Lễ hội Ka tê của người Chăm (M.Huyền)

 Lễ hội Katê - lễ hội lớn nhất của đồng bào Chăm

Lễ hội Katê là lễ hội lớn nhất của đồng bào Chăm, được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm, tức là khoảng 25/9 đến 5/10 dương lịch để tưởng nhớ các vị nam thần như Pô Klong Garai, Pô Pôme... Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày, lần lượt từ đền tháp về làng rồi về từng gia đình Chăm tổ chức lễ cúng. Lễ hội mang nhiều yếu tố đối lập của cấu trúc lưỡng hợp: màu sắc, nghi lễ, hội hè như đực - cái, ngày - đêm, sáng- tối... tất cả đều thể hiện ước vọng phồn thực trong sự liên kết lứa đôi, cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở của con người, vật nuôi và mùa màng tươi tốt của người Chăm.

Lễ hội Katê gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ: các nghi thức hành lễ như lễ đón rước y phục, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần và đại lễ. Một ngày, trước khi lễ hội chính thức diễn ra tại các đền tháp thì đồng bào có tổ chức lễ đón rước y trang từ người Raglai tại đền Pô Nưgar. Theo truyền thuyết, người Raglai là em út của người Chăm có nhiệm vụ giữ gìn y trang để mỗi năm trao lại cho người Chăm. Các lễ hội Ka tê đều có sự tham dự của người Raglai với các điệu múa đặc sắc dâng lên thánh thần.
Vào ngày thứ hai, lễ diễn ra tại tháp Pô Klong Garai nằm trên ngọn đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh và tháp Pô Rôme trên đồi "Bôn acho" tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, tỉnh Ninh Thuận. Trong buổi lễ này người Chăm sẽ thực hiện nghi thức tắm và mặc y trang cho vua. Đây là nghi thức kỳ bí nhất diễn ra bên trong tháp. Mở đầu là vị cả sư và sư ông từ giữa tháp làm lễ mở cửa tháp sau đó đoàn người gồm cả sư, bà bóng, thầy kéo đàn Kanhi và các giáo đồ trung tín tiến vào tháp. Vị cả sư cầm lọ nước thánh có pha trầm hương tưới lên tượng thần (tượng thần bằng đá dưới hình thể Mukhalinga - linga hình mặt người).
Lễ mặc y trang cho vua diễn ra ngay sau đó nhịp nhàng theo các câu hát của thầy kéo đàn Kanhi. Thầy kéo đàn Kanhi kết thúc bài hát đầu tiên thì cả sư, bà bóng... đã mặc xong váy cho vua. Cứ như thế y trang lộng lẫy được khoác lên tượng ngài theo các lời hát. Nghi lễ tắm và mặc y trang cho nhà vua diễn ra thành kính đầy tính tâm linh. Những người được tắm cho vua còn thấm nước trên tượng ngài bôi lên đầu mình để cầu may mắn, sức khỏe. Thầy kéo đàn Kanhi là người giữ nhịp cho buổi lễ, mỗi bài thầy hát đều mang một ý nghĩa tín ngưỡng và tưởng nhớ tổ tiên.Khi điệu múa thiêng trong tháp vừa kết thúc thì ở ngoài tháp bắt đầu mở hội với những điệu trống Gi Năng và kèn Saranai cùng vang lên hoà với các điệu múa và làn điệu dân ca Chăm.

Đồng bào Chăm vui ngày hội Katê

Chiều tối ngày thứ 2 lễ hội ở các tháp Chăm kết thúc và sau đó là lễ hội Katê ở làng và từng gia đình. Tại các làng Chăm không khí lễ hội lại bừng lên tuy nhiên qui mô nhỏ hơn và phần lễ cũng đơn giản hơn. Trong thời gian này gia đình nào có điều kiện thì mới tổ chức, nếu gặp lúc kinh tế khó khăn thì có thể mỗi dòng họ cử một gia đình để tổ chức. Chủ lễ cúng Katê là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong tộc họ. Vào ngày lễ này mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh rủi ro, gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục cho các thế hệ con cháu nhớ ơn, kính trọng tổ tiên. Trong dịp lễ này, mỗi gia đình cũng chuẩn bị bánh trái mời họ hàng, bạn bè đến thăm viếng, chúc tụng nhau.



Vào ngày thứ ba, tổ chức lễ hội diễn ra tại làng Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Làng Mỹ nghiệp có tên Chăm là Caklaing, theo truyền thuyết đây là nơi sinh ra vị vua Chăm Pô Klong Garai. Làng còn có một nghề dệt thủ công truyền thống nổi tiếng có lịch sử phát triển lâu đời. Trong ngày hội Katê, làng Chăm Mỹ Nghiệp tổ chức Lễ dâng cúng thần làng, tổ sư nghề dệt và tổ tiên. Trong ngày hội họ còn tổ chức nhiều trò chơi như thi dệt vải, đội nước, đá bóng, văn nghệ...



Cúng lễ

Hát múa vui ngày hội



Lễ hội Katê được tổ chức trong 3 ngày và có thể kéo dài thời gian vui hội hơn để bà con người Chăm vui chơi giải trí và cầu cho một năm mùa màng tốt tươi.
 Có thể nói lễ hội Katê chính là dịp cho người Chăm giới thiệu sắc thái văn hóa của dân tộc mình, đem đến cho người dự hội những vẻ đẹp của Tháp Chăm cổ kính, những sản phẩm của nghề trồng lúa và đi biển thông qua lễ vật dâng cúng, bên cạnh đó trình diễn trước công chúng một nền ca- múa - nhạc dân gian giàu bản sắc riêng.

M.Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét