Mẫu hệ của dân tộc Chăm (Văn Phú)

Phú Văn Hẳn. Mẫu hệ của người Chăm hiện nay
Thuật ngữ “mẫu hệ” (tiếng Anh là “matriarchy”) ra đời vào thế kỷ thứ XIX, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: “meter” nghĩa là “mẹ” và “archê” nghĩa là “nguồn gốc, bắt nguồn” sau này có nghĩa là “luật, tục”. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên bởi E.B.Tylor vào năm 1896 (biết qua công trình nghiên cứu của J.J.Bachofen và L.H. Morgan), trong bài “Hệ thống gia đình mẫu hệ”.
Nhiều người đã xem mẫu hệ hay chế độ mẫu hệ (matriarchy) nghĩa là người phụ nữ, người cai trị, nắm quyền hành, tương tự như phụ hệ thường đi đôi với phụ quyền, và đồng nhất mẫu hệ với mẫu quyền. Mẫu hệ thường bao hàm hình thức tổ chức cộng đồng trong đó quyền lực nằm ở những người phụ nữ hay những người mẹ và chế độ mẫu hệ hay chế độ mẫu quyền là một hình thái tổ chức xã hội trong đó người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ, giữ vai trò lãnh đạo, quyền lực và tài sản được truyền từ mẹ cho con gái” [Bách khoa toàn thư, Wikipedia].
1. Một số vấn đề về mẫu hệ
Bửu Lịch trong Nhân chủng học và lược khảo thân tộc học viết: “Thông thường người ta hiểu mẫu hệ như là một chế độ mà người phụ nữ có quyền hành vượt trội trên đàn ông trong nhiều phạm vi, lĩnh vực” và ông đã đúc kết rằng mẫu hệ là công thức kết hợp giữa mẫu quyền và mẫu cư. [Bửu Lịch 1970: 343].
Thế kỷ thứ XIX, theo thuyết tiến hóa cho rằng, lịch sử tiến hóa của xã hội loài người phát triển từ thấp đến cao với xã hội đầu tiên là xã hội mẫu quyền. Theo Britanica Micropeadia “Dưới ảnh hưởng của thuyết tiến hóa của Charles Darwins và một phần trong công trình của người Thụy Sĩ J.J. Bachofen và Lewis H. Morgan, cho rằng mẫu hệ đã kế tục thời kỳ quần hôn và có trước thời kỳ phụ hệ trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Mẫu hệ là một hình thái tổ chức xã hội được hình thành trong xã hội nguyên thủy - thời kỳ sớm của lịch sử phát triển xã hội loài người, khi con người nhận thức được sự cần thiết phải từ bỏ tập tục quần hôn và bắt đầu có ý thức về dòng họ bởi tập tục quần hôn khiến cho người ta không xác định được chính xác cha của đứa bé là ai, trong khi đó huyết thống phía mẹ thì hoàn toàn được xác định rõ.
Mẫu hệ là sự nhận thức về dòng họ trong quá trình hình thành cộng đồng theo nguyên lý cùng dòng giống (co-descenlance). Theo nguyên lý này, những người do cùng một mẹ sinh ra (huyết thống mẹ) luôn có một sợi dây liên kết chặt chẽ. Trong xã hội nguyên thủy, dưới hình thức quần hôn, người cha không có nhiều trách nhiệm cũng như sự ràng buộc với gia đình, con cái, còn người mẹ là người sinh con ra, nuôi nấng, dạy dỗ con cái từ lúc còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Từ đó hình thành nên những thị tộc mẫu hệ hay thị tộc mẫu quyền là “tập thể ngoại hôn của những người cùng huyết thống tính theo dòng mẹ, tự giác về sự thống nhất của mình theo tên gọi chung của thị tộc, trong các nghi lễ tôtem giáo và là một đơn vị kinh tế - xã hội của xã hội nguyên thuỷ, tìm thấy ở nhiều tộc người trong nhiều giai đoạn khác nhau của xã hội chưa có giai cấp như ở một bộ phận thổ dân Úc, ở người Mélanésie, ở thổ dân Bắc Mĩ, vv… Đặc điểm của xã hội mẫu hệ là người phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong sản xuất, trong đời sống gia đình và ngoài xã hội”[Bách khoa toàn thư điện tử]
J.M. Lenan (1827-1881) tác giả người Anh, trong cuốn “Hôn nhân nguyên thủy”, khi tìm hiểu những tập quán đã từng tồn tại một cách phổ biến trong các nền văn hóa khác nhau như cưới trộm, hôn nhân ngoại tộc (ngoại tộc hôn), hôn nhân đa phu (người phụ nữ lấy nhiều chồng), đã coi đó là những đặc điểm của những thị tộc theo dòng mẹ [dẫn theo J.M. Lenan 1865: 35]
Như vậy quan điểm của các nhà khoa học theo thuyết tiến hóa thì chế độ mẫu hệ chính là dấu vết của xã hội mẫu quyền thời xa xưa. Những cộng đồng có lịch sử mẫu hệ cận đại dưới áp lực của hiện đại hóa và sự phân công lao động xã hội, đã chuyển sang phụ hệ. Như vậy, với đa số các cộng đồng xã hội hiện đại, mẫu hệ là một “giai đoạn” trong lịch sử phát triển của nó, mà những dấu tích vẫn còn dưới hình thức này hay hình thức khác.
Theo Edward Westermarck (1862 - 1939), nhà dân tộc học và xã hội học Phần Lan, giáo sư đại học ở Henxinki và Luân Đôn, với tác phẩm "Lịch sử hôn nhân của loài người" cho rằng, chế độ một vợ một chồng là phương thức hôn nhân gia đình sớm nhất trong xã hội nguyên thủy, đồng thời phủ nhận hiện tượng tạp hôn và chế độ mẫu hệ. Trong “Bách khoa toàn thư về nhân học xã hội và văn hóa” (1996) thì, “Mẫu quyền là chỉ tới sự thống trị của các thành viên nữ trong xã hội, và mẫu hệ là cách tính dòng dõi về phía mẹ” [Thu Nhung Mlô 2000: 52]. Theo đó, F.Ănghen quan niệm, chế độ mẫu quyền là chỉ huyết tộc về phía mẹ, những người cùng họ hàng trong cùng một thị tộc mới được kế thừa và tài sản được trao cho những người cùng huyết tộc với người mẹ, con cái của người đàn ông chết đi lại không thuộc về thị tộc của người đó, mà thuộc về thị tộc của mẹ [Ph. Angghen 1961: 79].
Như vậy, nếu khái niệm phụ hệ và phụ quyền lại gần như là một thì mẫu hệ và mẫu quyền có khác nhau. Trên cơ sở nghiên cứu xã hội mẫu hệ của nhiều dân tộc, các nhà khoa hoc đã xác định mẫu hệ là cách tính dòng dõi theo phía mẹ, quyền thừa kế tài sản, quản lý tài sản và con cái đều được truyền lại cho con cháu của người phụ nữ. Quyền này có khi chỉ thể hiện ở việc lấy họ mẹ đặt cho con cái gọi là mẫu tính (matronymic hay metronymic) hoặc người đàn ông về ở nhà vợ gọi là mẫu cư (matrilocal). Còn mẫu quyền thì đi xa hơn, quyền hành gia đình và xã hội nằm trong tay nữ giới.
Mẫu hệ” (matriarchy) hay mẫu dòng (matrilineality), mẫu quyền (matrifocality), gợi đến một giá trị lịch sử truyền thống hơn là hiện đại, và thường được dùng để mô tả những cộng đồng, những xã hội cổ, truyền thống mà ngày nay càng hiếm hoi, như người Musuo 摩梭 ở Trung Quốc, đảo dân Minicoy, cộng đồng người Nair, bang Minangkabau, cộng đồng người Tojolabalians, … Ở Việt Nam, có nhiều tộc người cư trú ở Trường Sơn Tây Nguyên thuộc loại hình xã hội mẫu hệ bao gồm các tộc người Chăm, Êđê, Raglai, J’rai, K’ho, M’nông, Mạ... Ngoài ra ở một số tộc người ở các vùng Tây Tạng, Nêpan, nam Ấn Độ và Srilanka, phía Bắc Nigeria và Bắc Camơrun… còn tồn tại tục đa phu, người phụ nữ được phép chọn nhiều chồng. Encyclopedia Britannica nghi ngờ, “mẫu quyền như là một giai đoạn trong lịch sử phát triển xã hội trên toàn thế giới” và cho rằng một xã hội thật sự mẫu quyền, hoàn toàn mẫu quyền chưa từng tồn tại trong lịch sử” [Britannica]
Xã hội mẫu hệ của các dân tộc trên thế giới thể hiện khá phong phú và đa dạng. Tùy theo từng địa phương, từng dân tộc mà vai trò và quyền hành của người phụ nữ được thể hiện khác nhau nên việc thừa kế và quản lý tài sản, con cái hoặc hình thức cư trú sau hôn nhân có những nét khác nhau. Chẳng hạn, ở người Minangkabau ở Tây Sumatra (Indonesia) tài sản của ông bà vẫn chuyển giao cho dòng nữ nhưng “Người phụ nữ không đứng ra quản lý tài sản này mà nó lại được giao cho anh trai của người ấy… ông ta quản lý tài sản bên mẹ và được truyền lại cho các cháu trai là con của chị em gái mình” [Thu Nhung Mlô 2000: 23]. Bộ lạc Goajiro Arawak ở Columbia và Venezuela với khoảng 60.000 người sống ở Nam Mỹ thì cha và dòng họ bên cha được ghi nhận. Con sinh ra lúc đầu sống với mẹ, sau đó một người chị gái hay em gái của mẹ sẽ nuôi cháu gái, còn người anh trai hoặc em trai của mẹ sẽ nuôi những đứa cháu trai. Như vậy dù đứa trẻ là trai hay gái thì cũng được nuôi dưỡng và lớn lên trong dòng tộc bên mẹ. Với người Musuo ÂÂÂ 摩梭 tính chất mẫu hệ ở đây được thể hiện dưới nhiều hình thức, nhưng nổi bật là các tục lệ chọn bạn trai trong lễ hội, khi có con thì con sống với mẹ, người bố chỉ được đến thăm con chứ không được ở lại v.v…
Tóm lại, mẫu hệ là việc tính theo dòng mẹ, con cái mang dòng mẹ, thừa kế tài sản theo dòng mẹ và vợ chồng sau hôn nhân cư trú phía nhà vợ. Trong xã hội mẫu hệ, phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình và dòng họ. Đặc điểm bao trùm lên toàn bộ xã hội của các tộc người trên là vai trò nổi bật của dòng nữ (dòng mẹ). Như vậy, mẫu hệ ở đây được hiểu là một xã hội trong đó quan hệ huyết thống và quan hệ thừa kế được tính theo dòng của mẹ. Mẫu hệ vừa là một hình thái xã hội, vừa được xem như là một hình thái văn hóa trong đời sống tộc người.
2. Nguồn gốc mẫu hệ Chăm
Hiện cũng không ít người hiểu mẫu hệ Chăm theo nghĩa đen là một chế độ xã hội mà đàn bà nắm quyền, trong đó có quyền bắt rể và các con cái phải lấy họ mẹ. Điều này không hoàn toàn đúng, vì thực tế đối với người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận, con gái đến tuổi trưởng thành đều đi hỏi con trai làm chồng, con trai đi ở rể và các con đều theo theo huyết thống dòng họ mẹ, song đối với người Chăm Nam Bộ thì con trai phải đi hỏi vợ, có thể ở rể hoặc không, nhưng các con đều phải theo huyết thống dòng họ cha [Phú Văn Hẳn 1996: 12]. Về nguồn gốc của chế độ mẫu hệ Chăm, có thể xem xét các yếu tố: nguồn gốc lịch sử, chính trị - kinh tế, nguồn gốc nhân chủng và yếu tố tình cảm:
- Về nguồn gốc lịch sử, theo truyền thuyết, dân tộc Champa tôn xưng Nữ thần Pô Inư Nưgar là “Thần mẹ của xứ sở”, người đã khai sáng ra giang sơn gấm vóc của dân tộc Champa. Pô Inư Nưgar là nữ thần khai hóa dân tộc Champa, dạy cho họ biết phép trị nước an dân, biết phương cách sản xuất lúa chiêm, lúa nước, biết cách dẫn thủy nhập điền để phát triển kinh tế và cách thức trồng bông dệt vải, mang đến cho dân tộc Champa một cuộc sống ấm no sung mãn. Phải chăng vì nhân vật đầu tiên khai sáng ra non sông Champa là một nữ thần nên dân tộc Champa từ trong quá khứ của cội nguồn?
- Về yếu tố kinh tế - xã hội, người Chăm trước đây nổi tiếng là giỏi nghề đánh cá, đi biển, dải đất miền Trung với đường bờ biển dài thuận lợi cho việc đi buôn và đánh bắt hải sản, nghề này lại phù hợp với đàn ông nên họ thường đi xa và phải vắng nhà cho nên người phụ nữ có vai trò rất quan trọng, họ quán xuyến mọi việc trong gia đình.
- Về nhân chủng, theo các nhà khảo cổ, người Chăm vốn là giống dòng Mã Lai - Đa đảo, một vùng thuộc văn minh hải đảo chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn và Islam mà hiện nay vẫn còn theo chế độ mẫu hệ.
- Về yếu tố tình cảm, do người cha thường vắng nhà, mẹ là người mang nặng đẻ đau, sống gần gũi và chăm sóc dạy dỗ con cái nên con cái thường thương yêu mẹ hơn cha.
Thiết nghĩ, người Chăm cho rằng Pô Nagar được xem là người có công tạo dựng Champa, nên đã tác động sâu sắc đến niềm tin và tín ngưỡng của cộng đồng này. Khi Bà la môn giáo và Islam giáo (đều đề cao phụ hệ) du nhập vào người Chăm thì xã hội mẫu hệ hay những dấu ấn của xã hội mẫu hệ vẫn tồn tại. Như vậy, mẫu hệ dân tộc Chăm không phải sản phẩm văn hóa của Bà la môn giáo hay Islam giáo mà dường như nó đã tồn tại trước khi tiếp xúc văn hóa Ấn Độ.
Người Chăm là một trong những dân tộc, tộc người Mã lai – Đa đảo (gồm người Chăm, Raglai, Êđê, Chu Ru, Gia Rai) có truyền thống văn hóa mẫu hệ. Những gia đình mẫu hệ có những khác biệt nhất định giữa các dân tộc và thay đổi ít nhiều theo thời gian về quy mô, cấu trúc, cách thức vận hành… Dân tộc Êđê, văn hóa mẫu hệ chi phối đến vị thế của mọi người trong gia đình. Phụ nữ Êđê gần như nắm giữ toàn bộ sinh hoạt trong gia đình. Bên cạnh đó người phụ nữ còn có vị thế trong cộng đồng và ngoài xã hội. Trong khi đó, người J’rai dù theo mẫu hệ nhưng lại kiêng không cho phụ nữ vào nhà rông (ngôi nhà chung của cộng đồng). Với người Chăm, mặc dù trải qua những bước thăng trầm của lịch sử và chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng cộng đồng này vẫn bảo lưu bản sắc truyền thống của riêng mình, nổi bật là mẫu hệ, phản ánh trong nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế, giáo dục, hôn nhân - gia đình và thừa kế tài sản v.v…
Văn hóa mẫu hệ ngoài việc phản ánh rõ trong gia đình, dòng họ Chăm, tác động mạnh mẽ đến tổ chức xã hội dựa trên dòng mẹ, các nghi lễ theo dòng mẹ cũng là yếu tố quan trọng cấu thành hệ thống lễ nghi phong tục tập quán người Chăm. Trong xã hội truyền thống, mọi sinh hoạt gia đình, người phụ nữ Chăm giữ vai trò quan trọng trong hôn nhân, trong tang lễ, trong tế tự, trong vấn đề quản thủ tài sản lẫn con cái trong gia đình.
Trong hôn nhân, con gái đến tuổi lập gia đình, thì người phụ nữ chủ động trong việc hỏi chồng, cưới chồng. Con cái sinh ra nhận bên “mẹ” làm nội. Người mẹ có quyền quyết định đối với các con, người đàn bà lớn tuổi nhất trong gia đình có quyền quyết định hết thảy công việc trong gia đình, dòng họ. Tuy đàn ông thực tế có vai trò chính trong lao động sản xuất nhưng chủ gia đình luôn là người đàn bà cao tuổi. Người quản lý tài sản, nhà cửa, ruộng vườn… là người vợ. Phong tục người Chăm qui định con theo họ mẹ. Nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ. Chỉ có con gái được thừa kế tài sản, đặc biệt người con gái út phải nuôi dưỡng cha mẹ già nên được phần chia tài sản nhiều hơn các chị. Trong trường hợp hai vợ chồng ly hôn, tất cả con cái đều ở với mẹ. Gia sản chung của hai vợ chồng đều giao lại cho vợ quản lý và giao lại cho người con gái trong gia đình. Người đàn ông ra đi với hai bàn tay trắng.
Ðối với việc thờ cúng trong gia đình đều cho người đàn bà (vợ) đảm đang, quán xuyến mọi việc vì người chồng là người ngoài tộc (urang parat), không được quyền điều hành những vấn đề liên quan đến công việc thờ cúng, tế tự bên vợ. Về tế tự tổ tiên, ông bà, tiền nhân mang ý nghĩa tỏ lòng nhớ ơn sanh thành và lưu truyền nòi giống cho dòng tộc, cho gia đình, dân tộc.
Nếu chẳng may người chồng qua đời trước, người vợ, sau khi lo hỏa táng cho chồng thì sẽ mang 9 miếng xương trán của chồng quá cố về dòng họ bên chồng tiến hành nhập Kut (nghĩa địa tập thể dòng họ mẹ). Người Chăm quan niệm trước khi ra đời, đứa bé nằm ngay bên cạnh mẹ (trong bụng), nên khi chết đi cũng phải ở bên cạnh mẹ, chung một nghĩa trang tộc mẹ. Trong tế tự đền đài hoặc những lễ hội liên quan đến cộng đồng làng xóm, người đàn bà trong gia đình đều có trách nhiệm.
Nói tới mẫu hệ, nhiều người cho đó là một chế độ xã hội hoặc gia đình mà người đàn bà có đủ mọi thứ quyền; quyền làm chủ gia đình, quyền quản thủ tài sản, con cái, quyền chính trị, quyền xã hội, quyền chi tiêu tiền bạc... Nhưng trên thực tế, trong mẫu hệ Chăm, người phụ nữ chỉ có quyền hành trong gia đình, lo coi sóc chuyện gia đình như là bổn phận phải nối dõi dòng họ và lo việc thờ cúng trong khi người đàn ông có trách nhiệm và quyền hạn đối với xã hội. Triết lý sống này được thể hiện ngay trong câu nói của người Chăm:
“Likei dơng di mưsuh, kamei dơng di mưnưk”
Tức là “Phận của đàn ông là chiến đấu, phận của đàn bà là sinh nở”
(Đàn ông chịu trách nhiệm chiến đấu, đàn bà chịu trách nhiệm sinh đẻ).
Ngày nay, mẫu hệ người Chăm vẫn duy trì truyền thống ở rể, vẫn là thành viên của họ mẹ và họ vợ. Mẫu hệ ở đây được phân công một cách hợp lý. Tuy phụ nữ là người chủ gia đình nhưng vai trò của nam giới đối với gia đình khá quan trọng chi phối mạnh mẽ đến cuộc sống gia đình và xã hội. Đây là sự phân công bình đẳng hợp lý trong xây dựng và phát triển gia đình và xã hội. Điều này có thể giải thích tại sao người Chăm theo mẫu hệ mà lại không có nữ vương? Po Inư Nưgar được cho là nữ anh hùng xuất chúng nhưng cũng không phải là vua. Quyền học hành cũng được ưu tiên cho con trai hơn.
3. Những biến đổi trong xã hội mẫu hệ người Chăm
Theo thời gian, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của người Chăm có nhiều biến đổi, từ đó làm biển đổi ít nhiều văn hóa mẫu hệ của người Chăm. Tùy theo từng địa phương, từng dân tộc mà vai trò và quyền hành của người phụ nữ được thể hiện khác nhau nên việc thừa kế và quản lý tài sản, con cái hoặc hình thức cư trú sau hôn nhân có những nét khác nhau.
Cộng đồng người Chăm theo đạo Islam có sự pha trộn giữa yếu tố văn hóa mẫu hệ truyền thống và văn hóa Islam, trong đó hình thức cư trú sau hôn nhân là một thể hiện của sự pha trộn này. Chẳng hạn như trước đây chú rể ở hẳn nhà gái, nhưng ngày nay điều này không bắt buộc, có khi chú rể chỉ cần ở rể vài tháng hoặc vài ngày.
Xã hội người Chăm Nam Bộ là sự kết hợp của truyền thống văn hóa, niềm tin tôn giáo, thể chế chính trị - xã hội, có vai trò không thể phủ nhận được trong việc duy trì và phát triển lâu dài của cộng đồng, tạo ra những giá trị, những quy tắc, những thể chế được tôn trọng và không dễ dàng thay đổi. Đó là sự lệ thuộc của cá nhân vào tín ngưỡng, tôn giáo của dòng họ. Mọi người khi qua đời đều được đưa vào nghĩa địa dòng họ mẹ. Ngay như người đàn ông đi lấy vợ và phải ở rể, khi chết đi, nếu là người Bani, thi thể phải được đưa về chôn ở nghĩa địa (ghur, kut) của họ mẹ mình. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý, nhiều người không muốn ly hương vì sợ khi chết ở bên ngoài làng là chết xấu.
Hoàn cảnh xã hội thay đổi kéo theo những biến đổi và ảnh hưởng đến mẫu hệ của người Chăm trên một số khía cạnh và ở mức độ đậm nhạt khác nhau như nhiều yếu tố mang tính phụ hệ đã xuất hiện, sự biến đổi cấu trúc gia đình, một số thay đổi trong phong tục hôn nhân, thờ cúng, xu hướng tâm lí mong được quần cư trong Kut cũng đã suy giảm, cả cửa Kut cũng đã rộng mở hơn trước rất nhiều v.v.
Đối với người Chăm Islam ở Nam Bộ, hôn nhân được thực hiện theo nguyên tắc là “cấm tín đồ kết hôn với mẹ ghẻ, con gái, chị em ruột, các cô, dì, cháu gái (con của anh/chị/em ruột) mẹ nuôi, chị em cùng bú một dòng sữa với mình, mẹ vợ, con dâu, con gái riêng của vợ….” (Điều 27 chương IV kinh Koran). Đảm bảo theo nguyên tắc hôn nhân này nhưng người Chăm lại xem các hình thức hôn nhân anh em họ chéo (hôn nhân con cô con cậu) và hôn nhân anh em họ song song (hôn nhân anh em con chú con bác và hôn nhân con dì) được khuyến khích. Điều này không chỉ là sự cho phép của giáo luật mà còn nhằm để tài sản không bị lọt ra bên ngoài và con trai về nhà vợ cũng là về với người trong gia đình. Tuy hình thức hôn nhân được khuyến khích như trên lại trái với quy định của luật hôn nhân gia đình năm 2000 (được quốc hội khóa X thông qua ngày 9 tháng 6 năm 2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2001 (trang 43). Bên cạnh đó, trong tập tục adat Chăm xưa, điều kiện kết hôn của nữ là 16 tuổi, nam là 18 tuổi, thì ngày nay quy định độ tuổi kết hôn của pháp luật đã khác hẳn. Ngoài ra, trong cộng đồng Islam, giáo luật cho phép nam giới được lấy nhiều vợ… thì những điều này cũng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Mặt khác, theo văn hóa mẫu hệ truyền thống của người Chăm thì: Adat drei kamei khik sang (phận gái giữ nhà), người phụ nữ không rời bỏ palei, nói khác đi là không rời bỏ kut (hay ghur), trong khi đó người đàn ông có thể được đi xa, có thể lấy người dị tộc, nhưng người phụ nữ thì ở lại, gắn chặt đời mình trong phạm vi thôn xóm, ít khi và ít có cơ hội (về tâm lý) ra ngoài, và cũng ít có cơ hội học cao hơn so với nam giới.
Do nhu cầu phát triển chung của xã hội hiện nay, đòi hỏi người phụ nữ trong gia đình không chỉ làm mẹ, làm vợ, quản lý tài sản, dạy dỗ con cái trong phạm vi tập tục, mà họ còn là một thành viên quan trọng lưu giữ phong tục tập quán truyền thống. Phụ nữ Chăm ngày nay còn phải thể hiện trong các hoạt động xã hội hiện đại, không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, để không những chỉ hỗ trợ chồng trong công tác xã hội mà chính mình cũng phải có khả năng xốc vác xã hội.
Tóm lại, mỗi dân tộc khác nhau đều hình thành nên một nền văn hóa với những nét truyền thống đặc sắc riêng. Trong quá trình chung sống sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã làm phong phú cho nền văn hóa cổ truyền của mỗi dân tộc. Qua đó, việc tiếp nhận những yếu tố văn hóa mới của các dân tộc anh em, đồng thời cũng là việc tự giới thiệu mình, tự khẳng định mình. Văn hóa mẫu hệ Chăm dù đã qua bao thế hệ nối tiếp vẫn tiếp tục tồn tại và đã tự điều chỉnh, tiếp thu các yếu tố mới để thích nghi với hoàn cảnh mới. Việc tìm hiểu và giữ gìn các giá trị văn hóa luôn là điều cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc.
 Văn Phú (sưu tầm)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét