Một em bé của một gia đình nghèo thuộc dân tộc thiểu số
đôi khi tự đi kiếm ăn.
Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt
khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi hay còn được gọi tắt là chương trình
135, là một trong các chương trình xóa đói giảm nghèo do chính phủ Việt Nam thực
hiện từ năm 1998 đến nay. Năm nay, chính phủ quyết định thực hiện giai đoạn 3 của
chương trình này với mong muốn giảm số hộ nghèo xuống dưới 35%. Liệu cuộc sống
của những người dân tộc hiện sống ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, những người được
hưởng lợi từ các chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ đã thực sự được
cải thiện? và họ mong muốn gì trong giai đoạn tới?
Tỷ lệ hộ nghèo người
dân tộc chiếm từ 45% đến 70%
Chị Liên là người dân
tộc Nùng, hiện sống ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Gia đình chị hiện có 2 vợ chồng và
hai con nhỏ đang học cấp 1. Trong nhiều năm, gia đình chị được xếp vào hộ nghèo
ở nông thôn và được hưởng trợ cấp từ chính phủ. Thế nhưng năm nay, gia đình chị
được nâng cấp lên hộ cận nghèo tức có mức thu nhập khoảng 400,000 đồng một người
một tháng. Với sự ‘nâng cấp’ này, gia đình chị bị cắt một loạt các trợ cấp vốn
đã ít ỏi trước đây và đẩy kinh tế gia đình chị vào nhiều khó khăn, nhất là chuyện
học phí, bảo hiểm y tế cho hai đứa con nhỏ.
Hoàn cảnh của gia đình
chị Liên cũng là hoàn cảnh của rất nhiều người dân tộc ít người khác tại VN.
Theo điều tra cơ bản năm 2012 của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã,
thôn, bản đặc biệt khó khăn còn chiếm tới 45%, thậm chí có xã có từ 70 đến 80%
số hộ thuộc diện nghèo
Chị Liên: Năm ngoái là hộ nghèo, nhưng vừa
rồi họ cắt. Hộ nghèo thì vẫn đóng nhưng chỉ được miễn một tí tiền bảo hiểm y tế
thôi. Vẫn phải đóng hết. Năm ngoái đóng mỗi đứa tiền học phí các thứ cũng 1 triệu
một năm. Đấy là tiền học, còn tiền ăn mẫu giáo thì mỗi tháng còn hơn 200 ngàn nữa. Năm nay em bé lên lớp 1 thì đóng hết cả tiền bảo hiểm các thứ
thì mỗi đứa hết một triệu.
Chị Liên phải ở nhà
đưa con đi học, toàn bộ thu nhập trong gia đình trông chờ vào chồng chị đi làm
thuê làm mướn.
Chị Liên: có làm được cái gì, toàn ở nhà,
anh thì lâu lâu đi làm, ăn còn hết, tiêu thì chả được bao nhiêu.
Gia đình chị cũng đã
nhận được tiền vay hỗ trợ giảm nghèo 18 triệu cách đây hai năm. Anh chi nuôi lợn
thêm nhưng không đáng bao nhiêu.
Những trẻ em vùng cao Sơn La trên đường đến trường.
Hoàn cảnh của gia đình chị Liên cũng là hoàn cảnh của rất
nhiều người dân tộc ít người khác tại Việt Nam. Theo điều tra cơ bản năm 2012 của
Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn chiếm
tới 45%, thậm chí có xã có từ 70 đến 80% số hộ thuộc diện nghèo.
Ngày 4 tháng 4 vừa qua, Thủ tướng chính phủ ký ban hành
quyết định 551/QĐ-TTg phê duyệt chương trình 135 về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát
triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an
toàn khu, với mong muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội ở các xã
thôn bản vùng dân tộc, miền núi còn nhiều khó khăn.
Đói, con cháu tôi học phải nghỉ ngang lớp 8, lớp 9, lớp 6
cũng nghỉ hết luôn. Bây giờ bên Chăm tôi nghỉ hết đó, không có mấy người học
lên lớp 10 đâu. Đi làm mướn hết, 12 tuổi, 15 tuổi đã đi làm mướn hết rồi
bà Châu Thị Giá
Đây là giai đoạn 3 của chương trình 135. Mục tiêu được đặt
ra là đến năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã thôn bản vùng đặc biệt khó
khăn xuống dưới 35% và còn dưới 15% vào năm 2020. Đến năm 2020 sẽ cơ bản không
còn xã đặc biệt khó khăn.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan, chương
trình 135 giai đoạn 2 thực hiện trên địa bàn hơn 1,800 xã và hơn 3,000 thôn đặc
biệt khó khăn thuộc 50 tỉnh cho thấy tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh, bình quân là
3,6% một năm.
Vẫn còn sự phân biệt người thiểu số?
Mặc dù vậy, trong phần phỏng vấn dân hỏi bộ trưởng trả lời
của VTV1 ngày 21/4/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban dân tộc Việt Nam, Giàng
Seo Phử cho biết tình hình hộ nghèo, trẻ em dân tộc không được đến trường vẫn
còn phổ biến.
Giàng Seo Phử: rất nhiều chương trình giáo dục của các bộ ngành đã hỗ trợ
đồng bào dân tộc phát triển đi lên trong đó có nâng cao dân trí, nhưng chưa phải
là chúng ta đã làm cả, ở đâu đó còn khá phổ biến, nhất là ở vùng thôn bản xa
xôi hẻo lánh, thì họ vẫn chưa được hưởng thụ những dịch vụ về y tế giáo dục,
trong đó có cơ sở vật chất trường học. Cơ bản là đời sống, mức sống của người
dân còn khó khăn, nghèo đói. Vào thời điểm bây giờ là tháng 3 tháng 4 là mùa
đói giáp hạt, thường họ hết lương thực. Các cháu đi học trường bán trú, nội trú
không có gì để nấu cơm ăn, không có gạo mang đi. Thường mùa này họ bỏ học về
giúp gia đình, chăn trâu hoặc trông em.
Một lớp học ở Phân trường Lũng Cà, Trường Tiểu học xã Thượng
Nung, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên;
Đối với người thiểu số, tôi thấy họ chiếm khoảng 13% dân
số Việt Nam nhưng lại chiếm 40% số người sống ở mức nghèo khổ. Đây là điểm đáng
báo động. Rõ ràng là các biện pháp giảm nghèo mà chính phủ đang áp dụng đã không
đến được với người thiểu số
Magdalena Sepulveda
Ông Giàng Seo phử cho rằng những khó khăn hiện tại mà người
dân tộc đang gặp phải là do cơ chế chính sách và ông đã có kiến nghị lên chính
phủ để có những giải pháp kịp thời. Một trong các giải pháp ví dụ được ông nói
tới trong bài phỏng vấn là thuê người nấu cơm cho học sinh trường nội trú để
các em có cơm nóng ăn, nước sôi uống.
Bà Châu Thị Giá, người dân tộc Chăm ở tỉnh Đồng Nai cho
biết, khó khăn khiến các học sinh người dân tộc phải nghỉ học chính là vì thiếu
đói, phải nghỉ học để đi làm giúp gia đình.
Châu thị Giá: đói, con cháu tôi học phải nghỉ ngang lớp 8, lớp 9, lớp 6
cũng nghỉ hết luôn. Bây giờ bên Chăm tôi nghỉ hết đó, không có mấy người học
lên lớp 10 đâu. Đi làm mướn hết, 12 tuổi, 15 tuổi đã đi làm mướn hết rồi.
Theo chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc về Nhân quyền
và Nghèo đói, Magdalena Sepulveda, người đã đến Việt Nam thị sát tình hình vào
năm 2010, các chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam vẫn chưa thực sự đến
được với người thiểu số.
Magdalena Sepulveda: đối với người thiểu số, tôi thấy họ chiếm khoảng 13% dân
số Việt nam nhưng lại chiếm 40% số người sống ở mức nghèo khổ. Đây là điểm đáng
báo động. Rõ ràng là các biện pháp giảm nghèo mà chính phủ đang áp dụng đã
không đến được với người thiểu số. Cần phải có các sáng kiến để cải thiện tình
hình của những nhóm người này, tôi ví dụ như chương trình quốc gia xóa đói giảm
nghèo 134 và 135 nhưng khi đánh giá hiệu quả các chương trình này thì nhóm người
thiểu số vẫn sống ở mức nghèo khổ. Vì thế họ cần phải thay đổi chính sách của
mình, và một điểm quan trọng là những dịch vụ công dành cho nhóm người này phải
có chất lượng tốt và phù hợp về văn hóa. Tôi nói ví dụ, chính phủ cần phải tôn
trọng sự khác biệt về văn hóa. Các biện pháp mà họ áp dụng bây giờ thì có lợi
cho nhóm đa số mà không có lợi cho 53 dân tộc thiểu số.
Nói về khác biệt văn hóa và ngôn ngữ, chuyên gia của Liên
Hiệp Quốc cho rằng, chính phủ Việt Nam cần phải cho học sinh dân tộc thiểu số
được học ngôn ngữ của chính mình trong trường học bên cạnh tiếng kinh là ngôn
ngữ chính.
Tới lúc nó ra trường đi xin việc thì người ta nói bằng
này bằng kém, người dân tộc nên người ta không cho làm, cuối cùng nó phải đi
bán quán cơm.
bà Châu Thị Giá
Tuy nhiên, theo bà Châu Thị Giá, con trai bà khi học tại
trường dân tộc nội trú đã không được học tiếng Chăm của mình vì trường học có rất
nhiều học sinh dân tộc khác nhau.
Châu Thị Giá: người ta không biết tiếng chăm sao người ta dạy mình, người
ta người Việt mà, người ta tập trung vô con người dân tộc, người Châu Ro,
người Chăm, người gì người gì hết lại đó học. Người ta dạy tiếng kinh.
Không những thế, con bà Giá sau khi tốt nghiệp trường nội
trú cũng không kiếm được việc làm.
Châu Thị Giá: Tới lúc nó ra trường đi xin việc thì người ta nói bằng
này bằng kém, người dân tộc nên người ta không cho làm, cuối cùng nó phải đi
bán quán cơm.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn của VTV 1, Bộ trưởng
Giàng Seo Phử đã đề cập đến vấn đề nhiều người ở các vùng dân tộc không thể kiếm
được việc làm dù đã được đào tạo nghề. Theo ông đây là do vấn đề cơ chế chính
sách của chính phủ không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về các vùng sâu vùng
xa còn nhiều khó khăn.
Với việc Thủ tướng chính phủ ký phê duyệt quyết định thực
hiện chương trình 135 giai đoạn 3, những người thực hiện chính sách ở Việt Nam
đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả của chương trình trong vòng 8 năm tới, như giảm số
hộ nghèo, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ phát triển sản
xuất và dân sinh, nhất là các công trình giao thông thủy lợi, điện, trường học,
mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, đối với những người như chị Liên
hay bà Giá, mong ước của họ chỉ rất đơn giản, đó là có tiền hỗ trợ cho họ làm
kinh tế, tăng gia, và con cái họ được đi học đàng hoàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét