1. Vài Nét Về Dân Tộc Ngái
Ngôn Ngữ: thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán – Tạng).
Tên gọi khác: Ngái Hắc Cá, Ngái Lầu Mần, Sín, Đàn, Lê, Hẹ.
Nhóm địa phương: Ngái Hắc Cá, Sín, Đàn, Lê
Địa bàn cư trú:Thái Nguyên, Bình Thuận, Đồng Nai, Bắc Kạn,
Tuyên Quang, Đắk Lắk, Cao Bằng,…
Địa bàn cư trú
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Ngái ở
Việt Nam chỉ còn 1.035 người, có mặt ở 27 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người
Ngái cư trú tập trung tại các tỉnh: Thái Nguyên (495 người, chiếm 47,8% tổng số
người Ngái tại Việt Nam), Bình Thuận (157 người, chiếm 15,2% tổng số người Ngái
tại Việt Nam), Đồng Nai (53 người), Bắc Kạn (48 người), Tuyên Quang (43 người),
Đắk Lắk (37 người), Cao Bằng (30 người)
2. Kinh tế truyền thống
2.1. Trồng trọt, đánh bắt hải sản
Do cư trú ở hai môi trường sinh thái khác nhau, cho nên
nghề sinh sống của người Ngái ở hai vùng có sự khác nhau rất cơ bản. Cư dân
sinh sống ở hải đảo thì làm nghề đánh cá là chính; còn cư dân sinh sống ở trên
đất liền vùng thấp miền núi thì làm nông nghiệp là chính; nhưng đồng thời nó
còn là phương tiện che chở cho cơ thể – nơi trú mưa trú nắng khi lênh đênh
ngoài khơi xa. Thuyền đánh cá có nhiều loại như thuyền vây, thuyền rê, thuyền
câu.Mỗi loại thuyền được sử dụng vào những hoàn cảnh cụ thể thích hợp.Người
Ngái ở ven biển tỉnh Quảng Ninh có cách đánh bắt cá bằng cách dùng thuyền vây để
vây cá khi thủy triều lên, khi thuỷ triều rút thì những con cá lớn bị mắc lưới,
đồng bào chỉ việc nhặt lấy mang về.
Nghề đánh bắt thuỷ hải sản cũng có mùa vụ như nghề nông
nghiệp.
Tuy nhiên mùa vụ của hai nghề khác nhau không giống nhau.
Nghề đánh bắt cá tính mùa vụ đánh cá chủ yếu theo dòng hải lưu; còn mùa vụ của
nông nghiệp lại tính theo thời tiết: mùa mưa, mùa khô, mùa nóng, mùa lạnh. Về
thời gian làm việc trong ngày cũng có sự khác nhau giữa nghề đánh cá và nghề
nông. Nghề đánh bắt thuỷ hải sản không chỉ đánh bắt ban ngày, mà còn đánh bắt
cả ban đêm; trong khi đó, nghề nông chỉ làm việc ban ngày, về địa điểm làm
việc, sự khác nhau thể hiện ở chỗ, nghề nông có địa điểm làm việc cố định:
trên đồng ruộng, trên nương; còn nghề đánh bắt thủy hải sản lại lênh đênh
trên một vùng biển rộng hàng ngàn kilômét vuông. Nghề đánh bắt thuỷ hải sản, độ
an toàn lao động khá mong manh và khi gặp sự cố rủi ro bất thường khó tìm được
cứu hộ.
Thuỷ hải sản đánh bắt được, ngư dân đem lên bờ bán lấy tiền
mua gạo ăn hoặc mua các nhu yếu phẩm khác phục vụ đời sống.
Một số cư dân ở các hải đảo: Cô Tô, Cát Bà, Quất Đông
chuyên nghề muối – diêm nghiệp.Họ chuyên nghiệp sản xuất muối, bán muối mua gạo
ăn.Đồng bào có truyền thống làm muối từ lâu năm.
Nghề đánh bắt thuỷ hải sản là nghề làm ăn vất vả, mạo hiểm,
chịu nhiều rủi ro. Để sinh sống được bằng nghề đánh bắt thuỷ hải sản không
phải chỉ cần đầu tư tiền bạc cho công cụ làm ăn (như mua: thuyền, lưới), mà
còn đòi hỏi tư duy trí tuệ mạnh, nhất là phải có tính tự chủ, dũng cảm,
Ngoan cường, sẵn sàng dám làm, dám chịu trách nhiệm, tự
chịu đựng, tự giải quyết nhiều tình huống bất thường. Nghề đánh bắt thuỷ hải sản
là môi trường rèn luyện ý chí làm ăn của con người. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng,
nghề đánh bắt thuỷ hải sản trong truyền thống vẫn là nghề mang tính “hái lượm”
của cải sẵn có trong thiên nhiên, chứ chưa phải là một nghề sản xuất.
Cư dân sinh sống trên đất liền ở vùng núi thấp thì làm ruộng
là chính.Họ thành thạo việc cày, bừa, cấy và các khâu kỹ thuật khác liên quan
đến nông nghiệp như các dân tộc khác trong vùng. Cây trồng chính là lúa nước,
ngoài ra trên đồi núi đồng bào khai phá thành nương vậ trồng các loại cây ngô,
khoai, sắn; trồng các loại cây lạc, vừng, trong vườn cạnh nhà ở trồng các loại
cây rau xanh như: rau cải, su hào, bắp cải, hành, tỏi, ớt, các loại cây gia vị,
rau thơm.
Người Ngái còn trồng cây quế, sa mộc. Cây quế có giá trị
kinh tế cao, mặt khác các loại cây này khi mọc ở trên đồi núi còn có giá trị
chống xói mòn đất.
2.2. Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu (Ảnh sưu tầm)
Cư dân làm nghề trồng trọt trên đất liền cũng chăn nuôi
gia súc, gia cầm như mọi cư dân nông nghiệp khác. Đồng bào nuôi trâu, bò để
kéo cày, nuôi ngựa để cưỡi. Trâu, bò, ngựa đều dùng cả vào việc kéo xe Trong từng
gia đình người Ngái còn nuôi lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó mèo. Những con vật
này được nuôi với hai mục đích chính là ăn thịt hoặc cúng bái kết hợp với ăn
thịt và để bán lấy tiền mua những
thứ hàng hoá cần dùng khác. Một số trường hợp cư dân đi
biển đánh cá cũng nuôi chó, lợn, gà ngay trên thuyền.
2.3. Ngành nghề thủ công
Chỉ có cư dân làm nghề nông, sinh sống trên đất liền mới
làm thủ công. Nghề thủ công được nhiều người, nhiều nơi biết đến là làm gốm ở
Móng Cái và một số cơ sở lẻ tẻ khác.Nghề gốm của đồng bào Ngái có truyền thống
từ lâu đời. Nghề gốm ở Móng Cái sản xuất nhiều mặt hàng, nhưng chủ yếu là làm
bát ăn cơm. Bát ăn cơm do xưởng gốm Móng Cái làm ra bán trên thị trường khắp
miền Bắc. Ngoài nghề gốm đồng bào Ngái còn làm mũ, nón lá để che nắng, che
mưa, đặc biệt là đan lợp cái che lưng người đi cấy khi trời mưa.
2.4. Trao đổi, mua bán
Người Ngái thường xuyên tham gia vào các hoạt động trao
đổi, mua bán trong chợ vùng mà đồng bào cư trú. Với cư dân chuyên sinh sống bằng
nghề đánh bắt thuỷ hải sản thì chợ vừa là nơi bán sản phẩm họ làm ra, vừa là
nơi cung cấp gạo, rau thịt ăn hàng ngày cho họ, cho nên họ coi chợ hoàn toàn là
nhu cầu hàng ngày của cuộc sống; còn đối với những cư dân làm nghề nông – trồng
trọt, chăn nuôi, thì nhu cầu mua bán ít hơn, do họ tự túc được nhiều thứ cho
cuộc sống, nhưng không phải vì vậy mà họ không có hoạt động trao đổi mua bán.
Hoạt động trao đổi mua bán của người làm nông nghiệp lại nhằm vào việc mua muối,
mua cá, tôm, cua… ; mua dầu thắp, sách vở cho con em đi học và bán các hàng
nông sản như gạo, rau, thịt lợn, gà, vịt…
Nhìn chung hoạt động trao đổi và mua bán của người Ngái
khá sôi nổi, do nhu cầu cuộc sống của hai khối cư dân làm hai nghề khác nhau,
nhưng lại rất cần nhau, dựa vào nhau, bên có lương thực, bên có thực phẩm, muối
ăn. Mặt khác, như chúng ta biết, người Ngái có nhiều nét văn hoá gần gũi với
người Hoa, ít nhiều chịu ảnh hưởng tư duy kinh tế buôn bán như người Hoa, cho
nên họ là cư dân có hoạt động trao đổi mua bán nhộn nhịp hơn so với cư dân
trong vùng mà họ cư trú.
3. Văn hoá truyền thống
3.1. Làng
Từ hai nghề nghiệp sinh sống, người Ngái có hai loại
làng: loại làng của cư dân chuyên sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh cá trên
biển , loại làng của cư dân sinh sống bằng nghề trồng trọt trên đất liền.
Cư dân làm nghề đánh cá trên biển sống thành làng vạn
chài trên mặt nước. Ban ngày ra khơi đánh cá tối về tụ cư ở một nơi nào đó ven
bờ neo đậu thuyền lại, nghỉ ngủ trên thuyền. Ban ngày đi đánh cá thường phải
ra khơi xa, dân vạn chài tận dụng sự đối lưu không khí giữa đất liền và trên
biển. Buổi sáng sớm, trên đất liền nhiệt độ không khí thấp, còn trên biển nhiệt
độ không khí cao hơn, tạo nên luồng gió tự nhiên thổi từ đất liền ra biển khơi.
Do đó, sáng sớm, dân vạn chài chỉ cần giương buồm lên là con thuyền của họ nhẹ
nhàng chạy ra khơi được vài cây số;
Vào buổi chiều tối, khi suốt ngày nắng ấm, mặt đất hấp thụ
nhiệt độ, nhiệt độ trên đất liền tăng cao trong khi đó nhiệt độ trên biển cơ bản
đang thay đổi lại tạo ra luồng gió thổi từ biển cả vào đất liền, dân vạn lại
giương buồm lên con thuyền lại nhẹ nhàng chạy về lộng. Do biết lợi lụng luồng
gió đối lưu, dân vạn chài sáng sáng ra khơi đánh cá, chiều thiều về lộng nghỉ
ngơi mà không mấy tốn sức đi lại. Với cách làm ăn bằng nghề đánh cá trên biển
như vậy, thì làng vạn chài chỉ là nơi cư trú của các chủ thuyền vào ban đêm là
chính, còn ban ngày, từng chủ thuyền tự đi đánh cá ngoài khơi xa, hầu như rất
ít quan hệ thường nhật với nhau
Làng của cư dân sinh sống bằng nghề nông trên đất liền, về
cư dân họ cũng sống thành từng làng như các dân tộc khác. Có rất ít làng người
dân tộc Ngái, mà họ thường sinh sống trong các làng cùng với các dân tộc khác
như Sán Dìu, Nùng.Mỗi làng có địa phận riêng, trong địa phận đó có đất sản xuất
riêng của từng gia đình và đất chưa khai phá của bản.So với dân vạn chài thì cư
dân sinh sống ở trên đất liền có mối quan hệ thường ngày với nhau thường xuyên
hơn, đa dạng hơn.
3.2. Nhà ở
Nhà ở của người Ngái cũng có hai dạng: dạng nhà thuyền di
động trên mặt nước và dạng nhà cố định trên mặt đất. Làm nhà theo dạng gì là tuỳ
thuộc vào nghề làm ăn sinh sống chính của họ.
Cư dân làm nghề đánh cá trên biển, ở trên nhà thuyền,
ngôi nhà là một chiếc thuyền, vừa dùng để ở, vừa dùng để đi đánh cá. Trên
chiếc thuyền thường chỉ có người: vợ chồng, con cái và một số đồ dùng vật dụng
cần thiết như xoong, nồi nấu ăn, bát đũa, bếp lò; tuy nhiên cũng có trường hợp
người ta nuôi cả chó, lợn, gà. Mọi sinh hoạt đều diễn ra ở trên thuyền. Khi cưới
xin, đôi tân hôn cần có chỗ riêng để ở và làm ăn, nên người ta sắm con thuyền mới
cho vợ chồng trẻ, đón dâu về chiếc thuyền mới đó.
Cư dân làm nghề nông sinh sống ở ngôi nhà cố định được
làm ở trên đất liền.Đồng bào Ngái chủ yếu ở nhà đất.Nguyên vật liệu để làm
nhà gỗ, tre, nứa, đất đá. Gỗ dùng để làm cột, kèo, xà, quá giang; tre để làm
mái; đất thường dùng để đóng gạch mộc hoặc trình tường, đất dùng làm ngói lợp
mái nhà. Bố trí bên trong nhà của người Ngái có nơi để thờ cúng tổ tiên, 14 buồng
ngủ cho chị em phụ nữ. Bếp thường làm ở phần nối mái đầu sát nhà ở. Từ trong
nhà phải đi ra ngoài cửa rồi mới vào nhà bếp. Sân nhà ở thường có vườn để trồng
rau xanh quanh năm bốn mùa, rau thơm, một số nơi còn trồng ít cây ăn quả, ổi,
cam, chanh, chuối… Nhìn từ ngoài vào khuôn viên từng gia đình, nhà nào có vườn
luôn xanh tươi bốn mùa chứng tỏ gia đình đó biết tính toán làm ăn, chăm chỉ
chăm sóc mảnh vườn, có thu nhập từ vườn. Gia đình biết tính toán làm ăn thì
luôn là gia đình làm ăn khá giả trong làng.
3.3. Y phục, trang sức
Mặc dù nghề nghiệp khác nhau, nhưng trang phục của người
Ngái không khác nhau.Người đi biển cũng như người làm ruộng có y phục cơ bản
giống nhau.Nguyên liệu là vải bông. Người Ngái cũng như nhiều cư dân có nền
kinh tế tự túc, tự cấp tự trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm cho đến cắt may thành
chiếc áo, chiếc quần. Kiểu dáng y phục của người Ngái đơn giản. Nam giới mặc
áo ngắn, xẻ trước ngực, có phần chân cổ áo cao khoảng từ 2 đến 2,5cm, có 7 cúc
thắt bằng dây vải, chiều dài của áo vừa đủ che phần mông. Nam giới mặc quần
dài, dùng dây luồn qua cạp quần để thắt, đầu đội mũ, chân đi giầy vải.Y phục phụ
nữ có cùng kiểu dáng với y phục của người Hoa. Áo phụ nữ có 5 thân: 4 thân dài
đủ che quá mông, 1 thân ngắn ở phía bên trong thân trước bên phải. Áo xè dưới cổ,
chéo qua nách phải. Thân ngắn làm nhiệm vụ che kín đường xẻ này, đồng thời ở
trên thân ngắn này chị em làm cái túi để đựng tiền đi chợ. Toàn bộ cúc áo cũng
được thắt bằng dây vải. Chiếc quần của chị em phụ nữ về kiểu dáng cắt may cơ bản
giống chiếc quần nam giới. Chị em phụ nữ để tóc dài, đầu để trần.Mùa rét dùng
chiếc khăn vuông, gấp chéo buộc trên đầu, buộc ở dưới cổ, chân đi giày vải.Y phục
của người Ngái có màu sắc chủ đạo là màu chàm, hầu như không thêu thùa hoa văn.
Chị em phụ nữ Ngái ưa thích dùng đồ trang sức như khuyên
tai, vòng tay bằng bạc. Mẫu mã những đồ trang sức thường đơn giản.
3.4. Ẩm thực
Củ cải muối –món khoái khẩu của người Ngái
Người Ngái ăn cơm nấu đơn giản. Bữa cơm thường ngày có
rau xanh đối với dân làm ruộng; ăn cơm cá đối với dân đi biển. Cách chế biến
rau chủ yếu là xào với mỡ lợn, nấu canh; ít khi ăn rau luộc. Cách chế biến cá của
cư dân đánh cá cũng dùng mỡ lợn để rán là chính. Đôi khi người ta cũng luộc,
nhưng rất ít. Tập quán chế biến thực phẩm của người Ngái là thường hay dùng nhiều
gia vị có mùi thơm, có vị nóng và màu đẹp tạo cảm giác ngon miệng. Trong tập
quán tổ chức bữa ăn, người con dâu và em dâu không được ngồi cùng mâm cơm với bố
chồng và anh chồng. Trong gia đình có ông bà, thì khi dọn cơm lúc nào cũng phải
dọn thành hai mâm: một mâm có ông ngồi và các con trai; cháu trai; còn mâm kia
là con dâu và các thành viên trong gia đình là phụ nữ.
3.5. Phương tiện vận chuyển
Đối với cư dân làm nghề đánh cá, tất cả việc vận chuyển đều
thực hiện bằng thuyền; còn cư dân làm ruộng thì vận chuyển vật nặng đa dạng
hơn.
Vận chuyển vật nặng vừa phải thì chủ yếu thì dùng sức
người gánh. Vận chuyển vật nặng thì dùng xe trâu, xe bò, ngựa. Có vật quá tải,
quá khổ như cây gỗ dài thì đồng bào dùng trâu kéo.
3.6. Ngôn ngữ
Dùng ngựa để thồ hang
Tiếng nói: Tiếng nói của dân tộc Ngái thuộc ngữ hệ Hán –
Tạng, nhóm ngôn ngữ Hoa, có nhiều yếu tố của tiếng Hán.
Chữ viết: Người Ngái chưa có chữ viết riêng của dân tộc
mình. Tuy nhiên đã từ lâu họ quan tâm sử dụng chữ Hán vào các việc ghi chép văn
tự giá thú, bài vị, gia phả, ruộng đất, sách cúng các loại.
3.7. Tín ngưỡng tôn giáo
Người Ngái tin theo đa thần, quan niệm vạn vật hữu linh,
mọi vật đều có xác và hồn (hay còn gọi là linh hồn, thần linh).
Chữ Hán được người Ngái sử dụng
Thông thường trong các gia đình người Ngái đều lập bàn thờ
để thờ cúng tổ tiên ông bà, cha mẹ mình.Bàn thờ được để nơi trang trọng nhất
trong nhà.Trước bàn thờ không để những công cụ sản xuất, những đồ đạc bừa bộn,
không cho trẻ em nô đùa.Hàng tháng, chủ nhà thắp hương trên bàn thờ tổ tiên vào
ngày sóc và ngày vọng.Ngoài ra, những ngày cưới xin, ma chay, những ngày lễ tết
bàn thờ tổ tiên cũng được thắp hương đầy đủ.Khi cúng bái chữa bệnh cho người ốm
đau, người Ngái cũng thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, cầu mong tổ tiên đuổi ma
trừ tà, phù hộ cho người khỏi ốm đau.
Người Ngái cũng tin vào các tiên thần: thần núi, thần
sông, thần cây lúa, cây gạo, cây si… các thần bảo hộ gia súc, gia cầm. Gặp năm
mùa màng thất bát, đồng bào cũng tổ chức cúng các thần trên, cầu mong các thần
cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Đồng bào Ngái chịu ảnh hưởng của tam giáo: tin vào số mệnh,
tổ chức bói toán, cúng bái, dùng phù phép chữa bệnh khi gặp ốm đau, chọn ngày
lành, tháng tốt để làm nhà mới vào nhà mới, chọn ngày cưới xin. Trong cuộc sống,
đồng bào luôn tin vào cách ứng xử “ở hiền gặp lành và thực sự luôn hướng về làm
điều thiện, làm phúc cho thiên hạ”. Nhìn chung, trong đồng bào Ngái chưa thấy
hiện tượng tôn giáo độc thần xuất hiện, không có tín đồ các đạo lớn của thế giới.
3.8. Lễ hội
Tết Nguyên đán được người dân tộc Ngái tổ chức vào đầu mỗi
năm mới. Ngoài ra họ còn có các tết khác như Hàn Thực (3-3 âm lịch), Ðoan Ngọ
(5-5 âm lịch), Vu Lan (15-7 âm lịch), Cơm Mới (10-10 âm lịch). Đặc biệt có Lễ Kỳ
Yên mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh đặc sắc, tiêu biểu. Lễ Kỳ Yên thường
được người Ngái tổ chức vào dịp đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa
màng sinh sôi, tươi tốt, mọi nhà mọi người được bình an, vạn sự như ý.
Lễ hội Kỳ Yên của dân tộc Ngái (Ảnh sưu tầm)
Chuẩn bị cho lễ cúng gồm có bức tranh Tam thanh Ngọc đế
(các vị thần linh), thanh la, tù và, dao, gà, lợn… Lễ có ít nhất 2 người và nhiều
nhất là 10 người.
Người đội mũ phật, mặc áo cà sa dẫn đầu là người thầy đưa
các học trò của mình lên báo cáo thần linh. Ba nén hương được thắp lên cùng với
một hồi tù và được thổi lên cũng là lúc lễ cúng được bắt đầu.
Người thầy dẫn đầu đoàn đi vòng quanh theo hình bát quái,
vừa đi vừa múa, vừa hát trong tiếng thanh la, báo cáo với thần linh về kết quả
sản xuất của một năm qua của bà con dân tộc, cũng như mong cho một năm mới mọi
nhà mọi vật đều hưng thịnh.
Ngày nay lễ kỳ yên của người Ngái đã được làm đơn giản
hơn rất nhiều (không còn linh đình như trước có giết trâu, giết bò mà thay thế
bằng một con gà, lợn hoặc thủ lợn…
3.9. Gia đình, dòng họ
Mỗi ngôi nhà là nơi cư trú của một gia đình.Gia đình của
người Ngái là gia đình nhỏ phụ hệ. Trong mỗi gia đình có cha mẹ cùng các con
cái. ít gia đình có thêm thành viên là ông, bà. Hiện tượng gia đình lớn chỉ còn
lưu truyền trong dân gian. Con cái sinh ra lấy họ bố, tính dòng dõi họ nội
theo họ bố. Gia đình dân tộc Ngái cũng là gia đình phụ quyền. Trong gia đình,
người cha, người anh cả có vai trò lớn, tham gia và quyết định mọi việc từ cưới
xin, ma chay, sản xuất cho đến quan hệ xã hội. Bố chết, người anh cả có vị
thế như người bố ở trong nhà. Trong gia đình chỉ những người con trai được kế
thừa tài sản cố định như: ruộng nương, vườn tược, nhà cửa. Khi chia ruộng đất,
không chỉ chia phần cho các con trai, mà còn chia phần để nuôi cha mẹ lúc tuổi
già sức yếu và thường người anh cả được chia nhiều hơn một chút.Ngoài việc thừa
kế tài sản, những người con trai còn có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên.Từng gia
đình đều có bàn thờ riêng để thờ cúng tổ tiên và ông bà của mình.
Con gái đi lấy chồng được cha mẹ chia cho của hồi môn.
Thường của hồi môn là các con giống như lợn, gà, thậm chí nhà giàu có còn chia
cả trâu, bò cho con gái lúc lấy chồng.
3.10. Tục lệ cưới xin
Cô dâu Ngái trong lễ cưới
Người Ngái thực hiện chế độ hôn nhân ngoại hôn dòng tộc.Những
người có quan hệ huyết thống không được lấy nhau.Nghiêm cấm các trường hợp hôn
nhân con cô con cậu, con dì, con già, hai anh em ruột lấy hai chị gái ruột.Hôn
nhân trong nội bộ dân tộc là chủ yếu.ít khi có quan hộ hôn nhân với các dân tộc
khác. Hôn nhân của người Ngái là hôn nhân một vợ, một chồng bền vững. Thông thường
chỉ một vợ, một chồng, tuy nhiên đôi vợ chồng cưới đã lâu năm, đã sinh được vài
cô con gái mà chưa có con trai, thì đôi khi người ta cũng lấy vợ hai để sinh
con trai. Trường hợp này vợ chồng phải thoả thuận với nhau.Và lúc đó vợ cả đi hỏi
vợ lẽ cho chồng đó quan hệ vợ cả, vợ lẽ cũng không đến nỗi quá mặn nhạt với
nhau.Hiện tượng lấy vợ lẽ cho chồng trong thực tế ít khi xảy ra.
Theo tập quán dân tộc, nam nữ thanh niên Ngái được tự do
tìm hiểu bạn đời, nhưng việc hôn nhân trên thực tế do cha mẹ quyết định. Để
đi đến hôn nhân, người Ngái rất coi trọng việc xem số mệnh của đôi trai gái có
hợp nhau không.Nếu số mệnh hai đứa hợp nhau thì mọi khâu khác mới được tiến
hành.
3.11. Tập quán tang ma
Tập quán tang ma của người Ngái xuất phát từ quan niệm
con người sống có xác và có hồn. Khi chết, xác bị phân huỷ, còn hồn sẽ tiếp tục
sang sống ở thế giới bên kia. Cuộc sống của phần hồn ở thế giới bên kia không
khác gì cuộc sống ở bên trần gian. Do đó, khi có người chết, người Ngái tổ chức
làm tang lễ. Tang lễ được thực hiện qua các bước: lễ báo tang, lễ phát tang, lễ
khâm liệm, lễ mở đường cho hồn người chết thoát khỏi trần gian, lễ chôn cất, lễ
đưa hồn người chết về “Tây thiên Phật quốc”, lễ đoạn tang. Nếu chồng chết trước,
vợ chết sau, đồng bào có tục, vợ chặt đôi chiếc đòn gánh, một nửa chiếc đòn
gánh chôn theo chồng, nửa kia vợ giữ lại, khi chết chôn theo để sang thế giới
bên kia so hai nửa đòn gánh để nhận nhau. Sau khi mai táng, đồng bào thờ riêng
người quá cố ở cạnh chỗ ngủ khi còn sống.Hàng ngày, hai bữa cơm người nhà phải
cúng đủ cho người quá cố. Sau 120 ngày, hoặc kết hợp lễ Vu lan, đồng bào làm
chay, thay quần áo giấy sạch sẽ cho người chết và tiễn hồn người chết về bàn thờ
tổ tiên. Từ đó cũng bỏ bàn thò thờ riêng ở cạnh chỗ ngủ khi còn sống.
3.12. Văn nghệ dân gian
Kho tàng văn nghệ dân gian của người Ngái khá phong phú.Họ
có nhiều truyện kể dân gian, truyện cổ tích.Đáng kể nhất vẫn là làn điệu dân ca
sán cổ – sơn ca, được đồng bào ưa thích.Sán cổ không chỉ là những lời hát ghẹo,
hát ví của trai gái, ca ngợi tình yêu nam nữ trong buổi đầu thẹn thùng giao
duyên, mà còn ca ngợi quê hương giàu đẹp.Sán cổ thường xuyên trong các dịp
Một điệu múa của phụ nữ Ngái
(Ảnh sưu tầm )
lễ hội, lễ tết, trong cưới xin.Vào mùa xuân, trong các buổi
hát giao duyên giữa trai làng này với gái làng khác thường kéo dài thâu đêm. Nội
dung các bài hát đều ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi các loài hoa như: hoa
đào, hoa lý, hoa hồng, hoa chè, hoa chuối, hoa mẫu đơn.
Người Ngái có các điệu múa sư tử, múa võ thuật trong các
dịp tết năm mới; múa cây tiền, múa bướm lượn hoàng cung…
Đồng bào cũng có nhiều nhạc cụ như: sáo, kèn, hô, nhị,
trống, thanh la, não bạt.
Trong các ngày lễ hội, đồng bào Ngái có các trò chơi:
đánh vật, đánh cờ, đánh đu, hội cướp bông, hội đua thuyền.
Tuấn Anh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét