Hoa Ban-nét đẹp Tây Bắc (Văn Hóa Tây Bắc)


Cứ mỗi độ Xuân về trên các sườn non của núi rừng Tây Bắc sáng bừng lên sắc trắng hoa Ban, loài hoa có màu trắng tinh khôi trong sáng và lung linh sắc tím thủy chung. Hoa Ban được coi là đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Khi những cơn mưa phùn mùa Xuân vừa dứt và nắng ấm dần lên cũng là lúc, vùng đất  trời Tây Bắc sáng bừng lên sắc trắng tinh khôi của hoa ban nở rộ. Trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, hoa Ban kiêu hãnh xuất hiện trong các trường ca, các truyền thuyết và các câu chuyện bên bếp lửa hằng đêm. Vào mùa Xuân,  trên  những  sườn đồi một không gian tràn ngập màu hoa trắng tinh khôi pha chút sắc tím hồng bung nở,  một vẻ  đẹp giản dị và hoang sơ của núi rừng khiến cho cảnh sắc của Tây Bắc thêm cuốn hút, sinh động  theo  suốt  cuộc  hành  trình  mùa  xuân  của  mỗi  du  khách  yêu  thiên  nhiên  hùng  vĩ  và  đầy bí ẩn nơi đây.
Tây  Bắc là xứ sở của hoa Ban và hoa Ban được coi là biểu tượng đặc trưng của người  Tây  Bắc,  đã  từ lâu hoa Ban đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa và làm lay động bao trái tim của du khách gần xa. Cây Ban thân mộc, về mùa đông, trút lá, thân khẳng khiu uốn khúc, chia cành phân nhánh như có bàn tay tạo dáng của đấng hóa công, dồn nhựa vào thân, đợi sang xuân ấm áp đâm trồi, nẩy lộc. Sức sống của cây Ban thật mãnh liệt, dù trên đồi cỏ tranh khô cằn hay bám vào vách đá treo leo, cứ qua mùa đông giá rét của núi rừng Tây Bắc, cây Ban lại trỗi dậy trong sự trường sinh bất tử.  Ban có hai loài, hoa trắng và hoa đỏ, loài hoa trắng chiếm đa số.  Hoa Ban có thể chế biến thành những móm ăn ngon như nấu canh, làm nộm, đồ lên chấm với dấm ớt măng chua, đó là thuộc tính của loài Ban mà các loài hoa khác không có được. Hàng nghìn đời nay, hoa Ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân Tây Bắc. Với đồng bào Thái, có lẽ là không ai không trải qua tuổi thanh xuân nồng cháy với những trò chơi thú vị hái hoa ban và hát giao duyên, cứ mỗi độ  xuân về khi những rừng hoa ban đua nhau khoe sắc như báo hiệu cho mùa lễ truyền thống “Xên Lẩu Nó”, “Kin pang then”, “Kin chiêng bok may”. Ai đã từng yêu hoa ban trắng, đã từng đứng giữa rừng hoa ban trong nắng chiều cũng nên biết đến câu truyện tình yêu năm xưa giữa nàng Ban và chàng Bun.
Chuyện kể rằng, ngày xưa vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho chàng Bun, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê  Bun nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường vừa gù vừa lười biếng. Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống chết trên núi. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân các bản mường liền gọi là hoa Ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho hoa tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng,  chàng  cũng  kiệt  sức  mà  chết,  hoá  thành  con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa Ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết. Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa Ban nở trắng núi rừng, trai  gái  vùng Tây Bắc  lại rủ nhau đi hội, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa. Và từ sự tích về tình yêu trắng trong, chung thủy đó nàng Ban đã đi vào thơ ca của dân tộc Thái như một biểu tượng của tình yêu lứa đôi muôn đời.


Người Thái coi hoa Ban là một trong những loại hoa biểu trưng cho tình yêu. Trong các lễ hội Hoa Ban, lễ hội Sên bản, Sên mường, lễ hội cầu mưa, cầu phúc cho bản, mường của đồng bào dân tộc Thái đều được tổ chức vào mùa Ban nở và không thể thiếu sắc trắng tinh khôi của hao Ban trong mâm lễ. Lễ hội Hoa ban hàm chứa ý nghĩa cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp miền núi, với tâm nguyện thỉnh bái "Then" - vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái "Nàng Ban" - một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung; thỉnh bái ma trời, ma đường, ma núi, ma sông... phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và cuộc sống của dân bản yên vui.
Ngày nay trên các nẻo đường Tây Bắc, có những  người chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, lại nhớ đến vẻ đẹp huyền thoại của mối tình Ban-Khum qua những bông hoa Ban trắng tinh khôi. Hoa Ban không chỉ làm say lòng người lữ thức đến thăm, hoa Ban cũng là những món quà trao tay đầu năm của những chàng trai, cô gái Thái. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu. Ban là thế, đẹp như người sơn nữ, viên mãn rực rỡ mà mộc mạc và khiêm nhường./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét