Dân tộc Hoa (Hoàng Ngọc Lê)

Người Hoa có nhiều tên gọi như Ngái, Hoa, Hán...là những người có nguồn gốc Hán hay bị Hán hóa, nói tiếng Quảng Đông (pạc và). Người Hoa nhập quốc tịch Việt Nam, song còn giữ được nhiều nét đặc trưng của văn hóa Trung Hoa. So với các dân tộc thiểu số khác sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, người Hoa là một cộng đồng dân cư có nguồn gốc Trung Hoa ít bị đồng hóa.

Người Hoa di cư vào Việt Nam từ nhiều địa phương, bằng nhiều con đường, trong những thời gian khác nhau, lúc ồ ạt, khi lẻ tẻ và kéo dài suốt từ thời kỳ Bắc thuộc cho đến năm 1954. Từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX, tộc danh người Hoa đã được sử dụng rộng rãi trong các văn bản pháp quy, các phương tiện thông tin đại chúng và các diễn đàn khoa học ở nước ta.
Ở Bắc Giang, các làng người Hoa đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người, làm tăng khả năng sinh tồn và phát triển của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Sự tập trung người Hoa thành từng quần thể dân cư đã giúp họ tái tạo lại lối sống và văn hóa Trung Hoa. Mặt khác, họ ngày càng tiếp thu nhiều yếu tố sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc anh em sống bên cạnh.
Theo thống kê năm 2014, Dân tộc Hoa ở Bắc Giang có khoảng 19 nghìn người, sinh sống chủ yếu ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động và rải rác ở một số huyện, thị xã,thị trấn khác trong tỉnh.
Người Hoa làm nhiều nghề khác nhau: nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nhân, viên chức, buôn bán, trong đó kinh tế nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) vẫn là nguồn sinh sống chủ yếu của họ.
Trang phục phụ nữ dân tộc Hoa ở Bắc Giang là chiếc áo 5 thân được may dài quá mông bằng vải in hoa không có túi, khuy áo được tết bằng vải cùng màu với màu áo và được cài bên nách phải, từ gấu lên thân áo ở hai bên xườn xẻ tà dài 15 cm, may lượn hình vòng cung cao dần lên hai bên xườn. Đàn ông người Hoa mặc quần áo giống như các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt – Trung. Ngày nay nhiều người Hoa đã chuyển sang mặc âu phục.
Các món ăn phổ biến của đồng bảo dân tộc Hoa như: khâu nhục, vỏong mún, xá xíu, bánh bìa...

 Hoàng Ngọc Lê (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét