Lễ hội cầu an thường được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu
tháng 2 âm lịch hàng năm (dịp tết Nguyên Đán), tại Thuận Châu, Mộc Châu gắn với
tục giết trâu hiến sinh cầu và tạ thần linh.
Lễ hội cầu an cho bản mường (xên bản, xên mường) của người
Thái, đặc biệt là người Thái Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu, người Mường… là một
sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người ở Tây Bắc.
Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường,
đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy, nên được tổ chức rất
trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đồng bào ở địa vực lớn (bản, mường).
Thường thì người ta tổ chức lễ cầu an cho mường trước, sau
đó lần lượt làm lễ hội cầu an cho bản hoặc liên bản. Chính vì thế, ngày nay,
qui mô lễ hội (to hay nhỏ, kéo dài hay thu gọn… ) một phần lớn tùy thuộc vào thời
tiết liên quan đến sự được mất của mùa màng năm tới, nhưng còn phụ thuộc vào sự
được mất, nhiều ít của mùa màng vừa rồi, sau khi thu hoạch.
Lễ hội này được tiến hành ở đầu nguồn nước thuộc một bản được
chọn (thường là bản Mòn). Đây là nguồn nước thiêng, gần rừng thiêng, nơi cư trú
của thần thuồng luồng đầy uy lực. Ở người Thái Mai Châu, thì lễ hội lại được tổ
chức ở bãi rộng gần đình như các lễ hội ở châu thổ, đồng bằng. Có nơi, người ta
tổ chức lễ ở các miếu thờ thổ công, thổ địa của bản, của gia đình, ở vườn và ở
đầu ruộng.
Thường thì ngay từ dịp tết Nguyên Đán, mọi thứ dùng cho lễ
hội đã chuẩn bị xong. Lễ hội thường kéo dài trong ba ngày (có nơi hai ngày một
đêm, có nơi một ngày một đêm). Nghi lễ cúng viếng cơ bản là hiến sinh trâu (nơi
là một cặp trâu đực to, trắng – đen, nơi thì một con, nhiều nơi cúng cả gà, lợn).
Ở Mộc Châu, trong lễ xên bản, xên mường, người ta hiến tế cặp trâu đen – trắng
cỡ từ mười tuổi trở lên. Hai trâu, nhưng trâu trắng mới thực sự mang năng lượng
thiêng để thành lễ vật tế thần (ở đây là thủy quái thuồng luồng, con ma to nhất
dưới nước mà bà con thường gọi là phi ngược). Có lẽ nghi thức thờ, hiến sinh
hai trâu là mới hơn nghi thức hiến sinh một trâu mộng rất phổ biến. Bởi theo bà
con cho biết, trước kia, dân một mường khác phải đem trâu trắng và các đồ cúng
lên cúng tại bản Mòn này. Từ đó nảy sinh lễ cúng liên mường (xên liên mường) mà
đồ cúng và trâu hiến sinh tăng thêm về số lượng. Suy tưởng này, thực ra mới chỉ
là giả thiết.
Người chịu trách nhiệm chính trong tổ chức lễ hội cầu an bản
mường là a nha, nhưng người trực tiếp điều hành buổi lễ lại chính là ông thầy
cúng (mo mường). Dân chúng trong mường, ngoài bản, bất kể già trẻ gái trai đều
có nghĩa vụ tham gia, đóng góp tùy sức mình và được quyền tham dự lễ hội của mường.
Nghi lễ giết trâu ở đây hết sức đơn giản, không quan trọng
và hệ thống như nghi lễ đâm trâu, ăn trâu ở Tây Nguyên. Trước ngày hội chính thức,
tức là khoảng 2-3 giờ chiều ngày hôm trước, người ta đã làm lễ giết trâu. Trước
khi thịt trâu, ông mo mường và ông mò phăn (tức ông thầy chém, được dân mường
chọn ra) làm lễ vái thần linh, tổ tiên rồi cầm dao nhọn làm động tác chém dữ
(mang tính nghi lễ) vào cổ các con trâu dùng tế lễ, miệng thì thầm những câu
như thần chú (thực ra, nhiều người cho rằng các ông chỉ nói lời kính báo với thần
linh, tổ tiên: trâu tế thần đã sẵn, dân bản, dân mường đã thịt trâu dâng các vị
rồi đây nhé, xin các vị về mà nhận lấy). Sau đó, các ông lui ra, dành chỗ cho
các thanh niên khỏe mạnh vào chém trâu, thịt trâu… Bắt đầu ngày hội, người ta
làm nhiều mâm cỗ cúng (mỗi mâm cỗ tượng trưng cho một bản lớn, xưa, có tạo bản
đứng đầu, các bản nhỏ không được tượng trưng bằng mâm cỗ) đặt cạnh nguồn nước
thiêng của mường. Đặc biệt, mâm cỗ của ông a nha, đặt ở giữa, dùng cúng tổ tiên
(mâm cúng chính thức) phải đầy đủ các bộ phận của con trâu hiến tế (đầu, đùi,
thân, móng, đuôị..) cùng tất cả các bộ phận của một con lợn. Những mâm còn lại
của các bản, ngoài thịt trâu, cơm rượu… còn phải có gà vịt, đặt ở hai bên mâm
cúng chính, dành để cúng các vị thần khác. Khi buổi lễ bắt đầu, mo mường quì
trước các mâm cỗ, phía sau là a nha, tạo bản, dân mường quì lễ. Trong không khí
trang nghiêm, linh thiêng, ông mo trang trọng, xuất thần đọc bài cúng đã thông
thuộc, mời tổ tiên (ông cha bà cố nội ngoại tiếng Thái là Pao pu pang cải), thần
đất (Chau đỉn), chủ nguồn nước (Chau nặm bo), thổ công thổ địa… về nhận lễ vật,
dùng cỗ, vui vẻ với cộng đồng dân cư bản mường; đồng thời cầu mong tổ tiên thần
linh ban phúc, phù trợ cho bản mường bình yên, làm ăn suôn sẻ, con người khỏe mạnh,
ngô lúa sinh sôi, gia súc gia cầm đàn đàn, lớp lớp. Khấn xong, mo mường và các
vị chức sắc cùng dân bản mường vái lạy tổ tiên và các vị thần. Trong lúc đó, mo
mường ném hai quả trứng (một đỏ, một trắng) và một nắm cơm nhỏ xuống nguồn nước.
Cuộc lễ kết thúc, mọi người bắt đầu vào cuộc ăn uống cộng cảm, vui chơi thể
thao, văn nghệ… Cuộc ăn uống cộng cảm diễn ra hết sức vui nhưng đúng lễ nghi.
Các ông mo mường, a nha, tạo bản… ăn làm phép ở mâm cỗ chính, rồi đi từng mâm; ở
mỗi mâm các ông ăn một miếng thịt, uống một hớp rượu. Kế đó, cả bản mường ăn uống
vui vẻ cho bằng hết các mâm, không được bỏ thừa hay đem về.
Để chuẩn bị cho việc diễn ra những trò bách hý trong hội lễ,
ngay từ sáng tinh mơ của ngày đầu tiên, bên cạnh vị trí cúng lễ (mặt bằng, có
thể là bàn đá cạnh nguồn nước), người dân bản đã sửa sang, dọn dẹp một mặt bằng
rộng, cách nơi hành lễ khoảng trên dưới 100m. Mọi hoạt động hội hè, trò chơi,
văn nghệ, thể thao… đều được diễn ra nơi đây. Trời về chiều, trong tiếng trống,
tiếng chiêng dìu dặt lúc khoan lúc nhặt, dân làng tổ chức xòe vòng, xòe đôi,
xòe đơn thật hào hứng. Bên mâm rượu tập thể, những nam thanh nữ tú hát giỏi múa
hay, biết nhiều, nhanh nhẹn trong ứng đối vừa ăn uống, chọc ghẹo, vừa hát đối
đáp giao duyên. Họ hát giới thiệu, khen ngợi nhau, bày tỏ chí hướng, tỏ lòng với
nhau… trong men rượu, men tình… Bên cạnh đó, dăm bảy đôi nam nữ (thường là những
đôi đã ngầm kết nhau, tổ chức múa sạp, thi bắn nỏ, bắn súng hỏa mai. Nhiều nơi
còn có tục đi săn tập thể vào ngày kết thúc lễ hội. Dưới sự chỉ huy của một thợ
săn giỏi nhất mường, được dân bản bầu lên, mọi người lao mình vào cuộc săn một
cách hào hứng. Thú rừng săn được sẽ chia đều cho mọi người cũng như lũ chó tham
gia cuộc săn… Cứ như thế cuộc vui kéo dài trong hai, ba ngày. Sau đó, bản nào về
bản ấy. Bản nào giàu có, nhiều khả năng vật chất thì mời mo mường, a nha về bản
mình, tiếp tục mổ lợn, giết gà tiệc tùng vui vẻ, hoặc tổ chức cầu an cho bản
(xên bản).
Như vậy các nghi lễ chính trong lễ hội cầu an bản mường vừa
bộc lộ tín ngưỡng thờ phụng thủy thần (thần nước, thần nguồn nước, sấm báo mưa)
vừa thể hiện tín ngưỡng gắn với thời săn bắn, hái lượm nguyên thủy. Tuy nhiên,
bằng vào tục hiến sinh trâu, có thể thấy nghi lễ chính là cầu thần nước, cầu tổ
tiên cho làng bản bình an, làm ăn phát đạt, người vật phát triển. Tục đi săn,
nhiều khi, là hệ quả kéo theo, ngày càng mang tính hội hè nhiều hơn. Vết tích
nghi lễ tín ngưỡng qua tục săn bắn tỏ ra rất mờ nhạt. Dù sao, đó cũng là sự kéo
theo hay xếp lớp văn hóa, thường gặp trong văn hóa dân gian.
Như vậy, ngoài sự khác biệt đôi chút ở nghi lễ hiến tế, hầu
như các hoạt động của lễ hội cầu an bản mường đều giống nhau ở chỗ đây là dịp để
mọi người tụ họp, gặp gỡ với tổ tiên, thần linh, gặp gỡ với nhau trong cả sinh
hoạt vật chất lẫn hành động tâm linh; vừa bộc lộ niềm thành kính, ngưỡng vọng
thánh thần, vừa thể hiện sức mạnh của con người; vừa cầu phúc cho một cuộc sống
hạnh phúc, an bình, vừa bộc lộ khả năng vui chơi, thi tài… Có thể nói, lễ hội cầu
an bản mường là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của các tộc Thái, Mường…
một sinh hoạt văn hóa dân gian tổng thể; một nguồn vui không thể thiếu của cư
dân ít người nơi rẻo cao Tây Bắc xa xôi, mỗi khi mùa hoa ban trắng nở.
Lễ hội Xên Mường dân tộc Thái
đen
Lễ hội “Xên Mường” hay còn gọi Lễ hội Hoa Ban tại “Đông
xên” bản Mé, xã Chiềng Cơi, thành phố Sơn La được tổ chức vào ngày 31/12.
Trước đây cứ 2 năm tổ chức 1 lần vào dịp năm hết, Tết đến,
thu hoạch xong mùa màng, với quan niệm của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc là cầu
cho vạn vật bảo vệ con người, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản mường
đoàn kết vượt khó khăn, giúp nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Địa điểm chọn lễ cúng mường thường là tại một cánh rừng già
được gọi là “Đông Xên”. Lễ vật gồm mổ trâu, lợn, gà, sản vật, thóc gạo, hoa quả…
Lễ hội gồm các nghi lễ: Lễ rước Nàng Tánh về dự hội, bà Một
cúng cầu may, lễ đi qua cầu Mường; lễ té nước cầu phúc. Phần lễ trong Xên Mường
(cúng bản mường) gồm ông mo, bà “một” (người khấn vái chính) gọi “mời” các vị
thần linh như thần sông, thần núi, thần thổ địa, thần cai quản ruộng nương,
vùng miền, các linh hồn người có công dựng bản mường, đất nước và những linh hồn
của những người trong bản mường đã mất về dự, “ăn”, nhận các lễ vật do bản mường,
con cháu dâng lễ.
Phần hội được diễn ra ngay sau phần cúng lễ kết thúc, gồm
các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, bắn nỏ, tó má lẹ (một trò chơi dân
gian), trò chơi đánh chân đánh đầu, múa xoè bên đống lửa, tổ chức dân ca dân
vũ, thăm hỏi, chúc tụng nhau. Tổ chức giao lưu văn hóa – văn nghệ, thi đấu các
trò chơi dân gian giữa các xã, phường, thưởng thức ẩm thực các món ăn dân tộc.
Lễ hội đã thực sự cuốn hút được đông đảo quần chúng bởi nhiều
tiết mục ca-múa-nhạc đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống được các đội văn
nghệ không chuyên đem đến giao lưu biểu diễn. Kết thúc đêm hội, mọi người được
hòa chung vòng xòe đoàn kết, uống rượu cần trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn
ràng.
Lễ hội chọi trâu Phù Yên
Lễ hội chọi trâu huyện Phù Yên là nơi gặp gỡ, giao lưu của
nhân dân các dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, góp phần giữ gìn và
phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa
phương, đồng thời khuyến khích phong trào chăn nuôi đại gia súc, xây dựng huyện
vùng cao Phù Yên ngày càng đổi mới và giàu đẹp
Lễ hội Mợi dân tộc Mường huyện
Phù Yên
Lễ hội Mơi được tổ chức vào dịp đấu xuân, khi mọi việc đồng
áng đã kết thúc (khoảng mồng 5 tết). Ý nghĩa cầu cho mọi người khỏe mạnh, mưa
thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản mường no ấm, đoàn kết vượt qua khó khăn,
giúp nhau xây dựng cuộc sống ngày một tốt hơn. Lễ hội Mợi là dịp để người
dân được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm giàu chính đáng,
nuôi dạy con cái trưởng thành và động viên nhau xây dựng bản mường ngày một tốt
hơn. Các con nuôi cám ơn thầy Mợi đã chữa bệnh cứu người mang lại hạnh phúc cho
mọi nhà bằng những cây thuốc nam gia truyền.
Lễ hội Mợi gồm phần lễ và phần hội được tổ chức đan xen
nhau. Phần lễ do thầy Mợi và các con hầu đảm nhiệm. Phần hội có sự hướng dẫn của
thầy Mợi và sự tham gia của các con nuôi, bà con dân bản. Lễ hội Mợi diễn ra
trong thời gian một ngày. Từ sáng sớm, thầy Mợi và các con hầu đã chuẩn bị các
mâm lễ cúng. Vào lễ, thầy Mợi dùng lời hát đang, hát ví truyền thống của người
Mường mời tổ tiên Mợi từ trên trời xuống trần gian, sau đó mời tổ tiên bên nội,
tổ tiên bên ngoại, thần thổ địa, thần sông, thần núi cùng với tổ mợi về hưởng lễ,
hương hoa, phù hộ cho con cháu, bản mường khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Sau khi
cúng xong Tổ Mợi, các con nuôi mang các mâm lễ đến để dâng lên tạ ơn thầy Mợi,
thầy Mợi tiếp tục làm lễ cầu cho các con nuôi của mình khỏe mạnh, gia đình hạnh
phúc, ăn nên làm ra. Cúng mời tổ mợi và cầu phúc cho các con nuôi xong, thầy Mợi
và các con hầu chuyển sang múa mợi. Các điệu múa được thể hiện trong lễ hội Mợi
bao gồm: Múa xòe, múa khăn, múa trầu, múa kiếm, múa trồng bông dệt vải …Các điệu
múa này vừa thể hiện tập quán truyền thống, vừa thể hiện các lễ nghi nông nghiệp.
Các con hầu dỗ các ống tre xuống và gõ vào nhau, thổi khèn bè tạo nền nhạc rộn
ràng cho các điệu múa. Vừa múa, bà Mợi vừa đi vòng quanh các con nuôi và bà con
dân bản, bà dùng khăn quàng vào cổ mọi người để mời bà con dân bản vào
cùng múa với thầy mợi và các con hầu. Điệu múa Mợi của người Mường vừa uyển
chuyển, nhịp nhàng, vừa mạnh mẽ, say sưa. Càng về trưa thì số lượng người múa
càng đông, tiếng nhạc càng rộn ràng. Sau thời gian nghỉ ăn trưa, buổi chiều các
điệu múa lại được tiếp tục. Bên cạnh điệu múa là các trò chơi được diễn ra: bói
hoa, ném còn, kéo co, đánh chó, đánh chuyền, đánh quay, nhảy lò cò, chơi bi,
đánh quay, chơi ô ăn quan, nhảy dây, đánh yến…Các trò chơi dân gian diễn ra hào
hứng, vui vẻ, thu hút được mọi lứa tuổi cùng tham dự.
Sau một ngày, lễ hội kết thúc bằng điệu múa trầu tiễn tổ
tiên thầy Mợi về trời. Điệu múa phải thể hiện thật dẻo, thật khéo để mong đến
ngày nay sang năm còn mời tổ mợi xuống trần gian dạy con cháu tập múa, làm
nương, làm ruộng. Sau đó, thầy Mợi tổ chức một bữa cơm đoàn kết mời các
con hầu, các con nuôi và bà con dân bản.
Lễ hội Mợi của dân tộc Mường tuy có qui mô nhỏ những mang
tính nhân văn và cộng đồng rất lớn. Thông qua lễ hội đáp ứng nhu cầu hưởng thụ
văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh lành mạnh của nhân dân, đồng thời giúp nhân
dân bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp, loại bỏ những phong tục tập quán lạc
hậu không còn phù hợp. Sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu lễ hội Mợi của dân tộc
Mường, huyện Phù Yên nhằm bảo tồn, phát huy và bổ sung vào kho tàng di sản văn
hóa Việt Nam.
Lễ hội Mương A Ma dân tộc Xinh
Mun
Ở Sơn La, đồng bào Xinh Mun thường cư trú ở vùng rẻo giữa
và rẻo cao, kinh tế chủ yếu dựa vào việc canh tác nương rẫy, chăn nuôi các loại
gia súc, gia cầm. Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Xinh Mun theo quan niệm
vạn vật hữu linh, họ tin rằng, các cánh rừng, con suối… đều có thần linh cai quản.
Do vậy, họ có nhiều nghi lễ nông nghiệp, trong đó nổi bật là lễ hội Mương A Ma
(lễ hội cầu mùa). Lễ hội Mương A Ma thường từ 3- 5 năm tổ chức một lần, diễn ra
trong 2 ngày vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch, khi mùa màng
đã thu hoạch xong và năm đó được mùa, lúa ngô đầy nhà và nuôi được nhiều gà, lợn…
Người đứng ra tổ chức, chủ trì lễ hội là những người làm thầy
mo trong bản. Lễ hội Mương A Ma được tổ chức trong phạm vi gia đình, nhưng lực
lượng tham gia làm công việc chuẩn bị lễ vật, cỗ bàn và đặc biệt là lực lượng
tham gia phần hội thì bao gồm cả bản, từ các ông, bà già, thanh niên nam nữ và
cả trẻ nhỏ, mọi người đều tham dự lễ hội với tinh thần tự giác, hăng say và nhiệt
tình.
Lễ hội Mương A Ma có phần lễ và phần hội rõ ràng. Phần lễ
trang nghiêm, thành kính, thầy mo thay mặt dân bản cúng tế các vị thần linh phù
hộ cho mưa thuận gió hòa, để lúa sai bông, để ngô mẩy hạt, để lợn gà trâu bò
không bị dịch bệnh, sinh sôi đầy chuồng, để con người khỏe mạnh không bị ốm
đau, để bản mường mãi mãi hưng thịnh. Khác với không khí trang nghiêm của phần
lễ, ở phần hội, trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, trong sự nồng say của
men rượu cần, tinh thần của người dân được thăng hoa, mọi lo toan thường nhật
phút chốc tan biến, mọi người thả mình theo những điệu múa, trò chơi dân gian rất
vui vẻ, diễn tả hiện thực cuộc sống của cộng đồng dân tộc Xinh Mun, mang tính
nghệ thuật và giáo dục cao như múa Tăng bu, To luồng, múa kéo thuyền… chơi “to
miếng” (đấu võ), chơi “giắc klsù” (bắt tổ ong) v.v.
Lễ hội Mương A Ma là một nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất
của đồng bào dân tộc Xinh Mun, là một hình thức sinh hoạt văn hóa tập thể lành
mạnh, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền
thống uống nước nhớ nguồn, tạo ra bầu không khí vui tươi phấn khởi, hướng người
dân theo những cái thiện, xa rời cái xấu.
Lễ hội Xen Pang Ả dân tộc Kháng
Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số cư trú
lâu đời ở miền Tây Bắc Việt Nam. Đến nay, đồng bào Kháng vẫn còn duy trì được một
số lễ nghi nông nghiệp như lễ Xíp Xí, lễ mừng cơm mới. Tuy nhiên tiêu biểu nhất
vẫn là Lễ hội Xen Pang ả, do Pa ả (thầy cúng) tổ chức. Lễ hội Xen Pang Ả được tổ
chức với quy mô lớn, gồm nhiều bản, và cứ 2 hay 3 năm được tổ chức một lần vào
khoảng từ tháng 10 tới tháng 12. Lễ hội được tổ chức với mục đích mời các “ma
nhà”, “ma bản”, “ma trời” hưởng lễ vật và những người được Pa Ả chữa cho khỏi bệnh
(được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn, đồng thời để Pa Ả cầu chúc cho hồn
vía các con nuôi lành mạnh, không hay ốm đau, làm ăn phát tài.
Trong các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa ả
chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa ả là người thông minh, thuộc nhiều bài
cúng và biết cách chữa bệnh thông thường, biết một số ảo thuật và biết nhiều điều
mà người khác không biết. Có thể gọi họ là những trí thức dân gian, họ rất có
uy tín, được dân bản tin và làm theo.
Lễ hội Xen Pang Ả ngoài phần lễ cúng cầu xin, còn là nơi
nhân dân diễn lại các công việc nương rẫy, thu hái lâm sản trong đời sống thường
nhật, thông qua các trò diễn; chơi các trò chơi dân gian; hát đối đáp giao
duyên; múa ống, múa khăn.
Xen Pang Ả là ngày hội lớn, vô cùng có ý nghĩa đối với đồng
bào dân tộc Kháng. Đây là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu
nhiên đã giúp đỡ cho họ có sức khỏe, bản mường yên bình, no ấm. Đây cũng là dịp
để cộng đồng người Kháng vui chơi thư giãn, sau những tháng ngày lao động vất vả,
một nắng hai sương. Đặc biệt lễ hội còn là dịp để lớp thanh niên chưa vợ chưa
chồng tìm hiểu, hẹn hò nên vợ thành chồng, bởi vậy lễ hội Xen Pang Ả còn có ý
nghĩa trong việc tái tạo cộng đồng dân tộc.
Lễ hội Mah Grợ của dân tộc Khơ
Mú
Trang phục truyền thống của các cô gái Khơ Mú
Dân tộc Khơ Mú thuộc nhóm dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La, đồng
bào cư trú chủ yếu ở các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La, Quỳnh
Nhai, Sông Mã. Người Khơ Mú xưa rất nghèo, chủ yếu làm nghề nông trồng lúa cạn
với nhưng có một đời sống văn hóa hết sức độc đáo. Lễ hội Mah grợ cùng với điệu
múa Vêlr guông là một sản phẩm văn hóa tinh thần, tâm linh có nguồn
gốc, cổ truyền từ xa xưa. Lễ hội được tổ chức vào tháng 8 tháng 9 âm lịch hàng
năm có ý nghĩa tổng kết vụ mùa năm qua và khai mở một vụ mùa năm tới.
Người Khơ Mú bắt tay làm nương, phát cây, dẫy cỏ tháng
giêng, tháng hai đến tháng ba, tháng tư âm lịch là đốt nương gieo trồng hạt xuống
đất. Họ làm lễ PALR HMAL PHLƯA – Lễ xin lửa với hồn bếp. Tháng ba, tháng
tư thời tiết thất thường, có năm hạn làm cây lúa khó mọc, các cụ già trong bản
thường xui trẻ em và bọn con trai, con gái làm trò cầu mưa
Bước sang tháng tám, tháng chín âm lịch, cây lúa đã trổ
bông. Bà con chủ nương trong vai “Mẹ lúa” lên nương cắt những bông xanh làm cốm,
bông vàng đem về luộc chín, khơi khô mới giã, làm gạo luộc thóc non, cốm và gạo
non (thóc luộc) giành để làm lễ MAH QUAI: (Mah làm ăn, Quai là khoai) ý nghĩa
là dâng cơm, lúa non cho tổ tiên, ma nhà, nhà nào năm nào cũng phải làm lễ Mah
Quai, nhưng trong bản không tổ chức ăn cùng ngày, các gia đình còn tránh ngày
kiêng lửa.
Tiếp đó, trong bản những gia đình kinh tế khấm khá sẽ thay
nhau làm lễ hội Mah grợ và chỉ có làm lễ mah grợ với múa Velr guông. Mah grợ là
một lễ hội vui của bản. Tên gọi tuy mộc mạc, cổ xưa, ít dân tộc nào còn giữ được,
nhưng đúng với bản chất của tộc người sống bằng nghề nương rẫy lâu đời.
Trong nghi thức phần lễ sẽ có mâm cúng tổ tiên là ba con
gà. Lúc cắt tiết, cắt mỏ con thứ nhất, tiết ở mỏ gà bôi vào đầu gối của những
người trong nhà, nói khấn: “Do bò trèo đèo núi làm nương, đầu gối yếu mềm, nay
sửa lại cho mạnh, cho cứng”. Cắt tiết con thứ hai, quệt tiết gà vào bồ thóc, rổ
khoai, nói khấn: “Thóc năm nay tốt sang năm khoai thóc tốt hơn”. Cắt tiết con
gà thứ ba đem xuống dưới gầm sàn bôi vào đầu con trâu, con trâu được phủ miếng
vải khuýt, vải trắng trên lưng và hai sừng buộc hoa rừng vào cặp sừng. Ông chủ
nói khấn: “Trâu ơi, trâu phải khỏe, đẻ nhiều con, tinh phải cứng, hổ phải sợ,
sang năm trâu giúp ta làm nên cửa nhà, giàu có…”.
Mẹ lúa khoe bông lúa lúa đẹp với các cụ bà và cài lên đầu
các cụ bà vài bông hoa rừng. Mẹ lúa nói: “Đã có cơm gạo, các cụ vui khỏe, đẹp
như hoa rừng, năm tới các cụ lại đến vui…”.
Bữa cơm nội gia của chủ nhà ăn xong, mẹ lúa và những người
trong gia đình đem rổ khoai, bí đỏ đã đồ chín nhừ ra giữa nhà để bắt đầu cuộc
bôi khoai, bí chín vào áo mọi người. Ai bốc được thứ gì ăn một miếng còn lại
bôi vào áo ông bà chủ nhà rồi khách, ai được bôi nhiều người đó sẽ gặp nhiều
may mắn. Sau cuộc bôi bí là cuộc uống rượu cần chum to, lần lượt các cụ ông, đến
lượt các cụ bà rồi đến khách quý, uống rượu cần hết lượt mới bước vào cuộc vui
nhảy múa.
Trống, chiêng, brinh họa (trống đuổi khỉ) nổi lên. Điệu múa
Vêlr Guông bắt đầu, bộ trống chiêng brinh họa đứng tại chỗ, gõ dục tốp múa, rộn
ràng. Tốp múa nam nữ đang ở đâu đó lẫn trong đám đông bước ra. Nam đeo chiếc
“khoong khăn” vừa là nhạc khí, vừa là đạo cụ múa. Điệu múa nhún mềm mại, duyên
dáng rộn ràng, thoảng hoặc diễn viên múa “lượn lưng eo” làm rung lòng người.
Các diễn viên càng say xưa, người xem đứng lô nhô, vòng ngoài đắm chìm trong tiết
tấu, nhịp điệu múa. Người múa tự khoe mình là chính, mất đi đội hình gò bó,
vuông tròn… hòa vào khối quần chúng tạo nên cảnh người múa và người xem là một
khi diễn. Đây chính là nét độc đáo của lễ hội Mah grợ và điệu múa Velr Guông của
người Khơ Mú.
Lễ hội dâng hoa măng của dân tộc
La Ha
La Ha là dân tộc ít người, định cư nhiều ở Sơn La, Lai
Châu..Lễ hội dâng hoa măng (Pang A Nụn Ban) của dân tộc La Ha có từ rất lâu đời,
nhằm cảm tạ những người thầy lang chữa khỏi bệnh. Đây cũng là một sinh hoạt văn
hóa cộng đồng lớn nhất hàng năm của dân tộc La Ha bởi số lượng người tham gia
lên tới hàng trăm người với quy mô không phải một xã, một bản mà có thể tới các
xã, sang cả huyện khác. Họ đến đây để gặp nhau, giao lưu văn hóa – văn nghệ,
trao đổi về tình hình bệnh tật và kinh nghiệm chữa chạy. Lễ hội được tổ chức
vào trước ngày rằm hàng tháng trong mùa xuân.
Mùa xuân là mùa măng đắng khi cây tre lên măng. Ở Tây Bắc
thường ít mưa, nên khi măng đội đất lên thì ăn rất đắng. Sau khi gặp mưa đầu
mùa thì loại măng này chuyển dần sang ngọt. Măng đắng là món ăn đặc sản của dân
tộc La Ha và là loại thuốc gia truyền của thầy lang. Trùng vào mùa măng đắng mọc
còn có hoa Mạ Rệ nở trong rừng. Đây là họ cây cổ thụ, to cao, lá to dài, hoa
thành từng chùm màu vàng đỏ. Loại hoa này ăn được và có mùi thơm như nước hoa.
Đây cũng là vị thuốc trong bài thuốc của thầy lang nên khi tổ chức lễ hội dâng
hoa măng cần phải có măng đắng và hoa Mạ Rệ.
Lễ hội gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ cảm tạ đất trời tổ
tiên, sông núi đã phù hộ cho dân tộc La Ha mạnh khoẻ, ít ốm đau và mách bảo cho
dân tộc La Ha có các loại thuốc lá chữa bệnh. Phần hội sôi động vui vẻ, khẳng định
được tính sáng tạo. Các điệu múa xuất phát từ lao động, những công việc hàng
ngày rất gần gũi với dân tộc La Ha, đồng thời khẳng định dân tộc La Ha luôn cầu
cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, bản làng ít bệnh tật, dòng tộc phát triển
hạnh phúc.
Lễ hội lộc hoa của người Xinh
Mun
Trên dải đất biên giới Việt – Lào ở Sơn La, ngoài các dân tộc
Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống, còn có khoảng ba bốn vạn bà con Xinh Mun định cư
lâu đời. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân sang, sau dịp tết Nguyên Đán,khi hoa đào đã
vãn, hoa ban đã nở trắng sườn non, măng đắng đã mọc ngoài rừng, cũng là dịp bà
con Xinh Mun, từng nhà từng nhà tưng bừng tổ chức lễ hội Ksai Sa Típ, nghĩa là
Lễ hội Lộc hoa, cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc, cho con người mạnh khoẻ, mùa màng tốt
tươi.
Lễ hội lần lượt tổ chức từng nhà, mỗi bản có bao nhiêu nhà
là có bấy nhiêu ngày hội, lễ hội kéo dài, nhưng không bao giờ diễn ra khi hoa
ban đã tàn, măng đắng đã mọc cao, vì khi ấy mùa làm nương (đầu tháng 4 dương lịch)
đã bắt đầu, để không ảnh hưởng đến sản xuất.
Tuy lễ hội tổ chức trong từng nhà, nhưng lại là dịp hội tụ
dân bản vì ai cũng tự giác tham gia, ai làm trái lệ dễ bị chê cười, ghét bỏ, thậm
chí có thể bị loại ra khỏi cộng đồng. Gọi là lễ hội nhưng không tốn kém vì được
tổ chức đơn giản. Mâm lễ hội, ngoài 2 con gà luộc, một “ếp” xôi gạo mới, 1 đĩa
trầu cau, ba chum rượu cần, là 2 bát canh nấu từ hoa ban và măng đắng – một món
cúng thần linh, tổ tiên có tính bắt buộc.
Một cây nêu cao 4-5m dựng ở giữa nhà, được trang trí bằng
những lá xanh, những cành hoa ban trắng ngần buộc gài kín cây nêu, ngoài ra bà
con còn gài thêm những bông lúa nếp vàng được giữ nguyên sau khi gặt mùa năm
trước, xung quanh cây nêu có ba vò rượu cần, đặc biệt có từ 3 đến 5 “bàn sang”
– 1 loại nhạc cụ được “chế tạo” từ các chum, vò con, bên trong được làm bằng mảnh
đồng mỏng, hình tròn đục thủng một lỗ ở cạnh mép nắp, để xỏ dây vào khi gõ một
tay cầm dây nâng lên, hạ xuống trên miệng chum, tay bên kia cầm 1 que tre gõ nhịp
nhàng lên nắp chum, tạo nên một âm hưởng mang đậm bản sắc dân tộc quện vào tiếng
trống, tiếng chiêng lúc bổng, lúc trầm, lúc dịu dàng, khi bùng lên sôi nổi thúc
giục mọi người vào hội xoè quanh cây nêu.
Lễ hội được bắt đầu khi chủ nhà (chủ lễ) ngồi nghiêm chỉnh
bên cạnh mâm lễ khấn: Hỡi người trông coi ở tầng dưới hãy lên để trông coi cho
ta hôm nay làm Lễ Ksai Sai Típ, thần linh hãy bảo vệ, hãy ăn hoa thay cơm, uống
rượu thay măng, ăn hương thay hương thơm, ăn hương nếp thay cơm, ăn rồi hãy bảo
vệ cho cuộc vui lành mạnh, cho hết ốm đau, cho vui trọn vẹn. Người lớn bảo
nhau, trẻ em nghe lời người lớn, được vậy thì ước gì cũng có, sống lâu muôn tuổi,
hỡi thần linh hãy bảo vệ hãy ngồi mâm đây ăn thịt, ăn hoa, ăn hương thơm, hãy
phù hộ cho con cháu khoẻ như con gấu trong rừng, chạy nhanh như con hoẵng ngoài
núi.
Rời mâm cỗ cúng ở góc nhà sàn, chủ lễ bước đến cạnh cây nêu
giữa nhà, vít cần rượu nói lời mời tổ tiên uống trước bằng những lời trân trọng,
thiết tha: “Hỡi tổ tiên, hôm nay ngày lành tháng tốt, ngày sản xuất đã được
nhìn thấy kết quả, con cháu làm lễ hội Ksai Sa típ, tổ tiên hãy đến bảo vệ cho
con cháu ăn uống vui vẻ, vui chơi thoả mái, nhưng xin hãy đừng để cho ai uống
say làm náo loạn bản mường, cãi cọ nhau làm xấu hổ mọi người, năm nay vui, năm
mới vui tiếp, như thế mới vui bản yên mường, ai cũng sống lâu muôn tuổi, gìn giữ
cuộc sống, chống lại thú rừng, người xấu quấy phá”. Chủ lễ tiếp tục mời thần
linh uống rượu: “Hỡi thần linh, bảo vệ ta, hãy bảo vệ ta đến cùng, xin mời thần
linh uống rượu cùng ta”.
Sau khi mời tổ tiên, thần linh uống rượu xong, chủ lễ trân
trọng mời ba “già bản” có uy tín trong dòng họ, trong bản mường, sau đó mời đến
con cháu, và toàn thể dân bản đến dự lễ hội uống rượu. Cùng lúc tiệc rượu bắt đầu
là tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc từ nhạc cụ “bàn sang” nổi lên rộn rã,
mọi người nắm tay bắt đầu múa xoè xung quanh cây nêu giữa nhà. Khác với xoè
Thái êm dịu, nhẹ nhàng, xoè quanh cây nêu lễ hội Lộc hoa rộn ràng, mạnh mẽ, có
phần quyết liệt hơn, ồn ã hơn nhiều, xoè múa say sưa, lúc cầm tay nhau, lúc xoè
khan, lúc dùng khăn nối vào nhau, tạo thành điệu xoè kéo co (xoè Thái không đâu
có). Xoè khoảng 1 giờ, tiếng trống tiếng nhạc trầm dần, họ lại mời nhau uống rượu
cần, rồi lại tiếp tục xoè, hết đợt này đến đợt khác, kéo dài đến lúc phương
đông hửng sáng mới kết thúc, mọi người hoan hỉ xuồng cầu thang về nhà, để đến tối
hôm sau lại đến dự Lễ hội ở nhà người trong họ hoặc cùng mường cho đến khi hoa
ban đã tàn, măng đắng mọc cao.
Hoàn toàn khác lễ hội của các dân tộc anh em, lễ hội Ksai
sa típ của người Xinh Mun Tây bắc tuy kéo dài nhiều ngày nhưng không ăn uống
linh đình, chỉ múa không có hát, vừa giản dị vừa vui, thường được tổ chức từng
gia đình, vào buổi tối ấm cúng nên rất vui, thể hiện được bản sắc văn hoá của một
dân tộc sống nơi biên giới Việt – Lào xa xôi.
Lễ hội Gội đầu
Lễ hội gội đầu hay còn gọi là lễ hội Lúng Ta. Đây là lễ hội
của đồng bào dân tộc Thái trắng thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, xã Ngọc
Chiến (huyện Mường La) tỉnh Sơn La.
Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần vào đúng ngày 30 tết, tức
là ngày cuối cùng trong năm. Người Thái quan niệm, gội đầu là để rửa trôi, tống
tiễn những cái vất vả, bênh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước
(sông, suối) trôi đi, đi mãi không lặp lại, đồng thời cũng là cầu cho năm mới tốt
lành, gặp điều may mắn, làm ăn phát đạt.
Để lễ hội có thể diễn ra thì trước đó hang tuần các gia
đình vo gạo nếp để lấy nước gạo. Nước gạo được đổ vào nồi cất giữ cả tuần hoặc
có thể lâu hơn, sao cho càng chua càng tốt. Đây là nước gội dành cho đàn bà con
gái. Còn đàn ông nước gội là bồ kết.
Khi buổi lễ bắt đầu, người đứng đầu bản hoặc là thầy mo dẫn
đầu đoàn người theo hàng đi ra bờ sông. Họ cầm theo nước gội đầu và một cành lá
xanh dùng cho nghi thức gội đầu.
Đến bờ sông, những người phụ nữa ở dưới lòng sông còn đàn
ông thì khoác sung kíp, đoe túi thổ cẩm trong có đựng bả bối gọi là “thung
xanh” (là móng vuốt hổ, vuốt gấu, châu ngọc hay đơn giản chỉ là của hồi môn như
nhẫn, vòng). Lúc này, người chủ lễ thay mặt người dân hát lên lời khấn thần
linh:
Năm hết tết đến, tết đến tiễn cái cũ đi, cái tốt thì ta
mang về
Cầu cho năm mới làm ăn phát đạt
Cái xấu, cái cũ hãy đi xa, đừng bao giờ quay về nữa
Cái mới cho người mới thêm nhiều may mắn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét