà mồ người Thái đen cao đến thắt
lưng được lợp bằng cây cỏ gianh tươi. Ngày nay, nhà mồ thường lợp bằng ngói,
không đào rãnh sâu mà thay vào đó họ sẽ rào xung quanh cẩn thận, có cổng ra
vào, xung quanh được cắm lá cờ nhỏ, hai bên đầu sàn cắm cờ lớn. Nếu người chết
là đàn ông thì nhất thiết phải có thêm cờ lớn, tiếng Thái gọi là "chao phạ"
dài khoảng từ 8 đến 12 sải tay. Độ dài của "chao phạ" phụ thuộc vào
tuổi và uy tín của người chết. Nếu người chết là nữ còn có một ô màu đen. Thang
lên xuống của nhà mồ có số bậc là chẵn. Trong nhà mồ thường có các đồ dùng của
người chết như: chiếu, chăn, đệm, gối, "bem" (đồ đựng quần áo)…Ngoài
nhà mồ treo đầu, chân, cánh vịt. Xung quanh nhà mồ trồng cây chuối, dứa, sả…
Các con cháu dâu mỗi người gom một ít củi nhỏ để trong nhà mồ để người chết có
thể dùng củi đó nhóm lửa cho linh hồn bớt cô quạnh.
Sáng sớm hôm sau, người ta phải tổ chức ngay lễ "Au phi khửn
hươn" (mời ma người chết về nhà để trở thành ma nhà. Lễ này phải được tiến
hành càng nhanh càng tốt vì nếu để lâu người chết bơ vơ giữa rừng sợ ác thần bắt
mất. Nghi lễ này phải mời thầy mo đến cúng. Lễ cúng thường có xôi, gà, rượu, thịt…mang
ra chỗ chôn cúng, mời hồn người chết về và mang theo một nắm đất nơi chôn người
chết. Khi về đến nhà, người nhà sẽ phải mổ lợn cúng lần nữa để nhập hồn người
chết vào và đưa lên bàn thờ thờ cùng tổ tiên.
Sau khi hoàn tất các công việc Khươi cốc sẽ tổ chức một bữa cơm để
xin lỗi gia đình vì công việc mà Khươi cốc phải đảm nhiệm trong lần này và hứa
với mọi người trong gia đình sẽ không có lần tiếp theo.
Mỗi dân tộc đều có những nét phong tục truyền thống đặc
trưng và độc đáo riêng của mình. Dân tộc Thái Đen ở Sơn La vẫn còn lưu giữ được
những nét riêng đó, góp phần tạo nên một bức tranh tổng thể, đa sắc màu cho đại
gia đình 54 dân tộc anh em trên toàn đất nước Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét