Ẩm thực dân tộc Khmer Nam bộ (Tâm Như)

Khmer là một trong 4 dân tộc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, họ sống chủ yếu là nghề làm ruộng lúa, vì vậy thức ăn chính của người Khmer là cơm gạo tẻ. Cũng giống như người Kinh, người Khmer cũng có các món ăn khác được chế biến từ gạo nếp như: xôi, chè, bánh tét, bánh ú,…Nói đến món ăn đặc sắc của người Khmer thì không thể không kể đến món bún nước lèo đậm đà hương vị mắm prohoc ăn kèm với các loại rau, gia vị đặc trưng của dân tộc Khmer.

Nếu người Việt có món nước mắm và các loại mắm là món ăn truyền thống thì người Khmer nổi tiếng là món mắm prohok.  Mắm prohoc chế biến từ cá đồng lẫn cá biển, cá nhỏ hoặc cá to, ngoài ra còn có món mắm ơn pử làm từ tôm, tép hay mắm pô inh làm từ các sặc. Các loại mắm này được người dân Khmer ăn sống, chưng, chiên, kho hay làm gia vị nấu các món ăn khác. Hầu như tất cả các món ăn của người Khmer đều có hương vị đặc trưng của món mắm prohoc, một hương vị đậm đà không lẫn đi đâu được. Trong ẩm thực của người Khmer đặc biệt thích cho nước cốt dừa vào trong các món ăn.
Khẩu vị của người Khmer là vị chua và vị cay. Vị chua chủ yếu được lấy từ trái me, lá me non hoặc cơm mẻ. Vị chua này được dùng trong món canh sim lo, món ăn có cách nấu rất công phu, phải dùng cá đồng nấu với rau ngổ, chuối cây và nêm thêm mắm prohoc thì mới đúng điệu. Đây là món canh được dùng rất phổ biến trong các phum sóc của người Khmer.
Người Khmer Nam Bộ thường làm rất nhiều bánh ngọt cổ truyền vào những dịp lễ, tết, đám cưới, đám làm phước. Bánh làm xong thường được đựng trong các giỏ đan bằng lá dừa để đem vào chùa tặng các vị sư sãi hoặc tặng ông bà, cha mẹ, họ hàng, láng giềng và tặng những vị ân nhân của gia đình như thầy thuốc, thầy giáo,…các loại bánh phổ biến như: bánh bò thốt nốt, bánh tổ yến, bánh gừng, bánh lăng bí, dưa củ riềng,…Đặc biệt món cốm dẹp, một món ăn cổ truyền mang tính đặc trưng dân tộc không thể thiếu trong lễ hội Ok om bok ( lễ cúng trăng) của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Cốm dẹp được làm từ những hạt lúa non mới gặt được giã ra thơm ngát, khi ăn được trộn thêm ít đường, dừa bào sợi tạo vị vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm rất hấp dẫn.
Trong lễ cưới của người Khmer hầu như không thể thiếu ba loại bánh  cổ truyền để cúng trên bàn thờ tổ tiên, đó là bánh quạt, bánh củ gừng và bánh bông lan. Ba loại bánh này sẽ được xâu kết lại một cách khéo léo thành hình dáng ngôi tháp Khmer trông rất đẹp mắt.
Vào dịp lễ hội với ý nghĩa tạ ơn trời đất, thì bánh dây hay còn gọi là bánh dứa thường được đồng bào dân tộc Khmer ưa chuộng. Đây là một loại bánh dân gian được làm đơn giản hơn bánh tổ yến nên nhiều người Khmer còn dùng nó trong sinh hoạt hằng ngày và làm bán mời khách du lịch thưởng thức một món ăn cổ truyền của người Việt Nam mang đậm phong cách dân tộc Khmer Nam Bộ.

 Tâm Như (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét