Viếng Tháp Chăm Trong Tầm Tay - kỳ 3 (Võ Quang Yến)



Phần 3: Từ phong cách Bình Định qua phong cách muộn
Giờ Cham Pa sao u buồn áo não?
Ngọn Tháp Chàm cổ kín giữa hoàng hôn.
Bãi cát vàng in dấu bước chân buồn,
Còn nghe mãi tiếng vó câu dồn dập.
Vân Trang (Nổi buồn Cham Pa)

XII-Khu tháp Hưng Thạnh
Hưng Thạnh là một khu tháp dưới chân đồi ở phường Đống Đa thành phố Qui Nhơn tỉnh Bình Định. Khu có hai tháp (thay vì ba) nên còn được gọi là Tháp Đôi. Tuy bị hư hại nhiều, nhưng được trùng tu lần cuối cùng năm 1990, cả hai tháp trông rất sạch sẽ, trang trí, cấu trúc giống nhau, thân khối vuông, mái hình tháp mặt cong, mất chóp, quay mặt về hướng đông. Tháp nam thấp hơn tháp bắc, ngày nay còn có bốn thanh đá đánh dấu một khung cửa hình chữ nhật. Toàn bộ chân tháp được đặt lên những tảng đá khổng lồ tượng trưng một đài sen. Trang trí những cánh sen là hình tượng vũ nữ, voi, sư tử. Còn trên bộ diềm mái bằng đá bên trên thì có hình tượng khỉ nhảy múa, những con vật đầu voi, mình sư tử, những ngưòi ngồi sáu và tám tay, đặc biệt những thần điểu Garuda ở bốn góc. Với hai tay dương cao, hình tượng các chim thần nầy chịu ành hưởng phong cách khmer thời Angkor Vat. Tuy nhiên, thân tháp giữ kiến trúc Cham Pa với các của giả, cột ốp, mặt nổi giữa các cột ốp, vòm trên cửa giả hướng lên cao thành mũi lao. Trong tháp có vết tích một bệ tượng, có thể để đặt một linga. Tháp bắc nhỏ hơn tháp kia, tuy còn bị hư hại nhiều hơn, những vết tích còn lại cho thấy củng kiến trúc với những prasada phong cách Angkor Vat. Phong cách nầy cũng thấy trong một đường gờ khá hư mang hình tượng vũ nữ. Tuy nhiên, những con rồng, thường được cho là sư tử, đứng hung hăng mang quả bóng ở hai chân sau lại như rồng Việt Nam. Những chi tiết nầy gây khó khăn cho cuộc xác định niên đại khu tháp. Hưng Thạnh được xây dựng thời phong cách Bình Định, cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, vào lúc giao lưu giữa Cham Pa và vương quốc Khơ me lên cao. Truyền thuyết kể chuyện những quả bóng vàng đặt trên các đỉnh tháp bị quân chiếm đóng người Âu mang đi cuối thế kỷ XVIII... Trước 1990, tháp được trùng tu những năm thập niên 1960 rồi 1980.

 
Tháp Hưng Thạnh

XIII- Tháp Cánh Tiên
Giữa thành Đồ Bàn xưa, nay thuộc thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách Qui Nhơn khoảng 30 km, một ngôi tháp đơn lẻ nắm trên đồi cao hai bậc được gọi tháp Cánh Tiên vì trông như đôi cánh nàng tiên bay lên Trời. Vì có vẻ đẹp duyên dáng nên dân gian còn gọi là tháp Con Gái. Người Pháp có tên Tour de Cuivre (Tháp Đồng). Tục truyền quanh tháp lúc xưa có một khu mưới tháp gọi là Thập Tháp, nay không còn nữa. Từng được trùng tu, tháp có cấu trúc cao 20m gần nguyên vẹn, gồm có tiền sảnh nay bị hư hại và điện thờ. Đế tháp cao, có các khối đá lớn giữ vững, các trụ ốp bao quanh thân, phần ngoài hoa dây xoắn được chạm khắc trên những phiến đá sa thạch. Bình diện vuông, mỗi bề 10m, tháp có bốn cửa, vòm bất thường nhọn vút. Chỉ có cửa hướng đông đưa vào lòng tháp, các cửa kia đều giả, gồm có hai trụ ốp tạo thành ô khám phía dưới và hình cung nhọn bên trên. Bốn tầng diềm mái có bốn tháp góc bằng đá trang trí, mỗi góc có bốn tầng dáng lá lật tựa các chim bay. Ở các góc đầu tường, những tảng đá chạm hình đuôi phụng cùng hình tượng loài quỷ quái Makara cho thoát một vẻ huyền bí. Hiện trong tháp có bàn thờ nữ thần Thiên Y A Na. Tháp được xây dựng thế kỷ XII, thuộc phong cách Bình Định, có một phần ảnh hưởng kiến trúc Angkor Vat, vào thời Chăm Pa giao lưu nhiều với vương quốc Khơ me... Năm 1934, Jean-Yves Claeys khai quật ở địa điểm Tháp Mắm (tên người ở cạnh, người Pháp gọi Tháp Mẫm) phía tây-bắc tháp Cánh Tiên 2km và khám phá một số hiện vật nay được trưng bày ở viện Bảo tàng Đà Nẵng trong phòng Tháp Mắm.

Tháp Cánh Tiên

XIV- Khu tháp Dương Long
Cụm di tích Dương Long gồm có ba tháp tọa lạc trên một đồi cao thuộc hai thôn Vân Tương xã Bình Hòa và An Chánh xã Tây Bình, huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định, phía nam núi Trà Sơn, cạnh thành dân sự phế tích Phú Phong, cách Quy Nhơn phía tây-bắc 35 km. Người Pháp có tên Tour d’Ivoire (Tháp Ngà). Nằm theo trục bắc-nam, bình đồ hình vuông, mỗi cạnh 12m gấp khúc nên trông như hình đa giác, các tháp được xây bằng gạch, các góc và mái bằng đá lớn. Có thể là nhóm tháp sử dụng đá nhiều nhất như những đền đài khơ me cùng thời. Thoạt tiên kiến trúc và chạm trổ trông giống nhữ prasadakhơ me. Tháp giữa (30m) cao hơn hai tháp kia cũng là tháp còn lại cao nhất trong các tháp Chăm và còn giữ tiền sảnh. Thân tháp cao vút, các trụ ốp trơn tru nâng toàn bộ mái tháp. Các cửa chính hình mũi lao mở ra hướng đông. Những lanh tô, nhất là ở tháp nam, được bố trí như những lanh tô khơ me nhưng trang trí với lá cây Chăm mẫu hình Tháp Mắm. Trang trí mái đua là cây, hoa, những Gajasimha từng cặp vật nhau và những hàng vú đàn bà. Tượng thần điểu Garuda chân quắp đầu rắn trang trí hai trụ cửa bằng đá. Các cửa giả có hình lá nhĩ, thân rắn uốn quanh bên ngoài, mặt Kala dữ tợn khạc rắn bảy đầu bên trong. Diềm đá ngăn cách thân và mái chạm khắc tinh vi những hình voi và sư tử kết thành dải chạy quanh rất linh động. Bốn mái gốm có bốn tầng nhỏ dần với một búp sen trên chóp. Hai tháp kia trang trí có phần khác: ngoài các hình voi, bò Nadi, sư tử Kala giậm chân rắn Naga, còn có những con vật kì dị cùng những hình người, các đạo sĩ ngồi thiền,...Tháp bắc còn giữ những cửa giả, trang trí mái đua cũng là cây, hoa, sư tử, mặt người và những con vật trông tựa linh dương. Tháp được những chuyên gia Ba Lan và Việt Nam trùng tu những năm 1981 và 1990. Những hiện vật được đem về trưng bày ở việt Bảo tàng Bình Định tại Quy Nhơn. Chịu nhiều ảnh hưởng nghệ thuật khmer, tháp Dương Long có thể được xây trong thời gian người Khơ me đô hộ, khoảng hai thế kỷ XII-XIII.

Tháp Dương Long

XV- THÁP PHÚ LỘC
Phú Lộc là một ngôi tháp đơn tại thôn Châu Thành, phường Nhơn Thành, làng Phú Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, còn mang tên Phú Lốc, Phước Lộc, Thốc Lốc, Phốc Lốc, Tháp Mên, người Pháp gọi Tour d’Or (Tháp Vàng). Tháp bằng gạch bình đồ hình vuông, mất tiền sảnh, mỗi chiều 9,7m, chỉ cao 15m nhưng với nền đá cao lại được xây trên một đỉnh đồi nên trơ trọi nổi bật trên bầu trời. Từ tháp tầm mắt phóng bốn hướng bao quát cà miền đồng bằng An Nhơn, Phù Cát. Đặc biệt, các chân cột ốp, diềm mái cho thân và các tầng của tháp đều bằng đá, điêu khắc chỉ định thờ thần Shiva. Các cột ốp ở góc, các ô dọc giữa các cột ốp trơn tru nhô mạnh ra. Cửa chính hướng về đông, ba của giả ba tầng nhỏ dần lên trên tựa ba lưỡi mác nhọn vút lên sát diềm mái, trang trí hoa văn xoắn kết dài. Các vòm trên cửa giả được trang trí với các phù điêu. Cửa trên mái tháp trông như những khám thờ, bao quanh trên vòm cửa nhọn có hoa văn lá lật xơắn đối xứng trang trí. Bên trong, một bệ thờ, trang trí lá sen, có thể là chỗ đặt một linga bị mất. Lúc trước có một Ganesha nay không còn nữa. Tháp thuộc phong cách Bình Định, được xây dựng vào đầu thế kỷ XII, có lẽ trong thời kỳ quân Khơ me chiếm đóng kinh đô Vijava (Phật Thệ, Phật Thành), vì vậy có nhiều ảnh hưởng kiến trúc và nghệ thuật Angkor. Tháp Phú Lộc được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1995.

Tháp Phú Lộc
XVI- Khu tháp Po Klong Garai
Cụm tháp Po Klaung Garai nằm trên đồi Trầu, phường Đô Vinh, cách 5 km phía tây-bắc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, trên quốc lộ đi Đà Lạt, là di tích Chăm còn lại đẹp nhất. Tồng thể xây làm ba đợt, gồm có ba tháp : tháp Chính (20,5m) nơi thờ phụng và hành lễ, tháp Lửa (9,31m) nơi bếp núc, tháp Cổng (8,56m) nơi tiếp khách, được vua Shihavaman (Chế Mân) xây dựng cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV để thờ vua Po Klaung Garai (1151-1205). Tháp Chính ba tầng giả thu nhỏ dần, được xây trên một sân thượng cao. Năm cột trụ tường không có trang trí. Trong tháp có tượng vua Po Klaung Garai được tạc vào phiên đá mukhalinga. Trên cửa chính, pho tượng đẹp thần Shiva sáu tay đang múa là tượng điêu khắc hiếm ở tháp ngoài con bò thần Nandi quỳ hướng về thần. Hai bên cửa là bia chữ Chăm cổ ghi lại những lần trùng tu tháp. Trên một mỏm đá ba mặt niên đại 950, những chữ khắc ghi lại một cuộc nổi loạn chống nhà vua là chuyện vô cùng hiếm có trong ngành nghiên cứu văn khắc. Tháp Lừa nằm phía đông tháp Chính có hai mái cong hình thuyền biểu tượng thuyền chở người chết về phía mặt trời lặn, theo tín ngưỡng Bà La Môn. Tháp Lửa cũng là nơi chứa long bào, đại mão, xiêm y, vật quý tế lễ. Tháp Cổng có hai cửa thông nhau để ra vào khi hành lễ, cúng tế. Các tháp đều xây bằng gạch nung đỏ, hình vòm, hình chóp nhọn, phù điêu trang trí kết hợp hai văn hóa Chăm cỗ và Việt. Kiến trúc, nghệ thuật toàn cụm tháp đạt đỉnh cao với những chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muôn, thần thánh. Tháp được các chuyên gia Ba Lan tùng tu giữa những năm 1981 và 1990, được bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1979. Ngày nay, đồng bào Chăm còn đến dự đông đảo những ngày lễ hội lớn nhỏ Kabul, Katê (năm mới), khai mương, đắp đê.
 Tháp Po Klaung Garai

XVII - Tháp Po Romê
Po Romê là một ngôi tháp còn lại trong một cụm đền đài, nằm trên một ngọn núi nhỏ ở làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Cách xa Po Khaung Garai khoảng 20 km, tháp không thờ thần mà thờ vua Po Romé được hóa thần, có tượng ở phía trong cùng với tượng bán thân hoàng hậu Po Bia Thang Chan, người dân tộc Ê Đê, còn tượng hoàng hậu Sucih thi đặt ngoài tháp. Tháp vuông bốn tầng bố cục giống nhau, cao khoảng 8m, rộng gần 8m, chân 1,9 m, có tiền sảnh nhỏ hẹp hướng về phía đông. Tầng nhất có ba cửa giả, những tầng kia có dảy trang trí vòm. Mỗi mặt tháp có trán tường với ba cung nhọn chồng chất, tuợng trán tường ở bờ mép, tượng một người ngồi thờ hay cầu xin ở giữa. Trên cửa chính có vòm trang trí những ngọn lửa như ở góc các cửa sổ giả, trán tường đã bị mất, không có cột trụ. Đỉnh nóc là một phiến đá lớn hình tháp mang nhiều hình vạch. Bên trong tháp, hình tượng vua Po Romê trình bày một người Chăm lông mày, râu rậm, đầu đội mũ, hai tay đặt trên bụng, sáu tay kia mang những đồ lề của các thần Cham Pa : trisula, kiếm, dao găm, cung, nút sen. Hai bên vua có tượng hai con bò Nandi. Như vậy Po Romê là hoá thân của Shiva. Phía tâykalan có dựng tấm bia như trên bàn thờ gọi là kút. Xây dựng muộn vào giữa các thế kỷ XV-XVI, một bản sao vụng về tháp Po Khaung Garai, đây là kalan cuối cùng bằng gạch và của vương quốc Cham Pa. Sau Po Romê, các tháp đều bằng vật liệu nhẹ : sườn gỗ, lợp ngói và ngày nay chẳng còn tồn tại. Tục truyền chính nhà vua đã tự mình chọn chỗ. Hằng năm, đến kỳ lễ Katê, người Chăm đến đây đông đúc như ở tháp Po Khaung Garai.


Tháp Po Romê


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét