Mường Lò - Vùng đất tổ của người Thái Tây Bắc (Văn Hóa Việt)

Theo cuốn sách "Quám tố mương" - tức "Chuyện bản Mường" của người Thái Đen Tây Bắc, vào khoảng thế kỷ XI, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần đưa người Thái từ "Xíp xoong pắn nả" (vùng đất có mười hai nghìn ruộng) từ Vân Nam - Trung Quốc xuôi theo sông Hồng xuống phía Nam tìm vùng đất mới. Khi tới vùng Mường Lò đất rộng tươi tốt, cùng nhau khai đất, vỡ hoang. Khi đã ổn định cuộc sống, Tạo Ngần chia tay người anh Tạo Xuông trở về quê cũ, tiếp tục đưa một nhóm người Thái khác theo đường Lào, Thái Lan...
Tạo Xuông ở lại cùng con trai là Tạo Lò lãnh đạo người Thái Đen khai phá nên đất Mường Lò. Bởi vậy trên đầu hồi nhà người Thái Đen luôn mang biểu tượng "Khau cút", đó là hai thanh gỗ bắt chéo nhau có chạm trổ hình hoa sen và hai vầng trăng khuyết hướng vào nhau, ngụ ý hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần cùng con cháu của người luôn nhớ đến nhau.
Ở xã Thạch Lương (Văn Chấn) có dòng thác Tát Huổi Lô từ trên núi cao đổ xuống. Người Thái Tây Bắc quan niệm đây là nơi mỗi khi có người qua đời thì linh hồn sẽ bám vào dây khau cút, ngược dòng lên Mường Trời tiếp tục sống ở một thế giới khác. Bởi vậy khi người Thái ở vùng Tây Bắc qua đời, thầy mo phải khấn đưa linh hồn về "Tát Huổi Lô". Dưới chân dãy núi có thác Tát Huổi Lô còn một bãi đá trông như đàn trâu hàng ngàn con gọi là "Đông quai hà" - tức là "rừng trâu chết". Theo quan niệm của người Thái, đây là phần xác của những con trâu dùng làm vật cúng tế trong các đám ma ở khắp vùng Tây Bắc hóa thành, còn phần hồn đã theo chủ về Mường Trời.
Người Thái Tây Bắc rất tôn trọng khu vực này, mỗi khi có dịp đến thăm viếng là luôn thắp hương cầu khấn nhớ về tổ tiên.
Bên cạnh những yếu tố mang tính tâm linh, quan niệm về vũ trụ ba tầng thông tỏ và giao cảm, thì đây là một căn cứ rất quan trọng khẳng định Mường Lò là đất tổ của người Thái Tây Bắc.

Vùng đất của lịch sử và huyền thoại
Người dân Mường Lò vẫn kể cho con cháu nghe giai thoại về "Ải Lậc Cậc" tức "Bố khổng lồ" (Một dị bản của thần Trụ Trời), bậc có công khai thiên lập địa nên xứ Tây Bắc, vết chân của người khi giao tranh với kẻ thù đã tạo nên cánh đồng Mường Lò rộng thứ hai Tây Bắc này. Rồi chuyện về nữ tướng Nàng Han lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược phương Bắc. Nay hang Thẩm Han và đền thờ người ở xã Sơn A (Văn Chấn) mỗi độ xuân về người dân Nghĩa Lộ lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn người anh hùng của bản mường. Vẫn còn đó thiên truyện về "Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng"  và di tích thành cổ Viềng Công ở xã Hạnh Sơn. Những câu chuyện về tướng quân Nguyễn Quang Bích, danh tướng trong phong trào Cần Vương vẫn được các thế hệ người dân Nghĩa Lộ trân trọng, tự hào. Những trận đánh giải phóng Nghĩa Lộ 1952 góp phần to lớn vào chiến dịch giải phóng Điện Biên. Những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho mùa đào thắm mãi, cho mùa ban thơm ngát núi ngàn. Những người dân Nghĩa Lộ hôm nay đang viết tiếp những chiến công hiển hách của cha ông. Đất Mường Lò của huyền thoại và lịch sử đang vững vàng tiếp bước đi của "Bố khổng lồ" trên con đường hạnh phúc.

Vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc
Ít có nơi nào ở Việt Nam, người Thái còn giữ được nhiều nét văn hóa của cha ông như ở Mường Lò. Từ nếp nhà sàn với biểu tượng khau cút, đến nghề dệt thổ cẩm cùng trang phục truyền thống, phong cách ẩm thực, các lễ hội độc đáo, những điệu khắp (hát, ngâm)  trữ tình, những điệu khèn, pí... da diết, vòng xòe nồng say, các thiên truyện thơ nổi tiếng... Tất cả như những viên ngọc quý, ngày ngày được mài giũa tỏa sáng muôn mầu.
Nói đến Mường Lò là nói đến "gạo trắng, nước trong" để rồi "Ai đi đến đó lòng không muốn về". Vùng đất thiên thời - địa lợi - nhân hòa ấy là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng nên một nền văn hóa độc đáo. Đó là lễ hội "Xên bản xên mường" - tức "cúng bản cúng mường", nhớ đến công đức của các bậc xây dựng bản mường, đã được tôn làm thành hoàng và cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc. Đó là hội "Lồng Tồng" - tức "hội xuống đồng", một nét đẹp văn hóa của cư dân nền văn minh lúa nước. Đó là lễ "Xên đông" - Tức "lễ cúng rừng", thể hiện ước mong một sự hòa đồng thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Với tết "Xíp xí" - tức là tết 14/7 Âm lịch. Theo lịch Thái cổ, 14/1 Âm lịch là tết rằm tháng Giêng, bà con ăn sớm một ngày vào hôm trăng đang độ hoàn thiện. Đây là tết lớn thứ hai sau tết Nguyên đán, không chỉ thể hiện một ước mong cuộc sống hạnh phúc, mà còn ẩn chứa quan niệm về vũ trụ, về âm dương ngũ hành. Rồi còn lễ hội Hái hoa ban, sinh hoạt "Hạn khuống"- nơi trai gái tìm hiểu giao duyên, phong tục cưới xin, ma chay, cầu hôn, cầu phúc, mừng nhà mới...
Đến với Mường Lò là đến với các điệu xòe nồng say. Trong lĩnh vực này, các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu đều có tiếng nói chung: Mường Lò là cái nôi của sáu điệu xòe cổ, khởi nguồn của hơn 30 điệu xòe nổi tiếng. trong tiếng trống, tiếng chiêng trầm hùng rộn rã, tiếng khèn bay bổng thiết tha, những bước xòe làm cho con người gần gũi chan hòa với nhau hơn, tự tin hơn trong hành trình thiên - địa - nhân với bao ý nghĩa sâu xa về cuộc đời, về đất trời và tình người sâu nặng, để rồi mỗi người thấm thía hơn câu ca tự ngàn xưa của cha ông truyền lại: "Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ", "Không xòe trai gái không thành đôi".
Mường Lò còn là quê hương của thiên truyện thơ nổi tiếng "Xống chụ xôn xao" (Tiễn dặn người yêu), được các nhà nghiên cứu đánh giá là "Truyện thơ hay nhất trong kho tàng truyện thơ của các dân tộc ít người" và còn rất nhiều truyện thơ nổi tiếng như "Khun Lú nang Ủa" (Chàng Lú nàng Ủa", "Í ưởi í noọng" (Cô chị cô em)...

Mường Lò hôm nay

Người Mường Lò hôm nay không chỉ biết làm kinh tế mà còn biết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Cánh đồng Mường Lò đã không phụ công sức của những người con của quê hương, những cánh đồng 30 triệu, 50 triệu mang ấm no đến từng căn nhà nhỏ, đồi núi xanh ngát chè, quế, mơn mởn sức xuân. Các xã, phường đều có nhà văn hóa, đội văn nghệ. Đây là nơi các nghệ nhân truyền dạy cho con cháu những di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét