(Chú thích : người Thái còn gọi là người Tày. Thái Đen hay
Tày Khao: chuyên mặc đồ đen. Thái Trắng hay Tày Đăm: chuyên mặc đồ trắng. Họ
chiếm tới 55% dân số tỉnh Sơn La và có liên hệ về chủng tộc với người Thái
Lan.– ĐD).
Căn nhà sàn của cô gái Thái vẫn còn bật đèn, bố mẹ cô chưa
đi ngủ, A Lý tiến vào khẽ gõ lên cửa một lát thì cánh cửa mở ra… Sau đây là lời
kể của một phóng viên ngoài Bắc…
Tục lệ diễm tình hoang sơ
Trong chuyến công tác ở xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu, tỉnh
Sơn La, sau khi tôi đã xong công việc thì cũng là lúc trời bắt đầu xâm xẩm tối.
Bởi vậy tôi đành đến xin ngủ nhờ tại nhà của một người dân trong bản. May mắn
là dân chúng trong làng Pưa Lai này đều là những người tốt bụng, hiếu khách. Thế
nên, tôi được ngủ nhờ ở nhà anh Đinh Văn Thắng và chị Lường Thị Giang, họ là
đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau chưa đầy hai năm.
Bữa cơm thết đãi khách có thịt trâu và rượu ngô thơm nồng,
đối với tôi quả thật là ăn mày vớ được xôi gấc, vì sau một ngày lăn lội đường đồi, đường núi, lại chẳng có quán xá nào để
tạt vào ăn lót dạ, đến giờ đã sắp đói lả, ấy vậy mà vợ chồng anh Thắng vẫn ái
ngại, sợ bữa ăn đạm bạc quá, không phải lễ với khách.
Ngồi nhâm nhi chén rượu ngô, tôi hỏi anh Thắng vùng này có
phong tục gì đặc biệt. Anh Thắng cười, hỏi lại : "Anh đã nghe nói tới tục "đi
mò" chưa ?"
Thật tình là khi nghe anh Thắng nói thế, tôi ngỡ anh nói mò
ốc, mò cua gì đó. Có lẽ đoán được sự hiểu lầm của tôi, anh cười, bảo : “Đấy là
một tập tục đã có từ lâu đời của người Thái Đen ở bản này. "Đi mò" là
một kiểu tìm kiếm bạn tình, cũng giống như người Thái Trắng có tập tục "chọc
sàn", người Dao có tục "cạy cửa ngủ thăm", người Mông có tục "đánh
mông" chắc anh đã nghe qua…".
Anh cho biết, con trai ở bản Pưa Lai này cứ đến khoảng
15-16 tuổi là bắt đầu biết “đi mò” rồi, đứa nào không chịu khó đi mò thì chỉ có
nước ế vợ. Họ có thể “đi mò” theo kiểu đánh lẻ hoặc từng nhóm. Nếu đi theo nhóm
thì cứ việc đàng hoàng đến nhà cô gái mà mình ưa thích rồi gõ cửa, bố mẹ cô gái
sẽ ra mở, mời vào nhà uống nước và trò chuyện. Vì "đi mò" là một
phong tục nên dù có đến muộn bố mẹ cô gái cũng chẳng cảm thấy phiền hà. Sau khi
đã chuyện trò, rào đón với "phụ huynh" dăm ba câu, đợi họ đi ngủ, cả
nhóm sẽ kéo nhau về, để lại một anh chàng có tình ý với cô gái để hai người bắt
đầu giai đoạn "tìm hiểu".
Đối với những chàng trai thích "một mình xung trận"
thì phải hẹn với cô gái trước. Đợi khi cả nhà đã đi ngủ, chàng trai đến gõ nhẹ
vào cửa hoặc vào vách nơi cô gái ngủ làm hiệu, cô gái sẽ biết ý ra mở để chàng
trai vào.
Ngược lại, đã thích một cô nào đấy nhưng nếu không hẹn trước,
tối khuya chàng trai cứ tìm đến, lẳng lặng dùng dao lách vào khe cửa, bẩy cái
chốt lên để vào nhà, đến buồng cô gái. May mắn được đồng ý, cô gái sẽ im lặng
và cho vào giường. Còn nếu không được sự đồng ý, chàng trai vẫn cố ý chui vào
giường để "tìm hiểu" rất dễ bị cô gái hô hoán cho bố mẹ đuổi về. Tuy
nhiên, ở bản này chưa bao giờ xảy ra chuyện trai bản bị "muối mặt"
như vậy.
Những chàng trai khi đã tìm được đối tượng để gửi gắm tình
cảm, sau những lần “đi mò” rồi được cô gái ưng thuận cho ngủ lại thì sau đó sẽ
về thưa chuyện và nhờ bố mẹ đến hỏi cưới. Tuy nhiên, trước khi lấy vợ, chàng
trai phải đến nhà cô gái làm giúp một thời gian, nhanh thì ba tháng, chậm thì một
năm. Trong lễ cưới, nhà trai phải là người lo hết mọi chi phí của đám cưới, từ
của hồi môn cho đến việc cỗ bàn thết đãi khách bên nhà gái.
Kể xong anh Thắng nhìn sang vợ, chị Lường Thị Giang, và cười
khì khì : "Nói đâu xa, cách đây hai năm tối nào tôi cũng cùng đám thanh
niên đi mò đêm suốt ở cái bản Pưa Lai này, thậm chí là sang cả bản bên cạnh nữa.
Cuối cùng là "mò" được cô ấy đấy".
Thấy tôi háo hức muốn đi cho biết, anh Thắng giục vợ dẹp
bát đũa, cùng tôi ra ngồi uống nước trà rồi bảo: "Cứ uống nước xong đi là
vừa. Tí nữa mình gọi mấy thằng em ở bản, tối nào chúng nó cũng đi, cho cậu đi
cùng luôn thể".
Tôi đi "mò"
Tối hôm ấy, người em họ của anh Thắng tên là A Lý khoảng chừng
16 tuổi cùng mấy đứa bạn của nó cũng cỡ tuổi đó đến dẫn tôi đi. Đường đèo đầu
mùa đông, lạnh giá. Đang đi, A Lý khẽ bảo tôi: "Tụi em dẫn anh vào nhà con
bé tên Luyến xinh lắm. Nó là "hoa chưa có chủ" vì mới cỡ 16 tuổi, đẹp
nhất bản. Anh xem nếu nó đồng ý thì tụi em để lại anh ở đấy, tụi em có chỗ
khác. Nó mới lớn, tán nó hơi khó, tụi em không thích".
Căn nhà sàn của gia đình cô gái tên Luyến vẫn còn sáng ánh
đèn, bố mẹ cô chưa đi ngủ. A Lý khẽ gõ lên cửa, một lát thì cánh cửa mở, cả bọn
kéo tôi vào. Chúng tôi ngồi uống trà với bố mẹ của Luyến, còn cô thì ngồi e ấp
trên giường của mình ở góc nhà sàn.
Thấy tôi lạ mặt, bố của Luyến hỏi chuyện. Tôi không dám nói
thật mình là người Kinh ở dưới xuôi lên mà trả lời rằng là bà con của anh Thắng,
hôm nay đến đây được mấy cậu em dẫn đi chơi.
Sau vài ba câu chuyện, bố mẹ Luyến biết ý, đi nghỉ và bảo
chúng tôi cứ ngồi chơi. Tôi đang e ngại vì chưa hiểu tình thế ra sao, không biết
nên về hay nên ở thì A Lý rủ rỉ vào tai tôi : “Con bé Luyến có vẻ “kết” anh rồi
đấy. Từ nãy đến giờ nó cứ nhìn anh chằm chặp”. Nghe vậy, tôi để ý thì thấy đôi
mắt tròn xoe, đen lay láy của Luyến đang nhìn tôi với gò má ửng hồng, không hiểu
vì thời tiết lạnh hay vì bản năng riêng của con gái người dân tộc. Thấy tôi
nhìn, cô bé mỉm cười quay đi. Thấy vậy, cả bọn cười, vỗ nhẹ vào vai tôi ra chiều
chúc mừng rồi kéo nhau đi. A Lý bảo tôi : "Tụi em cũng loăng quăng ở gần
đây thôi. Nếu có gì không ổn, anh muốn về sớm thì cứ ra bên ngoài, ho lên mấy
tiếng là em biết, sẽ dẫn anh về".
Đâm lao thì phải theo lao, đợi Lý đi xong, tôi mạnh dạn đến
bên chiếc giường lót rơm làm nệm của Luyến, ngồi xuống cạnh giường. Bất ngờ,
Luyến thả mùng xuống, cài chung quanh rồi kéo tôi vào trong mùng, ôm chầm lấy
tôi, áp mặt vào ngực tôi và cười khúc khích : "Hồi chiều em đã gặp anh rồi".
Hỏi ra mới biết, lúc chiều tôi đi loanh quanh trong bản chụp hình, thấy một đám
sơn nữ đang địu ngô trên lưng từ đằng xa đi tới, tôi giơ máy ảnh ra chụp vài bức,
té ra trong đám có Luyến mà tôi không biết.
Cũng nhờ "quen trước" như vậy nên tôi với Luyến nằm
bên cạnh nhau, chuyện trò với nhau cởi mở hơn. Tôi thành thật kể cho Luyến nghe
rằng mình là người Kinh ở dưới xuôi lên, Luyến cười : "Em biết rồi. Anh là
nhà báo". Tôi rất ngạc nhiên: "Sao em biết ?". "Tại vì anh
có máy ảnh to loại chuyên nghiệp. Với lại nhà báo thì anh mới đi một mình chứ nếu
là khách du lịch họ đi cả đoàn". "Thế anh là người lạ, em không sợ à
?". "Không. Tối nào các trai bản cũng đến nhà em, có vài người quen mặt
nhưng cũng có người lạ mặt, em không sợ đâu. Với lại con gái thì phải để người
ta đến mới lấy được chồng, tục lệ ở đây là như vậy".
Câu nói của Luyến khiến tôi cảm thấy thương nàng. Luyến có
cảm tình với tôi. Tôi biết rõ điều đó. Các cô sơn nữ thường thích những chàng
trai Kinh. Cũng có người đã ở lại đây, ăn đời ở kiếp với nhau, sống cuộc sống
bình dị có thể coi là hạnh phúc. Nhưng tôi thì không, tôi sẽ phải trở về Hà Nội.
Người ta bảo “ngủ thăm”, “mò đêm”, hoặc “chọc sàn” thì không được phép làm điều
gì không trong sạch trước khi cô gái đồng ý và sẽ phải tính đến chuyện lâu dài.
Riêng tôi thì khác, tôi là chàng trai người Kinh, tôi biết nếu tôi tiến tới, cô
bé sẽ phá bỏ tục lệ, sẵn sàng chấp nhận nhưng tôi không thể làm như thế được…
Đợi cho Luyến ngủ yên, tôi rón rén trở dậy, cố gắng không
gây tiếng động kẻo làm Luyến thức giấc. Trước khi chui ra khỏi mùng, dưới ánh
sáng lờ mờ của ngọn đèn nhỏ đặt trên chiếc giá ở giữa nhà, tôi thấy gương mặt
cô bé trông thật hiền dịu và thật dễ thương, đôi môi hé mở trong giấc ngủ như một
đóa hoa rừng. Tôi đặt nhẹ lên má nàng một chiếc hôn từ biệt. Chợt, tôi giật
mình : trên hai gò má nàng có hai dòng nước mắt chảy dài nhưng Luyến vẫn giả bộ
ngủ.
Các cô sơn nữ là như thế, rất quý trai Kinh nhưng cũng hiểu
khó có chuyện lâu dài nên đành im lặng chia tay…
Thêm vài hình ảnh miền thượng du
Ảnh thiếu nữ Tây Nguyên trên tạp chi Life. Váy là loại váy
hở được dệt trang trí hoa văn với những phong cách bố cục đa dạng. Còn về cuối
năm, mùa lạnh thì họ choàng thêm tấm mền cũ. Trang phục khi đi hội của người
dân thường được trang trí hoa văn nhiều màu sắc cả nam, nữ đều đeo vòng bạc. Giản
đơn trong cách ăn mặt nên cũng thuận tiện khi xong buổi làm việc trên rẫy, trên
rừng: các thiếu nữ bản làng cứ thoăng thoắt bước xuống suối nô đùa với dòng nước
mát mà không cần cởi bỏ thứ gì ngoại trừ nếu muốn không ướt váy. Nếu muốn giặt
váy áo thì sơn nữ sẽ cởi bỏ nó giặt giũ ra khi thân mình đầy đặn đắm trong dòng
nước tinh khiết và mát lạnh giữa núi rừng Tây nguyên.
Bây giờ người ta phải dàn dựng… Bây giờ thì người viết báo
muốn tìm nguồn tin làm phóng sự thì tìm đỏ mắt, nhiếp ảnh gia muốn sáng tạo ảnh
nghệ thuật phải tìm chốn thuê người làm mẫu cởi trần tắm suối như ngày xưa để
có những tác phẩm gọi là có hồn… Nhưng cái hồn ấy là sao có được sự tinh khôi
thuần khiết như tục tắm tiên ngày cũ với một bên là cái đẹp chân chất, trong
sáng đến mức thánh thiện trong cuộc sống đời thường, còn kia là sự gò ép dàn dựng,
khó có thể so sánh được.
Âu cũng là cái đương nhiên của sự phát triển để đánh đổi phần
nào bản sắc dân tộc vùng cao, vùng xa… và những cái mất đi sẽ chỉ còn tồn tại
trong ký ức, trong những tấm ảnh còn lại của ngày xưa hay hiếm hoi một đôi nơi
xa khuất ánh sáng hiện đại bây giờ.
Nếu biết trân trọng phong tục cổ truyền, nếu nhìn sự việc
dưới ánh mắt nghệ thuật, biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối nguồn Tây Bắc, Tây
nguyên trong một chiều các cô sơn nữ tắm tiên thì bạn sẽ thấy lòng mình trong
sáng, thanh cao hơn như được hòa mình cùng đất trời và người của vùng cao huyền
thoại… Nhưng những cảnh này còn được bao lâu dưới con mắt soi mói của cái gọi
là “văn minh” trần trụi của người miền xuôi ?
Yên Huỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét