Bản Him lam II thuộc phường Him lam, thành phố Điện Biên.
Người Thái thường gọi là "Hin Đăm", viên đá đen quý của Ải Lậc Cậc.
Có một sự tích kể rằng: Một hôm Ải đi làm đồng qua một dòng suối vô tình Ải
đánh rơi viên đá xuống suối, Ải lấy chân gạt bùn đất tìm viên đá, nhưng tìm mãi
tìm mãi vẫn không thấy vì viên đá đã lẫn vào bùn đất và tụ thành một bãi từ đó
nhân dân đặt tên bản là bản Him Lam. Năm 1974 bản được tách ra thành 02 bản:
Him Lam I và Him Lam II.
Bản Him Lam II nằm ở nơi cửa ngõ của thành phố Điện
Biên, có 98% là người dân tộc Thái đen sinh sống từ lâu đời.
Người Thái đen có rất nhiều ngành nghề thủ công truyền thống
như: Đan lát mây tre, đan chài, lưới…trong đó phải kể đến nghề thêu, dệt thổ cẩm
- Là một nghề truyền thống có từ lâu đời của người Thái Điện Biên nói chung,
người Thái bản Him Lam II nói riêng.
Người phụ nữ Thái học nghề thêu, dệt thổ cẩm từ những người phụ nữ
thế hệ trước và truyền lại cho con cháu đời sau. Để dệt được những tấm vải thổ
cẩm hoàn mỹ, đòi hỏi người dệt phải trải qua rất nhiều công đoạn. Sản phẩm
thêu, dệt thổ cẩm truyền thống được làm hết sức tỉ mỉ, thủ công với những công
cụ thô sơ nên chỉ những người phụ nữ mới có thể kiên trì làm được. Do đó, đã
hình thành trong dân gian quan niệm đánh giá đàn ông Thái qua đan lát, đánh giá
người phụ nữ Thái qua thêu thùa, dệt vải.
Điểm đặc biệt của nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Thái
là họ đều tự tay làm tất cả, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, dệt vải, nhuộm màu,
nhuộm chỉ và thêu thành sản phẩm. Xưa kia người dệt dùng những nguyên liệu tự
mình tạo nên từ trồng dâu, nuôi tằm lấy sợi và tìm kiếm màu sắc từ thiên nhiên
để pha thành những sắc màu đa dạng. Tùy vào từng mẫu hoa văn trên tấm thổ cẩm
người dệt có thể pha, nhuộm các màu độc đáo khác nhau. Những tấm vải dệt lên có
thể tạo thành váy, áo, khăn Piêu, những chiếc gối xinh xắn,…
Thổ cẩm của người Thái thường sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng,
xanh lá cây, tím…tạo ấn tượng mạnh. Cầm trên tay tấm vải thổ cẩm ta có thể cảm
nhận được màu xanh của cây cối; màu hồng, trắng, đỏ của hoa rừng; màu vàng rực
rỡ của ánh nắng mặt trời. Tính cách và tuổi tác của người phụ nữ thể hiện qua từng
sản phẩm thổ cẩm. Với những cô gái Thái đang yêu thường thì những gam màu sáng
sẽ làm chủ đạo, những đường nét hoa văn bay bướm, uốn lượn đầy sức thơ mộng và
cuốn hút được hiện trên trang phục thổ cẩm của họ. Còn với các thế hệ bà, mẹ lớn
tuồi thì lấy gam màu trầm làm chủ đạo với đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.
Hoa văn trên trang phục cũng như các vật dụng làm từ thổ cẩm thường
theo mô típ tượng trưng, cách điệu các hình tượng từ thiên nhiên và đời sống
thường ngày như hoa lá, động vật,… Những họa tiết này được kết hợp một cách
khéo léo, cân đối và mang đặc trưng tính cách, thẩm mỹ và tài nghệ của từng người
làm ra. Hoa văn trên thổ cẩm diễn tả những tình cảm, suy nghĩ của con người về
cuộc sống xã hội và tự nhiên chứ không sao chép nguyên mẫu. Mỗi hoa văn đều có
ý nghĩa nhất định trong tổng thể khung hoa văn trên mỗi tấm thổ cẩm. Qua đôi
bàn tay khéo léo của người phụ nữ, vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt hàng
ngày được khắc họa sinh động, rồi chính những trang phục ấy lại phục vụ cuộc sống
sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái bản Him Lam II.
Nghệ thuật trang trí của người Thái rất phong phú và độc đáo. Họa
tiết thường đối xứng với nhau, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của
cuộc sống, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật…Lấy
thiên nhiên làm hình mẫu, sản phẩm thổ cẩm của người Thái như những bức tranh
phong cảnh thiên nhiên thu nhỏ, đó là những hình thoi như quả trám chạy viền,
hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xóa, những chùm hoa
buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo,… Âm dương hòa hợp thể
hiện sự khát khao hướng tới sự sinh sôi nảy nở, sự khát vọng chung sống thuận
hòa theo quy luật của muôn đời, được thể hiện vô cùng tinh tế và phải trải qua
nhiều thế hệ trao truyền, chắt lọc mới có được.
Có tới hơn 30 loại hoa văn, họa tiết được thể hiện sống động trên
thổ cẩm và phù hợp với từng loại sản phẩm khác nhau, thể hiện tâm hồn hướng đến
thiên nhiên và vẻ đẹp của người phụ nữ Thái. Ở mặt chăn thường thêu hình con
thuồng luồng thể hiện tình cảm, ước mơ và lòng vị tha cao cả của người mẹ, người
vợ luôn chung thủy, bao dung độ lượng. Còn đối với khăn Piêu thì hoa văn trang
trí với màu sắc đa dạng, sinh động và hài hòa. Nét đặc biệt của nghệ thuật thêu
khăn Piêu là họ thêu ở mặt trái nhưng hoa văn lại hiện ra ở mặt phải nên để
thêu nên một chiếc khăn Piêu đẹp theo lối truyền thống đòi hỏi người phụ nữ
Thái phải nắm chắc nguyên tắc, kỹ thuật. Bởi tính phức tạp của kỹ thuật thêu
nên khăn Piêu được coi là một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá người phụ nữ. Qua
chiếc khăn Piêu có thể biết được chủ nhân của nó là người tài hoa, siêng năng,
chịu khó hay là người lười nhác, vụng về.
"Em se sợi thành vóc hoa dâu
Em dệt cửi thành gấm vân chéo
Em dệt tơ thành đóa hoa vàng.
Người các bản, các phường muốn khóc
Đều ước ao được em thêu khăn"
Khăn Piêu của phụ nữ Thái không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn
mang tính xã hội. Cùng với váy, áo, thắt lưng, khăn Piêu góp phần tạo nên một
nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc
Thái.
Ngắm nhìn từng sản phẩm lại mang cho ta cảm nhận mỗi một người con
gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Việc biết thêu thùa, dệt vải được coi là
tiêu chuẩn, là sự tất yếu cần phải có như người Thái thường nói “Nhinh hụ dệt”,
nghĩa là con gái phải biết làm vải. Vì vậy các cô gái trong bản từ khi mới lớn
đã biết dệt vải, thêu thùa. Mỗi khi các cô gái ngồi vào khung cửi, mỗi hoa văn
họa tiết như có hồn, lung linh sống động nên mới có câu ca "Khoẳm mư pên
lai/Hai mư pên bok" có nghĩa là "Úp bàn tay thành hình muôn sắc; Ngửa
bàn tay thành hoa muôn màu", nhằm ca ngợi đôi bàn tay khéo léo của người
phụ nữ đã thêu lên những sản phầm thổ cẩm để phục vụ cho bản thân, gia đình và
một phần cung cấp cho thị trường.
Cho đến nay nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc
Thái vẫn lưu giữ được cái hồn của mình, góp phần tạo nên một nét văn hóa độc
đáo riêng của dân tộc Thái Điện Biên nói chung, dân tộc Thái bản Him Lam II nói
riêng.
Cao Thị Kim Thoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét