Lễ Kỳ Yên của dân tộc Ngái tại Việt Nam (Thu Lê)

Lễ hội Kỳ Yên tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Ngái (dân tộc Hoa) có khoảng gần 3 vạn người sinh sống tại xã Đồng Cốc, Lục Ngạn, Bắc Giang. Người Ngái thường sống ở ven đường, cạnh sông suối, có nước, có ruộng. Vốn văn hóa truyền thống, dân gian của người Ngái có hát Ví, hát dân ca... Đặc biệt có Lễ Kỳ Yên mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh đặc sắc, tiêu biểu. Lễ Kỳ Yên thường được người Ngái tổ chức vào dịp đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, mọi nhà mọi người được bình an, vạn sự như ý.

Chuẩn bị cho lễ cúng gồm có bức tranh Tam thanh Ngọc đế (các vị thần linh), thanh la, tù và, dao, gà, lợn... Lễ có ít nhất 2 người và nhiều nhất là 10 người. Người đội mũ phật, mặc áo cà sa dẫn đầu là người thầy đưa các học trò của mình lên báo cáo thần linh. Ba nén hương được thắp lên cùng với một hồi tù và được thổi lên cũng là lúc lễ cúng được bắt đầu. Người thầy dẫn đầu đoàn đi vòng quanh theo hình bát quái, vừa đi vừa múa, vừa hát trong tiếng thanh la, báo cáo với thần linh về kết quả sản xuất của một năm qua của bà con dân tộc, cũng như mong cho một năm mới mọi nhà mọi vật đều hưng thịnh.
Theo “thầy” Ngô Minh Toàn (xã Đồng Cốc, Lục Ngạn, Bắc Giang) thì Lễ Kỳ Yên ngày nay đã được làm đơn giản hơn rất nhiều (không còn linh đình như trước có giết trâu, giết bò mà thay thế bằng một con gà, lợn hoặc thủ lợn…). Ông Toàn chia sẻ: Được tham gia làm Lễ Kỳ Yên tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng là mong muốn của người Ngái cầu cho một năm thuận lợi, bình an, mưa thuận gió hòa tới đồng bào 54 dân tộc anh em. Mong rằng, tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em ngày càng khăng khít gắn bó, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển và thực sự trở thành điểm đến, “Ngôi nhà chung” của nhiều thế hệ con cháu các dân tộc Việt Nam sau này.
Thu Lê (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét