Dân tộc Khmer (Hồng Hải)

Thiếu nữ Khmer với trang phục truyền thống đi dự Lễ Kiết giới - Sây ma tại chùa Dơi
Tên tự gọi: Dân tộc Khmer.
Tên gọi khác: Cur, Cul, Cu Thổ, Việt gốc Miên, Khơ Me K’rôm.
Số dân: 1.260.640 người (Tổng cục Thống kê năm 2009), là dân tộc có số dân đông nhất trong các dân tộc nói ngôn ngữ Môn - Khmer ở Việt Nam.

Ngôn ngữ và chữ viết: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á. Họ có chữ viết riêng để ghi chép các truyện dân gian.
Nguồn gốc lịch sử: Trước thế kỉ XVII người Khmer và văn hoá của họ giữ vai trò chủ thể ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Địa bàn cư trú: Sống tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Đặc điểm kinh tế: Nông nghiệp dùng cày và thâm canh lúa nước Bộ nông cụ khá hoàn thiện và hiệu quả, thích ứng với điều kiện địa lí sinh thái Nam bộ, đặc biệt nhất là việc cày bằng hai trâu. Đồng bào thành thạo nghề đánh cá, dệt, chiếu, đan lát, dệt vải, làm đường thốt nốt và làm gốm. Chăn nuôi nuôi trâu bò, lợn, gà, vịt khá phổ biến.
Phong tục tập quán
Ăn: Người Khmer thường ăn cơm tẻ và cơm nếp. Mắm là loại thức ăn được ưa chuộng với nhiều loại. Gia vị ưa thích là vị chua (từ quả me hay mè) và cay (hạt tiêu, tỏi, sả, ca ri...).
Ở: Nhà truyền thống của Người Khmer là nhà sàn. Gia đình nhỏ một vợ một chồng, tồn tại nhiều tàn dư mẫu hệ.
Phương tiện vận chuyển: Thường sử dụng xe bò (cộ), xe lôi bánh gỗ, hoặc bánh hơi, đi lại trên đường hay những chân ruộng khô, hoặc ghe, thuyền (xuồng ba lá, ghe tam bản, thuyền " tắc ráng" hoặc thuyền "đuôi tôm" chạy máy).
Hôn nhân: Hôn nhân thường do cha mẹ xếp đặt, có sự thoả thuận của con cái. Cưới xin trải qua 3 bước: làm mối, dạm hỏi và lễ cưới, được tổ chức ở bên nhà gái.
Tang ma: Tục hỏa thiêu đã có từ lâu. Sau khi thiêu, tro được giữ trong tháp "Pì chét đẩy", xây cạnh ngôi chính điện trong chùa.
Tín ngưỡng: Thờ Phật, tổ tiên và thực hành các nghi lễ nông nghiệp, tín ngưỡng dân gian như cúng thần ruộng (neak tà xiê), gọi hồn lúa (ok ang leok), thần mặt trăng (ok ang bok). Ngoài ra, vẫn tồn tại những dấu vết tàn dư còn lại của Bà la môn giáo trong đời sống.
Trang phục: Nam nữ trước đây đều mặc xà rông bằng lụa tơ tằm do họ tự dệt. người có tuổi mặc quần áo bà ba màu đen, nam giới khá giả mặc bộ bà ba màu trắng, khăn rằn quấn trên đầu, hoặc vắt qua vai. Đám cưới, chú rể mặc áo xà rông, áo màu đỏ, cổ đứng với hàng khuy trước ngực, bên vai trái quàng chiếc khăn dài trắng (Kăl xinh). Cô dâu mặc Xăm pốt (váy) màu tím hay màu hồng, áo dài màu đỏ, quàng khăn và đội mũ cưới truyền thống. Áo dài không xẻ tà, thân áo rộng và dài dưới gối, chui đầu.
Đời sống văn hóa: Người Khmer có kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười. Đặc biệt, sân khấu truyền thống (Dù kê, Dì kê) hết sức độc đáo. Âm nhạc ảnh hưởng của Ấn Ðộ và Ðông Nam Á. Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer. Chùa và sinh hoạt Phật giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và xã hội.
Hồng Hải (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét