Ngôi chùa trong đời sống văn hoá người Khơme (Phạm Lan Oanh)

Đến vùng bà con dân tộc Khơme sinh sống, ấn tượng nổi bật là những mái chùa cong vút ẩn mình dưới hàng cây sao và cây dầu (loại cây thiêng, mọc cao, thường dùng làm thuyền trong ngày hội đua thuyền cầu nước của người Khơme). Người Khơme theo Phật giáo tiểu thừa, họ sùng bái, trọng vọng ngôi chùa và các vị sư sãi… như chính gia đình thân thiết của mình, bởi lẽ họ quan niệm cuộc sống trần thế chỉ là chốn tạm bợ, phía “bên kia” mới là cõi niết bàn, và ngôi chùa chính là nơi trung gian.

Đến vùng bà con dân tộc Khơme sinh sống, ấn tượng nổi bật là những mái chùa cong vút ẩn mình dưới hàng cây sao và cây dầu (loại cây thiêng, mọc cao, thường dùng làm thuyền trong ngày hội đua thuyền cầu nước của người Khơme). Người Khơme theo Phật giáo tiểu thừa, họ sùng bái, trọng vọng ngôi chùa và các vị sư sãi… như chính gia đình thân thiết của mình, bởi lẽ họ quan niệm cuộc sống trần thế chỉ là chốn tạm bợ, phía “bên kia” mới là cõi niết bàn, và ngôi chùa chính là nơi trung gian.

Phái tiểu thừa được bắt nguồn từ Nam Ấn, qua Srilanca rồi truyền tới Thái Lan, Miến Điện, Cămpuchia, Lào và một phần Nam Việt Nam - nơi đông đảo bà con Khơme sinh sống. Phái tiểu thừa thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nên trên Phật điện không nhiều tượng như phái đại thừa - phổ biến ở người Việt. Chính đặc điểm tôn giáo này đã chi phối gần như toàn bộ đời sống vật chất và tâm linh bà con Khơme.

Người Khơme làm nông nghiệp, sống chủ yếu trên các giồng đất cao, đời sống sản xuất còn phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên. Ngoài thời gian lao động, người Khơme đều lên chùa và hảo tâm đóng góp cho nhà chùa, nên các ngôi chùa ở đây thường to đẹp và trang trí cầu kỳ, lộng lẫy. Ngôi chùa của người Khơme là một thiết chế cộng đồng tương tự như ngôi đình làng của người Việt, ngôi nhà chung của bà con các dân tộc sống ở Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Song thực chất, trong đời sống cộng đồng, ngôi chùa của người Khơme còn gắn bó mật thiết với người dân hơn nhiều. Từ khi con trẻ cần biết chữ, đến tuổi đi học, thì trường học đầu tiên chính là ngôi chùa. Sau này, muốn trở thành thanh niên được cộng đồng công nhận, người đó đã phải trải qua những năm tháng tu hành ở chùa. Đám cưới, đám tang của người Khơme đều có sự tham gia của các vị sư sãi. Người Khơme thờ tổ tiên tại các ngôi chùa, do vậy, trong đời sống tâm linh, người Khơme gắn bó vô cùng chặt chẽ với hoạt động của ngôi chùa. Ngôi chùa Khơme vừa là nơi gửi gắm vong linh tổ tiên, vừa là nơi đào tạo các công dân cả về học vấn và văn hóa cư xử trong cuộc sống hằng ngày.v.v… Có thể nói ngôi chùa có vị trí quan trọng vào bậc nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng bà con dân tộc Khơme.

Người Khơme có nhiều ngày lễ trong năm, hầu hết những lễ đó đều liên quan chặt chẽ đến Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian (tổng kết sơ bộ có tới 22 “đám phước”, chưa kể số lễ tết theo phong tục của người Hoa và người Việt mà người Khơme chịu ảnh hưởng). Kho tàng văn hóa dân gian của người Khơme Nam Bộ rất phong phú và đặc sắc, bao chứa nhiều nét riêng trong lịch sử giao lưu và tiếp biến với văn hóa Ấn Độ, Chăm Bàlamôn, Việt, Hoa… trong bối cảnh tương đồng Phật giáo tiểu thừa Đông Nam Á. Những điệu múa Dùkê, sân khấu Rôbăm, những làn điệu dân ca, dân vũ, những nhạc cụ điển hình, nghệ thuật tạo hình, phong tục tập quán, những câu chuyện, giai thoại văn học dân gian … đều phản ánh đậm đà đời sống tinh thần diễn ra ở từng phum, sóc.

Hiện nay đời sống vật chất của bà con Khơme còn đang gặp không ít khó khăn, nhiều nơi thiếu đất canh tác, mức thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống gia đình, (trong khi đó bà con Khơme vốn có “truyền thống” làm phước cho nhà chùa, mỗi hộ gia đình người Khơme một tháng có 6 ngày, ít nhất cũng phải 4 ngày cúng cơm cho nhà chùa là mồng 8, 15, 23, 30 âm lịch), bản tính người dân ít bon chen, chưa thích nghi với kinh tế thị trường, ít chăm lo cho tương lai, của cải phần lớn đều đem dâng cúng chùa nên đời sống còn gặp nhiều bất trắc, nhất là khi mùa màng thất bát hoặc lụt lội, bệnh dịch bất thường… Theo đánh giá chung, người Khơme có mức sống còn thấp so với một số tộc người anh em khác, nhất là so với mức thu nhập chung của bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong tình hình thực tế hiện nay, khi cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã trở thành phong trào sâu rộng toàn quốc, đời sống văn hóa của bà con Khơme nơi phum sóc đã trở thành mối quan tâm chung của nhiều ngành, nhiều tổ chức, đoàn thể thì mô hình và phương pháp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở từng địa bàn cụ thể có vai trò quyết định sự thành công của cả cuộc vận động lớn. Quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, các chỉ thị, quyết định của Bộ Văn hóa - Thông tin và tỉnh uỷ, uỷ ban nhân dân các tỉnh có đồng bào Khơme sinh sống, ngành văn hóa thông tin hợp sức cùng các ngành chức năng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng đồng bào Khơme ngày càng phát triển theo phương châm đoàn kết dân tộc, phát triển toàn diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất theo tinh thần của Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ Đảng (khoá IX) đã đề ra.

Trên cơ sở đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa cụ thể của bà con Khơme vùng đồng bằng sông Cửu Long và những mục tiêu cần đạt được đến năm 2010, những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách cũng như một số giải pháp trước mắt về công tác dân tộc do Đảng đề ra, chúng tôi xin đề cập một số vấn đề sau:

Cần khẳng định vai trò quan trọng của ngôi chùa  trong đời sống của bà con dân tộc Khơme. Ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, mà còn thực sự trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, xã hội của bà con ở cơ sở phum, sóc Khơme. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở không thể không chú ý tới vai trò và tác động to lớn của các ngôi chùa và chư vị đại đức, sư sãi trong chùa. Thực chất, trước năm 1975, việc giáo dục và đào tạo.v.v… diễn ra trong ngôi chùa Khơme không nằm trong sự quan tâm của chính quyền Mỹ - Ngụy Sài Gòn, chính quyền không can thiệp sâu với lý do đó là sinh hoạt tôn giáo của riêng cộng đồng người Khơme. Sau năm 1975, Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm đến bà con dân tộc Khơme, song do nhiều nguyên nhân khác nhau nên sự quan tâm đó chưa kịp thời, đầy đủ, đôi khi còn bất cập, đã tạo ra một số xáo trộn nhất định. Cụ thể, việc giáo dục trong nhà chùa bị gián đoạn, một số hoạt động khác của nhà chùa cũng thưa vắng hoặc quy mô không còn hoành tráng, to lớn nữa.v.v… Từ sau thời kỳ đổi mới, nhiều hoạt động xung quanh nhà chùa được khôi phục theo đúng truyền thống và phong tục tập quán của bà con. Cũng từ đây, trong bối cảnh xây dựng đời sống văn hóa mới, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, đẩy mạnh đã nảy sinh một số vấn đề, mà chủ yếu liên quan đến hai lĩnh vực:

+ Hoạt động giáo dục: Việc thành lập các trường phổ thông công lập từ cấp tiểu học đến trung học một mặt tạo điều kiện cho trẻ em được theo học chính quy, song mặt khác cũng làm giảm sút hoạt động giáo dục đào tạo tại các ngôi chùa Khơme Nam Bộ. Theo chính sách của Nhà nước, trẻ em từ 6 tuổi được đến trường học chữ quốc ngữ và các tri thức khoa học, xã hội khác. Đối với bà con Khơme, việc được học chữ của người Khơme chưa được triển khai dạy song song ở các trường phổ thông, do đó cũng tạo ra một lỗ hổng về tri thức văn hóa tộc người. Từ những năm đầu của thập kỷ 90 (thế kỷ XX), khi cơ chế xã hội đã thoáng mở hơn, một số hình thức giáo dục đào tạo tại chùa Khơme lại được phục hồi. Việc kết hợp giáo dục tri thức đạo và đời đi đôi với việc dạy và học chữ Pali, tiếng Anh, kiến thức về Phật học và văn hóa Việt Nam nói chung đã được tiến hành, đem lại hiệu quả cao. Một số kiến thức mới về khoa học kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, y tế.v.v… cũng được kết hợp truyền dạy trong nhà chùa Khơme. Như vậy, vai trò giáo dục trong nhà chùa đối với một số đối tượng nhất định đã có tác dụng và ảnh hưởng tốt đến đời sống bà con dân tộc Khơme.

+ Hoạt động văn hóa: Một số hoạt động văn hóa gắn với tôn giáo và lễ hội dân gian do nhà chùa và nhân dân đứng ra tổ chức thực sự đem lại đời sống tinh thần phấn chấn cho bà con và mang lại hiệu quả xã hội tốt trong vùng đồng bào Khơme sinh sống. Việc kết hợp với những thiết chế văn hóa mới (từ đầu tư của Nhà nước như thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, loa đài truyền thanh.v.v…) cũng như tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà nhà chùa tự trang bị như loa đài, ti vi, internet, điện thoại… khiến diện mạo và phương thức truyền bá thông tin đã được cải thiện đáng kể trong các phum, sóc Khơme. Không chỉ riêng đời sống văn hóa cải thiện rõ rệt, đời sống sản xuất nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật do các sư sãi trong chùa truyền dạy (một phần) cũng góp phần cải thiện đời sống cho bà con.

Tuy nhiên, thực tiễn đời sống văn hóa của bà con Khơme đang còn nhiều vấn đề nổi cộm cần các cơ quan, ngành chức năng quan tâm giải quyết nhằm tạo động lực phát triển cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đang được triển khai trên phạm vi cả nước. Đó là:

- Việc kết hợp chức năng nhà chùa Khơme như một thiết chế văn hóa mới có làm giải thiêng ngôi chùa hay không? Thực tế ở miền xuôi với ngôi đình làng người Việt, hay ở vùng Tây Nguyên với thiết chế ngôi nhà Rông… vấn đề phối hợp hoạt động giữa thiết chế mới và truyền thống cũng đang được đặt ra một cách cấp thiết. Làm thế nào để ngôi chùa vẫn phát huy được chức năng truyền thống vốn có của nó, đồng thời chứa đựng được những chức năng mới là một việc không đơn giản. Hàng loạt câu hỏi cần trả lời thấu đáo khi muốn kết hợp chức năng ngôi chùa linh thiêng và ngôi chùa là một thiết chế phục vụ cho đời sống văn hóa mới của người dân. Dẫu rằng khuôn viên ngôi chùa Khơme thường to lớn, bề thế (hàng ngàn mét vuông) và bố trí kiến trúc khá tách bạch giữa nơi thờ Phật và khu tu luyện, nhà đọc sách, nhà ăn.v.v… khá thích hợp cho các hoạt động văn hóa mới diễn ra, song việc quyết định đầu tư và thực hiện các loại hình tuyên truyền văn hóa mới như thế nào để không phá không gian tu hành linh thiêng chốn chùa chiền vẫn là vấn đề không dễ giải quyết.

Hơn nữa, không thể chỉ phó thác nội dung của cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới vào hoạt động của các vị sư sãi và nhà chùa bởi, trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, chính quyền, mặt trận tổ quốc, ngành văn hóa - thông tin, y tế, giáo dục, công an, hội phụ nữ.v.v… ở địa phương có vai trò hết sức to lớn. Phương thức tốt nhất là kết hợp hài hòa giữa hoạt động của các ngành chức năng với hoạt động của nhà chùa (kiêm cả giám sát kiểm tra). Số tiền đầu tư của Nhà nước dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển mạng lưới y tế, giáo dục, văn hóa - thông tin, cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo.v.v… không phải là nhỏ, vậy vấn đề đặt ra là phải giải quyết mối quan hệ này ra sao để sự đầu tư của Nhà nước và ý nguyện của người dân cùng gặp gỡ để đem lại hiệu quả thực sự cho sự phát triển của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại vùng bà con Khơme sinh sống.

Trên đây là một vài suy nghĩ về một số vấn đề có tính nổi cộm do bản thân đời sống văn hóa cơ sở đang đặt ra. Thực tế, nhiều vấn đề khác như ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, ảnh hưởng sách báo văn hóa phẩm và các phương tiện băng nhạc, đĩa hát.v.v… bằng tiếng Khơme, chữ Khơme từ nhiều nguồn xâm nhập vào từng phum, sóc trong khi chúng ta chưa kiểm soát được tầm nguy hại.v.v… vẫn đang gặm mòn và tác động đến đời sống văn hóa tinh thần của bà con. Thêm vào đó, mức thu nhập thấp, thiên tai lũ lụt đe dọa, nạn ô nhiễm môi trường sinh thái.v.v… là những vấn đề xã hội chúng ta đang phải đối mặt từng ngày từng giờ không phải là những vấn đề không liên quan mật thiết đến công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Do vậy, phát huy vai trò của nhà chùa trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng đồng bào Khơme là một vấn đề vừa mang tính lý luận, vừa là đòi hỏi từ thực tiễn khách quan. Thiết nghĩ, việc điều tiết hợp lý giữa vai trò, bổn phận của nhà chùa với việc chăm lo phần đạo và đời cần được cân nhắc sao cho phù hợp với từng địa bàn cụ thể, phù hợp với đường lối phát triển văn hóa xã hội của đất nước trong bối cảnh mới.
 Phạm Lan Oanh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét