Một ngôi nhà của người dân tộc thiểu số ở vùng đồi núi
Tây Bắc.
Với đồng bào thiểu số Tây Bắc, đặc biệt là ở các tỉnh Hà
Giang, Yên Bái, Lào Cai, chuyện đói hằng năm vào mùa giáp hạt đã thành chuyện
thường niên, đến hẹn lại lên. Và để đối phó với nạn đói, người đồng bào thiểu số
Tây Bắc nghĩ ngay đến chuyện vào rừng hái củ mài hoặc đi lượm rác ở các khu vực
du lịch để sống vật vờ qua ngày. Suốt bao nhiêu năm nay, cái vòng lẩn quẩn bươn
chải quanh năm trên rẫy, trên ruộng bậc thang để rồi đến tháng hai, tháng ba, lại
đói vật vờ.
Đói ăn, thiếu đất canh tác
Bà Bạch, người dân La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh
Yên Bái, chia sẻ: “Một mùa được một bao lúa. Rồi gắng làm thứ khác rồi mua một
cân, hai cân mang về cả nhà ăn. Rồi húp một tý cháo, cả nhà ăn. Sau rồi, không
có lúa, không có ruộng làm ăn. Phải đi làm, rồi lại mua một cân, hai cân mang về
cả nhà nấu cháo ăn.”
Theo bà Bạch, phần đông đồng bào thiểu số các dân tộc
H.Mong, Thái, Dao Đỏ… đều rơi vào nạn đói vì diện tích đất canh tác của họ tuy
có nhiều chăng nữa cũng quá cằn cỗi bởi ảnh hưởng của núi đá vôi và nguồn nước
không ổn định. Có nhiều gia đình muốn đến vùng đất canh tác phải lội cả ngày
dài đường đá tai mèo, đến nơi chặt lá rừng che láng tạm qua đêm để sáng mai làm
ruộng. Thế nhưng có khi đến nơi rồi phải quay trở về vì không có mưa, đất quá
khô cằn hoặc trời quá lạnh, không thể tỉa hạt lúa xuống đất, lại phải cuốc bộ cả
ngày trời để về nhà, đợi trời mưa.
La Pán Tẩn là một trong những xã nghèo nhất của huyện
nghèo Mù Cang Chải. Xã có 621 hộ thì 90,7% trong số đó là hộ nghèo, mỗi năm thiếu
ăn định kỳ mùa giáp hạt từ 3- 5 tháng. Cái đói, cái nghèo bao vây, hoành hành
La Pán Tẩn một phần bắt nguồn từ điều kiện quá khắc nghiệt, phần khác bởi chính
sách không thiết thực, qua loa lấy lệ của nhà cầm quyền.
Trồng trọt thì đất bạc màu, chăn nuôi thì dịch bệnh, những
người dân La Pán Tẩn đang phải nuôi gà theo kiểu treo lồng trên ngọn cây để chống
dịch cúm. Bảy bản nhưng chỉ có 235 hecta ruộng một vụ nên vụ nào tốt thì sản lượng
lúa được một tạ rưỡi mỗi sào, nhưng đa phần chỉ được một tạ mỗi sào, thấp bằng
25% so với ruộng miền xuôi. Với 235 hecta ruộng chia cho 621 hộ nên hộ nào nhiều
cũng chỉ được vài tạ gạo một năm.
Một phiên chợ chiều của người dân tộc thiểu số Tây Bắc.
Chung cảnh ngộ với La Pán Tẩn là các xã Mường Khoa và
Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào
Cai. Những nơi mà đói tháng ba như một nỗi ám ảnh thường xuyên, dai dẳng đến mức
nghe có đoàn cứu trợ về bà con bỏ hết mọi thứ để đi nhận gạo, để ngồi chờ từ
sáng tinh mơ, đến chiều tà lại nhuễ nhại mồ hôi gùi gạo về nhà.
Tiêu biểu và cùng cảnh ngộ với nhiều người dân nghèo
khác, bà Lò Thị Lọ ở bản Nà Cại là một người đàn bà bị xem như không có tuổi. Một
phần vì bà không nhớ mình sinh năm bao nhiêu, phần nữa là vì vẻ hốc hác, khắc
khổ trên gương mặt, trên bộ quần áo cũ nát trong một căn nhà rách nát chẳng
khác nào cái chòi vịt miền xuôi. Mà hình như không riêng gì căn nhà của bà giống
cái chòi vịt, hầu như nhà cửa ở các bản làng nơi đây đều thế.
Một số nơi ở tỉnh Hà Giang, chuyện đói kém cũng tương tự
và cho dù người dân có nỗ lực bao nhiêu, đói vẫn cứ đói. Xóm Hạ Sơn có 39 hộ với
trên 200 nhân khẩu. Sau nhiều năm về nơi ở mới, đường đã dễ đi hơn, điện đã về
làng nhưng cuộc sống của bà con vẫn cứ cơ cực. Sau mười bốn năm mà chưa có hộ
nào thoát khỏi cảnh nghèo, thậm chí còn rất nhiều hộ thiếu đói lương thực cần
phải trợ cấp.
Bà con về đây cũng được giao đất để khai hoang làm nương,
ruộng bậc thang, hộ nào cũng chịu khó nên chẳng mấy chốc đã hoàn thành việc
khai hoang, tạo nên những nương, thửa ruộng bậc thang quanh thôn để trồng ngô,
lúa. Tuy nhiên, diện tích phân cho bà con được ít quá, đến nay 39 hộ dân với gần
trên 200 nhân khẩu chỉ có tổng cộng trên 22 hecta đất sản xuất.
Bà con muốn khai hoang nữa cũng không còn đất bởi đất đồi,
rừng quanh thôn đều đã bị quản lý từ trước rồi. Không những thế, 22 hecta đất sản
xuất đều là đất bạc màu ven đồi, trước kia là những bãi cỏ may, trồng cây gì
cũng còi cọc nhưng điều kiện kinh tế của bà con quá khó khăn nên cây ngô, cây
lúa ở đây năm nào cũng có năng suất thấp nhất xã.
Trẻ em đối diện nguy cơ mù chữ
Nhà của người dân tộc thiểu số ở vùng đồi núi Tây Bắc.
Chuyện có đủ cái ăn, no bụng để đến trường, ngồi trong lớp
mà không bị ngáp đói, không bị buồn ngủ đối với trẻ em Tây Bắc nghe ra quá xa vời.
Trường La Pán Tẩn có gần 800 học sinh nhưng chỉ có vỏn vẹn 60 em được ở nội trú
nhờ nhà trường tận dụng phòng học mà dựng lên. Số còn lại phải trọ học trong những
căn lều của người dân địa phương dựng tạm để trông coi thóc lúa khi thu hoạch.
Từ bốn đến năm em loay hoay trong một túp lều như thế. Không điện, không nước,
không nhà vệ sinh, không có gì cả ngoài sự gian khổ và đói.
Kể từ khi có đề án hỗ trợ của nhà nước, mỗi học sinh được
nhận 332 nghìn đồng một tháng. Chia bình quân ngày 2 bữa, mỗi bữa 5.500 đồng
cho mỗi học sinh.
Nhưng không hiểu khoản tiền ấy được sử dụng như thế nào
mà cô hiệu trưởng nhà trường lại phàn nàn rằng khó khăn lắm, tiếng là nội trú
dân nuôi, nhưng mùa giáp hạt hầu hết các gia đình đều không lo nổi gạo để ăn
thì lấy gì mà đóng góp, lấy gì nuôi các em! Và các em đói vẫn cứ đói, bữa ăn của
các em không có gì ngoài cơm, muối và rau rừng.
Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Mường
Khoa, nơi 100% học sinh nội trú người dân tộc thiểu số, dù đã chuyển đổi theo
mô hình hỗ trợ từ tháng 8 năm 2011 nhưng đến nay, hơn 3 năm sau, học sinh vẫn
phải ở ghép, chưa có bếp ăn, thiếu thốn mọi bề.
Riêng tiền mua gạo cho học sinh, hiệu trưởng trường đã chỉ
ra hàng loạt khó khăn: Vào mùa giáp hạt người dân địa phương hầu như chẳng đóng
góp được gì, học sinh đi học nhưng cứ nghĩ đến gia đình đang đói quay đói quắt
nên chữ nghĩa cũng chẳng vào được bao nhiêu. Hơn nữa, thiếu ăn, các em đến lớp
cứ gật gù, vật vờ, học cả ngày mà hiểu chẳng được bao nhiêu, điều này làm cho
nhiều giáo viên đâm ra nản chí, muốn bỏ nghề.
Với đà người lớn luôn thiếu đói, trẻ em thì không có cơ hội
đến lớp bởi còn phải lo phụ giúp gia đình kiếm cái ăn, hầu như đời sống vẫn còn
đầy bóng tối nguyên thủy, e rằng, Tây Bắc sẽ còn đối diện với cái đói rất dài,
mặc dù hiện tại, đang là thế kỷ 21!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét