Les Temples Cham de My Son
Lịch sử Chăm Pa, bao gồm các quốc gia Hồ
Tôn, Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành (Campanagara) và Thuận Thành (Nagar Cam),
độc lập được từ 192 và kết thúc vào 1832. Trước thế kỷ thứ 2, vùng đất của
vương quốc Chăm Pa cổ đã được nhắc đến với tên Hồ Tôn Tinh (trong truyền thuyết),
rồi tên huyện Tượng Lâm (thuộc quận Nhật Nam thời nhà Hán) khi nằm dưới sự thống
trị của Trung Quốc.
Lãnh thổ này được ghi nhận là từ miền Trung trở vào miền
Nam Việt Nam, thay đổi tùy thời kỳ. Từ 1694 đến 1832, chúa Chăm Pa (Trấn vương
Thuận Thành) nằm dưới sự đô hộ của các chúa Nguyễn, vua nhà Tây Sơn và vua nhà
Nguyễncho đến lúc bị sáp nhập hoàn toàn.
Lịch sử vương quốc Chăm Pa được khôi phục
dựa trên ba nguồn sử liệu chính:
Các di tích còn lại bao gồm các công trình
đền tháp xây bằng gạch còn nguyên vẹn cũng như đã bị phá hủy và cả các công
trình chạm khắc đá;
Các văn bản còn lại bằng tiếng Chăm và tiếng
Phạn trên các bia và bề mặt các công trình bằng đá;
Các sách sử của Việt Nam và Trung Quốc,
các văn bản ngoại giao, và các văn bản khác liên quan còn lại.
Thời tiền sử
Người dân Chăm Pa có nguồn gốc
Malayo-Polynesian di cư đến đất liền Đông Nam Á từ Borneo vào thời đại văn hóa
Sa Huỳnh ở thế kỷ thứ 1 và thứ 2 trước Công nguyên. Qua quan sát đồ đất nung, đồ
thủ công và đồ tùy táng đã phát hiện thấy có một sự chuyển đổi liên tục từ những
địa điểm khảo cổ như hang động Niah ở Sarawak, Đông Malaysia. Các địa điểm văn
hóa Sa Huỳnh rất phong phú đồ sắt trong khi nền văn hóa Đông Sơn cùng thời kỳ ở
miền Bắc Việt Nam và các nơi khác trong khu vực Đông Nam Á lại chủ yếu là đồ đồng.
Ngôn ngữ Chăm thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian).
Văn hóa Sa Huỳnh
Văn hóa Sa Huỳnh là xã hội tiền sử thuộc
thời đại kim khí tại khu vực ven biển miền Trung Việt Nam. Năm 1909, đã phát hiện
khoảng 200 lọ được chôn ở Sa Huỳnh, một làng ven biển ở nam Quảng Ngãi. Từ đó đến
nay đã phát hiện được rất nhiều hiện vật ở khoảng 50 địa điểm khảo cổ. Sa Huỳnh
có đặc điểm văn hóa thời đại Đồng Thau rất đặc trưng với phong cách riêng thể
hiện qua các hiện vật như rìu, dao và đồ trang sức. Việc định tuổi theo phương
pháp phóng xạ carbon đã xếp văn hóa Sa Huỳnh đồng thời với văn hóa Đông Sơn, tức
khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Người Chăm bắt đầu cư trú tại
đồng bằng ven biển miền Trung Việt nam từ khoảng năm 200 công nguyên. Lúc này
người Chăm đã tiếp thu các yếu tố của văn hóa tôn giáo và chính trị của Ấn Độ.
Các nghiên cứu khảo cổ học của các tác giả Việt Nam đã cho thấy người Chăm
chính là hậu duệ về mặt ngôn ngữ và văn hóa của người Sa Huỳnh cổ. Các hiện vật
khảo cổ của người Sa Huỳnh đã cho thấy họ đã là những người thợ thủ công rất
khéo tay và đã sản xuất ra nhiều đồ trang sức và vật dụng trang trí bằng đá và
thủy tinh. Phong cách trang sức Sa Huỳnh còn phát hiện thấy ở Thái Lan, Đài
Loan và Philippines cho thấy họ đã buôn bán với các nước láng giềng ở Đông Nam
Á cả bằng đường biển và đường bộ. Các nhà khảo cổ cũng quan sát thấy các hiện vật
bằng sắt đã được người Sa Huỳnh sử dụng trong khi người Đông Sơn láng giềng vẫn
còn chủ yếu sử dụng đồ đồng.
Hồ Tôn, Lâm Ấp
Chăm Pa và Phù Nam, trước thế kỷ 7
Theo sử liệu Trung Quốc, vương quốc Chăm
Pa đã được biết đến đầu tiên là vương quốc Lâm Ấp bắt đầu từ năm 192 ở khu vực
Huế ngày nay, sau cuộc khởi nghĩa của người dân địa phương chống lại nhà Hán.
Trong nhiều thế kỷ sau đó, quân đội Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng chiếm lại
khu vực này nhưng không thành công.
Từ nước láng giềng Phù Nam ở phía tây và
nam, Lâm Ấp nhanh chóng hấp thu nền văn minh Ấn Độ[4]. Các học giả đã xác định
thời điểm bắt đầu của Chăm Pa là thế kỷ thứ 4 Công nguyên, khi quá trình Ấn hóa
đang diễn ra. Đây chính là giai đoạn mà người Chăm đã bắt đầu có các văn bản mô
tả trên đá bằng chữ Phạn và bằng chữ Chăm, và họ đã có bộ chữ cái hoàn chỉnh để
ghi lại tiếng nói của người Chăm.
Vị vua đầu tiên được mô tả trong văn bia
là Bhadravarman, cai trị từ năm 349 đến 361. Ở thánh địa Mỹ Sơn, vua
Bhadravarman đã xây dựng nên ngôi đền thờ thần có tên là Bhadresvara, cái tên
là sự kết hợp giữa tên của nhà vua và tên của thần Shiva, vị thần của các thần
trong Ấn Độ giáo. Việc thờ vua như thờ thần, chẳng hạn như thờ với tên thần
Bhadresvara hay các tên khác vẫn tiếp diễn trong các thế kỷ sau đó.
Vào thời Bhadravarman, kinh đô của Lâm Ấp
là kinh thành Simhapura ("thành phố Sư tử"), nằm ở dọc hai con sông
và bao quanh bởi tường thành có chu vi dài đến tám dặm. Theo ghi chép lại của một
người Trung Quốc thì người Lâm Ấp vừa ưa thích ca nhạc nhưng cũng lại hiếu chiến,
và có "mắt sâu, mũi thẳng và cao, và tóc đen và xoăn".
Cũng theo tài liệu Trung Quốc,
Sambhuvarman lên ngôi vua Lâm Ấp năm 529. Các tài liệu cũng mô tả vị vua này đã
cho khôi phục lại ngôi đền thờ Bhadresvara sau một vụ cháy. Sambhuvarman cũng
đã cử sứ thần sang cống tuế Trung Quốc, và đã xâm lược không thành phần đất mà
ngày nay là miền Bắc Việt Nam. Năm 605, tướng Lưu Phươngnhà Tùy xâm lược Lâm Ấp,
và đã chiến thắng sau khi dụ tượng binh của Lâm Ấp đến và tiêu diệt tại trận địa
mà trước đó ông đã cho đào nhiều hố nhỏ và phủ cỏ lên. Vào khoảng những năm
620, các vua Lâm Ấp đã cử nhiều sứ thần sang nhà Đường và xin được làm nước
phiên thuộc của Trung Quốc.
Các tài liệu Trung Quốc ghi nhận cái chết
của vị vua cuối cùng của Lâm Ấp là vào khoảng năm 756 Công nguyên. Sau đó trong
một thời gian dài, các sách sử Trung quốc gọi Chăm Pa là "Hoàn Vương".
Tài liệu Trung Quốc sớm nhất sử dụng tên có dạng "Chăm Pa" là vào năm
877, tuy nhiên, những cái tên như vậy đã được người Chăm sử dụng muộn nhất là từ
năm 629, và người Khmer đã dùng muộn nhất là từ năm 657.
Hoàn Vương
Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, người
Chăm kiểm soát việc buôn bán hồ tiêu và tơ lụa giữa Trung Quốc, Ấn Độ,
Indonesia, và đế quốc Abbassid ở Baghdad. Người Chăm còn bổ sung thêm cho nguồn
thu nhập của mình từ thương mại, không chỉ bằng việc xuất khẩu ngà voi và trầm
hương mà còn bằng cả các hoạt động cướp phá trên biển và các nước láng giềng
ven biển.
Thánh địa của người Chăm ở Mỹ Sơn
Tháp Chăm ở Mỹ Sơn
Vào nửa cuối thế kỷ thứ 7, các ngôi đền của
hoàng gia bắt đầu được xây dựng tại Mỹ Sơn. Tôn giáo chính lúc này là thờ thần
Shiva nhưng các ngôi đền cũng thờ cả thần Vishnu. Các học giả gọi phong cách kiến
trúc thời kỳ này là phong cách Mỹ Sơn E1, để chỉ các di tích ở Mỹ Sơn điển hình
theo phong cách này. Các công trình còn đến nay của phong cách này bao gồm bệ
đá hình linga được biết với tên gọi là bệ đá Mỹ Sơn E1 và phần trán tường có
hình Brahma được sinh ra từ hoa sen nở từ rốn của thần Vishnu đang ngủ.
Trong một văn bia khắc năm 657 tìm thấy ở
Mỹ Sơn, vua Prakasadharma, người lấy hiệu là Vikrantavarman I, đã tự xưng có
bên ngoại là hậu duệ của Brahman Kaundinya và công chúa rắn Soma, người theo
truyền thuyết cũng là thủy tổ của người Khmer. Chính văn bia này đã cho thấy mối
quan hệ về văn hóa và chủng tộc giữa vương quốc Chăm Pa và đế quốc Khmer. Bia
được khắc nhân dịp vua cho dựng tượng đài, có lẽ là linga, cho thần Shiva. Một
văn bia khác mô tả lời cầu nguyện chân thành của vua khi hiến tế cho Shiva: người
là nguồn khởi thủy của sự kết thúc vĩnh viễn sự sống, điều rất khó đạt được; mà
bản chất thực sự nằm ngoài suy nghĩ và lời nói của con người, tuy nhiên những
ai mà ý niệm tương đồng với vũ trụ thì hình thái của người sẽ hiện ra.
Thời kỳ hưng thịnh của Kauthara
Vào thế kỷ thứ 8, trung tâm chính trị của
Chăm Pa đã tạm thời chuyển từ Mỹ Sơn xuống khu vực Panduranga và Kauthara, với
trung tâm ở quanh quần thể đền tháp là Tháp Bà- Po Nagar ở gần Nha Trang ngày
nay nơi để thờ nữ thần đất Yan Po Nagar. Năm 774, người Java đã phá hủy
Kauthara, đốt đền thờ Po Nagar, và mang đi tượng Shiva. Vua Chăm là Satyavarman
đã đuổi theo quân giặc và đánh bại chúng trong một trận thủy chiến. Năm 781,
Satyavarman đã dựng bia tại Po Nagar, tuyên bố đã chiến thắng và kiểm soát toàn
bộ khu vực và đã dựng lại đền. Năm 787, người Java lại đốt phá đền thờ Shiva ở
gần Panduranga.
Chiêm Thành
Triều đại Phật giáo ở Indrapura
Tượng Phật Đồng Dương – Cuối thế kỷ thứ 9.
Năm 875, vua Indravarman II đã xây dựng
nên triều đại mới ở Indrapura (thành Đồng Dương, ở huyện Thăng Bình, Việt Nam
ngày nay). Vua Indravarman tự xưng là hậu duệ của Bhrigu trong sử thi
Mahabharata, và quyết đoán rằng chính kinh thành Indrapura đã từng được chính
Bhrigu ở thời cổ đại xây dựng nên.
Indravarman là vị vua Chăm đầu tiên theo
Phật giáo Đại thừa và xem đây là tôn giáo chính thức. Ở trung tâm của
Indrapura, ông đã xây dựng một tu viện Phật giáo (vihara) để thờ bồ tát
Lokesvara (Quán Thế Âm). Di tích này đã bị hủy hoại trong chiến tranh Việt Nam,
chỉ còn lại một số hình ảnh và bản vẽ từ trước chiến tranh. Một số tượng đá từ
tu viện cũng được gìn giữ tại các viện bảo tàng ở Việt Nam. Các học giả đã gọi
phong cách nghệ thuật điển hình tại Indrapura là phong cách Đồng Dương. Phong
cách đặc trưng bởi tính năng động và tính hiện thực về mặt dân tộc học khi mô tả
người Chăm. Các tác phẩm còn lại của phong cách này có một số bức tượng
dvarapala hay hộ pháp rất dữ tợn trước đây được đặt ở quanh tu viện. Thời kỳ Phật
giáo thống trị, Chăm Pa kết thúc năm 925, lúc phong cách Đồng Dương đã bắt đầu
nhường bước cho các phong cách tiếp theo có mối liên hệ với sự phục hồi của đạo
thờ thần Si-va.
Các vua của triều đại Indrapura đã xây dựng
ở Mỹ Sơn một số đền tháp vào thế kỷ thứ 9 và thứ 10. Các đền tháp này ở Mỹ Sơn
đã xác định một phong cách kiến trúc và nghệ thuật khác mà các học giả gọi là
phong cách Mỹ Sơn A1, dùng để chỉ tất cả các di tích ở Mỹ Sơn điển hình cho
phong cách này. Với sự chuyển đổi tôn giáo từ Phật giáo trở về Si-va giáo vào
khoảng thế kỷ thứ 10, trung tâm tôn giáo của người Chăm cũng chuyển từ Đồng
Dương trở về Mỹ Sơn.
Chăm Pa đạt đến đỉnh cao của văn minh Chăm
ở Indrapura nằm tại khu vực Đồng Dương và Mỹ Sơn ngày nay. Các yếu tố dẫn đến sự
suy yếu của Chăm Pa ở các thế kỷ sau chính là ở vị trí lý tưởng nằm trên các
tuyến thương mại, dân số ít và thường xuyên có chiến tranh với các nước láng giếng
là Đại Việt ở phía Bắc và Khmer ở phía Tây và Nam.
Lịch sử Bắc Chăm Pa (Indrapura và Vijaya)
phát triển đồng thời với vương quốc láng giềng là nền văn minh Angkor của người
Khmer nằm ở phía bắc hồ lớn Tonle Sap trên phần đất mà ngày nay là Campuchia.
Sau khi vương triều Chăm ở Indrapura được thiết lập năm 875 thì chỉ hai năm sau
tức năm 877 tại Roluos, vua Indravarman I đã thiết lập đế quốc Khmer. Lịch sử của
Chăm Pa và đế quốc Khmer cũng đều phát triển rực rỡ trong thế kỷ 10 đến thế kỷ
12, rồi đều dần suy yếu và tan rã vào thế kỷ thứ 15. Năm 1238, đế quốc Khmer mất
miền đất phía tây xung quanh Sukhothai sau một cuộc nổi dậy của người Xiêm.
Thành công của cuộc nổi dậy không chỉ mở ra kỷ nguyên độc lập của người Xiêm mà
còn báo trước sự tan rã của Angkor năm 1431 sau khi bị người Xiêm từ vương quốc
Ayutthaya phá hủy và rồi bị sáp nhập vào Sukhothai năm 1376. Sự suy yếu của
Chăm Pa cũng diễn ra đồng thời với Angkor, dưới sức ép từ Đại Việt, quốc gia nằm
ở miền Bắc Việt Nam ngày nay, và chấm hết khi kinh thành Vijaya (tức Chà Bàn) bị
người Việt chinh phục và phá hủy vào năm 1471.
Khmer xâm chiếm Kauthara
Năm 944 và 945, quân đội Khmer từ Angkor
đã xâm chiếm khu vực Kauthara. Khoảng năm 950, người Khmer đã phá hủy đền Po
Nagar và lấy đi tượng nữ thần. Năm 960, vua Chăm là Jaya Indravaman I đã cử sứ
thần sang nhà Tống (lúc này đóng đô ở Khai Phong). Năm 965, nhà vua đã cho xây
dựng lại đền thờ Po Nagar và tượng nữ thần để thay thế cho bức tượng đã bị lấy
đi.
Rời bỏ kinh đô Indrapura
Lãnh thổ Chăm Pa vào thế kỷ 10
Vào nửa cuối thế kỷ thứ 10, các vua của
triều đại Indrapura đã tiến hành chiến tranh với Đại Cồ Việt. Trước đó, ở nửa đầu
thế kỷ này, người Việt đã giành được độc lập từ tay người Trung quốc. Sau khi
Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, đất nước lại trải
qua thời kỳ loạn các sứ quân và được Đinh Bộ Lĩnh thống nhất năm 968 với quốc
hiệu Đại Cồ Việt và kinh đô ở Hoa Lư thuộc địa phận Trường Yên tỉnhNinh Bình
ngày nay.
Năm 979, vua Chăm là Parameshvaravarman I
(sách Đại Việt Sử kí Toàn thư gọi là Bê Mi Thuế) đã cử hạm đội sang tấn công
Hoa Lư. Tuy nhiên, toàn bộ quân viễn chinh đã bị tan rã sau một cơn bão. Năm
982, vua Lê Hoàn của Đại Cồ Việt đã cử ba sứ thần sang Indrapura. Sau khi các sứ
thần bị giam giữ, vua Lê Hoàn đã quyết định đánh Chăm Pa. Quân Đại Việt đã chiếm
Indrapura và giết vua Parameshvaravarman. Họ mang về nước rất nhiều nhạc công
và vũ công Chăm, chính những người này về sau đã ảnh hưởng đến sự phát triển
nghệ thuật của Đại Việt. Do hậu quả để lại của việc tàn phá, người Chăm đã rời
bỏ Indrapura vào khoảng năm 1000. Trung tâm của Chăm Pa được chuyển xuống
Vijaya ở phía nam nằm trên đất tỉnh Bình Định ngày nay mà người Việt thời Lý gọi
là Phật Thệ.
Người Việt triệt phá Vijaya
Mâu thuẫn giữa Champa và Đại Việt đã không
chấm dứt với việc người Chăm từ bỏ kinh đô Indrapura. Champa đã chịu các đợt tấn
công của Đại Việt năm 1021 và 1026. Năm 1044, một trận đại chiến diễn ra giữa Đại
Việt và Champa đã dẫn đến cái chết của vua Jaya Simhavarman II (sách sử Việt gọi
là Sạ Đẩu) và việc vua Lý Thái Tông của Đại Việt trực tiếp chỉ huy cuộc triệt hạ
kinh đô Vijaya. Quân Việt mang về nước voi, nhạc công và cả hoàng hậu Mỵ Ê, người
đã nhảy xuống sông tự tử trên đường về Thăng Long. Từ đó, Champa bắt đầu nộp cống
cho các vua Đại Việt, và vào năm 1065 đã cống nạp một con tê giác trắng. Năm
1068, vua Vijaya là Rudravarman III (tức Chế Củ) lại tấn công Đại Việt để trả
thù trận thua năm 1044. Một lần nữa vương quốc Champa bị thất bại và Đại Việt lại
chiếm và đốt phá kinh đô Vijaya. Kinh đô Vijaya bị đốt phá một lần nữa vào năm
1069, khi tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy hải quân tấn công Champa và chiếm Vijaya.
Vua Rudravarman bị bắt làm tù binh và sau đó đã đổi ba châu Địa Lý, Ma Linh và
Bố Chính lấy tự do. Lợi dụng tình hình chiến sự, các thủ lĩnh người Chăm ở phía
Nam đã dựng lên một vương quốc độc lập. Đến năm 1084, các vua Bắc Champa mới có
thể tái thống nhất đất nước. Trong năm 1075, quân Đại Việt do Lý Thường Kiệt chỉ
huy lại tấn công Champa nhưng không thắng được và phải rút quân về. Tuy không
thắng nhưng Lý Thường Kiệt đã cho vẽ họa đồ ba châu mới lấy được và đổi châu Địa
Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh và đồng thời chiêu mộ dân
chúng đến đấy ở.
Khmer xâm chiếm Bắc Champa
Năm 1074, vua Harivarman IV lên ngôi đã
cho phục dựng lại các đền tháp ở Mỹ Sơn và mở ra một thời kỳ thịnh vượng ngắn
ngủi. Harivarman thiết lập quan hệ hòa bình với Đại Việt nhưng lại mở ra cuộc
chiến với người Khmer của đế chế Angkor. Năm 1080, quân đội Khmer đã tấn công
Vijaya và các trung tâm khác ở miền Bắc Champa. Các đền tháp và tu viện đã bị
phá hủy; các di sản văn hóa đã bị lấy đi. Sau những thất bại này, quân Champa
dưới sự chỉ huy của vua Harivarman đã đẩy lùi quân địch, khôi phục lại kinh đô
và các đền tháp.
Khoảng năm 1080, một triều đại mới đã ra đời
ở cao nguyên Korat trên đất Thái Lan ngày nay đã chiếm ngai vàng Angkor của đế
quốc Khmer. Ngay sau đó, các vua của triều đại mới đã tiến hành mở rộng đế quốc.
Sau thất bại của các cuộc tấn công Đại Việt năm 1132 và 1137, các vua Angkor đã
quay sang Chăm Pa. Năm 1145, quân đội Khmer dưới sự chỉ huy của vua Suryavarman
II, người đã xây dựng Angkor Wat, đã chiếm Vijaya và phá hủy các đền tháp ở Mỹ
Sơn. Vua Khmer sau đó đã tấn công và chiếm toàn bộ miền Bắc Champa. Tuy nhiên,
năm 1149, vua Jaya Harivarman, lãnh đạo của tiểu quốc Panduranga ở phía Nam, đã
đánh bại quân xâm lược và lên ngôi vua của các vua tại Vijaya. Ông đã dành thời
gian trị vị còn lại để đàn áp các cuộc nổi loạn tại Amaravati và Panduranga.
Người Chăm chiếm Angkor
Phù điêu cuối thế kỷ 12 ở đền Bayon
(Angkor) mô tả các thủy binh Chăm Pa đang tấn công quân Khmer.
Năm 1167, Jaya Indravarman IV (sử Việt gọi
ông là Chế Chí) lên ngôi vua Chăm Pa. Tài liệu văn bia mô tả ông dũng cảm, sử dụng
thành thạo mọi loại vũ khí, và thông hiểu triết học, thuộc hết các lý lẽ
Dharmasutra (một kinh Ấn Độ giáo) và các học thuyết Phật giáo Đại thừa[37]. Sau
khi thiết lập hòa bình với Đại Việt năm 1170, vua Jaya Indravarman đã đánh sang
Khmer. Năm 1177, một lần nữa quân đội của nhà vua đã bất ngờ tấn công thủ đô
Khmer là Yasodharapura từ các thuyền chiến đi ngược sông Mekong đến hồ lớn
Tonle Sap ở Khmer. Quân Chăm đã chiếm thủ đô Khmer, giết vua Khmer, và mang về
nhiều chiến lợi phẩm.
Vijaya bị người Khmer chinh phục
Người Khmer nhanh chóng ủng hộ nhà vua mới
Jayavarman VII người đã đẩy lùi quân Chăm ra khỏi vương quốc Khmer vào năm
1181. Khi Jaya Indravarman IV một lần nữa tấn công Khmer năm 1190, Jayavarman
VII đã giao cho một hoàng tử người Chăm là Vidyanandana làm tổng chỉ huy quân
Khmer. Vidyanandana đã đánh bại quân xâm lược Chăm và thậm chí tiến lên chiếm
Vijaya và bắt sống vua Jaya Indravarman về Angkor.
Sau
khi chinh phục Vijaya, vua Khmer chọn người em rể là Hoàng tử In làm vua bù nhìn ở Chăm Pa. Nội chiến nổ ra
tại Chăm Pa giữa các phe phái và cuối cùng Hoàng tử In chiến thắng nhưng lại tuyên bố Chăm Pa độc lập khỏi
vương quốc Khmer[39]. Quân Khmer đã cố gắng chiếm lại Chăm Pa nhưng không thành
trong suốt những năm 1190. Năm 1203, cuối cùng thì tướng của vua Jayavarman VII
cũng chiếm lại được Vijaya và biến Chăm Pa trở lại thành một tỉnh của Angkor.
Chăm Pa hoàn toàn mất độc lập cho đến năm 1220. Sau đó, Vijaya đi vào giai đoạn
suy thoái kéo dài hơn hai thế kỷ. Thời kỳ này đi đến kết thúc bởi Đại Việt và
chỉ có một gián đoạn ngắn ngủi trong những cố gắng quân sự của vua Che Bonguar.
Cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông
Năm 1270, Kublai Khan dựng nên nhà Nguyên ở
Bắc Kinh và dần dần chiếm hết miền Nam Trung Quốc do nhà Nam Tống cai trị. Năm
1280, Kublai Khan quay sang thôn tính Chăm Pa và Đại Việt. Năm 1283, quân
Nguyên dưới sự chỉ huy của tướng Sogetu đánh Chăm Pa và chiếm kinh thành
Vijaya. Việc xâm lược Chăm Pa không có kết quả lâu dài. Thay vì tấn công trực
diện, vua Chăm đã cho rút quân lên Tây Nguyên và tiến hành chiến tranh du kích.
Hai năm sau, quân Nguyên phải rút lui và Sogetu bị giết trên đất Đại Việt trong
một trận chiến khác trên đường rút quân về.
Jaya Simhavarman III
Năm 1307, vua Chăm là Jaya Simhavarman III
(sử Việt gọi là Chế Mân), đã dựng đền thờ Po Klaung Garai ở Panduranga (Phan
Rang), và nhượng hai châu Ô,
Đàm Kim Phượng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét