Chuyện tình nhân bản hoa Ban (Thu Loan)


Rời Hà Nội theo quốc lộ số 6, từ Hoà Bình trở đi là bắt đầu nhìn thấy hoa Ban. Xe tiếp tục chạy, càng lên cao hoa Ban càng nhiều. Bên ô cửa kính, du khách có cảm giác bâng khuâng như gặp muôn nghìn cánh bướm chập chờn bay theo trong suốt cuộc hành trình. Qua huyện lỵ Thuận Châu (Sơn La), là tới địa danh bất tử "Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được" - nơi Quang Dũng từng ba lần xúc động thốt lên như vậy, trên đường Tây Tiến năm xưa...


Giữa bao la chồi non lộc biếc đại ngàn, từng chùm hoa Ban trắng như bông và xốp tựa mây, trôi bồng bềnh trong không gian, chảy xuống các lòng thung và vắt lên lên tận các đỉnh núi chọc trời. Tây Bắc là xứ sở của hoa Ban và hoa Ban là biểu trưng của Tây Bắc. Điều đó cắt nghĩa cho việc vì sao các giống hồng, lan, huệ, cúc... có thể thấy ở bất kỳ đâu, nhưng riêng hoa Ban thì chỉ rực rỡ ở Tây Bắc.
Cây Ban thân mộc, không mọc thẳng mà khẳng khiu uốn khúc, chia cành phân nhánh như có bàn tay tạo dáng của đấng hoá công. Về mùa đông cây Ban tự mình trút lá, dồn nhựa vào thân, đợi sang xuân ấm áp đâm chồi nảy lộc. Lá Ban mọc cách, không xếp thành tán và không rậm rạp như các loài cây khác; lá hình móng bò, rất giống hai trái tim đặt cạnh nhau. Sức sống của cây Ban thật mãnh liệt, dù trên đồi cỏ gianh khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo, cứ qua mùa đốt nương là cây Ban trỗi dậy trong sự trường sinh bất tử. Ban có hai loài, hoa đỏ và hoa trắng, loài hoa trắng chiếm đa số. Hoa Ban cùng họ với hoa bướm, không có hương nhưng có vị, mỗi hoa gồm từ 4 - 5 cánh, nhị màu hồng, gân màu tím. Nhị hoa Ban mang vị ngọt, quyến rũ nhiều loài côn trùng, nhất là các loài lấy mật như ong và bướm. Tên gọi hoa Ban theo tiếng dân tộc Thái, có nghĩa hoa Ngọt, đó vừa là danh từ vừa là tính từ.


Hàng năm, đầu tháng 2 âm lịch, hoa Ban lác đác nở, rộ nhất và đẹp nhất là cuối tháng 2, đến cuối tháng 3 thì hoa tàn dần. Lúc nở rộ trông cây Ban như chỉ có hoa mà không có lá. Bà con vùng cao coi hoa Ban như thể nông lịch của mình, họ phát nương vào lúc hoa nở và tra hạt vào lúc hoa tàn. Mùa hoa Ban, các bà các chị lúc đi nương về trong “ếp” thường có một ít hoa Ban, không phải để chơi mà là để ăn. Hoa Ban nấu canh, làm nộm, đồ lên chấm với dấm ớt măng chua... đó là thuộc tính riêng của hoa Ban mà nhiều loài hoa khác không có được. Theo kinh nghiệm thảo dược dân gian: Lấy 15 - 20gram hoa Ban phơi khô, sắc trong khoảng 500ml nước, còn lại khoảng 100ml. Sau đó chia uống ba lần sáng, trưa, tối trong ngày (có thể pha thêm chút đường), trị chứng ho khan hoặc viêm họng rất tốt. Có người dùng lá và búp non của cây Ban, cũng dưới dạng sao vàng hạ thổ, chữa bệnh kiết lỵ tương đối hiệu quả.
Lặng lẽ dâng tặng và dâng tặng hết mình, đã từ lâu hoa Ban đi vào thơ - ca - nhạc - hoạ. Gần nửa thế kỷ trước, hoa Ban từng nở rộ trong những trang ký lấp lánh của Nguyễn Tuân.Hàng nghìn đời nay, hoa Ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống văn hoá - tâm linh của nhân dân Tây Bắc; nhất là bà con thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân nồng cháy, với những trò chơi thú vị hái hoa Ban và hát giao duyên. Trong ký ức của người đi xa, cùng với nỗi nhớ mường nhớ bản, nhớ người yêu, còn có nỗi nhớ da diết hoa Ban vào mỗi độ xuân về. Có người bảo hoa Ban nở như giục mầm măng mọc, như báo hiệu cho mùa lễ hội truyền thống“Xên lẩu nó”bắt đầu.
Trên bàn thờ của thầy cúng, cành hoa Ban là vật hiến tế nổi bật nhất và trang trọng nhất, được điểm xuyết bởi những búp măng và những chùm trứng gà cách điệu màu sắc sặc sỡ. "Hoa Ban đỏ", đó không chỉ là tiêu đề mà còn là cái tứ để Nghệ sĩ ưu tú Bạch Diệp kết lại bộ phim truyện cùng tên, về đề tài Chiến thắng lịch sử Điện Biên. Đặc biệt, trong lăng Bác Hồ ở quảng trường Ba Đình - Hà Nội, bên cạnh các giống cây trái từ khắp mọi miền đất nước về đây tụ hội, cây Ban tượng trưng cho tình cảm và lòng biết ơn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đối với vị Cha già kính yêu suốt đời vì nước vì dân.
Trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc, hoa Ban kiêu hãnh xuất hiện trong các trường ca, các truyền thuyết và các câu chuyện kể bên bếp lửa hàng đêm. Về sự tích hoa Ban, đồng bào Thái có câu chuyện cảm động rằng: Để tỏ lòng thương tiếc Chương Han - người anh hùng dân tộc dám chống lại các vua chúa và cả các thánh thần - nhân dân buộc những mảnh khăn tăng lên các cành cây. Về sau, thời gian như có phép nhiệm màu đã hoá những mảnh khăn tang thành những đoá hoa Ban trắng trong, tinh khiết.


Hiện nay, trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc đang tồn tại 3 "típ" truyện nữa, cùng có nội dung giải thích nguồn gốc hoa Ban; đó là truyện Pi Khun-Noọng Ban, truyện Cầm Đôi - Hiến Hom và truyện Bun Trai-Bun Nhinh (có người gọi truyện Hai Bun). Cách dẫn dắt và tên nhân vật của các truyện tuy có khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ dùng hoa Ban làm biểu tượng cho tấm lòng thuỷ chung trong tình yêu đôi lứa (nhiều người gọi hoa Ban là "Hoa Tình yêu" cũng bởi như thế). Để khai thác những đặc tính của hoa Ban, hiện nay trong các nhà hàng, khách sạn ở Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng, các món ăn từ hoa Ban đang xuất hiện nhiều hơn trong các thực đơn. Còn gì thú vị hơn và nên thơ hơn khi trong một khung cảnh trữ tình, thực khách vừa khoan khoái thưởng thức những món ăn từ hoa Ban với hương vị độc đáo, vừa được các nữ tiếp viên xinh đẹp kể cho nghe câu chuyện tình bất tử về hoa Ban. Chuyện rằng...
... Ngày xửa ngày xưa, ở mường nọ có một chú bé tên là Khun. Chàng Khun càng lớn càng làm nương giỏi, săn bắn lại rất tài. Cùng bản có cô gái tên là Ban đẹp người đẹp nết, múa dẻo, hát hay. Khun và Ban yêu nhau tha thiết, hẹn ngày kia nên vợ nên chồng. Nhưng trong vùng có tên chúa đất gian tham, thấy Ban xinh đẹp nó liền cho người bắt Ban về làm vợ, trong khi Khun đang đi làm ăn ở nơi xa. Ban bỏ nhà, bỏ bản quyết chí ra đi tìm Khun. Nàng vào rừng, đi mãi, gọi mãi mà chẳng thấy Khun đâu. Một chiều nọ, leo tới đỉnh núi thứ một nghìn thì Ban gục xuống trong đói khát, mệt mỏi và tuyệt vọng. Từ chỗ Ban nằm, bất ngờ mọc lên một loài cây với những cái lá trông như hình hai trái tim lồng lên nhau. Chỉ mấy hôm sau, cây trổ những cái nụ trắng hồng như ngón tay trinh nữ, những cái nụ lại nở ra những đoá hoa có nhị mang màu tím thuỷ chung, còn cánh thì trắng như màu ly biệt - đó là cây Ban... Ngày Khun trở về không thấy Ban, chàng đi tìm qua muôn ngọn núi, qua vạn ngả đèo. Cuối cùng Khun kiệt sức ngã xuống, biến thành con chim mà nay người ta gọi là chim Khun. Loài chim Khun sống lẻ loi trong rừng, không có bầy đàn, không có tổ, suốt ngày bay vô định như kiếm tìm gì đó giữa hoang dã điệp trùng. Quanh năm chim Khun im lặng, chỉ khi mùa xuân về, hoa Ban nở thì chim mới hót. Tiếng hót chim Khun nghe như tiếng kêu khắc khoải lạc bầy, khi hoa Ban tàn thì chim Khun cũng thôi không hót. Có lẽ nó lại dành thời gian vào việc kiếm tìm trong tuyệt vọng, khổ đau...?
Mùa xuân, khắp miền Tây Bắc đâu đâu cũng có hoa Ban - đó là loài hoa đã đi vào huyền thoại, đi vào tình yêu, đi vào câu chuyện bên bếp lửa hàng đêm. Dân ca Thái có câu hát: "Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở - Không thấy ngày ban tàn - Không tính tháng, không tính năm - Mãi mãi như mùa hoa đầu đôi ta yêu nhau"...Nếu lên Tây Bắc vào dịp xuân sang, rất có thể bạn sẽ được dự lễ hội "Kin pang then" của người Thái Trắng và lễ hội "Kin chiêng bók may" của người Thái Đen, bạn sẽ được đắm mình qua những cuộc vui nồng nàn, ý vị và đậm đà bản sắc, để tạm quên đi những âu lo trĩu nặng kiếp con người. Trên cột cây "hoa chủ", xin bạn hãy ngắm kỹ cành hoa Ban trong không gian kiến trúc của nhà sàn - khau cút. Rồi tự bạn sẽ cảm bằng tim chứ không chỉ thấy bằng mắt, rằng quả thực ở đâu hoa Ban cũng đẹp, đẹp như chính những bàn tay ngọc ngà của các "nàng Kiều" khăn piêu áo cóm, đang thật khẽ khàng vít cong cần rượu mời ta...

Thu Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét