Lễ cưới độc đáo của người Chăm ở An Giang (Lý Thị Ninh)

Đám cưới truyền thống của người Chăm An Giang.

Biên Phòng - Cộng đồng dân tộc Chăm ở An Giang hiện nay có khoảng 14.000 người, sống tập trung ở 9 xóm thuộc các huyện Châu Phú, An Phú và thị xã Tân Châu. Trải qua lịch sử đầy biến động, đồng bào Chăm ở đây đã sớm hòa nhập và gắn bó với các dân tộc khác. Tuy nhiên, họ vẫn gìn giữ những nét văn hóa rất riêng và vô cùng đặc sắc, điều này góp phần tạo nên sức hút không nhỏ đối với du khách khi đến với vùng đất hiền hòa nơi đầu nguồn sông Cửu Long. Nghi thức cưới hỏi của người Chăm là một trong số những nét văn hóa đặc sắc như vậy.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang từng bước ổn định và phát triển, trình độ dân trí được nâng lên. Một điều rất đáng trân trọng đối với đồng bào Chăm ở vùng biên giới An Giang đó là, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà con không bao giờ bị cám dỗ bởi các tệ nạn xã hội như cờ bạc, đá gà, cá độ hay buôn lậu hàng hóa qua biên giới. Lớp trẻ người Chăm cũng rất ít bị ảnh hưởng bởi các thói hư tật xấu như chơi game, nghiện hút, rượu chè bê tha...

 Ông A Ly ở ấp Vạt Lài, xã Khánh Bình, huyện An Phú, người có thâm niên hơn 12 năm làm Giáo cả cho biết, ngày nay, đồng bào Chăm ở An Giang được Nhà nước quan tâm một cách đặc biệt. Bà con được hỗ trợ và tạo điều kiện để xóa đói, giảm nghèo, được tự do hành lễ Hồi giáo theo quy định. Đồng bào còn được chính quyền địa phương và ngành chức năng giúp đỡ trong việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, có cả đội bóng đá, đội bóng chuyền, đội văn nghệ... Và điều quan trọng hơn, chính quyền đã tạo điều kiện đưa tiếng nói và chữ viết Chăm vào chương trình dạy song ngữ của trường tiểu học ở đây, giúp con em đồng bào Chăm được học tiếng và chữ viết của dân tộc mình.

Hỏi về nghi thức lễ cưới của người Chăm, Giáo cả A Ly cho biết: Trước khi muốn cưới vợ cho con, bên đàng trai cho một người thân tín đi qua đàng gái để ngỏ lời (tiếng Chăm gọi là Maha chi chu), khi biết đàng gái đồng ý, thì cho một người đại diện đến chính thức xin cưới (Maha). Đàng gái sẽ bàn bạc với bà con trong tộc họ để cho biết "tiền đồng" (Isa kah win) và "tiền chợ" (Ba lan ja) là bao nhiêu. Khi đàng trai đồng ý chịu "tiền đồng, tiền chợ" thì hai bên gặp mặt để thống nhất ngày đám nói (Hagay pakloh panauaik).

Ngày đám nói, hai bên họ tộc và chức sắc, bô lão được mời đến nhà đàng gái để dự tiệc. Đàng trai mang đến một mâm lớn trái cây và hoa cho đàng gái. Sau đám nói, các bạn chú rể đưa chú rể đến nhà đàng gái ra mắt cha mẹ, bà con họ tộc. Đêm sau, bạn cô dâu đưa cô dâu đến đàng trai để ra mắt. Sau đó, chú rể, cô dâu không được gặp mặt nói chuyện với nhau cho đến ngày đám cưới.

Trước ngày đám cưới, phụ nữ bên đàng trai mang đến đàng gái y phục cô dâu và tiền chợ chuẩn bị ngày cưới. Các quý ông bên đàng trai mang đến đàng gái một cái giường nằm và một cặp chiếu hoa (ngày này được đồng bào Chăm gọi là  Ha gay tong kage). Đàng gái sẽ trang hoàng phòng cô dâu.

Đến trưa hôm sau, bên đàng trai kết lọng hoa sặc sỡ cùng các vị bô lão và ba em bé trai, ăn mặc đẹp, tay các em có cầm khay - khay thứ nhất đựng 2 lon gạo và 8 trái chuối, khay thứ hai đựng thuốc hút, trầu cau, vôi và khay thứ ba đặt các loại bánh dân tộc... cùng đưa chú rể đến thánh đường.

 Đến thánh đường, chú rể được xếp ngồi đối diện với cha vợ (làm chủ hôn). Hai bên cha vợ có 2 vị bô lão, người có uy tín được chọn lựa cẩn thận. Có một vị đọc kinh dạy bảo chú rể về bổn phận làm chồng đúng theo phong tục tập quán và giáo luật đạo Hồi và pháp luật Nhà nước. Người cha vợ bắt tay con rể và nói: "Ta gả con gái ta tên... cho con với số tiền đồng là..."... Chú rể kính cẩn đáp lại: "Tôi nhận cưới con ông tên là... với số tiền đồng là...". Sau đó, mọi người cầu nguyện cho cô dâu, chú rể mạnh khoẻ, may mắn và hạnh phúc.

Sau khi hành lễ, đám đông đưa chú rể đến nhà đàng gái. Đến nơi, có một người trong tộc họ đàng gái ra dẫn chú rể đến phòng cô dâu cùng với 3 em bé mang 3 khay tròn. Cô dâu ngồi trên giường, ăn mặc, trang điểm lộng lẫy, trên đầu có cài 3 cây trâm Su jôk. Có hai cây trâm ngắn để cài hai bên, cây trâm dài cài ngay chính giữa. Chú rể bước đến đưa tay nhổ cây trâm dài ra để lên đùi cô dâu, rồi xoay người ngồi xếp bằng bên cạnh cô dâu (gọi là Pa dim). Cô dâu, chú rể cùng mọi người cầu nguyện xin thượng đế ban nhiều phước lành. Chú rể thay sà rông và áo do cô dâu tặng rồi bước ra ngoài tiếp khách, còn cô dâu ở trong buồng, sau đó chú rể về nhà của mình.

"Đêm trước ngày cưới của vợ chồng người Chăm, hai bên đàng trai, đàng gái đều có mời khách đến dự tiệc, đặc biệt, bên đàng gái chỉ mời khách nữ, đàng trai chỉ mời khách nam và chỉ đãi món bánh truyền thống của dân tộc, uống nước trà, ca hát đến khoảng 20 giờ là nghỉ. Sáng sớm hôm sau, hai bên đàng trai, đàng gái đều có tiệc cơm đãi khách mời (gọi là Tukkgưh). Người Chăm không ăn thịt heo, chó, mèo, rắn, họ chỉ thịt trâu, bò, dê, cừu, gà, vịt... Nhưng trước khi làm thịt gia súc, gia cầm phải được người trong đạo Islam đọc kinh thì người Chăm mới ăn."

Đến gần 20 giờ, chú rể được đám đông thanh niên và phụ nữ đưa đến nhà cô dâu. Một phụ nữ trong đám vào phòng cô dâu giăng mùng trên giường trong phòng cô dâu và ra mời chú rể vào phòng. Cô dâu, chú rể bắt tay và đặt tay lên nhau, để hai bàn tay trong một cái ô bằng đồng, trong đó có để sẵn tiền đồng để hai người tranh nhau lấy, ai lấy được nhiều tiền sẽ giữ tiền sau này. Tiếp đến, một mâm cơm sẽ đưa vào để vợ chồng cùng ăn với nhau. Đêm tân hôn, người Chăm gọi là  đêm "Ma lâm sam tâm nết".

Sau ba ngày, đàng trai đem vật dụng sinh hoạt của hai vợ chồng như: Nồi niêu, xoong chảo, chén... đến nhà đàng gái. Tất cả vui mừng, ăn bánh, uống trà. Đêm thứ tư, hai vợ chồng đi cùng vài người phụ nữ đến thăm nhà cha mẹ bên chú rể. Cha mẹ và bà con bên chú rể sẽ cho cô dâu, chú rể tiền, vàng. Đêm thứ năm, hai vợ chồng cùng thăm viếng cha me, bà con bên cô dâu và cũng sẽ được nhận quà mừng của mọi người... Ngày nay, tùy theo hoàn cảnh gia đình mà người Chăm ở đây cũng bỏ bớt các nghi thức trong đám cưới...

Người Chăm An Giang hiện đã có Ban đại diện Hồi giáo góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, thống nhất thực hiện các tập tục mang đúng bản sắc văn hóa truyền thống của người Chăm theo đạo Islam. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền của tỉnh, huyện rất ủng hộ và tạo điều kiện để Ban đại diện hoạt động, góp phần thúc đẩy đời sống vật chất và tinh thần của người Chăm ngày càng phát triển.
 Lý Thị Ninh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét