Nhà san Thái Tây Bắc. Tranh ký họa
của Mai Văn Nam năm 1960.
Nếu có lũ lụt, vì kèo không mộng không bị vặn gẫy mà chỉ
trượt đi trên các thanh xà, sau đó người ta củng cố lại dễ dàng.
1. Nhà sàn gỗ và tre có mặt ở khắp vùng Đông Nam Á, rộng
hơn là từ miền Nam Trung Hoa, kề cận với biên giới Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái
Lan. Cho nên khó có thể nói nhà sàn là sản phẩm riêng biệt của dân tộc nào ở
Đông Nam Á.
Khí hậu rừng núi nóng ẩm, lắm sông ngòi, nhiều muông thú rắn
rết, khiến việc định cư trên nhà sàn có vẻ thuận tiện hơn cả, và mặt khác là đời
sống khá thanh bình của nhiều sắc tộc Đông Nam Á, người ta không lo sống phòng
thủ, trộm cướp. Bởi nhà sàn thực hiện chức năng phòng thủ là không hiệu quả. Nhất
là khi trong Bản Mường người ta ở cách nhau một khoảng sân vườn, sườn đồi, sự
tương hỗ trong chiến trận là rất khó.
Tuy nhiên trong lịch sử của Bản Mường dường như không có cuộc
xung đột sắc tộc nào, hay cuộc xâm lăng nào từ bên ngoài, việc tổ chức Bản Mường
(làng bản) lỏng lẻo của Bản Mường cho thấy cuộc sống an bình diễn ra nhiều ngàn
năm qua. Trong khi đó, làng với nhà sàn của người Tây Nguyên được tổ chức gọn
gàng trên một khoảng đất trống có rào xung quanh làng, nếu có cuộc xâm lấn của
làng khác, người ta cũng dễ dàng phòng thủ. Trong làng của người Ka Tu, nhà
gươn là ngôi nhà thiêng liêng, nếu ai chạy vào đó, thì có nghĩa là được bảo vệ,
bởi một quan niệm tín ngưỡng chung cho tất cả các nhóm sắc tộc Ka Tu xung quanh
đó. Và người Ka Tu trong lịch sử cũng là một sắc tộc hiếu chiến, khả năng tự bảo
vệ mình rất cao.
Còn làng bản của người Thái được tổ chức văn minh như một
khu phố, các ngôi nhà xếp bằng bên nhau, các mái nhà đưa ra rất rộng và mái nhà
nọ sát mái nhà kia, mưa không lọt vào khu vực hai nhà và trẻ con có thể chơi dưới
mái rộng từ nhà mình và nhà hàng xóm. Từ hàng cột sát vách ra đến mép mái gianh
nhà sàn Thái cổ có thể rộng ra đến 2,5m thậm chí là rộng hơn và độ thấp gần hết
cửa sổ, như vậy trong nhà tối và rất mát, không có tia nắng nào lọt thẳng vào
nhà cả.
2. Trên nóc nhà sàn Thái xưa thường có hình khau cút, một
biểu tượng về sự sống có hình thức là hai cái gạc bắt chéo, đây chính là hình
rau dớng cách điệu, loại rau rừng không trồng mà mọc rất mạnh mẽ, tượng trưng
cho cuộc sống sinh tồn bất diệt. Biểu tượng rau dớng còn được thấy nhiều trên
các cột Klao và cột Kut ở Tây Nguyên. Còn hình khau cút cho đến nay vẫn phổ biến
trong kiến trúc Thái truyền thống ở Thái Lan.
Thực ra nhà sàn Thái (tộc Thái nói rộng, cả ở Lào, Việt
Nam, Nam Trung Hoa, Myanmar, Thái Lan) rất phong phú nhiều hình thức, trong khi
ở Việt Nam nhà sàn kiểu một sàn phẳng là phổ biến, thì ở Thái Lan xưa, nhà sàn
nhiều cấp và mặt sàn rộng như sân chơi rất phổ biến.
Nhà sàn Thái truyền thống, có hai nếp nhà song song tương đối
nhỏ trên một mặt sàn, có lẽ cho hai gia đình, bố mẹ và vợ chồng trẻ, mái của
hai nóc nhà chạm vào nhau tạo thành một hành lang chơi khá rộng, và mặt sàn như
sân phơi có đến hai cấp khác nhau. Bên cạnh đó là một kho thóc được làm trên bốn
cột cao tới bảy tám thước, tức là nếu gia chủ không bắc thang thì không ai có
thể lên được. Thóc lúa là lương thực thiết yếu cần phải bảo vệ khỏi trộm và
thú.
3. Địa hình Tây Bắc nước ta pha trộn núi đất lẫn núi đá, có
cả núi đá non và già, gặp mưa rừng dễ gây lụt trên núi và lở đất. Mưa vùng núi Tây Bắc thường
chảy nước ra tứ bề, thực ra là khắp các nơi trũng, nhất là khi rừng bị tàn phá
nhiều. Việc lở đất và lụt dễ kéo trôi các nhà sàn, cho nên các nhà sàn truyền
thống Mường Thái, vùng đất không vững thường chôn cột rất sâu, nhất là nhà sàn
Mường.
Người Thái thường tìm địa hình bằng phẳng hơn lập làng bản,
trong khi người Mường vẫn dựa theo các sườn núi thấp. Việc tổ chức làng bản lỏng
lẻo của người Mường cho thấy cuộc sống an bình diễn ra nhiều ngàn năm qua. Cột
nhà Mường đôi khi chôn sâu tới ba thước, cho nên cột rất dài vì xuyên qua mặt
sàn lên đến nóc. Các vì kèo không làm theo lối mộng mẹo như vì kèo giá chiêng
hay chồng gường của người Việt (Kinh) mà làm theo lối có chốt gác và đè lên
nhau đơn thuần. Nếu có lũ lụt, vì kèo không mộng không bị vặn gãy mà chỉ trượt
đi trên các thanh xà, sau đó người ta củng cố lại dễ dàng.
Trong truyền thuyết người Mường cho rằng con rùa đã dạy họ
làm nhà, bởi chính hình thức của nó, bốn chân như bốn cột, mai rùa là bộ mái. Bộ
mái nhà sàn Mường xưa cũng mở rất rộng và đưa thấp xuống gần hết cửa sổ, và được
xén tròn quanh nhà như mai rùa. Các dui kéo từ nóc ra mái được làm bằng những
cây bương hoặc tre nứa đều dài, gác lên các xà ngang đưa ra khỏi khung vì kèo một
khoảng khá lớn.
Tùy theo đẳng cấp trong xã hội người Mường mà nhà sàn được làm lớn và quy mô đến đâu, nhà sàn của tầng lớp Lang là lớn nhất, nhà sàn của bình dân (Noóc và Noóc chọi) thì nhỏ hơn và có thể dùng tre nứa nhiều hơn là gỗ.
Bộ mái quyết định khí hậu trong ngôi nhà, tốt nhất là được
lợp bằng cỏ gianh dài đánh thành từng bó, tuy nhiên những năm gần đây, cỏ gianh
gần như tuyệt chủng, và nhiều nhà sàn hoặc phải lợp mái tôn, hoặc chuyển thành
nhà đất. Mái gianh giúp người ta ấm về mùa Đông, mát về mùa Hè, và ít nhất 20
năm mới phải đại trùng tu.
Trước kia phần lớn các nhà sàn Mường Thái đều lát sàn bằng
bương, nứa đập dập, đi lâu năm, sàn đỏ bóng, tất nhiên mặt sàn không chắc bằng
sàn gỗ, đồng thời người ta còn nuôi trâu bò, gà lợn dưới gầm sàn nên sự vệ sinh
cũng không tốt lắm. Mặc dù ở rừng núi, nhưng để làm ngôi nhà sàn bằng sàn gỗ cả
không phải là dễ vì buộc người ta phải nợ rất nhiều công khi nhờ cộng đồng
giúp, và sự thông thoáng của sàn gỗ cũng kém hơn sàn nứa.
4. Nhà sàn là kết quả đúc kết lâu đời của những sắc tộc định
cư lâu đời trên mảnh đất Việt Nam, nó phù hợp với khí hậu, địa lý thổ nhưỡng và
tập tục văn hóa, trong đó nhà sàn Mường Thái vượt lên bởi những ưu việt về kết
cấu và tính thẩm mỹ trong văn hóa của hai sắc tộc có nhiều qua lại ảnh hưởng
này.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét