Đến Mỹ Nghiệp, sẽ được tận mắt nhìn ngắm những chiếc hoa đồng
có dáng tựa bầu rượu rỗng dốc ngược, được treo hai bên khung dệt, giúp người thợ
đánh go tạo hoa văn khi dệt thổ cẩm. Thổ cẩm được dệt nên không phải bằng những
cỗ máy hiện đại mà là từ những chiếc máy thủ công truyền thống, vẫn giữ được gần
như nguyên vẹn từng công đoạn, bí quyết, chất liệu, hoa văn…
Nằm cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 10 km về hướng
nam, làng Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước) là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống nổi
tiếng của người Chăm ở Ninh Thuận.
Hiện nay, 95% dân số sống bằng nghề, trong đó có rất nhiều
thợ lâu năm, lành nghề. Mỹ Nghiệp là làng đứng đầu cả nước về dệt thổ cẩm.
Không chỉ cuốn hút khách bằng sản phẩm, sức hấp dẫn của Mỹ Nghiệp còn được tạo
bởi giá trị truyền thống mà cộng đồng người Chăm ở đây hết sức giữ gìn.
Đến Mỹ Nghiệp, du khách sẽ được tận mắt nhìn ngắm những chiếc
hoa đồng có dáng tựa bầu rượu rỗng dốc ngược, được treo hai bên khung dệt, giúp
người thợ đánh go tạo hoa văn khi dệt thổ cẩm. Thổ cẩm được dệt nên không phải
bằng những cỗ máy hiện đại mà là từ những chiếc máy thủ công truyền thống, vẫn
giữ được gần như nguyên vẹn từng công đoạn, bí quyết, chất liệu, hoa văn…mà cha
ông thời xưa để lại.
Nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp có từ rất lâu đời. Vào thế kỷ
XVII, thấy vùng đất này thích hợp với nghề dệt, bà Pơnaga đã truyền lại nghề
cho ông Xa và bà Chaleng là hai vợ chồng đang sinh sống ở làng Chaleng thời xưa
( tức làng Mỹ Nghiệp ngày nay ). Bà trở thành nghệ nhân đầu tiên tạo ra nghề dệt
thổ cẩm và sáng tạo ra những hoa văn đặc sắc trên nền vải.
Công phu, độc đáo và ấn tượng
Công phu, độc đáo và ấn tượng
Theo các nghệ nhân lớn tuổi trong làng, để dệt được một tấm
vải thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn khác nhau như: tách hạt lấy bông, cuộn,
ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống rất vất vả…Ngay cả khâu tìm màu nhuộm cũng
đòi hỏi người thợ phải hết sức công phu. Muốn có màu đen làm nền, phải nhuộm tấm
thổ cẩm bằng lá chum bầu, sau đó đem ngâm trong bùn non bảy ngày đêm liên tục;
muốn có màu đỏ phải có mủ cây cánh kiến ở trên rừng cao; còn màu xanh thì phải
chọn lá, vỏ cây chàm…Công đoạn chọn màu đã khó, nhưng công đoạn phối màu còn
khó hơn. Để tạo được những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người thợ dệt phải có hoa
tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối…như những họa
sỹ thực thụ. Có như vậy mới tạo nên sự hài hòa, cân đối cho tấm vải. Ngoài ra,
dập vải cũng là khâu quan trọng do yêu cầu phải làm đều tay, nếu không vải sẽ
không căng mịn và khó nổi bật hoa văn. Từ bàn tay khéo léo của người thợ dệt,
những sợi chỉ nhỏ li ti dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực
rỡ, hoa văn tinh xảo.
Đến thăm làng Mỹ Nghiệp, du khách sẽ thực sự bị cuốn hút bởi
những tấm thổ cẩm sống động đầy màu sắc lạ, vừa chân phương, vừa mộc mạc. Bởi
chất liệu và cách thể hiện đường nét, hoa văn…mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc
Chăm. Điểm độc đáo là mỗi tấm thổ cẩm đều có những nét riêng cho dù cùng được dệt
bằng đôi bàn tay tài hoa của một người thợ. Đứng trước hàng nghìn tấm thổ cẩm,
nhưng bạn khó có thể tìm được sự trùng lặp về hoa văn, kiểu cách…bởi mỗi người
thợ, mỗi nghệ nhân làng Mỹ Nghiệp khi tạo ra sản phẩm đều làm theo sự sáng tạo,
ngẫu hứng riêng. Song, điều khiến bạn ngạc nhiên hơn cả, đó là: nếu ở các làng
nghề thổ cẩm khác, công việc chính là do các bà, các mẹ, các chị đảm nhiệm, thì
ở đây hầu hết những người thợ dệt đều là thanh niên, con gái ngồi khung kéo sợi,
khung cửi còn con trai cắt, may thành sản phẩm.
Giữ gìn, sáng tạo và không ngừng phát triển
Năm 1992 được xem là thời điểm hồi sinh của nghề dệt thổ cẩm
Mỹ Nghiệp khi cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani của chị Thuận Thị Trụ được thành
lập, hợp tác với các công ty may mặc ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhận thấy giá trị
và ý nghĩa to lớn của làng nghề, chính quyền các cấp ở trong tỉnh đã vận dụng
linh hoạt những chủ trương và chính sách hỗ trợ và phát triển làng nghề của Nhà
nước và chính quyền địa phương, giúp người dân Mỹ Nghiệp có điều kiện đầu tư cơ
sở vật chất để phát triển làng nghề.
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và hơn hết là sự nỗ
lực của mỗi người thợ Mỹ Nghiệp, sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã từng bước đáp ứng
nhu cầu của thị trường và ngày càng được người tiêu dùng biết tiếng. Nhiều sản
phẩm của làng nghề được trưng bày ở các cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế trong
nước, được khách nước ngoài ưa chuộng. Không dừng lại ở sản phẩm mang tính truyền
thống, các cơ sở dệt trong làng còn làm ra những mặt hàng lưu niệm với những mẫu
mã và chủng loại phong phú như: cà vạt, túi xách, ví, áo ghi lê, ba lô…để tiêu
thụ trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ… Nhiều hợp đồng đã được
ký kết trị giá hàng trăm triệu đồng.
Đồng thời, sự khởi sắc của nghề dệt thổ cẩm còn thu hút khá
nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Hiện nay, làng Mỹ
Nghiệp có 03 cơ sở chuyên sản xuất thổ cẩm với quy mô lớn, doanh thu trên 01 tỷ
đồng mỗi năm như: cơ sở sản xuất của chị Thuận Thị Trụ, doanh thu 2,5 - 3 tỷ đồng/
năm; cơ sở của ông Lưu Quý Đôn, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/ năm…
Tuy nhiên, theo dì Mỡ - một nghệ nhân lớn tuổi của làng - “
đầu ra” của sản phẩm đang là vấn đề bức xúc lớn nhất của những người làm nghề,
vì sản phẩm bán ra khi nhiều, khi ít, giá cả bấp bênh… Để thổ cẩm Mỹ Nghiệp thực
sự trở thành ngành sản xuất mang tính hàng hóa, thì rất cần sự đầu tư, quan tâm
nhiều hơn nữa từ phía các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương, nhất là các
nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Bằng tài năng và lòng yêu nghề, những người thợ dệt Mỹ Nghiệp
đang tạo ra những sản phẩm mang đậm nét truyền thống, được khách hàng, đặc biệt
là khách nước ngoài ưa chuộng. Với những kết quả bươc đầu khả quan, người Mỹ
Nghiệp đã làm hồi sinh nghề truyền thống, đã và đang mạnh dạn đưa làng nghề dệt
thổ cẩm Mỹ Nghiệp đạt tới đỉnh cao mới, đưa tiếng vang của làng nghề Mỹ Nghiệp
bay cao, vươn xa.
Hà Văn (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét