Dân ca dân nhạc - Dânca Khmer (Thạch Nam)

Người Khmer (hay còn gọi là Khmer Krom, Khơ Me K’rôm, Khơ-me Crộm, Khơ-me hạ, Khơ-me dưới) là bộ phận dân tộcKhmer sống ở đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam. Danh từ này có thời gọi là người Việt gốc Miên.

Người Khmer có rất nhiều họ khác nhau. Những họ do triều Nguyễn trước đây đặt ra như: Danh, Kiên, Kim, Sơn, Thạch. Những họ tiếp thu từ người Việt và người Hoa như: Trần, Nguyễn, Dương, Trương, Mã, Lý… Lại có những họ thuần tuý Khmer như U, Khan, Khum.

Khmer là từ được viết theo phiên âm tiếng Pháp. Tiếng Việt phiên âm thành Khơ me trong khi các thư tịch cũ của người Việt dùng danh từ Cao Miên (高棉) hay Cao Man. Trước năm 1975 còn có các tên gọi khác như Cul, Cur, Việt gốc Miên, Thổ…

Tộc Khmer ở Việt Nam là một dân tộc có nguồn gốc lịch sử từ Đế quốc Khmer (Empire Khmer), Đế quốc Cao Miên hayĐế quốc Angkor, là một cựu đế quốc rộng lớn nhất Đông Nam Á (với diện tích lên đến 1 triệu km², gấp 3 lần Việt Nam hiện nay) đóng trên phần lãnh thổ hiện nay thuộc Campuchia.

Đế quốc Khmer, tách ra từ Vương quốc Chân Lạp, đã từng cai trị và có phần đất phiên thuộc mà ngày nay thuộc lãnh thổ của các quốc gia: Lào, Thái Lan và miền Nam Việt Nam.

Bản đồ Đế quốc Khmer cuối thế kỷ 12.

Sự khởi đầu của kỷ nguyên Vương quốc Khmer Angkor được cho là bắt đầu từ năm 802 sau Công nguyên. Trong năm này, vua Jayavarman II đã tự xưng “Chakravartin” (Hoàng đế của thiên hạ).

Trong quá trình tạo lập nên đế chế này, người Khmer đã có các mối quan hệ thương mại với đế quốc Java và sau đó với đế quốc Srivijaya giáp biên giới đế quốc Khmer về phía Nam. Di sản lớn nhất của Đế quốc Khmer là Angkor – kinh đô của Đế quốc này vào thời cực thịnh của nó. Angkor là chứng tích của sức mạnh và sự thịnh vượng của Đế quốc Khmer và cũng là hiện thân của nhiều tín ngưỡng mà nó đã mang trong mình. Các tôn giáo chính thức của đế chế này là: Ấn Độ giáo, Phật giáo Đại thừa cho đến khi Phật giáo Nam truyền chiếm ưu thế sau khi được du nhập từ Sri Lanka vào thế kỷ 13.

Tuy nhiên tới năm 1431, cuối cùng thì Angkor thất thủ trước quân Thái. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 là giai đoạn suy tàn liên tục và thu hẹp đất đai của Đế quốc Khmer. Từ giữa thế kỷ 15, Đế quốc Khmer liên tục bị các cuộc xâm lăng của vương quốc Ayutthaya (Thái Lan cổ) tàn phá. Angkor liên tục bị chiếm đóng và tàn phá.

Sang đầu thế kỷ 17, Đế quốc Khmer có sự gắng gượng ổn định đôi chút dưới thời vua Chay Chettha II, tuy không thể bằng các thời kỳ trước đặc biệt là thời Angkor, với việc thành lập một thủ đô mới tại Oudong năm 1618. Vua Chey Chettha II đã mở rộng quan hệ với chúa Nguyễn ở Đàng Trong của Việt Nam, để cân bằng ảnh hưởng từ vương quốc Ayutthaya của Thái Lan. Ông đã cho phép một số ít người Việt đến sống tại Prey Nokor (sau này là Sài Gòn). Bằng sức ép lên đất nước còn đang suy yếu, vua chúa Việt Nam từ từ chiếm được tất cả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bắt người Khmer phải đổi họ, tên theo tiếng Việt.

Bản đồ Campuchia (bảo hộ) và Nam Kỳ (thuộc địa) của Pháp khoảng năm 1863-1876 (thời kỳ đầu Campuchia nằm dưới sự bảo hộ của Pháp 1863-1890).

Từ giữa thế kỷ 17 trở đi, Đế quốc Khmer trở nên suy yếu trầm trọng trước hai láng giềng hùng mạnh và tham vọng bành trướng là Xiêm và Đàng Trong (Việt Nam). Sự định cư của người Việt ở châu thổ sông Cửu Long từ đầu thế kỷ 17 dẫn tới việc họ sáp nhập hoàn toàn vùng đó vào năm 1757, vì thế Đế quốc Khmer mất một trong những vùng lãnh thổ trù phú nhất của họ.

Đến cuối thế kỷ 17, Đại Việt hoàn thành việc chiếm đóng vùng đất Nam Bộ bây giờ. Chứng tích lịch sử này đã tạo nên sự cộng hưởng toàn bộ dân số người Khmer vùng ĐBSCL trở thành một tộc trong tổng số 54 tộc anh em của Việt Nam.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Khmer ở Việt Nam có dân số 1.260.640 người, có mặt tại nhiều tỉnh ở Nam Bộ. Người Khmer cư trú tập trung tại các tỉnh:
Sóc Trăng (397.014 người, chiếm 30,7 % dân số toàn tỉnh và 31,5 % tổng số người Khmer tại Việt Nam)
Trà Vinh (317.203 người, chiếm 31,6 % dân số toàn tỉnh và 25,2 % tổng số người Khmer tại Việt Nam)
Kiên Giang (210.899 người, chiếm 12,5 % dân số toàn tỉnh và 16,7 % tổng số người Khmer tại Việt Nam)
An Giang (90.271 người)
Bạc Liêu (70.667 người)
Cà Mau (29.845 người)
Sài Gòn (24.268 người)
Vĩnh Long (21.820 người)
Cần Thơ (21.414 người)
Hậu Giang (21.169 người)
Bình Phước (15.578 người)
Bình Dương (15.435 người)

Dân tộc Khmer là dân tộc chiếm 90% dân số tại Cambodia (Campuchia). Dân tộc Khmer nằm trong nhóm các dân tộc dùng ngôn ngữ Mon-Khmer sống trên khắp Đông Nam Á. Ngôn ngữ của người Khmer là tiếng Khmer. Đa số người Khmer là tín đồ Phật giáo Khmer – một kiểu Phật giáo hòa trộn nhiều thành phần của Ấn Độ giáo, thuyết vật linh (tục thờ cúng thần sông núi, cây cỏ…), và tục thờ cúng tổ tiên.

Quần thể Angkor Wat của Đế chế Khmer.

Cụ thể hơn, Phật giáo của người Khmer là Phật giáo nguyên thủy, tên phổ thông là Phật giáo Nam tông. Phật giáo Nam tông là Phật giáo gốc mà đức Phật Thích ca khai sinh và các quan niệm Phật giáo, giáo lý cũng được người Khmer bảo tồn nguyên vẹn. Nhiều người Khmer định cư ở các vùng lân cận tại Thái Lan (Khmer Surin), và đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam (Khmer Krom).

Người Khmer thường có bề ngoài điển hình của người Đông Nam Á, trông gần giống người Thái và người Lào. Tuy nhiên, người Khmer không thuần chủng, bề ngoài có nhiều nét khác nhau, đó là do kết quả của nhiều thế kỷ pha trộn với người Ấn Độ, người Mã Lai và người Trung Hoa. Các lễ hội chính của người Khmer là:

Bayon.

Ở Việt Nam thì người Khmer sống chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre được gọi là Khmer Crộm. Crộm là phiên âm tiếng Việt của tiếng Khmer, có nghĩa là Dưới.

Người Khmer có 2 lễ lớn trong năm:

– Tết Chuôn Chnam Thmây tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3 đầu tháng Chét (theo Phật lịch) vào khoảng tháng 4 dương lịch.

– Lễ chào mặt trăng (ok ang bok) tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch, trong lễ này có đua thuyền Ngo giữa các phum – sóc.

Người Khmer thờ Phật, tổ tiên và thực hành các nghi lễ nông nghiệp như cúng thần ruộng (neak tà xiê), gọi hồn lúa (ok ang leok), thần mặt trăng (ok ang bok).

Con trai khi lớn đều được cha mẹ gửi vào chùa làm sư từ 3 đến 5 năm. Họ được học kinh Phật, học chữ Khmer ở các trường chùa. Chỉ sau nghĩa vụ tu hành, họ mới được phép hoàn tục và mới có quyền được lập gia đình.

Hôn nhân thường do cha mẹ xếp đặt, có sự thoả thuận của con cái. Cưới xin trải qua 3 bước: làm mối, dạm hỏi và lễ cưới, được tổ chức ở bên nhà gái. Sau đó, người con trai phải ở bên nhà vợ một thời gian. Trải qua ít năm hoặc khi có con, họ ra ở riêng, nhưng vẫn cư trú bên ngoại.

Gia đình nhỏ một vợ một chồng, ở riêng và là đơn vị kinh tế độc lập, có nơi 3-4 thế hệ sống chung trong một nhà. Xã hội Khmer vẫn còn tồn tại nhiều tàn dư mẫu hệ. Tình trạng ngoại tình, đa thê, ly hôn, hoặc loạn luân giữa những người có huyết thống trực hệ, ít khi xẩy ra vì tục lệ tuyệt đối nghiêm cấm.

Odong.

Tục hoả thiêu sau khi qua đời của người Khmer đã có từ lâu đời. Sau khi thiêu, tro được giữ trong tháp “Pì chét đẩy“, xây cạnh ngôi chính điện trong các chùa.

Người Khmer là cư dân nông nghiệp dùng cày và trồng lúa nước. Trong bộ công cụ nông nghiệp khá hoàn thiện và hiệu quả của họ, có những dụng cụ độc đáo thích ứng với điều kiện địa lí sinh thái Nam bộ như cái phảng thay cho cày chuyên dùng ở vùng đất phèn, mặn để phát cỏ, cù nèo (Pok) dùng để vơ cỏ. Cây nọc cấy (Sơ chal) dấu vết của chiếc gậy chọc lỗ xa xưa, tạo ra lỗ để cắm cây lúa ở những chân ruộng nước nhưng đất cứng, và cái vòn gặt (Kần điêu) dùng để cắt lúa.

Người Khmer có nghề đánh cá, dệt, chiếu, đan lát, dệt vải, làm đường thốt nốt và làm gốm. Kĩ thuật gốm đơn giản, công cụ chính là hòn kê (K’leng), bàn dập (Chơ), chưa dùng bàn xoay, không có lò nung cố định, gốm mộc, không màu,với độ nung thấp. Sản phẩm gốm chủ yếu là đồ gia cụ, tiêu biểu nhất là bếp (Cà ràng) và nồi (Cà om) rất được người Việt, người Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long ưa dùng.

Người Khmer trồng hơn 150 giống lúa tẻ và nếp khác nhau, họ thường ăn cơm tẻ và cơm nếp. Thức ăn hằng ngày có tôm, cá nhỏ, ếch, nhái, rau, củ. Họ chế biến rất nhiều loại mắm: mắm Ơn Pứ làm bằng tôm tép, mắm Pơ Inh làm bằng cá sặc, nhưng nổi tiếng nhất là mắm B’hóc làm bằng cá lóc, các sọc, cá trê, tôm tép, mắm Pơ Inh làm bằng cá sặc, nhưng nổi tiếng nhất là mắm B’hóc làm bằng cá lóc, cá sọc, cá trê, tôm tép trộn với thính và muối. Gia vị ưa thích nhất là vị chua (từ quả me hay mè) và cay (hạt tiêu, tỏi, sả, ca ri…).

Trang phục dân tộc Khmer.

Trang phục nam nữ Khmer trước đây đều mặc xà rông bằng lụa tơ tằm do họ tự dệt. Lớp thanh niên ngày nay thích mặc quần âu với áo sơmi. Những người đứng tuổi, người già thường mặc quần áo bà ba màu đen, nam giới khá giả đôi khi mặc quần áo bà ba màu trắng với chiếc khăn rằn luôn quấn trên đầu, hoặc vắt qua vai. Chỉ đặc biệt trong cưới xin, nam nữ mới mặc quần áo cổ truyền. Chú rể mặc áo xà rông, áo màu đỏ, cổ đứng với hàng khuy trước ngực, bên vai trái quàng chiếc khăn dài trắng (Kăl xinh) và con dao cưới (Kầm pách) ngụ ý để bảo vệ cô dâu. Còn cô dâu mặc Xăm pốt(váy)màu tím hay màu hồng, áo dài màu đỏ, quàng khăn và đội mũ cưới truyền thống. áo dài Khmer (Wện) gần gũi với chiếc áo dài của phụ nữ Chăm: áo bịt tà, thân áo rộng và dài dưới gối, cổ áo thấp và xẻ trước ngực vừa đủ để chui đầu vào, tay áo chật, hai bên sườn thường ghép thêm bốn miếng vải (thường hoặc màu) kéo dài từ nách đến gấu áo.

Sống trong môi trường chằng chịt kênh, rạch, ghe, thuyền của người Khmer có rất nhiều loại: xuồng ba lá, ghe tam bản, thuyền “tắc rán” hoặc thuyền “đuôi tôm” chạy máy. Ðặc biệt nhất là chiếc ghe Ngo (Tuộc mua) dài 30m, làm bằng gỗ sao, có từ 30-40 tay chèo, mũi và hai bên thành thuyền có vẽ hình ó biển, voi, sư tử, sóng nước. Ghe Ngo chỉ sử dụng trong dịp lễ Chào mặt trăng (OK-ang Bok – tháng 10 âm lịch), còn ngày thường họ gửi trong chùa, được cư dân trong các “Phum“, “Sóc” coi như vật thiêng.

Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer. Trong các ngôi chùa Khmer của Phật giáo Nguyên thủy (Thérévada), ngoài tượng Ðức Phật Thích Ca được tôn thờ duy nhất, chiếm vị trí trung tâm khu chính điện, vẫn tồn tại một hệ thống phong phú linh thần, linh thú – những dấu vết tàn dư còn lại của Bà la môn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Người Khmer có cả một kho tàng văn hóa phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, có một nền sân khấu truyền thống như Dù kê, Dì kê, một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam á. Nổi tiếng nhất là thể loại trường caRiêm kê là thể loại sáng tác bằng thơ ca dân gian dài hàng vạn câu. Cốt truyện chủ yếu vay mượn từ sử thi Ramayana của Ấn Độ.

Người Khmer còn có “Dàn nhạc ngũ âm” và các nhạc cụ truyền thống tạo ra các tác phẩm độc đáo mang đậm phong cách giống Thái Lan và Lào tương tự nhau.

Dưới đây mình có các bài:
– Đế quốc Khmer bị diệt vong như thế nào?
– Sắc màu văn hóa truyền thống dân tộc Khmer
– Một số đặc điểm nghệ thuật dân tộc của người Khmer Nam Bộ
– Múa Rô Băm – một thời vàng son trong đời sống tinh thần của người Khmer xưa
– Đặc sắc Lễ hội Thắk Kôông của người Khmer, Sóc Trăng
– Lễ ngàn núi của người Khmer Nam Bộ
– Lễ hội Xuống đồng của người Khmer Bình Phước
– Nét đẹp văn hóa trong lễ hội thả diều sáo của người Khmer, Bình Phước
– Độc đáo Lễ cầu an của người Khmer
– Trang phục của dân tộc Khmer
– Nét tương phản trong kiến trúc của người Khmer
– Bún nước lèo – Đậm đà hương vị ẩm thực Khmer
– Cốm dẹp – món ăn dân dã của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long

Cùng với 16 clips tổng thể nền văn hóa đặc thù của một dân tộc đã có một lịch sử vương triều với nền văn minh thuộc một trong những vương quốc hùng mạnh có một không hai một thời trong vùng Đông Nam Á để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.
Túy Phượng

(Theo Wikipedia & VOV)

Đền thờ Angkor Wat là một trong những di sản của đế quốc Khmer.

Đế quốc Khmer bị diệt vong như thế nào?

(Minh Long)
Biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới sự sụp đổ của vương quốc Khmer tại Campuchia cách đây gần 600 năm.

Đế quốc Khmer từng trải dài trên phần lớn lãnh thổ Đông Nam Á từ năm 801 tới năm 1400 trước khi biến mất đột ngột. Livescience khẳng định đây là một trong những nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người trước khi nó suy vong. Trong nhiều thập kỷ qua giới sử học đưa ra vô số lời giải thích về sự diệt vong của đế quốc Khmer. Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân là cuộc xung đột với các quốc gia khác, trong khi nhiều người khẳng định đế chế này bị tiêu diệt do đất đai thoái hóa.

Nhưng, theo Livescience, Brendan Buckley – một chuyên gia về khí hậu của Đại học Columbia, Mỹ đã tìm ra bằng chứng đáng tin cậy về việc đế quốc Khmer suy vong do thiếu nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tình trạng đó khiến hệ thống thủy lợi quy mô lớn của Angkor – kinh đô của đế chế – tê liệt, trong khi hệ thống này rất quan trọng với nền kinh tế nông nghiệp. Thủ phạm gây nên tình trạng khan hiếm nước là hai đợt hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây nên.

Buckley và các đồng nghiệp đã dựng lại bức tranh khí hậu trong khu vực xung quanh kinh đô Angkor của đế chế Khmer cổ bằng cách nghiên cứu những vòng tròn bên trong thân các cây bách tại một vườn quốc gia gần đó. Những vòng tròn cho thấy vương quốc này từng trải qua một đợt siêu hạn hán kéo dài tới ba thập kỷ – từ khoảng năm 1330 tới năm 1360. Sau đó đó vương quốc còn hứng chịu một đợt hán hán khắc nghiệt hơn nhưng ngắn hơn trong khoảng thời gian từ năm 1400 tới năm 1420. Buckley cho rằng hai đợt siêu hạn hán có thể khiến mùa màng thất bát và bệnh truyền nhiễm lan rộng – hai thảm họa đối với một đất nước có mật độ dân số lớn. Thế rồi tới năm 1431, vương quốc sụp đổ sau một cuộc tấn công của nước Xiêm (Thái Lan ngày nay).

Đền thờ Angkor Wat là một trong những di sản của đế quốc Khmer.

 “Vào thời đó kinh đô Angkor đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội, chính trị và văn hóa. Sự thay đổi lớn của môi trường đã đẩy người dân Khmer tới giới hạn cuối cùng trong khả năng chịu đựng và họ không thể thích nghi được với thay đổi ấy. Tôi không nói biến đổi khí hậu là nguyên nhân trực tiếp khiến nền văn minh Khmer cổ sụp đổ, nhưng chắc chắn một đợt hạn hán kéo dài tới 30 năm phải gây nên một tác động nào đó”, Buckley phát biểu.

Nhóm của Buckley cũng tìm thấy bằng chứng về những mùa mưa mạnh khiến hệ thống thủy lợi của kinh đô Angkor bị phá hủy. Trong mùa mưa bình thường, hệ thống thủy lợi khổng lồ – gồm kênh rạch, đê, hồ chứa nước – của Angkor có thể chịu được lượng mưa lớn. Nhưng sau một đợt siêu hạn hán kéo dài, hệ thống ấy có thể bị hủy hoại.

Các chuyên gia cho rằng El Niño, được tạo nên bởi sự ấm lên của dòng nước ấm ở phía đông Thái Bình Dương khiến một lượng hơi nước rất lớn bay vào không khí, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những mùa mưa ở khu vực xung quanh Angkor khiến hạn hán kéo dài.

“Chúng ta cần nhớ rằng các nền văn minh vẫn có thể bị tổn thương trước biến động của khí hậu”, Kevin Anchukaitis, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.

Nhiều nghiên cứu trước đây chứng tỏ rằng những thay đổi đột ngột về môi trường có thể đẩy các nền văn minh cổ tới tình trạng diệt vong. Nền văn minh của người Anasazi ở phía tây nam nước Mỹ, đế chế của người Maya ở Trung Mỹ và vương quốc Mesopotamia (phía tây nam châu Á ngày nay) của người Akkadian là những nền văn minh biến mất vì biến đổi khí hậu.


Sắc màu văn hóa truyền thống dân tộc Khmer
Dân tộc Khmer là một dân tộc có mặt sớm ở vùng đất Nam bộ, nhiều ngôi chùa của đồng bào người Khmer trên vùng đất này đã chứng minh được điều đó. Có nhiều ngôi chùa đã ghi dấu trong lịch sử mở cõi của Đồng bằng sông Cửu Long sớm hơn rất nhiều so với tên gọi Gia Định, một tên gọi chính thức đặt dấu ấn cho việc mở cõi và cai trị của chúa Nguyễn ở vùng đất này. Song song với việc ghi dấu ấn cho việc định cư của mình, người dân Khmer cũng kế thừa nền văn hóa Ăngco, nền văn minh lúa nước cộng với tập tục sinh hoạt của những nhóm lưu dân của người Kinh, người Hoa, người Chăm tạo nên một bản sắc, một nền văn hóa riêng của mình. Nền văn hóa đó có giá trị tiêu biểu, không lẫn lộn, pha tạp, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa đó cần được gìn giữ và phát huy nhằm chống sự “xâm thực” của các nền văn hóa khác, bảo toàn nguyên vẹn yếu tố gốc có như vậy mới thấy được sự phong phú đa dạng trong nền văn hóa Việt Nam.

GIÁ TRỊ CỦA VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trong các trường văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ thì văn hóa tôn giáo nổi lên như một sự tự nhiên vốn có, mặc dù văn hóa tôn giáo đến với đồng bào Khmer Nam bộ không phải là sớm nhất. Không phải “người Khmer thích gọi tín ngưỡng Phật giáo Theravada”, mà thật sự tín ngưỡng Phật giáo của họ là tín ngưỡng Phật giáo Theravada. Đồng bào Khmer Nam bộ nói chung sử dụng đạo Phật như một tôn giáo của dân tộc mình, các giá trị của tôn giáo đó dần chuyển thành tín ngưỡng của dân tộc ( ở đây ta tạm gọi là tín ngưỡng Phật giáo). Theravada là một bộ học thuyết được các bậc Trưởng lão ( Trưởng lão bộ ) kiết tập lần thứ nhất sau khi đức Phật niết bàn. Trưởng lão bộ là tập hợp tất cả các bài thuyết giảng của đức Phật, những người thực hành theo bộ này ta thường gọi là Phật giáo nguyên thủy ( hay tiểu thừa). Bộ kinh này sau khi kiết tập đã nhanh chóng lan truyền đến cư dân trong tiểu vùng Đông Nam Á qua đường biển từ phía Nam. Do đó ta thường gọi tôn giáo của người Khmer là Phái Nam tông, Đạo Phật nguyên thủy, Phái Tiểu thừa hay Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ.

Do mang trong mình tính ngưỡng Phật giáo nên các tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer cũng gắn chặt với tôn giáo. Ngôi chùa của người Khmer là một giá trị văn hóa vật thể đặc biệt. Đó là nơi tập hợp cư dân trong vùng, là nơi diển ra hầu hết các lễ hội cộng đồng. Các lễ hội tôn giáo này vẩn còn được đồng bào Khmer gìn giữ và thực hành như lễ ban hành giáo lý (Bon meakh bâuchea), lễ Phật đản (bon pisakh bâuchea), lễ nhập hạ (bon chaul vâssa), lễ xuất hạ (bon chênh vâssa), lễ xuất trần (bon asoch bâuchea), lễ dân áo cà sa (hay lễ dân y – kathin năh tean), lễ an vị tượng Phật (bon putthea phisik), lễ kết giới (khánh thành chính điện – bon bânchoh seima), lễ kết giới tạm (bon bânchoh kôl), lễ hội linh (bon pchum bôn), lễ câu siêu (bon băng skâul), lễ đại cầu siêu (chhak môha băng châul), lễ ngàn núi (bon phoum pon), lễ đi tu (bon bâm bous)…Tất cả những lễ hội đó tuy rằng chỉ là lễ hộ của tôn giáo nhưng vào những ngày này hầu hết những bà con người Khmer điều tham gia như thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Họ cùng với nhau, người có công người có của “hùn nhau làm phước”, như cách nói của người dân Khmer. Những lễ hội đó đã được đồng bào Khmer gìn giữ và duy trì thực hành từ bao đời nay.

Tôn giáo chuyển dần sang tín ngưỡng những tưởng sẽ làm mất đi giá trị vốn có của văn hóa tôn giáo. Nhưng dân tộc Khmer đã gìn giữ nó một cách trọn vẹn thực hành một cách rốt ráo không xề xòa, qua loa. Tạo nên sắc màu riêng biệt trong các lễ hội tôn giáo so với một số dân tộc khác.

Giá trị văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Khmer còn biểu hiện rõ ở vị trí nhà Sư. Sư cả của một ngôi chùa là trung tâm đoàn kết của cả phum, sóc. Ngày trước, khi hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế thì Sư cả có vị trí như một “quan tòa”. Ngôi chùa và nhà Sư của người Khmer là người nắm giữ, lưu giữ hầu hết những giá trị văn hóa. Những lễ hội lớn của cộng đồng, không nhất thiết phải là lễ hội tôn giáo thì nhà Sư vẫn có một vị trí nhất định. Trong một cuộc lễ hội nào đó (ví như Lễ hội đua ghe ngo) thì nhà Sư là người quyết định mọi việc, từ việc tuyển chọn, phân công người tham gia lễ hội, đến việc hạ thủy ghe ngo, ngày giờ tập luyện…

Luyện tập chèo Ghe Ngo.

Vị trí của nhà Sư luôn ở vị trí trang trọng nhất trong các lễ hội nên con trai trong các gia đình Khmer đến 12 tuổi thường được đưa vào chùa đi tu. Đi tu không phải là nhu cầu, mục đích cá nhân, mà là một tập tục, một sắc thái của người dân Khmer, việc đi tu này là hoàn toàn tự nguyện, có người tu 3 ngày, có người tu 3 năm hay lâu hơn. Đi tu với người Khmer là để thành người, để xã hội nhìn nhận như một người có đầy đủ tư cách về đạo đức (trả ơn cha mẹ) và văn hóa (học tập văn chương, ngôn ngữ, phong tục,…).

GIÁ TRỊ CỦA VĂN HÓA DÂN GIAN
Tín ngưỡng Tô tem của người Khmer Nam bộ cũng khắc rõ hình tượng, hoàn cảnh sống của một tộc người trên vùng đồng bằng trũng nước. Do đó không phải ngẫu nhiên hình tượng con rắn Naga được người Khmer chọn làm hình tượng chạm trổ trên các xà nhà, đầu cột, trên các vật dụng thờ cúng, trang trí trong nhà. Đặc biệt rắn thần Naga còn được xem là tổ tiên của dân tộc Khmer qua truyền thuyết về sự phối ngẫu giữa Preak Thôn, con trai thần Mặt trời và nàng Neak, con gái vua rắn Naga. Nhận thức được giá trị văn hóa của tín ngưỡng này nên hầu hết người dân Khmer không di cư, di canh, luôn “bám trụ” với vùng sông nước Nam bộ này, nơi đã sinh ra tổ tiên của mình. Dùng sức dẻo dai của loài rắn nước Naga mà sinh sống và phát triển trên vùng nê địa đầm lầy Nam bộ. nhân đó cũng sản sinh ra nhiều lễ hội mang màu sắc của nền văn minh lúa nước như cúng trăng, đua ghe ngo, đua bò,…

Từ khi được sinh ra đời đến khi trở lại với tổ tiên, người Khmer Nam bộ cũng như các tộc người khác luôn có nhiều lễ hội ghi dấu sự có mặt của mình trên thế gian này và sự hàm ơn đối với các thế lực siêu nhiên. Những lễ hội đó phần nào phản ánh được sắc màu văn hóa mang dấu ấn dân tộc tính của họ, đới với người Khmer đó là lễ cắt tóc trả ơn mụ ( pithi kat sâk bâng kâk chmâp), lễ giáp tuổi (pithi kat chup), lễ lên nhà mới (pithi lơng phteah thmây), lễ cúng ông tà (pithi đâun lơng neaka), lễ xúc hồn (pithi chênh chât prô lưng), lễ nhập thần (pithi đâun lơng arăk), lễ cúng sân lúa (pithi sên lean), lễ cúng tổ (pithi thvay kru), lễ chúc thọ (bon châmrơnpreah chôn), lễ cầu an (pithi kâm san srol), lễ dâng phước (bonđa), lễ giỗ (bon khnop 100 thngai – giỗ 100 ngày, bon khnop chnăm – giỗ năm/ hằng năm), lễ dâng bông (bon khkar), lễ khánh thành (bon sâm pith),… những lễ hội đó được thực hiện tại nhà một gia chủ nào đó nhưng không vì thế mà có thể bỏ qua những tiết lễ.

Nói đến lễ hội dân gian của đồng bào Khmer Nam bộ có thể nhắc ngay đến lễ hội đua bò của vùng Bảy núi – An Giang và lễ hội đua ghe ngo ở Sóc Trăng. Đây là hai lễ hội mang tính đặc thù chuyên biệt của người Khmer Nam bộ. Một lễ hội mang tính hàm ơn đối với thời tiết thiên nhiên, vật nuôi trong việc canh tác nông nghiệp góp phần cho mùa vụ bội thu tạo nên sức sống, sự phát triển trong đời sống của người nông dân Nam bộ; một lễ hội mang tính gợi nhớ tới quá trình khai phá vùng đất hoang vu, quá trình đấu tranh giữa các thế lực để bảo vệ cương thổ. Những giá trị đó nhất định không thể bị mai một được.

Bên cạnh những giá trị văn hóa của lễ hội dân gian như trên thì những giá trị văn hóa của các loại hình nghệ thuật đang được bà con người Khmer gìn giữ cũng là giá trị không thể bỏ qua. Nghệ thuật múa dân gian Lâm thôn từ lâu đã là nguồn cảm hứng của biết bao nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác nên nhưng ca khúc ru ngọt lòng người. Nghệ thuật múa trống sadâm, nghệ thuật múa cổ rôbăm, nghệ thuật hát aday, nghệ thuật tuồng cổ dìkê, dùkê,…tất cả đều có giá trị văn hóa riêng biệt cần phải kiểm kê một cách kỷ lưỡng nhằm gìn giữ và lưu truyền cho hậu thế.

Không chỉ có vậy, giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc Khmer trên vùng đất này còn có những ngành nghề nông nghiệp truyền thống như làm lúa nước, làm khô, chế biến thức ăn,…đặc biệt món mắm pàhoóc và cốm dẹp nổi tiếng thơm ngon, là đặc sản mang dân tộc tính rõ rệt của người dân Khmer Nam bộ. Bên cạnh đó là những vật dụng sinh hoạt hằng ngày, vật dụng bắt cá,…do người Khmer chế tác ra cũng có phần khác biệt với nhiều dân tộc khác. Bên cạnh văn hóa lễ hội truyền thống, văn hóa nghệ thuật thì văn hóa ẩm thực và ngành nghề truyền thống có giá trị đặc biệt quan trọng cần phải ra sức kiểm kê và gìn giữ cẩn thận. Đó là cách ứng xử khoa học và văn minh đối với các giá trị văn hóa.

Nhận thức được những giá trị văn hóa vô song đó trong nền văn hóa đầy màu sắc của đồng bào dân tộc Khmer. Chúng ta cần phát huy để những giá trị đó ngày càng trở nên rõ nét hơn trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Có như thế những giá trị văn hóa đó mới thực sự đi vào đời sống xã hội và cả thế giới sẽ hiểu rõ hơn nền văn hóa đa sắc tộc của Việt Nam. Để phát huy các giá trị mà chúng ta đã khẳng định đó, trước hết phải khẩn trương, kiểm kê một cách đầy đủ để hiểu hơn nền văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer nhằm đề ra kế hoạch gìn giữ, bảo tồn để các giá trị của nền văn hóa đó không bị mai một dần đi.


Một số đặc điểm nghệ thuật dân tộc của người Khmer Nam Bộ
(Bài: NSƯT Sơn Lương – ảnh Hồng Bỉnh Hiếu)
Người Khmer Nam Bộ có một kho tàng nghệ thuật dân tộc phong phú và độc đáo, được lưu truyền từ xưa đến nay với nhiều loại hình: âm nhạc, múa, sân khấu, mỹ thuật, kiến trúc… VanVN.Net xin giới thiệu với bạn đọc bài nghiên cứu dưới đây của Nghệ sĩ ưu tú – Nhạc sĩ Sơn Lương về một số đặc điểm của các loại hình nghệ thuật này.

Với người Khmer Nam Bộ, âm nhạc, múa, sân khấu… không chỉ tồn tại trong lễ hội dân tộc mà còn có mặt trong những sinh hoạt đa dạng khác của cuộc sống. Các hoạt động nghệ thuật thường diễn ra trong lễ hội, lấy sân chùa hoặc gia đình làm nơi biểu diễn chính. Có thể điểm qua một số loại hình nghệ thuật như sau:

Về âm nhạc
Âm nhạc ở đây bao gồm cả ca hát là bộ phận hữu cơ của nghệ thuật biểu diễn. Có thể nói mỗi người Khmer đều rất nhạy cảm với âm thanh và nhịp điệu, chỉ cần nghe tiết tấu trống là nhảy múa được. Họ luôn giữ âm nhạc như nhịp đập của ý tưởng, cái ý tưởng ấy không chỉ diễn tả bằng lời mà còn bằng âm thanh và điệu bộ.

Tâm hồn người Khmer Nam Bộ được thể hiện rõ nhất trong các bài hát dân gian, từng lời ca tiếng hát đã làm lay động đến tình cảm sâu kín của con người.

Hát trong lao động sản xuất thì có những bài:
“Chriêng boong som nanh” (hát quăng chài),
“Chrêng Káp Chhơ” (hát đốn cây),
“Chriêng Stung Srâu” (hát cấy lúa)…


Trong phong tục, lễ nghi thì có rất nhiều bài hát, chỉ riêng lễ cưới đã có hàng trăm bài, điểm sơ qua như hát mở rào, hát quét chiếu, hát buộc chỉ, hát cắt hoa cau…

Trong sinh hoạt, người Khmer Nam Bộ cũng phong phú về thể loại hát trữ tình:
-Aday (đối đáp),
-Chom riêng (độc xướng).

Các loại bài Sắc Crova (hò) với nội dung lời hát đơn giản, mộc mạc:
Cro bây si Srâu.
Boong minh hean đing.
Cro bây đơ ching.
Boong đing ôy mơl…

tạm dịch:
Con trâu ăn lúa,
anh không dám đuổi,
khi trâu đi rồi,
anh đuổi cho xem.

Đi cùng bài hát là các loại hình dàn nhạc. Chúng ta dễ dàng bắt gặp ở hầu hết các phum, sóc đều có các loại dàn nhạc phục vụ cho từng tính chất lễ hội, sinh hoạt vui chơi riêng biệt:

Voong Phliêng Khxe (dàn nhạc dây) là loại dàn nhạc dân gian phục vụ cho các buổi sinh hoạt theo phong tục tập quán. Dàn nhạc này gồm các loại nhạc cụ:
– Trô u (đàn gáo)
– Trô sô (đàn cò)
– Khưm (đàn tam thập lục)
– Chapây Vêng (đàn Chom Riêng)
– Skôr đay (trống nhỏ)
– Khôlôy (sáo trúc)

Voong Phliêng Pinh Peát (dàn nhạc ngũ âm) là loại nhạc cổ điển thường dùng trong những ngày lễ ở chùa, đám tang, đám làm phước. Nhạc cụ trong dàn nhạc chủ yếu là bộ gõ, gồm:
– Đàn Rô nett ek (đàn thuyền)
– Đàn Rô nett thung (đàn thuyền thung)
– Rô nett đek (đàn thuyền bằng sắt)
– Kôông tut (đàn cồng vòng nhỏ)
– Kôông thom (đàn cồng vòng lớn)
– Trống Săm phô (trống nhỏ để ngang)
– Skor thom (cặp trống lớn)
– Chhưng (chủm chọe) làm bằng đồng.

Voong Phlêng Dù kê có các nhạc cụ:
– Trô Alea (đàn gáo)
– Trô sô
– Khưm
– Trống nhỏ
– Trống lớn
– Cồng
– Phèn la
– Chủm chọe…

Voong Phlêng Rô băm gồm:

– Sralay – Rom (kèn)
– Trống nhỏ
– Trống lớn
– Cồng

Có thể nói, âm nhạc là bạn đường không thể thiếu đối với người Khmer. Chính âm nhạc đã gõ nhịp cho từng quãng đường đời của họ bằng những giai điệu trầm bổng, vui buồn, trữ tình, hùng tráng từ lúc con người mới sinh ra cho đến khi về nơi an nghỉ cuối cùng.

Múa gáo dừa, một thể loại thường xuyên được các đoàn nghệ thuật Khmer biểu diễn.

Về nghệ thuật múa
Trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn, múa chiếm một vị trí quan trọng, luôn có mặt trong mọi sinh hoạt tập thể. Thể loại múa phổ biến của người Khmer Nam Bộ là múa dân gian dân tộc gắn liền với cuộc sống đời thường, được giữ gìn trong khung của phong tục tập quán và lế nghi tôn giáo.

Các điệu múa hiện nay còn lưu giữ được là: múa Rom vong (múa vòng), múa Saravan trong sinh hoạt tập thể; múa Rom leo (múa Lào), múa Rom Kbách (múa cung đình), múa Aday (múa xen kẽ đối đáp), múa trống Sa dăm, múa trong lễ cưới, múa trong lễ cúng Arặc (múa của thầy cúng lúc lên đồng)…
Sân khấu Dù Kê còn được tổ chức trong các lễ hội cổ truyền.

Về nghệ thuật sân khấu
Nghệ thuật sân khấu của người Khmer Nam Bộ được các nhà chuyên môn đánh giá có trình độ phát triển cao so với các dân tộc ít người khác ở Việt Nam. Nổi bật có sân khấu cổ Rô Băm và sân khấu Dù Kê. Cả 2 hình thức này đều mang nhiều yếu tố thuộc các lĩnh vực nhgệ thuật múa, hát, thơ, nhạc, mỹ thuật…

Sân khấu Rô Băm sử dụng ngôn ngữ múa làm vai trò chủ đạo nên tên gọi đầy đủ của nó là Rom Rồ Băm (Múa Rô Băm). Tuy nhiên, về mặt kết cấu vỡ diễn vẫn thể hiện qua tuyến kịch như các loại hình sân khấu khác.

Chị Lâm Thị Hương, nghệ nhân dân gian hiếm hoi biểu diễn Rô Băm ở Sóc Trăng.

Vỡ diễn của sân khấu Rô Băm hầu hết là vỡ cổ tích, đứng đầu là Rem Kê (ảnh hưởng trường ca Ấn Độ Ramayana) với các nhân vật như: Nàng Sê Đa, Hoàng tử Phrés Riem, Khỉ thần Hanuman… Đặc điểm của sân khấu Rô Băm là các nhân vật được hư cấu theo 2 tuyến thiện – ác. Nhân vật Chằn đại diện cái ác, Khỉ tài trí thông minh đại diện cái thiện nhưng đều phải mang mặt nạ, đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa Rô băm với Dù kê.

Dù kê là sân khấu ca kịch dân tộc, tương tự như cải lương của miền Nam. Sân khấu Dù kê ra đời khoảng thập niên 20 của thế kỷ XX. Đây là sản phẩm văn hóa tinh thần do bàn tay khối óc người Khmer Nam Bộ sáng tạo nên, được một bộ phận người Kinh, người Hoa và người dân Campuchia rất ưa chuộng.


Múa Rô Băm – một thời vàng son trong đời sống tinh thần của người Khmer xưa
Có thể nói trong các loại hình nghệ thuật của người Khmer xưa, Rô Băm là loại kịch múa được cho là đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rực rỡ. Người ta còn liên tưởng Rô Băm của người Khmer với nghệ thuật hát Tuồng của người Kinh: tinh tuý đấy nhưng số công chúng có mỹ cảm và trình độ thưởng thức không nhiều…”

Đôi nét về điệu múa Rô Băm
Rô Băm còn gọi “Rom Rô Băm” là loại kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer xưa. Nếu Dù Kê có thể truyền tải những vấn đề của cuộc sống đương đại thì Rô Băm chuyên về diễn tả những “chuyện xưa tích cũ”.

Điệu Rô Băm được các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp biểu diễn những động tác và tư thế của đôi bàn tay, trong tư thế phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, uốn cong của toàn thân. Người xem cảm thấy bâng khuâng, thương nhớ các nàngApsara (vũ nữ thiên đình) mà hình ảnh tuyệt vời còn lung linh trên mặt đá; với sức mạnh khái quát thể hiện tính chất trang nghiêm sùng kính của truyền thống tôn giáo và cung đình từ thời xa xưa… thể hiện ý tình sâu kín nhất của các nhân vật. Muốn đạt được trình độ đó, nhiều nghệ sỹ phải trải qua nhiều năm rèn luyện.

Trong vở diễn Rô Băm thường có hai tuyến nhân vật vua, hoàng tử, công chúa… không mang mặt nạ. Và ngược lại những nhân vật mang mặt nạ gồm nhiều loại, nhưng nổi bật nhất là vai chằn – Yeak- đại diện cho phái ác. Ngoài ra, trong vở diễn Rô Băm cũng thường có vai hề xuất hiện để gây cười làm vui nhộn sân khấu”.

Sân khấu Rô Băm ngoài động tác múa, còn dùng lời nói, lời hát để giải thích các tình tiết, sự kiện, hành động của diễn viên. Nội dung thường là tích cổ như vở Riêm kê trích từ anh hùng ca Ấn độ Ramayana… Nhân vật trở thành mẫu người lý tưởng của người Khmer như nàng Sêđa xinh đẹp thuỷ chung, hoàng tử Rama tài giỏi nhưng gặp nhiều chuyện gian truân, khổ ải. Khỉ thần Hanuman có nhiều pháp thuật cao cường… Các vở khác như Ra Ta Na Vông, Linh Thôn… cũng đều đượm tinh thần Phật giáo “Ở hiền gặp lành”, làm việc ác ắt phải đền tội.

Âm nhạc Rô Băm ngoài phần hát còn có nhạc đệm gồm trống “Cồn” và kèn Slayrom. Đây là dàn nhạc chủ yếu gây không khí cổ động cho đêm diễn và đệm múa, có âm lượng lớn, diễn tấu như: trống thúc mạnh mẽ trong những màn chiến đấu, khi khóc than thì cất lên tiếng kèn nghe thật ai oán….

Theo các nghệ nhân thì Rô Băm xưa kia thường biểu diễn ngay dưới đất, có rải rơm lên trên, ánh sáng đốt bằng dầu mù u. Ngày nay sân khấu được dựng trên bục cao cho khán giả dễ coi, ánh sáng được thay bằng điện. Đạo cụ cho diễn viên được trang bị khá hơn. Phông màn thường vẽ cung vua hay cảnh rừng già. Phía trước có kê một cái bàn con với ít ghế nhỏ. Màn chỉ được kéo lên một lần trong suốt vở diễn. Mỗi khi chuyển cảnh “ông Bầu” giới thiệu qua cảnh tiếp để người xem dễ theo dõi.

Rô Băm – Loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khmer ở Kiên Giang.

Một thời hoàng kim
Những năm thập niên 60 của thế kỷ XX là khoảng thời gian hoàng kim nhất của Rô Băm. Hàng năm các đoàn nghệ thuật Rô Băm thường đi lưu diễn ở đám làm phước, các chùa… Đoàn đi diễn đến đâu đều được bà con Khmer địa phương “hậu đãi” lo nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Các diễn viên hết lòng đem tài năng nghệ thuật ra phục vụ công chúng. Nhiều đêm diễn trăng sáng, mưa trái mùa lâm râm, tiếng ếch nhái oang oang khắp đồng và nhảy loạn xạ trên sân cỏ nhưng bà con vẫn nhiệt tình, chăm chú, say mê xem đoàn diễn hết đêm này đến đêm khác.

Múa Rô Băm không dễ như một số loại hình khác. Ðể có diễn viên, đoàn Rô Băm Bưng Chông phải đào tạo từ khi các diễn viên ở độ tuổi 10 – 12 chứ khi trẻ đã lớn khó tập lắm. Còn để múa được, phải tập liên tục ít nhất là ba tháng. Ðiều đặc biệt của loại hình nghệ thuật này là cho đến nay vẫn chưa có trường đào tạo nên phần lớn tự đào tạo tại lò nhà mà thôi. Vì thế, chỉ có ai thật sự yêu nghề, dám hy sinh cho nghề mới theo nổi. Và, có lẽ vì vậy mà ngày càng ít người đến với Rô Băm.

Xã hội hiện đại kéo theo các loại hình nghệ thuật phát triển rầm rộ. Những đêm diễn Rô Băm trong sân chùa, trên những cánh đồng sau thu hoạch, hay trong các lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ đã dần thưa khán giả và đi vào quên lãng. Rô Băm là bộ môn nghệ thuật thuộc di sản văn hóa của đồng bào Khmer. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ trình độ để thưởng thức Rô Băm, do tính sử thi ẩn chứa trong loại hình nghệ thuật này. Tính triết lý khắt khe, nhân văn cổ điển trong từng vở diễn Rô Băm luôn được đề cao.

Do đó, nó đòi hỏi người xem phải có kiến thức và am tường bộ môn nghệ thuật này. Muốn Rô Băm không bị thất truyền, thì cần có sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía. Ngành chủ quản phải trực tiếp chỉ đạo và thực hiện việc sưu tầm, đào tạo lớp diễn viên trẻ múa dẻo. Đặc biệt, ở các phum sóc nếu có điều kiện nên khuyến khích thành lập các đội Rô Băm quần chúng để giao lưu rộng rãi.

Trong xu hướng hiện nay, người ta quay về với cội nguồn, nhiều loại hình văn hóa dân gian đã được công nhận di sản văn hóa của thế giới như Cồng chiêng (Tây Nguyên), Hát Quan họ (Bắc Ninh), múa Hoa Đăng (cung đình Huế), Hát Xoan, Ca Trù… Rô băm, cũng rất xứng đáng là kiệt tác trong kho tàng văn hóa của dân tộc vì các loại hình này đã tồn tại khá lâu và vẫn được nhiều người ưa thích.

Lễ hội Thắk Kôông của người Khmer.

Đặc sắc Lễ hội Thắk Kôông của người Khmer, Sóc Trăng
Hàng năm, đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Thắk Kôông nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người có được cuộc sống an lành, hạnh phúc… Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của người Khmer ở Sóc Trăng.

Đồng bào Khmer Sóc Trăng có rất nhiều lễ hội truyền thống trong năm. Hầu hết các lễ hội của mang đậm tinh thần Phật giáo Tiểu thừa. Trong đó, không thể không nhắc đến Lễ hội Thắk Kôông.

Lễ hội Thăk Kôông, hay còn gọi là lễ hội cúng dừa, được tổ chức ở chùa Mahasal Thatmon, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 14 – 16 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội bắt nguồn từ truyền thuyết: Ngày xưa, ở An Trạch, tự nhiên nổi lên một gò đất hình dạng như chiếc cồng. Mỗi lần có chân người dẫm lên, gò đất phát ra âm vang như tiếng cồng. Ai lên giẫm được là gia đình may mắn, khỏe mạnh và mùa màng thuận lợi. Được ít lâu, tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Người dân trong vùng tin là gò đất có thần linh, nên lập một ngôi miếu thờ. Hàng năm, dân làng An Trạch cùng nhau tổ chức lễ hội cầu an ở miếu này và gọi đó là lễ hội Thăk Kôông. Trong tiếng Khmer, Thăk Kôông có nghĩa đạp cồng, nhằm gợi lại sự tích về tiếng cồng vang lên từ đất.

Trong ngày lễ hội đông đảo bà con đến chùa cầu nguyện.

Lễ hội Thăk Kôông cũng như lễ hội cầu an, mong được trúng mùa, bà con bình an lao động sản xuất. Những lễ vật dâng cúng trong lễ này lại là những thứ hoa trái mang đậm dấu ấn tín ngưỡng. Chiếc bình bông làm bằng trái dừa vạt miệng, đây là loại trái cây có nước tinh khiết, ngọt lành.

Theo một số người, cúng dừa là nhằm cầu xin trời phật ban cho sự ngọt ngào để công ăn việc làm thuận phát, con cháu hiếu thảo. Ngoài ra, bên cạnh dừa, người ta còn dâng cúng trầu cau, bông sen, nhang đèn… Đó là những vật phẩm đồng bào Khmer Nam bộ gọi là Slathođôl – biểu tượng cho sự thanh khiết và thiêng liêng. Mỗi gia đình tùy theo lời nguyện của mình mà đem theo dâng cúng, thường thường mỗi gia đình đem 1 hay 2 cặp dừa dâng cúng nhưng cũng có gia đình đem đến 7 – 8 cặp dừa, có màu sắc khác nhau. Đa số lễ vật cúng có năm thứ tượng trưng cho năm vị Bồ Tát.

Kết thúc lễ, người Khmer tổ chức nghi lễ tống tiễn. Tất cả lễ vật: muối, gạo, củi… được đặt trong một chiếc thuyền bằng bẹ chuối. Các vị Acha tiến hành thắp nhang cầu khấn, tạ ơn thần linh. Sau 3 tuần rượu, nghi lễ kết thúc, tiếng trống, tiếng cồng vang lên, cờ lễ kéo xuống, kết thúc lễ hội. Lễ vật, thuyền lễ bằng chuối được mang đến một con kênh, thả trôi theo dòng nước.

Sau khi du khách ra về, bà con thực hiện nghi lễ rắc tro để cầu cho mùa màng tươi tốt. Nghi lễ này trước đây được thực hiện bởi những bà lão và thiếu nữ người Khmer, ngày nay, có sự tham gia của tất cả mọi người, người Khmer cũng như người Việt, người Hoa trong vùng. Họ lấy những hạt giống ngũ cốc đã được đặt trên bệ thờ suốt những ngày lễ hội, một ít tro, nhang từ các lư hương… mang ra rải trên cánh đồng, để dâng cún

Thạch Nam (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét