Cơ bản văn hoá dân tộc Thái từ góc độ triết học (Th.s Nguyễn Văn Phượng)

 Văn hóa là một trong những hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội. Văn hóa cùng với ý các hình thái ý thức chính trị, ý thức pháp quyền, ý thức đạo đức, ý thức khoa học, ý thức tôn giáo,... đã tạo nên diện mạo phong phú, đa dạng của đời sống tinh thần của một dân tộc và một thời đại. Song hành với quá trình khai mở tự nhiên thông qua hoạt động thực tiễn, con người đã làm nên lịch sử văn minh của mình. Thời gian như chảy bất tận nhưng trong dòng chảy ấy lại là sự cô đọng của những gì tinh tuý nhất mà con người đã gây dựng trong sinh tồn để làm thành truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc. Với tư cách là một trong những hình thái ý thức xã hội, văn hóa được nhìn nhận bằng nhiều quan điểm khác nhau tương ứng với cách tiếp cận vấn đề.

Quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về văn hóa là một hệ thống quan điểm khách quan, toàn diện, cụ thể. Về cơ bản, Đảng đứng trên lập trường Mác xít khẳng định văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do hoạt động sáng tạo của con người trong quá trình chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội, có quan hệ biện chứng với các hình thái ý thức khác. Với đặc trưng đó, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Trong 4 dân tộc thiểu số (H'Mông, Thổ, Khơ mú, Thái) sinh tụ ở Nghệ An thì dân tộc Thái là dân tộc chiếm số đông (70,09%). Về cơ bản, dân tộc Thái ở Nghệ An chia làm ba nhóm chính là: tày Mường, tày Thanh và Tày Mười. Văn hóa Thái ở Nghệ An là một nền văn hóa lâu đời, có bản sắc riêng rất độc đáo nhưng cũng không kém phần phong phú. Từ cái nhìn của triết học cho thấy văn hóa Thái ở Nghệ An được biểu hiện trên hai lĩnh vực: Văn hoá vật chất và văn hóa tinh thần: Thứ nhất, lĩnh vực văn hóa vật chất, bao gồm:
- Phạm vi (không gian) cư trú: là địa bàn nơi người Thái sinh sống. Dải đất ăn đời ở kiếp của mình được người Thái gọi là "bản" hay còn gọi là "Mật Tập". Đặc điểm của "Mật Tập" là không lấy vườn tược, đồi nương và đường đi lối lại để quy định vị trí của nó mà lấy thế đất làm điểm trung tâm khai mở cho tổ ấm của mình. Về cơ bản người Thái ở đây
- Lấy sông suối, địa thế khoáng đãng để đặt hướng nhà;
- Lấy thế đất chạy theo ven núi để đặt hướng, đặt biệt là đặt hướng nhà. 
Cộng đồng người Thái cư trú ở nhiều nơi khác nhau, để phân biệt rõ về nơi "chôn nhau cắt rốn", họ đặt cho bản của mình một cái tên gọi riêng, có thể lấy tên con sông, suối, rừng, rú,...là tên cho bản.
Về kiến trúc nhà ở:
Người Thái chủ yếu là ở trong nhà sàn. Đây là loại nhà được người Thái kiến thiết bằng những chất liệu từ  thiên nhiên, gần gũi với nơi họ sinh sống.
Ở Nghệ An có 4 dạng nhà sàn chủ yếu gắn liền với sự phát triển từ thấp lên cao của đồng bào Thái: Dạng cổ truyền gọi là nhà có đà; Dạng thứ hai gọi là nhà  quá giang cột chôn; Dạng thứ ba là nhà kê hai hàng cột có quá giang; Dạng thứ tư là nhà kê hạ.


Các dạng nhà sàn ở Nghệ An về hình thức bên ngoài có đôi chút khác nhau, nhưng về cấu trúc cơ bản là giống nhau, gồm 12 phần chính là: 1. "Xau hóng" là cột chính của nhà. Khi xây cất một ngôi nhà việc đầu tiên là phải dựng được "Xau hóng"; 2. Xau khăn (cột hồn) là cột dùng để thờ khi vợ chết. Đây là cột đối xứng với Xau hóng; 3. Đay (cầu thang); 4. Cỏi-sàn hiên đầu hồi có càu cầu thang chính; 5. Tu cơi (cửa chính để vào trong nhà); 6. Gian hóng (gian nọc-ngoài); 7. Xuôn (buồng ngũ); 8. Bỏn non (Giường nằm của vợ chồng gia chủ); 9. Tảu phi (bếp); 10. Tu xan (cửa ra vào bếp); 11. Xan nọc (xà phơi); 12. Đây xan (cầu thang dầu hồi thường gác lên xà phơi).
Về trang (sắc) phục: 
Người Thái có truyền thống dệt vải lâu đời. Giới nam của dân tộc Thái mang trang phục rất đơn giản, ít giữ bản sắc (cả về trang phục lẫn trang sức). Đặc biệt, ngày nay với sự thâm nhập của người Kinh, thì nam giới Thái đã mang trang phục như miền xuôi. Sắc phục của nữ giới ở Nghệ An có thể phân thành hai kiểu Thái-Tày Mường (trắng) và Tày Thanh (Đen). Phụ nữ thái ở Nghệ An chủ yếu mặc váy (Xỉn).
Nhóm Tày Mường thường mặc "Xỉn đán", còn nhóm Tày Thanh thường mặc "Xỉn múc".
Ngoài sắc phục che thân ra, người Thái còn rất "giàu có" về trang sức. Phần lớn trang sức được làm bằng bạc trắng và bằng vải.
Nhìn chung, trang phục của người Thái ở Nghệ An gọn gàng, đẹp. Phụ nữ xính trang sức đã làm tăng thêm nét duyên dáng và tươi đẹp của họ. Việc mặc váy đã tôn lên được thân hình mảnh giẻ, điệu đà của họ, nhân lên phong cách Á Đông của người phụ nữ Việt Nam.
Về ẩm thực: Có hai loại:
Món ăn truyền thống của người Thái là Xôi. Người Thái nổi tiếng với "Cơm lam" (xôi nhồi ống nứa).
Thức ăn  của người Thái rất tự nhiên nhưng lại rất phong phú và giàu vitamin, đạm. Sông, suối, khe, rạch trở thành nguồn cung cấp tôm, cua, cá, ốc, ếch,.. đầy chất dinh dưỡng; Thảm thực vật, đồi núi là nguồn cung cấp rau sạch, măng, nấm, rêu,... nhiều vitamin.
Thức uống của người Thái ngày xưa không đảm bảo vệ sinh vì họ thường uống nước sống ở sông, suối nhưng ngày nay, nhờ ánh sáng của người Kinh họ đã uống chín.
Người Thái ở Nghệ An rất thích uống rượu. Đối với họ uống rựu là phong tục cho nên họ tự chế biến lấy để tiêu thụ. Rượu của người Thái có ba loại chính: Lảu xiêu (cất hay trắng), Lảu xả (Rượu cần), Lảu vang (rượu nếp cái). 


Người Thái xem rượu là cái cớ để cởi mở niềm vui, sự hân hoan mang tính văn hóa lành mạnh, không bê tha. Với người Thái, rượu cần là thức men thú vị mỗi khi có đình đám. 
Sinh hoạt ẩm thực của người Thái có cung cách giờ giấc nhất định. "Kín lảu mi ngan, đa pan mi pựa", tức là ăn có bữa, rượu có giờ. Người Thái chia làm 5 bữa/ngày.
Thứ hai là, lĩnh vực văn hóa tinh thần:
Là cư dân sinh tụ lâu đời với truyền thống nông nghiệp, từ rất lâu người Thái ở Nghệ An có một đời sống tâm linh cộng đồng. Tín ngưỡng dân gian của người Thái là biểu hiện nhận thức, tâm lý, tình cảm của họ về các hiện tượng xung quanh tự nhiên và xã hội:
Quan niệm về vũ trụ: Theo người Thái ở Nghệ An, vũ trụ chia làm ba phần:
Thứ nhất là, Mường Phạ (Mường Phen)- là mường của các vị then; 
Thứ hai là, Mường Lùm(Mường người)
Thứ ba là, Mường Boọc Đai (Mường trong lòng đất):
Quan niệm về "Phi":
Nếu đời sống tâm linh của con người là nhằm hướng đến một đấng siêu nhiên, toàn năng. Với người Thái, siêu nhiên, toàn năng đó được gọi là "Phi".
Theo quan niệm của người Thái, "Phi" bao gồm: 
- Linh hồn người sống (Phi vẳn);
- Linh hồn người chết (Phi hương);
- Tổ sư nghề mo (Phi ôn, phi một);
- Các loại ma quỷ trong tự nhiên (Phi Pu, Phi pả).
Với họ, tất cả đều được thần thánh hóa thành những mãnh lực siêu nhiên.
Quan niệm về xây dựng nhà:
Người Thái coi ngôi nhà là nơi linh thiêng, ăn đời ở kiếp của mình. Vì vậy, mỗi khi dựng nhà người Thái  phải nhờ thầy cúng đến xem hộ.
Dựng nhà xong, người Thái có làm lễ lên nhà mới. Đây là tập quán của họ.
Tập quán sinh đẻ: 
Người Thái, quan niệm rất duy linh về con người. Họ cho rằng, con cái được sinh ra là quà ban thưởng của trời đất cho họ. Mỗi khi có đứa trẻ được sinh ra họ gửi gắm rất nhiều niềm tin vào nó, vì vậy trước khi sinh người phụ nữ mang thai được quan tâm chăm sóc một cách chu đáo.
Tang ma:


Nếu như tôn giáo quan  niệm chết là được sống ở một thế giới khác. Dân tộc Thái ở Nghệ An cũng quan niệm như vậy, nhưng với họ, cuộc sống ở vùng đất mới là cuộc sống của mường ma. Vì muốn được sống ở một vùng đất mới với kiếp ma hạnh phúc nên người Thái rất coi trọng việc tang ma mỗi khi có người qua đời.
Cưới hỏi:
Truyền thống dân tộc Thái chỉ ra rằng, khi con gái biết dệt vải, con trai biết đan chài là lúc đến tuổi cặp kè. Chuyện gái có trai là chuyện bình thường như "trăng có sao". Mỗi khi có đôi trai gái nên  duyên vợ chồng không chỉ là niềm vui của gia đình, dòng họ mà đó còn là niềm vui lớn của cả bản, vì chính những cặp vợ chồng này sẽ là tương lại xum quần, cường thịnh của bản làng. Cưới hỏi của người Thái trải qua nhiều khâu như: Chóm (dạm hỏi), Dăm (Thăm), Lễ cưới. Và mỗi một khâu đoạn như vậy có nhiều cung bậc nghi lễ.
Lễ cơm mới:
Đây là lễ sau khi đã thu hoạch vụ mùa vào tháng mười (dương lịch) nhằm tạ ơn sự phù hộ độ  trì của tổ tiên đã cho mùa màng tốt tươi. Lễ này không linh đình vì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình mà làm nhưng vẫn phải mời thầy mo đến cúng vía.

Lễ hội Xăng Khan:
Là lễ hội đền ơn đáp nghĩa mang tính chất tín ngưỡng dân gian, cầu mong cho "người an, vật thịnh", dân bản, mường ai cũng được ấm no hạnh phúc. Đây là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian rất độc đáo, bản sắc, trở thành truyền thống của dân tộc Thái, được diễn ra vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân khi ngô trên nương đã hái hết về nhà, lúa ngoài đồng  đã gùi về bản. 
Văn học:
"Người Thái có vốn văn nghệ dân gian rất phong phú và đặc sắc. Từ Tây Bắc vào Nghệ An và cùng đi với họ là cả kho tàng văn hóa của một tộc người có lịch sử hàng ngàn năm sinh tụ ổn định trên một địa bàn tương đối rộng. Đó là chưa kể dọc đường hành trình của họ, họ đã từng gặp gỡ tiếp xúc các cư dân Việt-Mường, những cư dân Môn-Khơme, cư dân Lào...làm cho vốn văn nghệ dân gian Thái mang thêm nhiều màu sắc của nhiều dân tộc" [46, tr.66]. Về cơ bản, văn học Thái được thể hiện qua các lĩnh vực như: Các câu truyện thần thoại, các câu truyện cổ tích, truyện thơ.
Nghệ Thuật: Bao gồm nhiều lĩnh vực như:
- Âm nhạc: Với nhiều loại hình nhạc cụ như: Khèn, Sáo, Cồng Chiêng và Khắc Luông.
- Múa (xẽ, xoè) với hai cấp độ là: Múa tập thể dân dã và múa biểu diễn hay múa phong cách.
- Về hoạ tiết trang trí:
Người Thái có thể trang trí trên rất nhiều chất liệu của tự nhiên, chẳng hạn như: Gỗ, mây, tre, giang, vải...

Nói chung hoạ tiết của người Thái rất bản sắc. Chính những hoạ tiết của họ đã góp phần không nhỏ vào bức tranh sinh động của đời sống. Nhờ một phần của nghệ thuật mà bản sắc văn hóa của dân tộc Thái đã trở nên độc đáo và sâu sắc hơn. Nội dung của nghệ thuật chính là sự biểu hiện tâm hồn, tình cảm, ước mơ, niềm tin và cả sức sống mãnh liệt của người Thái./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét